Cổ phiếu ngân hàng đua nhau lên đỉnh
Thị giá cổ phiếu nhiều nhà băng lập kỷ lục trong tuần qua với kỳ vọng về việc lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ tăng trưởng mạnh.
Điểm nhấn của thị trường chứng khoán tuần qua là việc VN-Index chinh phục thành công cột mốc lịch sử 1.200 điểm dù thị trường không giữ được ngưỡng này khi điều chỉnh vào phiên cuối tuần do hai quỹ ETF tái cơ cấu danh mục.
Trong chặng đường tiến đến ngưỡng 1.200 điểm của VN-Index, nhóm cổ phiếu ngân hàng đóng vai trò dẫn dắt quan trọng. Nhiều cổ phiếu ngân hàng tuần qua xác lập các đỉnh giá mới tính theo giá điều chỉnh.
Nhiều cổ phiếu ngân hàng tăng giá 50% từ đầu năm
Chốt phiên 19/3, thị giá TCB (Techcombank) tăng lên 42.000 đồng, mức kỷ lục từ khi lên sàn. Trước đó, giá hai cổ phiếu ngân hàng khác trong danh mục VN30 gồm CTG (Vietinbank) và VPB (VPBank) cũng lập đỉnh trong phiên 18/3, lần lượt đạt 40.500 đồng và 45.850 đồng trước khi điều chỉnh vào hôm sau.
Nhiều cổ phiếu ngân hàng chuyển sàn hoặc niêm yết mới trên HoSE như ACB, VIB, MSB, OCB cũng đều xác lập thị giá kỷ lục trong tuần qua. Tương tự, một số cổ phiếu ngân hàng giao dịch trên HNX và UPCoM gồm SHB, BAB (BacABank), ABB (ABBank) cũng đã tiến đến những đỉnh giá lịch sử.
Tính chung trong gần 3 tháng qua từ đầu năm đến nay, nhiều cổ phiếu ngân hàng cũng đem về cho nhà đầu tư tỷ suất lợi nhuận vượt trội so với mức tăng 8% của VN-Index.
Dẫn đầu là BAB với mức tăng giá 56%. Theo sau là NVB (NCB) tăng 51%. Còn trên sàn HoSE, VIB là cổ phiếu tăng mạnh nhất với mức 41%. Có 4 cổ phiếu ngân hàng có mức tăng giá trên 30% lần lượt gồm VPB, OCB, TCB, LPB (LienVietPostBank).
Kế tiếp là MBB (MBBank) tăng 27%, ACB tăng 20%, MSB tăng 19%, CTG tăng 17%, STB (Sacombank) tăng 16%, SHB tăng 15%, HDB (HDBank) 14%, VBB (VietBank) tăng 12%, ABB tăng 10%.
Kỳ vọng lợi nhuận tăng cao
Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN), nhận định diễn biến tích cực của nhóm cổ phiếu ngân hàng đến từ kết quả kinh doanh.
Video đang HOT
Giai đoạn trước, nhà đầu tư lo ngại lợi nhuận của ngành ngân hàng quý I, II năm nay có thể bị ảnh hưởng do việc trích lập dự phòng phần dư nợ của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, việc dự thảo Thông tư 01 sửa đổi theo hướng các ngân hàng không bị yêu cầu trích lập đủ số dư nợ bị ảnh hưởng ngay mà được xem xét trích lập dần trong 3 năm khiến đây không còn là rủi ro lớn.
“Một số ngân hàng đã trích lập nợ xấu gần hết nên chi phí dự phòng cho nợ xấu không còn cao nữa. Năm 2021, những ngân hàng giảm chi phí trích lập dự phòng, nhất là các nhà băng đã giải quyết hết nợ xấu tại VAMC cũng sẽ có lợi nhuận tăng lên”, ông Minh chia sẻ quan điểm.
Song song đó, ông Minh đánh giá một số ngân hàng sẽ ghi nhận phần thu nhập ngoài lãi đột biến trong quý I từ khoản phí các hợp đồng phân phối bảo hiểm (bancassurance) độc quyền.
Giám đốc Phân tích của YSVN cũng nhận định thu nhập lãi thuần của các ngân hàng dự kiến cũng sẽ tăng tốt. Ông Minh cho rằng hoạt động tín dụng năm nay có nhiều dấu hiệu lạc quan hơn so với 2020, nhất là cho vay cá nhân. Thực tế, nhiều ngân hàng cũng đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng khá cao trên 20%.
Trong báo cáo phân tích mới đây, SSI Research cũng dự báo ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trưởng vượt trội so với các ngành khác trong quý I nhờ tỷ suất lợi nhuận hấp dẫn và triển vọng tín dụng được cải thiện khi hầu hết ngân hàng đã đẩy nhanh việc xóa nợ xấu và tăng cường trích lập dự phòng bao nợ xấu trong quý IV/2020.
Nhóm phân tích của SSI ước tính lợi nhuận trước thuế quý I của các ngân hàng sẽ tăng bình quân 55%-65% so với cùng kỳ. Các ngân hàng thương mại quốc doanh có khả năng tăng tới 75%-85% lợi nhuận khi các ngân hàng này đã tăng cường trích lập dự phòng để giải quyết các tài sản có vấn đề. Trong khi đó, nhóm ngân hàng tư nhân dự kiến sẽ đạt mức tăng khoảng 45%-55%.
Lợi nhuận ngành ngân hàng dự báo tăng mạnh trong quý I nói riêng và cả năm 2021 nói chung. Ảnh: Hoàng Hà.
Cho cả năm 2021, lợi nhuận trước thuế của ngành ngân hàng theo ước tính của SSI Research sẽ tăng 24% so với 2020. Tăng trưởng tín dụng dự kiến đạt 15% so với cùng kỳ năm trước trong khi chi phí tín dụng giảm khi thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang dồi dào.
Một yếu tố khác thúc đẩy cổ phiếu ngân hàng tăng giá theo ông Nguyễn Thế Minh là đại hội cổ đông thường niên của nhiều nhà băng dự kiến thông qua việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn. Các ngân hàng sẽ trả cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông hoặc phát hành cho đối tác chiến lược. Hiện tại, cơ quan quản lý cũng chưa có yêu cầu không cho phép các ngân hàng trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông.
Với việc phát hành cổ phiếu cho đối tác chiến lược, chuyên gia này nhắc lại đề xuất trước đây về việc tăng trần sở hữu (room) của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng từ 30% lên 35%. Ông Minh cho rằng trong tương lai nếu trần tỷ lệ sở hữu của khối ngoại được nới thêm 5%, đây sẽ là cú hích với cổ phiếu ngân hàng.
Nasdaq gượng tăng khi lợi suất trái phiếu ngừng leo thang
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tạm dừng tăng sau đợt leo thang chóng mặt vừa qua, giúp Nasdaq hồi điểm...
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Chỉ số Nasdaq tăng điểm và chỉ số S&P 500 giảm nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (19/3), khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tạm dừng tăng sau đợt leo thang chóng mặt vừa qua.
Đảo ngược xu hướng gần đây trên thị trường chứng khoán Mỹ, các cổ phiếu tăng trưởng tăng vượt trội trong phiên này so với các cổ phiếu giá trị - nhóm được cho là sẽ hưởng lợi nhiều nhất khi nền kinh tế hồi phục từ đại dịch Covid-19.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm - sau khi tăng mạnh trong 7 tuần trở lại đây do kỳ vọng tăng trưởng kinh tế khởi sắc - đã chững lại trong phiên này, dao động gần đỉnh của 14 tháng ở 1,742%.
"Những gì chúng ta chứng kiến ngày hôm nay là môi trường lãi suất ổn định hơn trên khắp đường cong lợi suất sau nhiều tuần lãi suất liên tục tăng. Và chúng ta cũng chứng kiến mức độ nhất định của sự đảo ngược vai trò dẫn dắt thị trường chứng khoán giữa cổ phiếu tăng trưởng và cổ phiếu giá trị", Giám đốc đầu tư Bill Northey của US Bank Wealth Management nhận định.
Cổ phiếu Facebook tăng 4,1%, trở thành cú huých lớn nhất cho cả Nasdaq và S&P 500 sau khi CEO Mark Zuckerbrg nói rằng thay đổi trong chính sách bảo mật mà hãng Apple sắp triển khai đối với việc bán quảng cáo sẽ đưa mạng xã hội lớn nhất thế giới lên một "vị thế mạnh mẽ hơn".
Nhóm ngân hàng thuộc S&P 500 giảm 1,6% sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tuyên bố sẽ không gia hạn một chương trình bơm vốn hỗ trợ tạm thời - một chính sách được thực thi nhằm giảm áp lực trên thị trường vốn trong bối cảnh đại dịch.
"Cổ phiếu ngân hàng đã tăng nhiều từ đầu năm đến nay, và thông tin này giữ vai trò như một chất xúc tác để nhà đầu tư chốt lời", chiến lược gia Art Hogan thuộc National Securities phát biểu.
Tuần này, lạc quan về gói kích cầu 1,9 nghìn tỷ USD và lời hứa của Fed về duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng thêm vài năm đã kích thích nhà đầu tư ở Phố Wall gom mua mạnh những cổ phiếu giá trị có độ liên hệ cao với chu kỳ kinh tế, theo đó đưa S&P 500 và Dow Jones lên những mức cao kỷ lục mới.
Trái lại, Nasdaq hiện đã giảm khoảng 6% so với mức đóng cửa cao nhất mọi thời đại hôm 12/2 do cổ phiếu tăng trưởng cao, đặc biệt là cổ phiếu công nghệ, không còn được ưa chuộng trong những tháng gần đây bởi mức định giá "khủng"khiến những cổ phiếu này trở nên kém hấp dẫn khi lợi suất trái phiếu tăng cao.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, xu hướng bán cổ phiếu tăng trưởng để mua cổ phiếu giá trị đã bị đảo ngược trong phiên ngày thứ Sáu. Khi cổ phiếu tăng trưởng được mua trở lại phiên này, chỉ số của các cổ phiếu này thuộc S&P 500 tăng 0,35%, trong khi chỉ số của các cổ phiếu giá trị giảm 0,48%.
Nhiều nhà quản lý quỹ đầu tư trái phiếu tin rằng tốc độ tăng gần đây của lợi suất là đáng lo ngại và là một nhân tố gây xáo trộn thị trường nếu còn tiếp diễn.
Lúc đóng cửa, Dow Jones giảm 0,71%, còn 32.627,97 điểm. S&P 500 giảm 0,06%,còn 3.913,1 điểm. Nasdaq tăng 0,76%, đạt 13.215,24 điểm.
Tính cả tuần, S&P500 và Nasdaq giảm 0,8% mỗi chỉ số, trong khi Dow Jones trượt 0,5%.
Cổ phiếu Visa giảm hơn 6% phiên này, thổi bay khoảng 30 tỷ USD vốn hóa thị trường sau khi có thông tin nói rằng hãng thẻ này đang bị Bộ Tư pháp Mỹ điều tra.
Cổ phiếu FedEx tăng 6,1%, sau khi hãng vận chuyển khổng lồ tuyên bố lợi nhuận quý tăng mạnh hơn dự báo nhờ giá cước và nhu cầu cùng tăng mạnh trong mùa mua sắm cuối năm.
Cổ phiếu Nike trượt 4% sau khi hãng thời trang thể thao đưa ra mức dự báo doanh thu quý 1/2021 không đạt kỳ vọng của giới đầu tư do vấn đề vận chuyển và sự suy giảm nhu cầu tại các cửa hàng thực tế trong thời gian đại dịch.
Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu tăng giá phiên này nhiều gần 1,25 lần số mã giảm. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 1,7 lần. Toàn thị trường có 16,5 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công, so với mức bình quân 14,4 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.
Nhà đầu tư chuyển tiền qua sàn HNX Giá trị giao dịch khớp lệnh trên sàn HNX đạt mức cao kỷ lục trong phiên giao dịch 4.3. Nhiều cổ phiếu trên sàn HNX tăng kịch trần ở phiên 4.3. Ảnh: MĐ. Nhà đầu tư chuyển tiền qua sàn HNX Trong bối cảnh sàn HOSE vẫn liên tục nghẽn lệnh, được sự chấp thuận của Lãnh đạo Bộ Tài chính về việc...