Có nhóm đối tượng gây rối ở vườn rau Tân Bình
Ở khu vực vườn rau Tân Bình có nhóm đối tượng thường đe dọa người dân nếu không nghe lời chúng chống đối lại các quyết sách của chính quyền
Chiều 21-1, đã có thêm 5 hộ dân canh tác trong khu đất vườn rau Tân Bình đến trụ sở UBND phường 6, quận Tân Bình, TP HCM làm thủ tục nhận tiền hỗ trợ. Ngoài ra, chiều cùng ngày, UBND phường 6 còn chuyển khoản tiền hỗ trợ cho 5 hộ khác. Tính đến hết ngày 21-1 đã có 18 hộ canh tác trong khu đất vườn rau Tân Bình được chi trả tiền hỗ trợ với tổng số tiền tương đương 27 tỉ đồng. Hầu hết các hộ nhận tiền hỗ trợ đều cho rằng mức hỗ trợ của chính quyền là phù hợp.
Xin giấu tên vì sợ “đụng chạm”
Ông N.N.Y (một hộ dân được nhận tiền hỗ trợ chiều 21-1 xin được giấu tên vì ngại “đụng chạm”), cho biết trước đây gia đình ông có canh tác ở khu vườn rau Tân Bình trên phần diện tích 200 m2. Những năm đầu, người dân khu vực này chỉ trồng rau vì mang lại khoản thu nhập khá, đủ trang trải cuộc sống. Sau đó, một số bắt đầu xây nhà trên thửa đất canh tác. “Ban đầu họ chỉ dựng chòi nhưng sau đó thì xây kiên cố hơn. Riêng gia đình tôi, do cha mẹ khuyên bảo không được xây dựng nhà trên đất đó vì không hợp lệ, sớm muộn gì cũng bị tháo dỡ nên tôi không xây” – ông Y. chia sẻ về việc ông không xây nhà trái phép ở khu vườn rau Tân Bình.
Theo ông Y., chính vì lẽ đó mà sau khi được chính quyền vận động, gia đình ông quyết định nhận tiền hỗ trợ. Người đàn ông này lý giải nếu cứ mãi đòi hỏi chủ quyền để được bồi thường thì không biết bao giờ mới được giải quyết vì không có giấy tờ chứng minh. “Nhận tiền rồi chia cho các con mỗi đứa một ít. Tôi thấy hợp lý thì làm, còn ai chưa nhận hay muốn đòi hơn là việc của họ” – ông Y. chia sẻ rồi nhận 50% số tiền hỗ trợ theo phương án được đưa ra trước đó.
Trước khi về, ông Y. nhắc lại yêu cầu giấu tên và hình ảnh vì sợ “đụng chạm”. Ngoài ra, ông Y. còn đề nghị quận Tân Bình bảo đảm sự công bằng giữa người nhận trước và người nhận sau, tránh tình trạng những người chây ì được chi trả tiền hỗ trợ nhiều hơn người chấp hành chủ trương từ những ngày đầu.
Chủ tịch UBND phường 6 Nguyễn Thành Danh thông tin đến thời điểm hiện tại, các tổ công tác đã tiếp xúc với 73/124 hộ dân, kết quả có 65/73 hộ đồng ý đăng ký kê khai để nhận kinh phí hỗ trợ; đã kê khai cho 60/65 hộ đăng ký và đang thẩm định pháp lý để chi trả tiền. “Chúng tôi đang tiếp tục thẩm định hồ sơ để sớm chi trả cho các hộ dân trước giờ giao thừa” – ông Danh khẳng định. Về vấn đề hỗ trợ mua nhà ở xã hội, ông Danh cho hay trong quá trình vận động, nếu hộ nào có nhu cầu đăng ký thì phường sẽ tổng hợp báo cáo TP xem xét. Phía quận và phường đề xuất mua nhà ở xã hội ở khu vực Phú Thọ (quận 11) để gần nơi ở cũ, tạo thuận lợi cho người dân sinh hoạt.
Một hộ canh tác trong khu đất vườn rau Tân Bình nhận tiền hỗ trợ tại trụ sở UBND phường 6, quận Tân Bình, TP HCM vào chiều 21-1. Ảnh: NHÂN HÒA
Video đang HOT
Đe dọa những ai hợp tác với chính quyền
Lý giải cho việc ông Y. và những hộ canh tác trong khu đất vườn rau Tân Bình xin được giấu tên vì ngại “đụng chạm”, lãnh đạo UBND quận Tân Bình cho hay những ngày qua, có một số đối tượng đã tổ chức kéo đến từng gia đình có quyền lợi ở khu đất để chửi bới, đe dọa làm ảnh hưởng đến quyết định của những gia đình trên.
Chủ tịch UBND phường 6 thông tin thêm trước khi cưỡng chế, 3 đoàn công tác đã vào khu đất vườn rau Tân Bình để tiếp xúc, vận động người dân nhưng nhóm đối tượng vẫn tiếp tục cản trở. Ngay cả những hộ dân đồng thuận cũng bị nhóm này đe dọa không mở cửa tiếp đoàn công tác khiến họ lo lắng, không dám gặp cán bộ.
Đặc biệt, theo trung tá Nguyễn Thành Lợi, Trưởng Công an quận Tân Bình, nhóm đối tượng trên còn kích động người dân khu vực vườn rau Tân Bình chống đối ngay cả khi cơ quan chức năng kiểm tra hành chính phục vụ tổng điều tra dân số. “Nhóm này thường sử dụng “chiêu” xúi giục phụ nữ, người già, trẻ em ùa ra gây áp lực, ngăn cản cán bộ làm nhiệm vụ” – trung tá Lợi khẳng định và thông tin thêm khu đất vườn rau Tân Bình từng là trường gà quy mô lớn cho hơn 100 người sát phạt. Ngoài ra, cơ quan chức năng đã từng xử phạt hành chính và xử lý hình sự trên 50 đối tượng liên quan đến sử dụng và mua bán ma túy ở khu vực này.
Theo trưởng Công an quận Tân Bình, hiện công an quận này đang củng cố hồ sơ, kêu gọi người dân canh tác trong khu vườn rau Tân Bình tố giác các đối tượng đe dọa, nhận thầu xây dựng, các hành vi bảo kê khác… để cơ quan chức năng xử lý theo quy định.
Nâng khống số người ký đơn khiếu nại
Liên quan đến nội dung đơn của một số hộ dân gửi đến Văn phòng Tiếp công dân TP HCM ngày 17-1 vừa qua, UBND quận Tân Bình cho biết đã có đánh giá sơ bộ về sự việc này. Theo đó, trong đơn đề 166 người đồng ký tên nhưng số chữ ký thực tế trong đơn là 114 và chỉ có 38 hộ liên quan đến 61 thửa đất tại khu vườn rau ký tên. Cá biệt, có 2 người không có quyền và lợi ích liên quan nhưng vẫn tham gia ký tên trong đơn.
Đại diện UBND quận Tân Bình cho biết trong thời gian tới, sẽ tổ chức cuộc họp với các sở, ngành và Văn phòng Tiếp công dân TP để phân tích, đánh giá toàn bộ nội dung đơn. Từ đó, các đơn vị sẽ tham mưu UBND TP tiếp xúc, giải quyết trả lời đơn của công dân theo đúng quy định. Nội dung trả lời sẽ khẳng định nội dung nào người dân có ý kiến đúng, nội dung nào có ý kiến không đúng để người dân được rõ.
Hôm nay (22-1), các tổ công tác tiếp tục vận động 51 hộ còn lại, phấn đấu xong trước 25-1; tiếp tục chi trả tiền hỗ trợ cho 5 hộ đã đủ hồ sơ
Nhóm phóng viên
Theo nld.com.vn
Giữa phố buông cần, bất chấp biển cấm
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè uốn lượn qua 5 quận nội thành TPHCM: 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình. Con kênh đen một thời ô nhiễm nặng nay đã được đầu tư cải tạo cảnh quan và môi trường nước.
Dù nước kênh là nước thải nên chưa thể trong xanh, nhưng hàng trăm ngàn con cá các loại đã được ngành chức năng thả xuống để con kênh thực sự hồi sinh. Vậy mà, hàng ngày có cả trăm người thiếu ý thức vẫn ra bờ kênh câu cá, bất chấp các biển cấm câu cá.
Người câu, người lưới
Bất kể giờ giấc nào trong ngày, đi dọc bờ kênh đều dễ dàng bắt gặp nhiều người đang câu cá. Buổi trưa, trời nắng gắt thì họ tập trung bên dưới gầm của hơn 20 cây cầu bắc ngang kênh để câu. Cả khi trời mưa tầm tã, vẫn có người buông cần kiên nhẫn chờ cá cắn câu. Để bắt được những con cá lớn, nhiều người không ngần ngại sử dụng câu chùm, có người còn tự tiện đánh bắt bằng lưới. Tờ mờ sáng, ở bờ kênh trên tuyến đường Nguyễn Ngọc Phương (sau lưng chợ Thị Nghè) đã thấy có hàng chục người ra câu cá.
Ông Lê Thành Đặng (ngụ phường 19, quận Bình Thạnh) phản ánh: "Tôi thường xuyên đi bộ tập thể dục buổi sáng trên bờ kè này và rất bực mình với những người câu cá. Họ gác cần câu ngang lối đi. Dây nhợ quăng tùm lum. Nhiều người mới tập câu đã quăng dây không đúng thao tác, làm lưỡi câu móc dính lòng thòng trên cây. Ai cũng biết lưỡi câu rất bén, nếu lỡ dính vào người thì không biết hậu quả ra sao".
Nhiều người câu cá trên kênh Nhiêu Lộc, bất chấp nơi đó có biển cấm.
Trên bãi cỏ gần đó, có một số cá chết do người câu bỏ lại, nằm rải rác, bốc mùi tanh tưởi. Ông Phan Văn Lắm (ngụ phường Bến Nghé, quận 1) đang ngồi đây câu cá, cho biết: "Tôi đến đây câu vì có khá nhiều cá. Câu được cá nhỏ thì bỏ lại, được cá lớn thì mang vào chợ bán. Cá trê phi, cá chép được các tiểu thương thu mua 20.000 - 30.000 đồng/kg".
Gần cầu Bùi Hữu Nghĩa, khu vực rạch Xuyên Tâm nối với kênh Nhiêu Lộc vẫn còn bị ô nhiễm nặng, nước đọng đen kịt, ngập ngụa đủ loại rác thải sinh hoạt. Vậy mà nhiều người vẫn buông cần tại đó. Được hỏi rằng câu cá có sợ bị phạt không và có dám ăn cá câu được không, anh Nguyễn Quan San (ngụ phường 9 quận 3) cười: "Cũng biết là có biển cấm, nhưng nào giờ có thấy ai bắt đâu! Tôi đến đây câu cho vui thôi, cá câu được, ai xin thì cho, hoặc thả lại xuống kênh. Nước ô nhiễm thì cá ở đây làm sao ăn được".
Treo biển cấm cho có?
Môi trường nước kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được cải tạo bằng chế phẩm sinh học Zeolite để làm trong nguồn nước, lắng chất cặn bã, hấp thu và phân hủy các chất ô nhiễm. Tuy nhiên, do có quá nhiều cửa hàng, quán nhậu... tập trung ở bờ kè, các chất thải, nước rửa chén thải xuống dòng kênh, khiến con kênh vẫn bị ô nhiễm. Ông Lâm Ngọc Phúc, cán bộ Đại học Nông Lâm TPHCM, cho biết: "Mức độ ô nhiễm trong dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè tuy đã giảm, nhưng vẫn còn. Các loài thủy sinh có thể sống và tăng trưởng được trong môi trường nước ô nhiễm, nhưng cũng tích lũy chất ô nhiễm có hại, do vậy không nên ăn cá câu ở kênh này".
Hẳn ai cũng biết như vậy, nhưng mặc băng rôn, biển báo cấm câu cá được giăng, dựng dọc bờ kênh, nhiều người vẫn vô tư câu cá. Việc ngăn chặn, xử lý hành vi câu cá trái phép trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè vẫn chưa có chuyển biến tích cực. Chính quyền các phường có kênh Nhiêu Lộc chảy qua đã tổ chức tuần tra, nhưng việc xử lý vô cùng nan giải.
Đại úy Trịnh Phi Vân, cán bộ trực ban hình sự Công an phường 19 quận Bình Thạnh, cho biết: "Khi nhận được tin báo của người dân, hay trên đường tuần tra phát hiện người câu cá trái phép ở kênh, chúng tôi đến nhắc nhở họ không được câu, chứ không thể tịch thu cần câu vì thiếu văn bản pháp luật thực thi chế tài. Với những trường hợp như vậy, chúng tôi chỉ có thể xử lý hành vi dừng - đậu xe lấn chiếm lòng lề đường".
Nhiều người biện hộ việc mình câu cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè chỉ là giải trí, nhưng thực tế không ít người không tiếc tiền sắm sửa đầy đủ thiết bị câu cá chuyên nghiệp, đắt giá. Ông Lâm Thanh Duy (ngụ phường 9, quận Phú Nhuận) phân tích: "Nếu là người đam mê câu cá, thì đi câu ở biển, khúc sông, trong đầm... ở ngoại thành hay tỉnh xa. Đi câu là để giải trí, thỏa mãn niềm đam mê, thử thách sự kiên nhẫn, thì sản phẩm mình câu được mới quý.
Còn nếu là dân nghiệp dư, đi câu cá cho vui, thì đi câu trong ao hồ tư nhân có thu phí, chịu tốn tiền vé, mồi câu, nước uống. Sao lại đi câu cá giải trí ở chỗ cấm câu, để phải nơm nớp lo sợ và ngượng ngùng khi bị người quen bắt gặp. Nên xử phạt với hành vi câu cá nuôi ở kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, vì đó cũng là hành vi đánh cắp tài sản công cộng và xâm hại môi trường.
ĐOÀN HIỆP
Theo SGGP
Tháo dỡ hàng loạt nhà trái phép trên đất lâm nghiệp Trong hai ngày 20 - 21.12, lực lượng chức năng đã tiến hành tháo dỡ 20 căn nhà trái phép xây dựng trên đất lâm nghiệp tại khu vực tổ Tây Hồ 2 (còn gọi hồ Bảo Đại, phường 11, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng). Ngày 21.12, những căn nhà xây dựng không phép, vi phạm trật tự xây dựng đô thị tại khu...