Có những yêu thương đội lốt giận hờn
Nếu tình yêu chỉ ngọt như kẹo, khi đời trôi qua gập ghềnh cay đắng, ta biết níu vào đâu?
Tôi luôn tin rằng yêu thương cũng có gai nhọn, như xương rồng nở hoa trên sa mạc, nghĩa tình sâu nặng nở hoa từ giông bão giận hờn.
Thuở nhỏ có lần tôi nghịch dại với lửa, bị cháy sém cả đầu tóc tơ dài ngang vai, mẹ tôi thấy thế thì mặt mũi đỏ gay, bà giận quá phát vào mông tôi rõ đau. Tôi òa khóc nức nở, cổ họng cứ anh ách một cục tức và niềm tủi phận mơ hồ rằng mẹ chẳng thương gì tôi cả. Con Bí nhà hàng xóm ngón tay mới chảy máu tí, mẹ nó đã xuýt xoa thoa dầu, còn tôi bị trụi tóc, mẹ chỉ làm tôi thêm đau. Nhiều năm về sau, tôi chập chững bước vào tình đầu. Khi người yêu tôi ngã xe bởi đi ẩu, nhìn cánh tay anh đầy vết xước, tôi chỉ muốn đấm anh vài cái vì tức giận. Lúc đó tôi đã yêu một người đủ để biết lòng đau như cắt khi tay, chân anh trầy trật. Rồi nỗi ân hận cồn cào tim tôi. Mẹ đã yêu tôi hơn cả sinh mạng mình, tôi đoảng tính tự làm hỏng tóc, mẹ xót quá không kìm được nên mới nổi trận lôi đình. Bài học nhỏ về lòng yêu thương tôi mất hơn chục năm để ngộ ra, liệu đi hết một vòng nhân sinh tôi có thấu trái tim mẹ suốt đời thổn thức những yêu, ghét, giận hờn?
Cô bạn thân của tôi nổi tiếng là tiểu thư khinh người, từ nhỏ được yêu chiều, lớn lên cứ ăn nói như đấm vào tai, chẳng quen đối đãi ngọt ngào. Nó lúc nào cũng là con nhím xù gai nhưng phải ở gần mới biết lớp gai xù của nó đáng yêu đến nhường nào. Tôi cảm sốt nằm riết ở phòng trọ chẳng thiết cơm nước, thuốc thang gì, nó chạy đến đập cửa rầm rầm, miệng la om sòm như chủ nợ đến đòi lãi. Mở cửa ra đã thấy nó chìa cho bịch cháo và đống thuốc xanh đỏ. Miệng đắng ngắt nhưng nhìn mặt nó hầm hầm tôi chẳng dám bỏ sót thìa cháo hay viên thuốc nào. Thời sinh viên của tôi đã trải qua những cơn đau mê mệt như thế, có nó phồng mang trợn má ở bên tôi chẳng lo chết ốm.
Hôm lớp tôi đi tình nguyện ở trung tâm trẻ khuyết tật, nó được phân công đút cơm cho một em nhiễm chất độc da cam nhưng vừa gặp bộ dạng dị thường của em, nó tối sầm mặt mũi, nhất quyết không chịu. Trong bảng đánh giá hạnh kiểm, bí thư ghi chú nó là thành viên cực đoan, nặng tư tưởng phân biệt. Cả lớp tin là thế, còn tôi tin trái tim nó làm bằng vàng. Lần đầu tiên đến một trung tâm tật nguyền, nhìn những hình hài tội nghiệp, nó thương quá chỉ muốn òa khóc nhưng con bé tự cao tự đại ấy có bao giờ khóc trước người lạ, nó cũng chẳng thể dịu dàng ở lại mà chứng kiến cảnh các em không thể tự cầm muỗng xúc cơm. Mặc tiếng người xì xào, nó xù lông xù lá bỏ về, chẳng ai biết ngày hôm sau nó quay lại xin làm tình nguyện viên, đều đặn mỗi tuần 4 buổi đến chăm sóc các em ăn uống, tắm giặt.
Video đang HOT
Tôi có chị hàng xóm chia tay người yêu chỉ vì những chiếc áo cổ rộng. Chị mê mẩn mốt áo phô diễn vóc dáng còn anh cấm tiệt chị diện chúng. Tháng trước còn thấy chị đứng ở ban-công chới với vọng sang “trên đời sao lại có loại đàn ông cổ hủ, ích kỷ, hay nổi giận đến thế!”, chiều nay đi làm về đã thấy anh đưa chị đến tận cổng, chị đứng cầm tay anh, thút thít “trên đời chỉ có anh thương em nhất, mấy thằng đấy luôn miệng khen em dáng chuẩn, mặc đẹp, lúc vắng người thì lợi dụng trêu ghẹo, may mà em gọi điện anh đến kịp”. Anh người yêu chỉ cười thật thà.
Tình yêu có những hình hài thật lạ lùng. Đôi khi ta phải tập quên tính hảo ngọt. Vì ngọt ngào thường man trá, vì có ai ở với nhau mà không từng cãi cọ, hờn ghen, có ai yêu nhau mà chưa nếm mùi chiến tranh lạnh chua chát, có ai thương thiệt lâu mà chưa buông lời trách móc những nông nổi, dại khờ?
Theo VNE
Dẫu sao thì đó cũng là một tình yêu sâu nặng...
Đợt điều trị này khiến tóc mẹ rụng rất nhiều vì vậy mẹ "cạo luôn cho gọn". Khi nói với tôi như vậy, mẹ đưa tay sờ lên mái đầu đã được cạo nhẵn và cố cười để tôi yên lòng. Thế nhưng tôi đã không cầm được nước mắt.
Tôi nhẩm tính, vậy là tôi xa mẹ tôi 12 năm. Lúc đó tôi 18 tuổi. Năm nay tôi tròn 30. Khi cho tôi sang Pháp, mẹ vẫn nghĩ, tôi học xong sẽ về, có ngờ đâu, tôi đi biền biệt từ đó.
Ba mẹ tôi gặp nhau muộn nên ngoài ba mươi mẹ mới sinh tôi. Do sức khỏe kém nên sau đó ba nhất quyết không cho mẹ sinh thêm em bé, vì vậy, tôi chỉ có một mình và trở thành báu vật của ba mẹ. Nhưng ông trời thật bất công. Năm tôi 14 tuổi thì mẹ mắc phải căn bệnh hiểm nghèo: ung thư vú.
Dù mẹ đã được người thầy thuốc đầu ngành về ung bướu của TP HCM và cả nước chữa trị; dù mẹ đã hết sức kiên cường và lạc quan để sống nhưng sức khỏe của mẹ cứ yếu dần. Lần này ba gọi tôi về khi bệnh mẹ tái phát. Ba giấu mẹ nên khi tôi xuất hiện, mẹ sửng sốt: "Ba con... thiệt là...". Chỉ nói được vậy rồi mẹ ôm tôi khóc ròng.
Tôi biết bao nhiêu năm nay mẹ đã dằn nén nhớ thương, tất cả chỉ để tôi được thực hiện ước mơ của mình: Học tập, nghiên cứu, làm việc trong một môi trường tiên tiến, hiện đại. Tôi không ngờ, những thứ đó đã cuốn hút tôi như một thỏi nam châm, đúng hơn là một thứ ma túy.
Thêm vào đó, tôi có một lý do khác để "nghiện" mảnh đất ấy: Ở đó tôi đã gặp và yêu Nguyên, con gái thầy giáo hướng dẫn của mình. Tình yêu của tôi đã bước sang năm thứ 6 nhưng vẫn chưa thể có một kết thúc tốt đẹp vì Nguyên trả lời dứt khoát là không muốn về Việt Nam, còn tôi thì vẫn lưỡng lự giữa ở và về...
Có lần mẹ tôi bảo: "Nếu con Nguyên không muốn về thì thôi, con cứ ở bên đó làm việc, thỉnh thoảng về thăm là ba mẹ là được. Cưới sớm đi để mẹ còn được thấy cháu nội". Nhưng ba tôi thì không nghĩ thoáng được như vậy. Ông nói, gì thì gì tôi cũng phải về. Cây có cội, nước có nguồn. Tổ qốc, gia đình lo cho mình được ăn, được học, được sung sướng hơn nhiều người khác thì không được phụ bạc; học xong phải trở về để phục vụ, để trả nợ quê hương. Ông còn dọa nếu tôi không về, ông sẽ từ mặt...
Tất cả những lấn cấn ấy khiến chuyện giữa tôi và Nguyên cứ dùng dằng. Và lần trở về này, tôi càng đau đáu trong lòng. Có những đêm tôi thức trắng. Ngồi bên giường bệnh của mẹ, tôi đau đớn nghĩ rằng mình là một đứa con bất hiếu. Mẹ bệnh tật như thế mà tôi chẳng ở bên cạnh để chăm lo. Nếu mai này mẹ không còn, có lẽ nỗi ân hận sẽ giày vò tôi đến chết...
"Ba à, vài hôm nữa con sẽ sang Pháp thu xếp mọi chuyện. Con đã quyết định rồi..."- tôi nói với ba về quyết định của mình. Ông có vẻ nghĩ ngợi nhưng rồi cũng gật đầu: "Con làm như vậy là đúng. Cha mẹ và Tổ quốc thì chỉ có một... Huống hồ gì ba mẹ chỉ có một mình con, mà mẹ lại bệnh tật ngặt nghèo, sống nay chết mai như vậy...".
Tôi không nói với mẹ ý định của mình vì sợ mẹ thương tôi lại ngăn cản, không cho tôi trở về. Thế nhưng tôi nhận ra trong ánh mắt khắc khoải của mẹ một nỗi lo sợ mơ hồ. Mẹ không muốn xa tôi nhưng cũng không muốn chúng tôi chia cắt. Mẹ tôi cũng như bao người mẹ khác, chỉ biết cho đi mà không bao giờ đòi hỏi, trong trái tim của mẹ không bao giờ có sự so đo.
Suốt những ngày qua, điều tôi suy nghĩ nhiều nhất là không biết phải bắt đầu câu chuyện với Nguyên thế nào... Dẫu sao thì đó cũng là một tình yêu sâu nặng. Sau Nguyên, có thể tôi sẽ khó yêu được một người phụ nữ nào như thế...
Theo VNE
Trào nước mắt nhớ về trận chiến Gạc Ma năm xưa Chiều 13/3, tại Đà Nẵng, cuộc giao lưu xúc động mang tên "Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa" được tổ chức với rất nhiều nước mắt của các chiến sĩ và thân nhân các liệt sĩ đã chiến đấu trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma 26 năm trước... Buổi giao lưu cũng là lễ phát động chương trình "Nghĩa tình Hoàng...