Cỗ quan tài bay khiến nhiều phi công phát xít Đức chết oan
Do có động cơ quá nóng, oanh tạc cơ Heinkel He-177 trở thành nỗi khiếp sợ của phi công phát xít Đức mỗi khi phải cầm lái tham gia tác chiến.
Oanh tạc cơ Heinkel He-177 của phát xít Đức. Ảnh: History.
Năm 1937, nhằm thiết lập ưu thế vượt trội về không quân chuẩn bị cho Thế Chiến II, lãnh đạo phát xít Đức đã lên ý tưởng sản xuất một oanh tạc cơ có tải trọng và tầm bay ngang với các phi cơ của phe Đồng minh, nhưng có khả năng bay nhanh hơn và cao hơn, theo Aviations militaires.
Sau hai năm nghiên cứu và phát triển, năm 1939, 8 phiên bản oanh tạc cơ Heinkel He-177 đầu tiên ra đời với kỳ vọng có thể mang được hai tấn bom, vận tốc đạt 540 km/h và phạm vi hoạt động lên đến 6.700 km.
Các tướng lĩnh phát xít Đức hy vọng rằng Heinkel He-177 sẽ trở thành nỗi ám ảnh cho các hạm đội tàu chiến phe Đồng Minh ở Đại Tây Dương cũng như các căn cứ của Liên Xô bên kia dãy núi Ural.
Các kỹ sư phát xít tính toán rằng để đạt được các yêu cầu đó, Heinkel He-177 cần ít nhất một cặp động cơ có sức mạnh khoảng 2000 mã lực. Nhưng tại thời điểm đó, công nghiệp hàng không của Đức chưa có loại động cơ nào mạnh như vậy, nên họ quyết định dùng động cơ Daimler DB-601 yếu hơn của máy bay BF-109 để thay thế.
Một trong những yếu điểm của động cơ Daimler DB-601 là khả năng xả nhiệt kém, khiến động cơ nóng lên rất nhanh. Ngay cả khi hoạt động bình thường, nhiệt độ trong động cơ có thể tăng lên mức xà dọc bằng kim loại của cánh máy bay bị nung mềm.
Hậu quả là 6 trong số 8 chiếc Heinkel He-177 đầu tiên đã bị rơi khi bay thử nghiệm do cháy động cơ, khiến các phi công thiệt mạng. Trong số 35 chiếc Heinkel He-177 A-0 cải tiến sản xuất tiếp theo, hơn một nửa cũng chịu chung số phận.
Một chiếc Heinkel He-177 của phát xít Đức rơi do cháy động cơ. Ảnh: History.
Video đang HOT
Các chỉ huy không quân Đức còn phạm một sai lầm nghiêm trọng về chiến thuật khi đặt ra các yêu cầu tác chiến không phù hợp cho Heinkel He-177. Họ đòi hỏi tất cả các oanh tạc cơ này phải có khả năng bổ nhào ném bom, theo cách của chiếc Junker 87 Stuka.
Năm 1942, 170 chiếc Heinkel He-177 A-3 được cải tiến về động cơ và biên chế chính thức cho quân đội Đức ở mặt trận phía đông để tấn công Liên Xô. Trong chiến dịch Stalingrad, mặc dù được trang bị thêm pháo hạng nặng 75 mm, những oanh tạc cơ này vẫn phải gánh chịu thất bại thảm hại. Hầu hết máy bay đều tự bốc cháy khi tiến hành ném bom bổ nhào mà không cần trúng bất kỳ phát đạn nào từ vũ khí phòng không Liên Xô.
Thất bại nhục nhã này khiến các phi công phát xít Đức vô cùng thất vọng và đặt biệt danh cho các oanh tạc cơ hạng nặng nàylà “những cỗ quan tài bay” hay “pháo hoa bay” để phản đối lãnh đạo không quân tiếp tục ép buộc họ sử dụng Heinkel He-177.
Tư lệnh không quân Đức thời điểm đó là Hermann Gring lại đổ tội cho cấp dưới, nói rằng ông ta không biết gì về điều này và khẳng định yêu cầu một chiếc máy bay ném bom 4 động cơ phải bổ nhào là điều “ngu ngốc”.
Theo ước tính, phát xít Đức chế tạo vài nghìn chiếc Heinkel He-177, song chúng hầu như không gây tác động lớn tới cục diện chiến tranh, mà chỉ làm cho Hitler lãng phí tiền của và sinh mạng phi công Đức.
Nguyễn Hoàng
Theo VNE
Nghi thức rước đuốc Olympic đầu tiên và mục đích tuyên truyền của Hitler
Trước mỗi kỳ Olympic, nghi thức rước đuốc đều được tiến hành. Nhưng thực chất, kỳ rước đuốc đầu tiên là sản phẩm từ cỗ máy tuyên truyền của phát xít Đức.
Người chạy rước đuốc trong kỳ Thế vận hội Olympic 1936 diễn ra tại Đức. Ảnh:Wikimedia Common
Ngày 1/8/1936, trùm phát xít Đức Adolf Hitler mở màn Thế vận hội Olympic lần thứ 11 tại Berlin. Theo Business Insider, cùng với tuyên bố khai mạc sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này, Hitler đã khai sinh một nghi thức dường như đã trở thành truyền thống, một hoạt động không thể thiếu cứ mỗi kỳ Olympic đến: lễ rước đuốc.
Khi ấy, chỉ một người chạy duy nhất có nhiệm vụ mang theo ngọn đuốc lấy từ Olympia, Hy Lạp, nơi từng diễn ra các cuộc thi đấu thể thao thời cổ đại, đưa vào sân vận động.
"Cuộc đấu mang tinh thần thể thao và hiệp sỹ thức tỉnh những cốt cách tốt đẹp nhất của con người. Nó không gây chia rẽ mà đoàn kết các chiến binh trong sự hiểu biết và tôn trọng. Nó cũng giúp kết nối các quốc gia trong tinh thần hòa bình. Đó là lý do vì sao Ngọn lửa Olympic không bao giờ tắt", Hitler được cho là đã phát biểu như vậy tại lễ khai mạc sự kiện.
Giới chuyên gia đánh giá, Hitler thực tế chỉ đang đưa ra một thông điệp tuyên truyền cho đảng Quốc xã.
Lễ rước đuốc "được đảng Quốc xã dành sự quan tâm vô cùng lớn nhằm tạo nên hình ảnh một nước Đức hiện đại, năng động về kinh tế, với ảnh hưởng quốc tế ngày một sâu rộng", theo BBC.
Nói cách khác, Hitler chỉ muốn sự kiện Thế vận hội gây ấn tượng mạnh cho những người nước ngoài tới thăm Đức, bình luận viên Elena Holodny và Amanda Macias từ Business Insider nhận định.
Nhà tổ chức Olympic 1936, Carl Diem, thậm chí còn xây dựng lễ rước đuốc dựa trên một nghi lễ của người Hy Lạp cổ đại có từ năm 80 trước công nguyên, với dụng ý kết nối các thế vận hội cổ đại với đảng Quốc xã.
"Ý tưởng này hoàn toàn phù hợp với niềm tin của đảng Quốc xã rằng người Hy Lạp cổ đại thuộc chủng tộc Aryan, tổ tiên của người Đức hiện đại", theo BBC. "Và sự kiện đó là sự kết hợp hoàn hảo giữa hành động bóp méo lịch sử với việc công khai sức mạnh của nước Đức đương đại".
Theo Bảo tàng Tưởng nhớ Thảm sát Do Thái ở Mỹ, lễ chạy rước đuốc của Hitler là biện pháp hoàn hảo cho các nhà tuyên truyền Quốc xã nhằm thu hút người Đức, đặc biệt là thanh niên, tới với phong trào Quốc xã.
Bản thân ngọn đuốc cũng do Krupp Industries, một nhà cung cấp vũ khí chính cho phát xít Đức, sản xuất.
Olympic 1936 đã chứng kiến không ít tranh cãi. Bất chấp việc Hitler rêu rao rằng sự kiện này "là cuộc đấu của tinh thần thể thao, hiệp sỹ...đoàn kết các chiến binh trong sự thấu hiểu và tôn trọng", những người Quốc xã vẫn cố gắng ngăn cản người Do Thái và da màu tham gia thi đấu.
Như ông Andrew Nagorski, phóng viên kiêm tác giả viết sách, từng kể trong một cuốn sách của mình rằng tờ báo chính thức thuộc đảng Quốc xã là Volkischer Beobachter thậm chí còn đăng một tuyên bố nói để những người da trắng và da màu cùng nhau tranh đua là "điều xấu hổ và phỉ báng đối với tinh thần Olympic".
Những nhóm và nhà hoạt động khác nhau cả ở Mỹ và các quốc gia khác đã tẩy chay Thế vận hội. Cuối cùng phe Quốc xã phải "đầu hàng" khi thông báo sẽ chào đón "các vận động viên thuộc mọi chủng tộc", nhưng thêm rằng thành phần đội tuyển Đức sẽ do nước chủ nhà quyết định.
Trong suốt Thế vận hội, Hitler được cho là đã ca ngợi vang dội những người Đức giành chiến thắng, nhưng lại không cho thấy tinh thần thể thao khi vận động viên các nước khác hay vận động viên da màu giành giải.
Theo tác giả Nagorki, Hitler cũng tuyên bố: "Thật không công bằng khi nước Mỹ cử tới các phiên bản mẫu kém cỏi này để so kè với những sản phẩm thượng hạng của nước Đức...Tôi sẽ bỏ phiếu chống người da màu tham gia sự kiện trong tương lai".
Dù vậy, điều gây lo lắng nhất về Olympic 1936 là nỗ lực tuyên truyền của đảng Quốc xã đã phát huy tác dụng với các khách mời và vận động viên.
William L. Shirer, một phóng viên Mỹ sống tại Berlin lúc bấy giờ, sau đó nổi tiếng với cuốn sách "Những thăng trầm của Phát xít Đức", đã ghi lại sự thất vọng của mình khi chứng kiến cảnh các du khách phản ứng tích cực với toàn bộ chiến dịch tuyên truyền. Một phụ nữ Mỹ thậm chí còn tìm cách hôn lên má Hitler khi y tới thăm một khu thi đấu bơi lội.
Nhưng những trích dẫn lạnh lùng nhất mà ông Nagorski ghi chép được lại đến từ Rudi Josten, một phóng viên người Đức của hãng thông tấn AP.
Ông Josten viết: "Mọi thứ đều miễn phí và toàn bộ các sàn khiêu vũ đều mở cửa trở lại...Họ chơi nhạc Mỹ và đủ thứ linh tinh. Dù gì, mọi người đều nghĩ rằng 'hóa ra Hitler không phải là người xấu đến vậy".
Thế nhưng chỉ hơn ba năm sau, Thế chiến II chính thức nổ ra.
Hoàng Nguyên
Theo VNE
Các đặc điểm tâm lý giải thích sự tàn bạo của Hitler Sự tàn ác của Hitler bắt nguồn từ những đặc điểm tâm lý tiêu cực và bất thường từ thuở nhỏ cũng như trong quá trình hoạt động chính trị sau này của trùm phát xít. Trùm phát xít Adolf Hitler. Ảnh: History Trong hai năm cuối của Thế chiến 2, khi cục diện chiến trường bắt đầu nghiêng về phe Đồng minh,...