Cơ quan quản lý Thụy Sĩ phê duyệt việc UBS tiếp quản Credit Suisse
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, Cơ quan giám sát thị trường tài chính Thụy Sĩ ( FINMA) đã phê duyệt việc UBS tiếp quản Credit Suisse để tiếp tục tất cả các hoạt động kinh doanh của cả hai ngân hàng mà không bị hạn chế hoặc gián đoạn.
Một chi nhánh ngân hàng Credit Suisse tại Lucerne, Thụy Sĩ, ngày 13/2/2023. Ảnh: THX/TTXVN
FINMA tin rằng giải pháp tiếp quản và các biện pháp được thực hiện giúp đảm bảo sự ổn định cho khách hàng của ngân hàng và cho trung tâm tài chính sau khi Credit Suisse trải qua cuộc khủng hoảng niềm tin.
Trước khi rơi vào cuộc khủng hoảng lần này, Credit Suisse đã bị coi là mắt xích yếu trong chuỗi ngân hàng châu Âu khi ngân hàng này vướng vào một loạt vụ bê bối bắt đầu từ năm 2021 gây ra sự khó khăn về tài chính và giảm sút về uy tín.
Sau 167 năm tồn tại độc lập, Credit Suisse đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ và bị ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ là UBS tiếp quản trong cuộc giải cứu khẩn cấp do Chính phủ Thụy Sĩ làm trung gian. Thỏa thuận này là vụ siêu sáp nhập đầu tiên của các ngân hàng quan trọng trong hệ thống toàn cầu kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Video đang HOT
Credit Suisse nằm trong số 30 tổ chức tài chính được coi là ngân hàng quan trọng trong hệ thống toàn cầu và giới chức lo lắng về hậu quả nếu ngân hàng sụp đổ. UBS lớn hơn nhưng Credit Suisse có ảnh hưởng đáng kể, với tài sản trị giá 1.400 tỷ USD được quản lý. UBS có các chi nhánh giao dịch quan trọng trên khắp thế giới, phục vụ giới thượng lưu thông qua hoạt động kinh doanh quản lý tài sản và là cố vấn cho các thương vụ mua bán và sáp nhập lớn.
Cuộc khủng hoảng tại Credit Suisse được cho là đòn giáng mạnh vào Thụy Sĩ – đất nước nổi tiếng trong lĩnh vực ngân hàng với 243 ngân hàng và 24 chi nhánh ngân hàng quốc tế. Sự ổn định và giàu có của Thụy Sĩ chủ yếu phụ thuộc vào lĩnh vực tài chính – ngân hàng vốn được coi là chặt chẽ và an toàn nhất thế giới.
Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ ủng hộ việc UBS tiếp quản Credit Suisse
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, ngày 19/3, Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ khẳng định ủng hộ kế hoạch của ngân hàng lớn nhất nước này UBS mua lại Credit Suisse đang gặp khủng hoảng trong thời gian gần đây.
Chủ tịch ngân hàng Credit Suisse Axel Lehmann (trái) và Chủ tịch UBS Colm Kelleher tại cuộc họp báo sau đàm phán ở Bern, Thụy Sĩ, ngày 19/3/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Để củng cố sự ổn định của thị trường tài chính cho đến khi việc tiếp quản hoàn tất, Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ cấp bảo lãnh cho Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) để ngân hàng này cung cấp tiền mặt bổ sung cho Credit Suisse. Hỗ trợ này nhằm đảm bảo tính thanh khoản của Credit Suisse, từ đó thực hiện thành công việc tiếp quản, bảo vệ sự ổn định tài chính và nền kinh tế Thụy Sĩ.
Một mặt, Hội đồng Liên bang đã tạo cơ sở pháp lý cần thiết để SNB cung cấp cho Credit Suisse khoản hỗ trợ bổ sung dưới dạng tiền mặt, đó là trao cho SNB quyền yêu cầu được bồi thường, đảm bảo sự an toàn cần thiết cho ngân hàng này để có thể cung cấp cho Credit Suisse lượng tiền mặt bổ sung đáng kể.
Mặt khác, để đảm bảo luôn cung cấp đủ tiền mặt cho Credit Suisse trong mọi trường hợp, Hội đồng Liên bang đã quyết định cấp cho SNB một bảo lãnh phòng ngừa nguy cơ vỡ nợ đối với các khoản vay thanh khoản. Cả hai biện pháp đều dựa trên Điều 184 và Điều 185 của Hiến pháp Liên bang.
Hội đồng Liên bang coi các biện pháp này là giải pháp phù hợp nhất để củng cố niềm tin của thị trường vào Credit Suisse và trung tâm tài chính Thụy Sĩ. Đây là các công cụ được sử dụng tương tự tại ở Mỹ, cũng như EU và Vương quốc Anh.
Liên bang cũng cấp khoản bảo lãnh 9 tỷ franc (9,7 tỷ USD) cho UBS để giảm rủi ro mà ngân hàng này phải gánh chịu do mua lại một số tài sản có khả năng bị thua lỗ.
Với gói biện pháp này, Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ tái khẳng định sẵn sàng thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ người gửi tiền và sự ổn định của trung tâm tài chính Thụy Sĩ.
Trong tuyên bố cùng ngày, Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde và Chính phủ Anh đã hoan nghênh hành động nhanh chóng của giới chức Thụy Sĩ để xử lý cuộc khủng hoảng của Credit Suisse.
Theo bà Lagarde, hành động của giới chức Thụy Sĩ là nền tảng để khôi phục thật tự thị trường và đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính. Bà cho biết thêm khu vực ngân hàng giao dịch bằng đồng Euro vẫn ổn định, có vốn và khả năng thanh khoản mạnh mẽ.
Tuyên bố của Chính phủ Anh cũng khẳng định hệ thống ngân hàng của nước này an toàn, trường vốn.
UBS đã đồng ý mua Credit Suisse, ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ theo thỏa thuận được công bố ngày 19/3 trị giá 3,2 tỷ USD. Quyết định này được đưa ra sau khi chính quyền Thụy Sĩ sẵn sàng thay đổi luật để bỏ qua một cuộc bỏ phiếu của cổ đông về giao dịch khi các bên phải gấp rút hoàn tất thỏa thuận trước ngày 20/3 (giờ địa phương).
UBS - ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ chính thức mua lại Credit Suisse Ngân hàng UBS của Thụy Sĩ đã đồng ý mua lại đối thủ đang chìm trong khủng hoảng Credit Suisse với giá 3 tỉ franc (3,23 tỉ USD), đồng thời tiếp quản khoản lỗ lên đến 5,4 tỉ USD. Thỏa thuận sáp nhập Credit Suisse vào UBS được nhà chức trách Thụy Sĩ hỗ trợ nhằm giúp thị trường ổn định trở lại...