“Có quan chức nào có 4-5 nhà mà đứng tên mình đâu!”
“Bây giờ có quan chức nào có 4 – 5 cái nhà mà lấy tên mình, vợ mình đâu. Toàn lấy tên người thân, mà người thân làm doanh nghiệp thì ai có quyền kiểm tra người ta vì họ không thuộc đối tượng kê khai”, ông Phạm Trọng Đạt – Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng – Thanh tra Chính phủ nói.
Sáng 13/6, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, ông Phạm Trọng Đạt – Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng – cho rằng, việc kê khai tài sản nên tập trung vào 1 số đối tượng là người thân của quan chức, bao gồm: con, bố mẹ, anh chị em ruột và kể cả anh chị em bên chồng, bên vợ, con nuôi…
Tuy nhiên, theo ông Đạt, dự luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi đang được Quốc hội thảo luận tại hội trường không đưa việc kê khai tài sản người thân vào. “Ban đầu ban soạn thảo có đề nghị như vậy nhưng nhiều cơ quan không đồng ý, bây giờ chỉ có quy định con chưa vị thành niên và vợ chồng thôi”, ông Đạt nói.
Theo ông Đạt, nếu xây dựng luật theo hướng đó mà tài sản đứng tên anh, chị em, bố mẹ của quan chức thì không có cơ sở để xử lý.
Ông Phạm Trọng Đạt – Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng (Ảnh: Như Phúc)
Về ý kiến mở rộng đối tượng kê khai thì không kiểm soát được, theo ông Đạt, nếu thật sự muốn quản lý, kiểm soát tham nhũng thì phải kê khai tài sản của cả người thân quan chức.
“Bây giờ có ai là quan chức có 4, 5 cái nhà mà lấy tên mình, vợ mình đâu. Toàn lấy tên những người thân cả. Mà người thân làm doanh nghiệp thì ai có quyền kiểm tra người ta vì họ không thuộc đối tượng kê khai”, ông Đạt phân tích.
Video đang HOT
Từ thực tế, ông Đạt cho rằng, vấn đề trên là kẽ hở để quan chức để tài sản cho người thân đứng tên. “Bây giờ biết nhiều quan chức đưa tài sản cho người khác nhưng mình không thể làm gì được vì không có quy định. Những người được chuyển giao tài sản họ nó tôi có phải đối tượng kê khai tài sản đâu mà hỏi thế. Họ nói tài sản đó tôi làm ra đấy, còn nếu tôi làm sai thì các anh bắt đi. Làm sao mà bắt được!”, Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng chỉ rõ bất cập.
Ông Đạt cho hay, nếu ban soạn thảo bảo vệ được quan điểm trên thì đã không quy định đánh thuế 45% tài sản không rõ nguồn gốc. Bởi đã là tài sản không chứng mình được nguồn gốc hợp pháp thì tịch thu luôn.
“Có người bảo như thế là hợp pháp hóa tham nhũng nhưng không phải. Bởi vì thuế cứ thuế, phạt cứ phạt nhưng nếu cơ quan chức năng phát hiện ra tài sản này là tham nhũng vẫn khởi tố, không loại trừ trách nhiệm hình sự”, ông Đạt nói thêm.
Trước ý kiến về việc vừa qua, ngay trong các cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng lại xảy ra nguy cơ tham nhũng, ông Đạt cho rằng, đây cũng là một cơ quan như các cơ quan khác, cán bộ trong cơ quan này cũng là con người, công chức viên chức bình thường. Vì vậy, để phòng tránh được nguy cơ xảy ra tham nhũng thì phải tăng cường rèn luyện, quản lý nghiêm ngặt.
“Thực tế thì cũng có thể xảy ra một vài trường hợp tham nhũng ngay trong cơ quan chống tham nhũng. Vấn đề là phải giáo dục và quản lý chặt”, ông Phạm Trọng Đạt nêu quan điểm.
Quang Phong
Theo Dantri
"Về mặt lý thuyết, người ta vẫn có thể làm giàu từ nuôi lợn, gà!"
"Thứ nhất có thể họ khai đúng. Về mặt lý thuyết thì nuôi lợn, gà, cá, nói chung là chăn nuôi, cũng có thể làm giàu. Vấn đề quan trọng là việc giải trình nguồn gốc tài sản có đúng như thế không. Còn ở khía cạnh thứ hai, có thể đó là cách giải trình cho xong việc để lấp liếm những vấn đề phía sau" - đại biểu Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ quan điểm quanh câu chuyện "nhiều người giải trình nguồn gốc tài sản từ nuôi gà nuôi lợn"
Biệt phủ của gia đình Giám đốc Sở TNMT Yên Bái khiến dư luận quan tâm suốt thời gian qua. (Ảnh: IT).
Câu chuyện quanh phát biểu của thiếu tướng Phạm Lê Xuất, Phó Chánh thanh tra Bộ Công an tại hội nghị giao ban thanh tra các bộ ngành 6 tháng đầu năm 2017 vẫn chưa hết nóng khi ông cho biết: "Do chưa có quy định truy nguyên nguồn gốc tài sản nên mới có chuyện nhiều người giải trình tài sản hình thành từ nuôi lợn nuôi gà".
Câu chuyện khiến cho dư luận cười đấy mà lại đau đấy! Cười bởi sự lý giải về nguồn gốc hình thành tài sản ngô nghê đến mức khó tin của một số vị cán bộ, nếu như lời ông Xuất nói là đúng. Nhưng đau là bởi một quy định vô cùng cần thiết trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng như kê khai tài sản cán bộ hàng năm, hóa ra lại hết sức hình thức vì không chặt chẽ, không tới nơi tới chốn.
Tuy nhiên, đánh giá về câu chuyện này, ông Nguyễn Đình Quyền - Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có một góc nhìn khác: Trong Nhà nước pháp quyền, mọi người dân không có nghĩa vụ chứng minh mình vi phạm, họ có quyền im lặng. Cán bộ công chức có trách nhiệm giải trình, nhưng quyền chứng minh họ giải trình đúng hay có vi phạm là việc của Nhà nước.
"Vấn đề là Nhà nước phải đủ công cụ, đủ thể chế, năng lực, nhân lực... để khám phá ra những hành vi vi phạm pháp luật của tội phạm. Khi hoạch định chính sách đừng trông chờ những người vi phạm hay người tham nhũng khai sự thật" - ông Quyền phân tích.
Vẫn theo Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp, muốn chống tham nhũng thì cần phải kiểm soát được tài sản. Kê khai tài sản chỉ một trong những nội dung của kiểm soát tài sản.
"Muốn kiểm soát tài sản phải làm rất nhiều việc. Hiện chúng ta đang nghiên cứu sửa Luật phòng, chống tham nhũng để các quy định đảm bảo hiệu quả hơn, tránh hình thức. Ở nước ta để chứng minh nguồn gốc của tài sản như nào là vấn đề rất phức tạp" - ông Quyền thừa nhận.
Còn đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: Trong phát biểu mới đây của Phó Chánh Thanh tra Bộ Công an có thể thấy hai khía cạnh.
"Thứ nhất có thể họ khai đúng. Về mặt lý thuyết thì nuôi lợn, gà, cá, nói chung là chăn nuôi, cũng có thể làm giàu. Vấn đề quan trọng là việc giải trình nguồn gốc tài sản có đúng như thế không. Còn ở khía cạnh thứ hai, có thể đó là cách giải trình cho nó xong việc để lấp liếm những vấn đề phía sau" - đại biểu Nhưỡng nhận định.
Vẫn theo đại biểu Nhưỡng, nếu như nuôi lợn, nuôi gà để làm giàu th không phải chuyện đơn giản, bởi chuồng trại phải hoành tráng cỡ nào, quy mô đầu tư ra sao?
"Nếu mỗi năm chỉ nuôi có một vài con lợn hoặc đàn gà mà có được tài sản lớn thì chẳng ai tin. Trước đây thời bao cấp, rất nhiều cán bộ cũng nuôi lợn, gà đến khi bán cũng có tiền mua được đôi chỉ vàng. Nhưng mỗi năm nuôi lợn, gà sắm một đôi chỉ vàng cộng lại không thể có tài sản "khủng" hay xây được "biệt phủ". Đấy chỉ là cách làm ăn kiểu tận dụng, cầm cự, còn như chăn nuôi để có thu nhập lớn hoàn toàn khác. Nếu cán bộ giải trình tài sản lớn có được là do làm công nghiệp, trang trại hay được thừa kế, trúng xổ sổ thì nghe thuyết phục hơn" - đại biểu Nhưỡng nói.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng thừa nhận, việc kê khai tài sản đang làm hiện nay vẫn còn hình thức, chưa thực sự góp phần đáng kể vào việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Theo Cục trưởng Cục chống tham nhũng (TTCP) Phạm Trọng Đạt việc cán bộ giải trình tài sản có được là từ nuôi lợn, nuôi gà cũng là cách lý giải. "Điều quan trọng là cán bộ kê khai, giải trình nguồn tài sản đang sở hữu có hợp lý hay không, nếu có dấu hiệu thiếu trung thực, không hợp lý cơ quan chức năng sẽ tiến xác minh, thẩm định lại. Cán bộ, công chức có hàng chục tỷ đồng mà giải trình từ nuôi lợn, nuôi gà nghe không hợp lý" - ông Đạt nói. Pháp luật quy định việc kê khai tài sản, thu nhập được tiến hành xác minh trong các trường hợp: Khi có tố cáo về việc không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai; khi xét thấy cần thêm thông tin phục vụ cho việc bầu cử, miễn nhiệm, bãi nhiệm, bổ nhiệm, kỷ luật đối với người có nghĩa vụ kê khai; khi có căn cứ cho rằng việc giải trình về nguồn gốc tài sản tăng thêm không hợp lý.
Theo Danviet
Bình Định: Vì sao chưa thể bổ nhiệm lãnh đạo Sở GD&ĐT? Hiện tỉnh Bình Định đang thiếu lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thế nhưng vẫn không thể bổ nhiệm. Vì sao lại như vậy? Ngày 11.7, UBND tỉnh Bình Định cho biết vừa có văn bản gửi Bộ GD&ĐT về việc điều chỉnh, bổ sung tiêu chuẩn chức danh Giám đốc, Phó giám đốc Sở GD&ĐT. Theo ông Hồ Quốc...