Có phúc cùng hưởng, có họa đổ lỗi con dâu
Chị về làm dâu cả thoắt đã hai chục năm. Có chị tận tụy quán xuyến, đại gia đình nhà chồng luôn đầm ấm, hòa thuận. Duy có một việc dâu con trong nhà vẫn canh cánh không yên là chưa tìm ra mộ cha.
Bố chồng chị hi sinh ở chiến trường miền Nam. Người thân không ai biết chính xác ông ngã xuống vào tháng, năm nào. Mẹ chồng kể ngày hòa bình lập lại cũng chính là ngày nhận được giấy báo tử của bố. Mảnh giấy nghiệt ngã ấy ghi vỏn vẹn họ tên, đơn vị. Thời gian, địa điểm mất chỉ báo là không rõ. Từ đấy mẹ làm giỗ bố vào ngày 30/4, gần 40 cái giỗ như thế trôi qua, năm nào mẹ cũng xót xa dạy các con phải đưa bố về chôn cất, thờ cúng đàng hoàng. Chồng chị và các em chồng đã ba, bốn lần vào Nam tìm hài cốt bố nhưng đều vô vọng vì thông tin quá ít ỏi, các mặt trận, căn cứ xưa giờ thay đổi quá nhiều.
Năm ngoái một người họ hàng xa mách nước có thầy ngoại cảm rất giỏi tìm mộ, bao nhiêu gia đình liệt sĩ đã nhờ ông mà tìm lại tro cốt người thân. Chị mừng như bắt được vàng, về bàn với cả nhà đến cậy ông thầy này. Mấy đứa em chồng ban đầu tỏ vẻ nghi ngờ, bảo chẳng nên dây vào trò mê tín nhưng mẹ chồng chị một mực ủng hộ. Mẹ chồng chị đã quyết thì chẳng ai còn dám cãi.
Khi gia đình đến ngỏ lời nhờ, thầy quả quyết rằng sẽ thành công, mọi người khấp khởi hi vọng. Ngày vào Nam, con cái dâu rể, cháu chắt đều xin nghỉ 3 ngày để lên đường đi tìm ông, cha. Thầy dắt cả nhà đến một bãi đất lớn miết vùng Tây Ninh. Suốt đường thấy thầy thành khẩn khấn vái, ai cũng tin là đã tìm đúng người. Thời khắc quyết định, thầy làm phép nhập đồng gọi hồn, khoảng 15 phút sau thì hô lớn cho cả nhà hay bố chồng đã nhập vào người chị. Lúc đấy chị đau đầu đến choáng cả người, chỉ biết nghe theo lời ông thầy. Chị đưa tay chỉ một mô đất chếch về hướng phải, thầy lại hô “Thấy rồi, thấy rồi”. Quả nhiên đào chỗ đó lên thì có vài mẩu xương. Mẹ chồng chị sụp xuống khóc như mưa “cuối cùng tôi cũng được nhìn ông trước khi nhắm mắt xuôi tay”. Cả nhà quỳ lạy theo, mừng mừng tủi tủi, họ ôm nhau khóc. Phải đến ngày hôm sau chị mới hoàn toàn tỉnh, hầu như không nhớ gì về lúc lên đồng.
Đưa bố về an táng ở quê cha đất tổ, cả gia đình thấy ấm lòng khôn tả, họ như trút bỏ được gánh nặng lớn trên vai. Bẵng đi một thời gian thì người họ hàng xa báo lại tin dữ. Gia đình họ cũng nhờ thầy ngoại cảm đấy đi tìm mộ người thân, đợt vừa rồi thấy báo chí phanh phui nhiều vụ thầy bà lừa đảo, họ đâm nghi bèn đi xét nghiệm ADN. Chuyện động trời bị bại lộ, nằm trong mộ cha ông họ chỉ là bộ xương lợn. Cả nhà chị bàng hoàng, dù chẳng dám hé răng nửa lời, ai cũng biết bấy lâu nay mình đã thờ cúng một nắm xương động vật.
Video đang HOT
Từ bận ấy, mẹ chồng chị sức khỏe yếu đi hẳn, bà cũng ít khi chuyện vãn thân mật với chị như trước kia, mấy việc trong nhà xưa nay chị quán xuyến giờ mẹ chị trao lại cho các em dâu. Mỗi lần có giỗ chạp về quê, chị nghe sau lưng tiếng xì xào chê trách cô dâu cả già đầu còn rước kẻ lừa đảo về để đến nước cả nhà phải thờ nắm xương hoang. Chị thấy lạnh cả sống lưng, nước mắt rơi mặn đắng mà không biết tâm sự cùng ai. Chị thà bị chửi thẳng vào mặt, bị đuổi ra khỏi nhà còn hơn nửa đời còn lại mang tiếng xấu oan uổng thế này.
Theo VNE
Mâu thuẫn với nhà chồng vì cách dạy con
Tôi cầm roi dạy con, bố chồng xông ra thét lên: 'Mẹ gì như hổ vồ, đàn bà phụ nữ gì mà ác thế, bảo đàn ông đánh con đã đành, nên học công dung ngôn hạnh' và còn một loạt ngôn từ khác rất chợ búa.
Tôi 33 tuổi, chồng 35, có một con trai 7 tuổi, hiện có bầu bé thứ hai. Chúng tôi ở cùng bố mẹ chồng, ông bà rất thương con cháu, đặc biệt ông yêu cháu một cách mê muội, có thể vì cháu giống bố, mà bố lại rất giống ông. Ông hợp, yêu và chiều cháu, cuộc sống vợ chồng tôi tương đối hòa hợp ở mọi khía cạnh. Vợ chồng đều có công việc, thu nhập tạm nói là tốt trong thời điểm này. Tôi hay đọc mục Tâm sự với mục đích chính để có cái nhìn toàn cảnh về con người, xã hội trong bối cảnh hiện tại, mong muốn lường trước những cạm bẫy, bảo vệ gia đình an toàn và luôn hạnh phúc.
Chuyện chẳng có gì nói nếu bố chồng không quá yêu thương và bao bọc cháu, mà cháu ông lại là đứa trẻ ý thức rất kém. Quan điểm của vợ chồng tôi là chăm sóc tốt, ăn học, mặc, chơi đàng hoàng nhưng không chiều chuộng thái quá. Chúng tôi muốn rèn con có tính tự lập, tuổi nhỏ làm việc nhỏ phù hợp với sức lực, có tính tự giác, không mè nheo, bầy hầy, điều này kéo dài sẽ tạo ra một sự ỷ lại, thái độ không tốt với người lớn. Rút từ kinh nghiệm trong cuộc sống, IQ là nền tảng nhưng EQ quyết định thành công, cả hai không thể tách rời và hỗ trợ qua lại với nhau khăng khít.
Ảnh mang tính minh họa.
Con trai tôi biếng ăn và ý thức tự giác rất kém, ham chơi, mỗi ngày đến lớp là một câu chuyện, đổi lại cháu thông minh, tiếp thu tạm nói là nhanh, khéo mồm, nói nhiều, rất hiếu động. Sau một loạt những mâu thuẫn nhỏ, tôi biết cả ông cũng chịu đựng vì những sự quát mắng của vợ chồng tôi dành cho cháu.
Buổi tối hôm qua là "tức nước vỡ bờ", đi làm về tôi đưa con vào tắm gội, 19h phải ăn tối, 20h ngồi vào học, con luôn bầy hầy và muốn thêm thời gian xem tivi. Tôi hết nhỏ nhẹ, phân tích, con vẫn nhùng nhằng khóc, nói mách ông, đưa con vào nhà tắm con bấu véo mẹ, nói không chơi với mẹ, nói muốn mở cửa nhà tắm để xem qua gương (phản chiếu từ tivi vào). Mẹ không đồng ý vì mở cửa nhà tắm sẽ có gió lạnh, làm gì phải tập trung làm tốt cho xong, con khóc thét ăn vạ nói mẹ ích kỷ, mẹ bực lấy khăn quất vào mông, con khóc thét gọi ông ơi mẹ đánh con.
Bố cầm roi dọa cháu tại sao mẹ nói con không chịu nghe, bà nội ở nhà bếp nói hắt ra, hết mẹ đánh rồi đến bố hùng hổ, ông xem tivi ở trong phòng xông ra thét lên: "Mẹ gì như hổ vồ, đàn bà phụ nữ gì mà ác thế, bảo đàn ông đánh con đã đành, nên học công dung ngôn hạnh" và còn một loạt ngôn từ khác rất chợ búa. Chồng tôi biết ông đang thương cháu quá mà nói mẹ, anh muốn phân tích để ông hiểu rằng việc ông xử lý thế chỉ khiến "trống đánh xuôi kèn thổi ngược", cháu hư vẫn hoàn hư.
Ông bảo chồng tôi bênh vợ chằm chằm, đội vợ lên tận đầu, không phải dạy khôn ông, đầu ông có sạn rồi, bọn tôi đi làm mà đầu óc rỗng, đừng tưởng làm được chút mà ra vẻ, ngu vẫn hoàn ngu. Tôi cũng phải nói thêm ông học rất giỏi, được nhà nước cho học bổng bên Nga, nhưng ông có tính hiếu thắng cao, những người nào giỏi hơn ông, ông ghét, kém hơn ông hay coi thường. Ông kém ngoại giao, chậm chạp, ù mì, nhiều người không ưa.
Ông nói việc dạy con không phải dùng roi vọt, phải phân tích đúng sai, kiên trì và dứt khoát. Nếu vợ chồng chúng mày kiếm một tài liệu nào khuyên dạy con bằng roi vọt mà tốt lên, mang về đây cho tao, tao sẽ quỳ xuống xin lỗi vợ chồng mày. Ông giờ hơn 70 tuổi, nhiều bệnh tật, sức khỏe rất yếu, mất ngủ, đau khớp thường xuyên nên tính tình khá nóng nảy.
Tôi là người độc lập, sắc sảo, nóng tính, không thích sống chung đụng, rất ngại va chạm, nhưng nghĩ đi nghĩ lại chồng tôi là con cả (nhà có hai anh em trai), ông luôn yêu thương, chăm sóc cháu và muốn sống với nó. Tôi nghĩ cũng nhờ có ông bà mà tôi có người chồng thật tốt, yêu thương tôi, hiếu thuận với bên ngoại. Tôi hứa sẽ cố gắng hết sức chu toàn và đúng đạo với bên nội, theo như suy nghĩ của ông bà tôi là người thu nhập chính, trụ cột. Thu nhập của tôi nếu không phân tán để lo cho công ty của chồng, lo đóng góp mua nhà cho chú, trang hoàng nhà cửa, chi tiêu gia đình thì tôi thừa mua một miếng đất. Nhưng như ông nói tất cả những công lao của tôi gây dựng lên chỉ một lời phản biện được cho là láo toét và mọi công sức kia đổ xuống sông xuống biển.
Tôi chợt nghĩ ở nhà bố mẹ đẻ mình, trong thời gian vừa đi học vừa đi làm, tôi đã lần lượt giúp các anh em mình người học cao đẳng, người học nghề. Ra trường, bằng mối quan hệ tôi đã xin được việc cho các anh em (cả thảy là bốn), bố mẹ đẻ luôn thông cảm tính cách thẳng thắn của tôi, trân trọng sự hiếu thảo mà tôi dành cho gia đình. Phải chăng ở hai nơi này có sự khác biệt?
Anh trai khuyên tôi, ông già rồi không còn sống được bao nhiêu nữa, cùng lắm là 5 năm, có muốn mắng muốn quát cũng không còn quát được nữa. Vợ chồng còn trẻ lại là con cái nên lựa ông một chút, dạy dỗ con cái cũng hạn chế quân phiệt, phân tích đúng sai, đứa trẻ nào cũng vậy không ít thì nhiều, mỗi lứa tuổi lại có những tâm lý khác nhau.
Bản thân tôi rất hiểu và muốn thông cảm cho ông, cũng muốn khuyên chồng để hai vợ chồng cùng nhau làm cho ông bà vui hơn. Nhưng nghĩ đến những lời nhiếc móc của ông tôi thực sự chỉ muốn mua căn hộ gần đó ở riêng, như thế ông vẫn được vui chơi với cháu. Tôi biết điều này sẽ không được chồng chấp nhận, càng làm ông đau khổ và buồn phiền hơn. Nhưng về lâu dài tôi sẽ sinh cháu nữa, không dám chắc mâu thuẫn không xảy ra.
Tôi viết thư này mong những anh chị đi trước cho tôi một sự chia sẻ. Hy vọng tôi sẽ có đầy đủ sự bao dung, quên hết những lời nhiếc móc của ông, vui vẻ yêu thương ông, cố gắng dung hòa giữa ông và nuôi dạy con để gia đình luôn hòa thuận, đầm ấm.
Theo VNE
Tết này ba có về với mẹ con mình? Tiền vé máy bay về nước với một công nhân đi xuất khẩu lao động như ba thì đắt đỏ lắm. Chưa đến 20 tháng Chạp nhưng nhà hàng xóm đã rộn ràng chuẩn bị sắm sửa đón Tết. Nhà bác Hai bên cạnh đã lột kiệu, làm cải mang ra phơi nắng. Nhà thím Bảy đã xếp đầy sân trước nào bí...