Cơ phó máy bay Malaysia mất tích lần đầu lái Boeing 777
Chuyến bay mất tích MH370 của Malaysia Airlines cũng là lần đầu tiên cơ phó Fariq Abdul Hamid lái một máy bay Boeing 777 với tư cách là một phi công độc lập.
Cơ phó Fariq Abdul Hamid.
Malaysia Airlines (MAS) ngày 24/3 tiết lộ rằng Fariq, 27 tuổi, người đầu quân cho hãng này 7 năm trước, chỉ mới bắt đầu điều khiển dòng máy bay Boeing 777. Chuyến bay xấu số từ Kuala Lumpur đi Bắc Kinh hôm 8/3 là chuyến bay thứ 6 trên Boeing 777 của Fariq nhưng là chuyến bay đầu tiên anh này lái độc lập không có phi công giám sát.
“5 chuyến bay đầu tiên, Fariq thường bay với một phi công giám sát”, Ahmad Jauhari Yahya, tổng giám đốc của MAS, cho biết trong một cuộc họp báo ngày 24/3.
“Fariq đã vượt qua 5 chuyến bay đầu tiên và chúng tôi không nhìn thấy vấn đề gì với cậu ấy cả”, ông Ahmad nói thêm.
Fariq, một người đam mê bay và đang có kế hoạch cưới bạn gái – cũng là một phi công, đã có 2.763 giờ bay. Anh này được cho là đang chuyển sang lái máy bay Boeing 777.
Stephen Buzdygan, một cựu phi công của hãng hàng không British Airways từng lái Boeing 777, cho hay việc phi công phụ thiếu kinh nghiệm không gây ra rủi ro nào đối với chuyến bay.
Một phi công giám sát không phải là một thành viên bổ sung trong buồng lái, nhưng là người được phê chuẩn với tư cách là phi công huấn luyện và có thể giám sát các hành động của phi công thực tập nhằm đảm bảo rằng người này hiểu các giới hạn và khả năng của máy bay.
Các nhân viên điều tra được cho là không tập trung vào việc thiếu kinh nghiệm của cơ phó như một nhân tố trong sự mất tích bí ẩn của MH370, mặc dù họ vẫn tin máy bay bị phá hoại.
Video đang HOT
Các nhân viên điều tra Malaysia tin rằng chuyến bay MH370 đã bị cơ trưởng hoặc cơ phó hoặc cả hai cố tình phá hoại, và rằng hệ thống liên lạc của máy bay đã bị cố tình vô hiệu hóa trước khi nó đi lệnh lộ trình và tiếp tục bay thêm khoảng 7 giờ nữa.
Tuy nhiên, cho tới nay cảnh sát vẫn chưa phát hiện điều gì nghi ngờ về Fariq hay cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah, 53 tuổi.
Theo Dantri
Vì sao MH370 có thể lọt lưới radar quân sự?
Sự việc chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines biến mất khỏi màn hình radar, quay đầu bay trở lại qua không phận nước này mà không bị ngăn chặn đã hé lộ nhiều điều về các hệ thống radar quân sự, tưởng như chặt chẽ nhưng vẫn có lỗ hổng.
Ngày 8/3, chuyến bay từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh đang bay qua Biển Đông và chuẩn bị vào không phận Việt Nam thì ai đó đã cố tình tắt thiết bị thu phát sóng vào lúc 1 giờ 21 phút sáng, khiến nó biến mất khỏi radar của đài kiểm soát không lưu. Chiếc Boeing 777 sau đó quay đầu và bay trở lại không phận Malaysia.
Chuyến bay MH370 được xác định đã đổi hướng bay trở lại không phận Malaysia và mất tích trên Ấn Độ Dương
Không hề bị ngăn chặn cũng không được nhận dạng, mặc dù radar quân sự cấp một đã phát hiện trên màn hình, chiếc máy bay bay qua khu vực Penang trước khi biến mất trên Ấn Độ Dương.
Nhà tư vấn phòng không Ravi Madavaram khẳng định quân đội Malaysia không làm gì sai. "Từ quan điểm của tôi, họ không hề phạm sai lầm. Họ không để lọt một chiếc máy bay quân sự. Họ để lọt một máy bay thương mại, vốn không phải công việc (theo dõi) của họ", ông Madavaram nói.
Tuy vậy, hẳn ký ức về vụ tấn công khủng bố 11/9/2001 vào nước Mỹ vẫn chưa thể khiến người ta quên những chiếc máy bay thương mại khi bị không tặc khống chế, có thể trở thành thứ vũ khí chết người ra sao.
Thế nhưng thất bại rõ ràng của Malaysia trong việc nhận ra máy bay đã chuyển hướng, biến mất khỏi màn hình radar và bay ngược trở lại qua không phận nước này đã cho thấy những lỗ hổng nghiêm trọng trong hệ thống phòng không.
Hầu hết các quốc gia có hệ thống phòng không hiện đại có thể phát hiện một máy bay thù địch đang tiến lại khi chúng ở cách xa bờ biển nước mình tới 320 km, và điều động máy bay chiến đấu lên ngăn chặn.
Đã có nhiều chỉ trích mạnh mẽ tại Trung Quốc, Ấn Độ và cả những công kích kín bởi các nhà ngoại giao và phân tích quân sự phương Tây khi Malaysia không làm được điều này.
Giới chức quân sự Malaysia luôn bác bỏ nhận định không quân đã không làm tròn nhiệm vụ
Sugata Pramanik, một lãnh đạo kiểm soát không lưu của Ấn Độ cho biết, một máy bay "có thể dễ dàng biến mất khỏi radar dân sự bằng cách tắt bộ phát sóng...Nhưng nó không thể tránh được hệ thống phòng không".
Tuy nhiên, chuẩn đô đốc hải quân Ấn Độ Sudhir Pillai thì cho biết, các radar quân sự của nước mình thỉnh thoảng vẫn bị "tắt đi bởi chúng tôi chỉ vận hành chúng khi cần", mà nguyên nhân là do chi phí quá cao.
Không phận không được quản chặt...như trong phim?
Không quân hoàng gia Malaysia từ lâu ít nhiều có danh tiếng, và sở hữu một phi đội chiến đấu cơ Sukhoi S30 và F16. Họ cũng thường có những cuộc diễn tập huấn luyện với không quân Anh, Úc, New Zealand và Singapore.
Quyền Bộ trưởng giao thông Malaysia Hishammuddin Hussein, người cũng là Bộ trưởng quốc phòng, đã bác bỏ những lo ngại và nói rằng thảm họa này là "một vụ việc chưa có tiền lệ", với những bài học cho tất cả mọi người.
"Không đúng khi nói rằng đã có một sự vi phạm quy trình chuẩn...Điều mà chúng ta đang trải qua được cả thế giới theo dõi và có thể thay đổi lịch sử ngành hàng không", ông Hussein nói.
Thực tế là, các quan chức và nhà phân tích cho rằng, hầu hết không phận nằm trên mặt biển - và trong nhiều trường hợp thậm chí cả trên mặt đất - đều thiếu sự bao phủ của radar hoặc thiếu thiết bị hiện đại.
Những lỗ hổng trong hệ thống phòng không các nước Đông Nam Á có vẻ như tương phản với các khu vực khác trên thế giới, và có thể sẽ còn lớn hơn tại những khu vực mà căng thẳng địa chính trị ở mức khá thấp.
"Một vài quốc gia sẽ xấu hổ khi bị lộ chuyện không phận của họ dễ bị đột nhập ra sao", phó nguyên soái không quân Anh Michael Harwood, một phi công về hưu của không quân hoàng gia Anh, kiêm cựu tùy viên quân sự tại Washington khẳng định.
"Có quá nhiều bộ phim và bài báo về máy bay không người lái tại Afghanistan đã khiến người ta nghĩ rằng chúng ta biết mọi thứ, thấy mọi thứ. Nhưng bạn chỉ có được những gì bạn bỏ tiền ra. Còn thế giới thì đa phần không chi tiền", ông Harwood nói.
Các hệ thống kiểm soát không lưu hầu hết dựa hoàn toàn vào các bộ phát đáp trên máy bay để theo dõi chúng. Thế nhưng với MH370, thiết bị này đã bị tắt đi.
Trong khi đó, các hệ thống quân sự, thường bị giới hạn về phạm vi bao phủ, hoặc đơn giản là bỏ qua những máy bay họ tin là những chuyến bay thương mại thông thường. Trong một số trường hợp, các radar quân sự đơn giản là bị tắt đi, ngoại trừ trong thời gian huấn luyện hoặc khi có một mối đe dọa được cảnh báo.
Thanh Tùng
Tổng hợp
Theo Dantri
Mỹ triển khai thiết bị dò hộp đen tìm máy bay Malaysia Hải quân Mỹ hôm nay cho biết đã điều một thiết bị dò tìm hộp đen tới nam Ấn Độ Dương, nơi đang được rà soát để tìm kiếm chiếc máy bay chở khách mất tích của hãng hàng không Malaysia Airlines. Máy bay P-3C Orion của Nhật trợ giúp tìm kiếm MH370. Hải quân Mỹ gọi động thái trên là một "biện...