Cơ quan chống tham nhũng cần chiến dịch ‘bắt hổ’
Đại biểu Lê Như Tiến nhận xét, án tham nhũng mới dừng ở người đứng đầu các tập đoàn, được ví như ‘mèo nhỏ’. Trong khi đó, họ không thể tự mình gây thất thoát nhiều triệu USD nếu không có đồng phạm là cán bộ nhà nước.
Tại buổi thảo luận về phòng chống tội phạm sáng 7/11, đại biểu Lê Như Tiến nhận xét, cơ quan chuyên trách chống tham nhũng đồng bộ từ trung ương đến địa phương có “chiến thuật đầy đủ”, “bày binh bố trận” song tham nhũng chưa được phát hiện bao nhiêu. Tại kỳ họp này, tòa án tối cao cho biết tiến độ xét xử một số vụ án tham nhũng song chỉ dừng lại ở những người đứng đầu các tập đoàn trong khi họ không thể tự mình gây thất thoát nhiều triệu USD nếu không có buông lỏng quản lý, đồng phạm của một số cán bộ nhà nước.
“Lợi ích nhóm được hình thành từ liên minh ma quỷ đó, ngân khố quốc gia ngày ngày bị đục khoét, mà những người này đứng ngoài cuộc, vô can”, ông Tiến bức xúc và yêu cầu cơ quan phòng chống tham nhũng tập trung vào chiến dịch “bắt hổ”, bởi các siêu dự án làm thất thoát của nhà nước hàng trăm tỷ đồng hơn là những vụ án chỉ “bắt mèo nhỏ”.
Đại biểu Lê Như Tiến. Ảnh: GDVN
Ông Tiến cũng nêu thực trạng kê khai tài sản chỉ là hình thức bởi báo cáo kê khai đó không được công khai tại nơi thường trú, nơi công tác. Có tình trạng cán bộ cấp phòng sau một năm tài sản tăng lên hàng chục tỷ đồng, có cậu bé mới lớn đứng tên biệt thự, ôtô đắt tiền mà không bị phát hiện. Ông cũng thông tin, dư luận xã hội cho rằng công tác phòng chống tham nhũng chỉ dừng lại ở việc bắt sâu nhỏ chứ chưa bắt được sâu lớn đục khoét thân cây gốc rễ. Đó mới là nguyên nhân làm suy kiệt nhựa sống của cơ thể xã hội.
Đại biểu này kiến nghị thành lập Cục điều tra tội phạm tham nhũng trực thuộc Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, được giao “Thượng phương bảo kiếm” để điều tra, nhất là tội phạm trong lực lượng phòng chống tham nhũng.
Video đang HOT
Đại biểu Nguyễn Thị Khá đề nghị đánh giá trung thực nguyên nhân chủ quan, khách quan của nạn tham nhũng hiện nay, bởi số vụ tham nhũng phát hiện xử lý chưa xứng với số thực tế và số tiền phát hiện lớn song thu hồi chỉ được 10-20%. Nhiều vụ bị kéo dài, xử lọt tội phạm hoặc phạt mức thấp nhất.
Bà Khá cũng cho rằng tình hình tham nhũng trong ngành tư pháp diễn ra phức tạp, chiếm 10% trong số vụ tham nhũng trên toàn quốc, nên có thể coi là cán bộ ngành này khi tìm thấy con bệnh không chịu điều trị mà cố tình kéo dài thời gian để vòi vĩnh làm cho bệnh nặng hơn.
“Tham nhũng chồng lên tham nhũng, phạm tội chồng lên tội phạm”, đại biểu Khá nhận xét.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiến chỉ ra tham nhũng có nguyên nhân chủ quan từ một bộ phận cán bộ thoái hóa trong cơ quan nhà nước, cố tình bảo kê băng nhóm xã hội đen như khai thác thài nguyên, vận chuyển hành khách, bến bãi, xả thải trái phép…
Ông Hiến cho rằng, tình hình kinh tế suy thoái khó khăn có một phần do tham nhũng tràn lan, khi mà các công trình phải “chạy chọt” thì tham nhũng gây nợ xấu. Lãng phí, thất thoát còn từ đầu tư ngân sách khi một chiếc cầu 70m song làm tới 140m, một m2 nhà vệ sinh được nâng giá lên 7 lần, một đống sắt vụn được “khống” giá lên hàng trăm tỷ đồng. Ông đề nghị năm tới phải kiểm toán toàn bộ các tập đoàn nhà nước, các dự án giao thông, cơ quan kiểm toán phải chịu trách nhiệm kết quả thanh tra của mình nếu cơ quan pháp luật phát hiện ra tham nhũng.
“Nếu không có tham nhũng, chúng ta sẽ không phải nâng trần bội chi, phát hành thêm trái phiếu, bởi phát hành trái phiếu là vay tiền để nuôi tham nhũng”, ông Hiến nói.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền, ví kẻ tham nhũng như con chuột vào mâm cỗ, phải hết sức khôn ngoan để bắt được chuột mà không làm vỡ mâm cỗ. Ông yêu cầu khoanh vùng những đối tượng có chức vụ mà nhiều người quan tâm vì có khả năng tham nhũng cao hơn.
Về đấu tranh phòng chống tội phạm kinh tế chức vụ và tham nhũng, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang thừa nhận dù đã cố gắng nhưng kết quả điều tra, xử lý chưa tương xứng với tình hình. “Các vụ án trọng điểm đến nay cơ bản đã kết thúc điều tra và chuyển cho Viện Kiểm sát truy tố trước pháp luật”, ông Quang cho hay. Trong lĩnh vực này, Bộ sẽ tập trung giải quyết điểm yếu nhất là khâu phát hiện. Theo đó, các lực lượng chức năng của Bộ Công an sẽ tiếp nhận kịp thời, tập trung xác minh tin tố giác tội phạm tham nhũng từ các kênh; xây dựng cơ chế phối hợp giữa cơ quan điều tra và các cơ quan thanh tra, kiểm toán, thuế…
Theo VNE
Bộ trưởng Công an: 'Oan sai là đáng tiếc'
Bộ trưởng Trần Đại Quang cho rằng, nếu xảy ra oan sai cho ông Nguyễn Thanh Chấn cần phải điều tra nguyên nhân, xử lý nghiêm tập thể, cá nhân các cơ quan tố tụng.
Bên lề Quốc hội ngày 5/11, Bộ trưởng Trần Đại Quang đã có văn bản trả lời để nêu quan điểm về vụ ông Nguyễn Thanh Chấn. Bộ trưởng Quang cho hay, trong quá trình thi hành án, phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn kêu oan, Ban giám thị trại giam đã chuyển đơn của phạm nhân đến Viện KSND tối cao và TAND tối cao xem xét theo thẩm quyền.
"Tôi được biết, các cơ quan chức năng đã nghiêm túc xem xét, điều tra, xác minh và ngày 4/11 Viện KSND tối cao đã có quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án của Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội để chờ đưa ra xét xử theo thủ tục tái thẩm. Đây là việc làm cần thiết và đúng đắn", Bộ trưởng Công an cho biết.
Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang bên hành lang Quốc hội. Ảnh: N.Hưng.
Theo Bộ trưởng Công an, quá trình điều tra, truy tố, xét xử đòi hỏi các cơ quan bảo vệ pháp luật phải tuân thủ nguyên tắc "trọng chứng hơn trọng cung"; mỗi chứng cứ đều được điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán và hội thẩm kiểm tra, xem xét, đánh giá đảm bảo khách quan, toàn diện về tất cả các tình tiết của vụ án theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.
Trong các giai đoạn tố tụng hình sự, kể cả ở giai đoạn thi hành án, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án có trách nhiệm phát hiện và khắc phục kịp thời những sai sót, vi phạm, nhất là oan, sai.
"Quy định của pháp luật tố tụng hình sự rất chặt chẽ, đầy đủ và cụ thể cho nên nếu để xảy ra oan, sai thì đó là điều rất đáng tiếc", người đứng đầu Bộ Công an nói.
Theo Bộ trưởng, sắp tới TAND tối cao sẽ xem xét lại bản án đã có hiệu lực pháp luật theo trình tự tái thẩm. Nếu tòa án kết luận phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn bị oan, thì phải kịp thời minh oan, khôi phục đầy đủ quyền lợi hợp pháp, bồi thường cho người bị kết tội oan; điều tra xử lý nghiêm người phạm tội.
Về trách nhiệm của các cơ quan tố tụng khi để xảy ra án oan, Bộ trưởng Trần Đại Quang nêu rõ: "Phải điều tra, làm rõ nguyên nhân dẫn đến oan, sai, xác định trách nhiệm, xử lý nghiêm minh các tập thể, cá nhân thuộc cơ quan tiến hành tố tụng đã điều tra, truy tố, xét xử oan đối với ông Chấn theo quy định của pháp luật".
Về phía ngành, Đại tướng Quang khẳng định, Bộ Công an đã chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ về các tình tiết có liên quan đến vụ án để xử lý, đảm bảo đúng pháp luật.
Ngày 15/8/2003, chị Nguyễn Thị Hoan bị giết hại tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang. Ngày 17/8/2003, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang khởi tố vụ án Giết người Ngày 30/8/2003, Nguyễn Thanh Chấn, trú cùng thôn với nạn nhân, bị công an triệu tập. Ngày 29/9/2003, Nguyễn Thanh Chấn bị khởi tố bị can, tạm giam về tội Giết người. Ngày 3/12/2003, công an hoàn tất kết luận điều tra vụ án Ngày 10/2/2004, VKSND tỉnh Bắc Giang ra cáo trạng truy tố Nguyễn Thanh Chấn về hành vi giết người có tính chất côn đồ Ngày 26/3/2004, TAND tỉnh Bắc Giang tuyên Nguyễn Thanh Chấn phạm tội Giết người, án tù chung thân Ngày 26-27/7/2004, TAND Tối cao tuyên y án sơ thẩm, bác kháng cáo kêu oan của bị cáo. Bản án phúc thẩm có hiệu lực. Ngày 5/7/2013, bà Nguyễn Thị Chiến (vợ Nguyễn Thanh Chấn) có đơn kêu oan gửi đến Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cho rằng thủ phạm giết người là Lý Nguyễn Chung. Ngày 25/10/2013, Lý Nguyễn Chung ra đầu thú, khai nhận hành vi giết chị Nguyễn Thị Hoan để cướp tài sản Ngày 29/10/2013, VKSND Tối cao khởi tố vụ án hình sự Giết người, cướp tài sản; khởi tố bị can với Chung về hai hành vi này. Cuối tháng 10, bố của Chung là Lý Văn Chúc bị bắt khẩn cấp về hành vi đe dọa giết nhân chứng của vụ án. Ngày 4/11/2013, ông Chấn được tạm đình chỉ thi hành án, trở về.
Nguyễn Hưng
Theo VNE
'Nếu ông Chấn oan, phải xử lý nghiêm các cơ quan tố tụng' Bộ trưởng Trần Đại Quang cho rằng, nếu xảy ra oan sai ông Nguyễn Thanh Chấn cần phải điều tra nguyên nhân, xử lý nghiêm tập thể, cá nhân các cơ quan tố tụng. Bên lề Quốc hội ngày 5/11, Bộ trưởng Trần Đại Quang đã có văn bản trả lời để nêu quan điểm về vụ ông Nguyễn Thanh Chấn. Bộ trưởng...