Cơ quan quản lý cố tình gây khó khăn cho các “chuyến bay giải cứu” như thế nào?
Chiều muộn 11/7, sau khi đại diện Viện kiểm sát công bố bản cáo trạng dài hơn 100 trang, phiên tòa xét xử vụ “ chuyến bay giải cứu” chuyển sang phần xét hỏi nhóm bị cáo bị truy tố về tội “Đưa hối lộ”.
Trước khi xét hỏi, chủ tọa phiên tòa yêu cầu cách ly ba bị cáo để đảm bảo lời khai được khách quan. Ba bị cáo bị cách ly là: Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự – Bộ Ngoại giao), Trần Minh Tuấn (Giám đốc Công ty Xây dựng Thái Hòa) và Hoàng Văn Hưng (cựu Trưởng phòng 5, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an).
Cáo trạng của Viện KSND tối cao xác định, bị cáo Đào Minh Dương (Chủ tịch HĐQT Công ty Vijasun, thành lập năm 2004, hoạt động trong lĩnh vực du lịch lữ hành, vận tải) qua các mối quan hệ, từ tháng 10/2021 đến tháng 1/2022, đã gặp, đặt vấn đề và đưa hối lộ số tiền hơn 3,5 tỷ đồng cho ba cá nhân có thẩm quyền để xin cấp phép các chuyến bay cho Công ty Vijasun đưa công dân về nước.
Theo đó, bị cáo Đào Minh Dương đưa hai lần với số tiền 1,1 tỷ đồng cho bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế); đưa bốn lần số tiền 1,6 tỷ đồng cho bị cáo Vũ Anh Tuấn (cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh) và đưa một lần 864 triệu đồng cho bị cáo Vũ Ngọc Minh (cựu Đại sứ Việt Nam tại Angola).
Bị cáo Đào Minh Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Vijasun khai báo tại phiên tòa.
Trả lời thẩm vấn, bị cáo Đào Minh Dương khai nhận, việc đưa tiền cho các cá nhân để được cấp phép các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước. “Bị cáo đến gặp bị cáo Phạm Trung Kiên và bị cáo Kiên yêu cầu, nếu muốn được tổ chức chuyến bay phải nộp 150 triệu đồng một chuyến. Nếu không nộp thì không được duyệt”, bị cáo Dương khai.
Cũng theo lời khai của bị cáo Đào Minh Dương, bị cáo cũng bị người ở Bộ Giao thông Vận tải gây khó khăn trong việc cấp phép các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước. “Ngày mai bay thì hôm nay bị cáo mới được cấp phép chuyến bay”, bị cáo Dương khai.
Theo lời khai của bị cáo Dương, mỗi chuyến bay công ty, của bị cáo phải nộp cọc trước rất nhiều tiền. Thời gian đầu, dù bị người ở Bộ Ngoại giao và Bộ Giao thông Vận tải gây khó khăn, nhưng bị cáo nhất quyết không đưa tiền. Sau đó, bị cáo thấy nếu không đưa tiền thì khó có thể được cấp phép chuyến bay nên bị cáo phải chi 150 triệu đồng một chuyến bay.
“Việc cơ quan hữu quan gây khó dễ cho doanh nghiệp thực hiện chuyến bay cũng khiến những người dân Việt Nam muốn được về nước trong thời điểm dịch COVID- 19 gặp khó”, bị cáo Dương khai.
“Bị cáo từng bị Cục Lãnh sự – Bộ Ngoại giao và Bộ Giao thông Vận tải gây khó khăn, không duyệt chuyến bay. Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan khi là Cục trưởng Cục Lãnh sự còn gây khó khăn, rồi bảo đưa tiền, nhưng bị cáo không đưa nên sát một ngày, công ty của bị cáo mới cấp phép, khó khăn cùng cực”, Dương khai rất chi tiết.
Video đang HOT
Bị cáo Đào Minh Dương còn khai thêm, khi thực hiện các chuyến bay, công ty của bị cáo phải thế chấp trước 30% tiền thuê tàu bay, rồi phải nộp đủ khi được cấp phép, mỗi lần thuê máy bay từ 6 đến 9 tỷ đồng.
“Cục Lãnh sự gây khó khăn. Công dân ở nước ngoài muốn về phải trả tiền nhà, xin nghỉ việc, gửi đồ đạc mà cứ mai bay nay mới biết mình được về là hành hạ họ. Cục Lãnh sự không bảo hộ công dân mà là hành dân”, bị cáo Dương rất bức xúc khi khai báo.
Ngoài lời khai về các bị cáo ở trong nước gây khó dễ cho công ty mình, bị cáo Đào Minh Dương khai tiếp, bị cáo đã đưa tiền theo yêu cầu cho bị cáo Vũ Ngọc Minh (cựu Đại sứ Việt Nam tại Angola). Mỗi vé bay của công dân Việt Nam, bị cáo phải đưa 3 triệu đồng. Tổng số tiền bị cáo đã đưa cho bị cáo Vũ Ngọc Minh là 864 triệu đồng.
Đang xét xử 54 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu"
Trong vụ án này, 21 bị cáo là cựu cán bộ, lãnh đạo bị cáo buộc lợi dụng chức vụ quyền hạn để 515 lần nhận hối lộ 165 tỷ đồng khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp tham gia tổ chức các "chuyến bay giải cứu".
Bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) nhận hối lộ nhiều nhất với 253 lần nhận, tổng cộng 42,6 tỷ đồng trong 11 tháng.
Sáng 11/7, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 54 bị cáo trong vụ "chuyến bay giải cứu". 54 bị cáo bị truy tố về các tội: "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ", "Môi giới hối lộ", "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Bộ Ngoại giao và một số tỉnh, thành phố.
Sáng sớm, bị cáo Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) mặc áo sơ mi cộc tay kẻ caro, đeo khẩu trang xanh được dẫn giải xuống từ xe cảnh sát cùng hai bị cáo khác đến phòng xử án. Các bị cáo khác cũng được xe cảnh sát dẫn giải đến tòa án sau đó và được đưa ngay vào phòng xử án để phục vụ cho công tác xét xử.
Bị cáo Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.
Bị cáo Tô Anh Dũng bị cáo buộc 37 lần nhận hối lộ của 13 doanh nghiệp với tổng số tiền là 21,5 tỷ đồng, nhiều thứ 4 trong 21 bị cáo nhận hối lộ. 19 lần bị cáo Dũng nhận tiền trực tiếp tại phòng làm việc tại Bộ Ngoại giao, 15 lần tại các quán cà phê hạng sang tại trung tâm Hà Nội, 2 lần trước cổng trụ sở Bộ Ngoại giao và một lần nhờ vợ nhận hộ.
Bị cáo Tô Anh Dũng được phân công phụ trách, chỉ đạo Cục lãnh sự - Bộ Ngoại giao, cũng là đơn vị đầu mối tiếp nhận hồ sơ từ các doanh nghiệp tham gia các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước trong đợt dịch COVID-19.
Bị cáo Vũ Hồng Nam, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.
Bị cáo Tô Anh Dũng có nhiệm vụ ký văn bản xin ý kiến của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Y tế, ký đề xuất gửi lãnh đạo Chính phủ phê duyệt kế hoạch đưa công dân về nước. Trong quá trình tố tụng, bị cáo Tô Anh Dũng và gia đình đã nộp 16,2 tỷ đồng khắc phục hậu quả.
Bị cáo Trần Văn Dự (cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh) bị cáo buộc nhận hối lộ hơn 3,1 tỷ đồng thông qua hai bị cáo cấp dưới là Vũ Anh Tuấn và Vũ Sỹ Cường. Tổng số tiền ba cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh nhận hối lộ trong vụ án là hơn 31 tỷ đồng.
Bị cáo Chử Xuân Dũng, cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội.
Trong 49 lần đưa hối lộ và nhận hối lộ, bị cáo Vũ Anh Tuấn trực tiếp đi nhận, nhưng chỉ báo cáo bị cáo Trần Văn Dự 7 lần. Quá trình tố tụng, bị cáo Trần Văn Dự đã nộp khắc phục 2 tỷ đồng.
Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) bị cáo buộc 32 lần nhận hối lộ của 8 đại diện các doanh nghiệp, tổng số tiền 25 tỷ đồng, nhiều thứ ba trong số các bị cáo nhận hối lộ. Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan nhậm chức Cục trưởng từ tháng 7/2021 và bị cáo buộc đã bắt đầu nhận hối lộ từ tháng 12/2020, khi bị cáo còn là Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự.
Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao.
Trong công tác triển khai các chuyến bay giải cứu, bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan ngoài phụ trách chung toàn bộ công việc của Cục Lãnh sự, còn xét duyệt danh sách các doanh nghiệp thực hiện chuyến bay, trực tiếp báo cáo Thứ trưởng Tô Anh Dũng duyệt ký các công văn về việc đề xuất cho các doanh nghiệp tổ chức chuyến bay hồi hương. Hiện tại, bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan đã nộp khắc phục 900 triệu đồng.
Phiên tòa mở tại TAND TP Hà Nội dự kiến làm việc trong 30 ngày với lượng người được triệu tập nhiều nhất trong những đại án tham nhũng gần đây. Trong số này có đại diện 19 công ty thương mại du lịch, dịch vụ; 46 người có quyền nghĩa vụ liên quan cùng 33 nhân chứng. Hơn 100 luật sư đăng ký bào chữa cho 54 bị cáo.
Bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế.
Trong số 54 bị cáo, 21 bị cáo bị truy tố về tội nhận hối lộ; 24 bị cáo bị truy tố về tội đưa hối lộ; 4 bị cáo bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; 4 bị cáo bị truy tố về tội môi giới hối lộ.
Nhóm 21 bị cáo bị cáo buộc nhận hối lộ đều là các cựu cán bộ cao cấp của Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an, UBND TP Hà Nội và UBND tỉnh Quảng Nam. Các bị cáo bị xác định nhận hối lộ hơn 500 lượt, tổng cộng 165 tỷ đồng. Vụ án được xét xử sau 18 tháng kể từ khi những bị can đầu tiên là nhóm cán bộ thuộc Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao bị bắt ngày 28/1/2022.
Bị cáo Trần Văn Dự, cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý Xuất nhập cảnh.
Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, từ tháng 4/2020, Chính phủ cho phép thực hiện chuyến bay giải cứu đưa công dân hồi hương, người dân chỉ phải trả tiền vé máy bay, không mất chi phí cách ly. Sau đó là các chuyến bay combo, người dân tự nguyện trả phí toàn bộ. Doanh nghiệp có nhu cầu tổ chức chuyến bay combo phải xin chủ trương của UBND cấp tỉnh, thành phố - nơi thực hiện cách ly công dân về nước. Hồ sơ sau đó được gửi về Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao để đơn vị này tổng hợp, lấy ý kiến tổ công tác 5 bộ (Ngoại giao, Công an, Y tế, Giao thông Vận tải và Quốc phòng).
Từ đầu năm 2020 đến giữa năm 2021, cơ quan chức năng đã cấp phép và tổ chức hơn 1.000 chuyến bay, đưa hơn 200.000 công dân từ 62 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước. Riêng Bộ Ngoại giao đã đề xuất Chính phủ phê duyệt 772 chuyến bay đưa công dân về nước, trong đó có 400 chuyến bay giải cứu, 372 chuyến bay combo. Nhóm 20 doanh nghiệp với hơn 100 pháp nhân đã nâng giá vé, "chế" nhiều chi phí phát sinh với khách hàng có nhu cầu về nước giữa đại dịch.
Ngoài hành vi đưa nhận hối lộ để thực hiện chuyến bay giải cứu, Viện kiểm sát còn xác định có nhóm bị cáo đã móc nối để "chạy án" cho doanh nghiệp. Bị cáo Nguyễn Anh Tuấn (cựu Thiếu tướng, cựu Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội) đã nhận 2,65 triệu USD (khoảng 61,6 tỷ đồng) để chạy án cho bị cáo Lê Hồng Sơn (Tổng Giám đốc Công ty Bầu Trời Xanh) và bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng (Phó Tổng Giám đốc Công ty Bầu trời xanh).
Bị cáo Tuấn khai, trừ đi 400.000 USD giữ lại thì đã đưa hết 2,25 triệu USD cho bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu Trưởng phòng điều tra, Cục An ninh điều tra) theo từng lần bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng chuyển tiền đến.
Báo CAND sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về phiên xử.
Cảnh sát dẫn giải các bị cáo vụ "" đến tòa Sáng 11/7, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử 54 bị cáo vụ "chuyến bay giải cứu". Xe đặc chủng cùng lực lượng Cảnh sát làm nhiệm vụ dẫn giải, đưa các bị cáo tới phiên tòa. Nhiều bị cáo đeo khẩu trang, lấy tay che mặt. Các bị cáo trong vụ án bị đưa ra xét xử về 5 tội...