Có phải ngoại tình là ‘căn bệnh’… của nhà giàu?
Một đồng nghiệp của tôi chia sẻ rằng, trong tháng qua, anh can thiệp 11 “ca” ngoại tình. Điều bất ngờ là toàn bộ những khách tư vấn có đến 10 gia đình có nhà lầu, xe hơi, thu nhập mỗi tháng mấy chục triệu.
Có phải ngoại tình là “ căn bệnh”… của nhà giàu?
Chưa thấy một bà nào đến tư vấn về ông chồng ốm đau, bệnh tật, thất cơ lỡ vận, nghèo xơ nghèo xác mà lại có “bồ”! Có bà còn thách, con nào nó rước đi cho thì tôi còn giết gà ăn mừng!
Điều đáng quan tâm hơn là những người này khi chưa giàu lên, gia đình vẫn êm ấm, hạnh phúc, vợ chồng thương yêu nhau, con cái học hành ngoan ngoãn. Nhưng mọi chuyện chỉ bắt đầu từ khi họ có tiền. Chẳng lẽ muốn chung thủy, người ta cứ phải nghèo?
Một buổi sáng có người phụ nữ chừng 50 tuổi, lái chiếc xe ô-tô du lịch đen bóng, tìm đến trung tâm tư vấn hôn nhân. Đó là bà Lan, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội. Người phụ nữ này cho biết, bà từng có một quá khứ hôn nhân hạnh phúc trong cảnh gia đình thanh bạch, khó khăn về kinh tế.
Khi chuyên viên tư vấn gợi mở: “Theo chị, anh ấy có phải con người bản chất “trăng hoa” không?” thì gần như không phải nghĩ, bà Lan trả lời ngay: “Không! Chúng tôi yêu nhau từ khi học năm cuối ở trường đại học. Ra trường, cả hai vất vả, long đong mãi mới tìm được công ăn việc làm. Đồ đạc trong căn nhà đơn sơ toàn những thứ do các anh, chị thải ra. Phải chi tiêu tằn tiện lắm mới đủ tiền mua sữa cho con đến cuối tháng. Nhưng sớm tối vợ chồng có nhau.
Anh ấy rất chịu khó đỡ đần tôi mọi việc trong nhà. Bạn bè cũng toàn người nghèo đến với nhau, may lắm có cốc bia với đĩa lạc rang mà nói cười rôm rả. Tôi cảm thấy cuộc đời rất thanh thản, hạnh phúc. Trong trái tim anh ấy dường như chỉ có vợ con và tôi cũng hoàn toàn hài lòng với một người chồng hiền lành, chịu khó như anh. Giấc mơ của chúng tôi lúc đó là làm sao dành dụm tiền mua được cái xe máy để đi làm.
Có lần tôi ốm, anh ấy đi cắt thang thuốc Bắc cho vợ. Thang thuốc oái oăm lại phải sắc với nước mía. Cắt thuốc xong, anh ấy rẽ sang bên đường mua cây mía, nhưng móc túi trả tiền chỉ còn ít tiền lẻ không đủ để mua. Anh ấy đang không biết làm thế nào, thì có lẽ ông lang bên kia đường nhìn thấy cảnh ấy, vẫy anh sang cho tiền mua mía.
Anh ngượng quá, vừa ngồi sắc thuốc vừa kể chuyện khiến tôi thương chồng rớt nước mắt. Thế mà bây giờ anh ấy nỡ đối xử với tôi như vậy…”. Kể đến đấy, hai mắt bà Lan ngấn lệ. Bà lập cập mở túi lấy giấy thấm nước mắt.
Vợ ngoại tình, chồng có được quyền nuôi con khi ly hôn?
Video đang HOT
Niềm hạnh phúc và nỗi bất hạnh của bà Lan gần như đến cùng một lúc. Công ty của chồng bà chuyển sang kinh doanh bất động sản và ông được đề bạt làm trưởng phòng kế hoạch. Chỉ ít lâu sau, lần đầu tiên bà thấy chồng đem về một cục tiền lớn như cục gạch. Nhưng cũng từ đó những bữa ăn ở nhà với vợ con cứ thưa dần.
Những buổi tối đi tiếp khách nhiều hơn, có khi đến nửa đêm mới về trong dáng vẻ no nê thoả mãn, chỉ cốt lên giường tìm giấc ngủ. Đó là cách đây hơn chục năm rồi. Bây giờ thì bà Lan không thể biết chồng mình có bao nhiêu tiền? Cũng không biết được ông có mấy căn hộ và ở những đâu? Bà chỉ biết chồng rất nhiều tiền.
Những người họ hàng, anh em cần giúp đỡ, chồng bà có thể cho cả chục triệu. Vì thế ông được cả họ yêu mến. Đau đớn nhất là tuần trước, ông về quê cùng với cô “bồ ruột” chỉ nhỉnh hơn con gái bà vài tuổi. Ông làm lễ để cô “bồ” ra mắt họ hàng, coi như vợ lẽ, ăn uống linh đình hàng chục mâm. Biết tin, bà choáng người, triệu tập cả hai con về họp và chất vấn ông tại sao làm thế.
Ông nói thản nhiên: “Tôi không phải người vô trách nhiệm với gia đình. Tôi lo cho vợ con đầy đủ chẳng thiếu thứ gì. Bà muốn ôtô, có ôtô. Con muốn nhà riêng, có nhà. Giờ các người còn muốn gì nữa? Tôi không nói chuyện luân lý đạo đức vì nó là vô cùng. Tôi chỉ biết đời người có hạn. Tôi già rồi, chẳng sống được bao lâu nữa, tôi thích cái gì thì tôi làm. Vợ con, ai muốn gì tôi cũng chiều. Được chưa? Hay bà muốn ly hôn thì tuỳ bà. Tôi chấp nhận”.
Qua câu chuyện trên, nhiều người sẽ đặt câu hỏi là, vậy có phải khi nghèo khó, vợ chồng yêu thương nhau hơn? Và người ta nhận ra điều đó là có thực. Theo các nhà tâm lý, điều này không khó giải thích lắm. Là vì trong cảnh nghèo khó, quan hệ vợ chồng đơn giản hơn, họ kết hôn bằng tình yêu và gắn bó với nhau cũng bằng tình cảm thuần tuý. Cái gắn kết hai người chính là tình yêu thương nhau.
Cảnh chưa hết tháng đã hết tiền, cảnh vợ tính toán chi li từng đồng, anh ta nhìn thấy được nên thường quan tâm an ủi người bạn đời. Có anh còn tỏ ra áy náy, tự dằn vặt mình, khiến cho vợ cảm động, lại quay ra động viên, an ủi chồng. Nhiều người chấp nhận cảnh nghèo khó một cách vui vẻ, vẫn sống vô tư, yêu đời. Trong hoàn cảnh đó, người chồng cũng cảm nhận được tình yêu từ vợ. Anh ta cố gắng sao cho cuộc sống đầm ấm hơn, và tình yêu toả sáng trong cảnh khó khăn, thiếu thốn.
Trong cảnh nghèo khó, quan hệ vợ chồng đơn giản hơn, họ kết hôn bằng tình yêu và gắn bó với nhau cũng bằng tình cảm thuần tuý.
Vậy có cách nào làm cho những người chồng dù giàu lên vẫn yêu thương vợ như thuở hàn vi? Làm sao để đồng tiền không phải là kẻ phá hoại hạnh phúc gia đình? Đi sâu vào tâm lý người đàn ông mới thấy nó đang diễn ra một quá trình biến đổi có thể lý giải được.
Trước hết, anh ta ý thức được sức mạnh của đồng tiền và nghĩ cứ có tiền là giải quyết được hết. Anh ta đã tạo ra một cuộc sống sung túc và như thế, anh ta tin rằng, đã làm tròn trách nhiệm với gia đình, anh ta có quyền vui chơi, hưởng thụ, có quyền được sống cho riêng mình.
Vậy tại sao người vợ vẫn không hài lòng với thực tại? Anh ta cho rằng thái độ bất mãn của vợ làm tổn thương anh ta. Có anh lý sự: “Cô còn muốn gì, sướng không biết đằng sướng! Nhà cao cửa rộng, con đi du học, kinh tế không phải lo, khối người mơ không được”. Người vợ càng thấy chồng không hiểu mình chút nào vì thế mà sinh ra xung đột thường xuyên.
Nhưng nói như thế không có nghĩa là mọi gia đình giàu lên đều bất hạnh. Không ít trường hợp đồng tiền tô điểm cho hạnh phúc của họ. Số người tìm đến tư vấn có lẽ chỉ là một tỷ lệ nhỏ trong số bao nhiêu gia đình ăn nên làm ra trong thời kinh tế thị trường.
Vậy bí quyết của họ là gì? Đúng như câu ngạn ngữ của người Anh: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Ngọn lửa hạnh phúc gia đình bao giờ cũng được duy trì bởi người phụ nữ, người vợ, người mẹ. Làm vợ khi chồng nghèo đã khó nhưng làm vợ khi chồng giàu còn khó hơn.
Trước hết, người vợ nên tỏ ra cảm kích việc chồng đã đem lại sự sung túc cho gia đình để vợ con có một cuộc sống tiện nghi đầy đủ. Người vợ cần thừa nhận tài năng của chồng, tỏ ra khâm phục và tự hào. Dĩ nhiên một người vợ tốt phải khuyên chồng làm việc vừa độ và thực sự quan tâm đến sức khoẻ anh ta. Nếu chồng có vẻ hơi kiêu ngạo về những thành công của anh ta đem lại, cũng không nên tỏ ra khó chịu mà trái lại, nên biểu lộ sự đồng tình một cách kín đáo và tế nhị.
Khi chồng giàu lên, tất nhiên sự giao thiệp xã hội cũng mở rộng hơn. Khách khứa đến nhà tấp nập và chồng đi đây đi đó nhiều hơn. Trong bối cảnh đó, người vợ phải “nâng cấp” dung nhan mình lên để không tương phản với sự sang trọng mà mình được hưởng và nhất là không “cọc cạch” với chồng.
Không những thế, vợ còn phải học hỏi để tăng thêm hiểu biết. Tâm hồn ngày càng phong phú, tươi vui, dí dỏm hơn. Đặc biệt cách cư xử với anh em, họ hàng, bạn bè, đối nội, đối ngoại là việc người vợ nên đảm nhiệm không nên đẩy tất cả cho chồng.
Nhớ lại những người vợ đã đến văn phòng tư vấn vì chuyện chồng ngoại tình, có người duyên dáng xinh đẹp, nói năng hấp dẫn, cư xử tế nhị, nhưng tỷ lệ ấy ít hơn. Tất cả những việc này nói thì đơn giản nhưng thực hiện được không dễ chút nào. Nó đòi hỏi người vợ phải luôn luôn cố gắng. Suy cho cùng, có hạnh phúc nào ở đời mà không phải cố gắng.
Theo NGL
Đâu phải nhà giàu, Tết to mới là hạnh phúc!
Nghĩ đến mà lạnh người, tôi thấy mình thật may mắn khi về làm dâu một gia đình bình thường.
Cuộc sống của một nàng dâu nhà nghèo như tôi mộc mạc mà ấm áp vô cùng. (Ảnh minh họa)
Bản thân tôi cũng học hành giỏi giang, thông minh xinh đẹp, gia đình có điều kiện vì vậy được khá nhiều chàng trai chú ý. Vậy mà tôi lại chọn làm vợ, làm dâu một gia đình nghèo ở quê. Điều này khiến mọi người sửng sốt và ngỡ ngàng, bởi gia đình chồng thuần nông và bản thân chồng cũng chỉ làm công nhân ở một công ty may gần nhà.
Ai cũng nói tôi dại khi đường rộng không đi lại chọn đường hẹp, lắm chông gai; không chọn nhàn nhã, lại chọn mang nặng vào thân... Thực lòng, nhiều khi tôi cũng chạnh lòng lắm, nhưng biết làm sao, khi tôi luôn yêu chồng và hạnh phúc vì tình cảm anh giành cho mình, cộng thêm tình cảm, sự quan tâm của nhà chồng khiến cho cuộc sống tưởng chừng đạm bạc ấy lúc nào cũng đầm ấm, hạnh phúc.
Cưới nhau đã 3 tháng, nhưng chưa một lần tôi phải buồn vì cuộc sống gia đình chồng tù túng, mà ngược lại, tôi thấy thoải mái như ở chính gia đình mình vậy.
Tết Nguyên Đán vừa rồi là lần ăn Tết đầu tiên của tôi ở nhà chồng. Trong khi chị em đồng nghiệp thì sốt sắng, đau đầu vì lo tiền tiêu Tết, tiền mừng tuổi bên nội, bên ngoại, sắm sửa đồ đạc để làm đẹp mặt với nhà chồng thì tôi vẫn bình thản. Tiền thưởng Tết của tôi cũng đủ mua sắm quần áo và một số đồ đạc mới cho hai vợ chồng. Tiền thưởng của chồng thì để dành mua quà về biếu bố mẹ đằng nội, đằng ngoại và mừng tuổi người già, trẻ nhỏ.
Bản thân tôi cũng học hành giỏi giang, gia đình có điều kiện nhưng tôi lại chọn làm vợ, làm dâu một gia đình nghèo. (Ảnh minh họa)
Cuộc sống ở quê vốn nghèo khó nhưng giản dị. Ngày Tết đã có gà nuôi ngoài vườn, cá thả dưới ao, rau xanh đầy đủ các loại. Đến tiền mừng tuổi ở quê cũng ít, quan trọng chỉ là lễ nghĩa, chào hỏi mà thôi.
Trong khi, các nàng dâu đặc biệt là dâu mới thì luôn phải suy nghĩ xem tặng quà gì mới phù hợp, mới vừa lòng bố mẹ chồng, thì tôi chỉ mua vài manh áo mới, ít mứt rượu thắp hương là bố mẹ chồng đã bằng lòng rồi.
Ngày Tết, bố mẹ con cái cùng nhau đi lễ chùa, đi chúc Tết họ hàng tình cảm lắm. Đi tới đâu, mẹ chồng cũng luôn miệng khoe con dâu với họ hàng: "Con dâu tôi đấy, cháu là giáo viên tiếng Anh, nhà trên phố nhưng ngoan tình cảm và dễ gần lắm".
Nhiều khi so sánh vớ bạn bè, tôi thấy mình may mắn và hạnh phúc hơn rất nhiều. Chẳng so sánh đâu xa, cô bạn cùng học cấp ba với tôi, lương tháng 20 triệu mà vẫn cuống vì Tết đến lo tiền đâu mừng tuổi nhà chồng, tiền đâu đáp ứng danh sách quà, đồ ăn Tết mà mẹ chồng đã lên sẵn. Chỉ riêng tiền mừng tuổi mấy người em của chồng cũng ngót nghét chục triệu. Chưa kể đến mừng tuổi cho ông bà nội, ngoại của chồng, lại thêm phần lì xì cho mấy đứa cháu rồi trẻ con nhà họ hàng đến chơi nữa.
Rồi có những đồng nghiệp nữ, cũng dâu mới như tôi, nhưng lúc nào cũng phải lo quà Tết sao cho phù hợp để lấy lòng mẹ chồng... Nghĩ đến mà lạnh người, tôi thấy mình thật may mắn.
Cuộc sống của một nàng dâu nhà nghèo như tôi mộc mạc mà ấm áp vô cùng. Những ngày gần Tết thì được cùng bố mẹ anh em bên chồng háo hức sắm sanh, dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị đồ cúng Tết. Rồi đến ngày Tết, tôi chẳng đến độ bù đầu với cỗ bàn dọn dẹp như tưởng tượng mà được gần gũi, quây quần, du xuân cùng cả gia đình.
Nghĩ đi nghĩ lại thì lựa chọn của tôi vẫn là sáng suốt mọi người ạ, chỉ mong 365 ngày, ngày nào cũng là ngày Tết để được gần gũi mọi người, để được học cách nấu bánh chưng, gói giò xào, nấu chè lam của mẹ chồng. Để thấy được, tình cảm của người thân gia đình trong dịp Tết mới là quan trọng, cho dù quà, lễ là gì nhưng tấm lòng thơm thảo giành cho nhau mới là đáng quý.
Theo Afamily
Khinh người yêu nghèo để rồi 1 lần theo anh vào đổ xăng, cô gái quỳ xuống xin cưới vội Thứ nằm trong cốp khiến mắt Tiên tối sầm lại, ngơ ngác nhìn Khánh. Nhân viên bơm xăng nhìn Khánh cười mỉm... Khánh dắt xe ra ngoài cây xăng rồi mà Tiên vẫn cứ ngơ ngác như trên trời rơi xuống. (Ảnh minh họa) - Này, sao anh cứ đi mãi con xe cà tàng này thế. Anh đi làm cũng mấy năm...