Có nhà không dám về vì sợ… mìn của NM xi măng
Nhà cửa rạn nứt, bụi bay mù mịt, mái nhà bị đá xiên thủng, người già, trẻ con… đều hốt hoảng sợ hãi mỗi khi Công ty TNHH Xi măng Luks cho nổ mìn để khai thác đá. Có người dân không dám về nhà vì sợ.
Có nhà không dám về
Đó là cái “án oan” của hàng trăm hộ dân thuộc xóm Lò, xã Hương Văn, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế đang phải đối mặt trong nhiều năm qua.
Ông Trần Sinh, nhà ở gần bãi nổ mìn của Công ty TNHH Xi măng Luks – Trường Sơn (thuộc Tập đoàn Luks Industrial Limited – Hồng Kông), cho biết: “Mỗi khi công ty cho nổ mìn là dễ sợ lắm anh à, rất nhiều tảng đá bay vào nhà xiên thủng mái tôn, bụi bay mù mịt cả một vùng”. Cùng cảnh ngộ tương tự, ông Dương La nhà gần đó cũng cho biết, có hôm, cả nhà ông đang ngủ trưa thì một tảng đá to tướng xuyên thủng mái tôn rơi xuống, may mà không trúng giường ngủ.
Ngôi nhà chị Nguyễn Thị Hoa (xóm Lò) bị rạn nứt nhiều chỗ.
Theo người dân, thời điểm nổ mìn thường xảy ra vào buổi trưa. Mỗi lần nổ từ 2-3 đợt khiến cho cả xóm Lò rung chuyển. Toàn xóm Lò đã có 46 nhà bị nứt tường, mái nhà bị trụt. Sản xuất của người dân cũng ngày càng điêu đứng, cây cối, hoa màu vì nhuốm bụi đá, bụi thuốc súng khiến chết dần, chết mòn.
Không chỉ riêng xóm Lò, mà hầu hết các khu vực khác gần với Nhà máy Sản xuất xi măng Luks cũng phải chịu tình cảnh tương tự. Bà Lê Thị Yên (đội 1, thôn Giáp Thượng) cho biết: “Những tưởng khi nhà máy được xây dựng sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân, ai ngờ lại làm cho dân khổ hơn bội phần. Bệnh tật thì nhiều vô kể, đau mắt, viêm mũi dị ứng, viêm phổi, lở ngứa, ù tai…”.
Chị Nguyễn Thị Tâm bức xúc: “Đó, anh xem. Nhà phải đóng cửa suốt ngày, con cái đều phải gửi nhờ ở nhà người thân để tránh bệnh tật. Có nhà mà cũng không dám về”.
Hứa đến bao giờ?
Không chịu được cảnh sống chung với “động đất”, nhiều lần người dân xóm Lò đã chặn xe và người vào khai thác đá khiến Công an và lãnh đạo huyện Hương Trà phải đến can thiệp. Mỗi lần như thế, công ty khai thác lại hứa chấp hành quy định của tỉnh, nhưng chỉ vài ngày sau đó, việc nổ mìn tái diễn.
Video đang HOT
Khai thác đá để làm vật liệu xây dựng là việc làm không thể thiếu cho sự phát triển của xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển, đất nước ngày càng giàu đẹp, phồn vinh. Thế nhưng, điều đáng nói ở đây lại là sự chủ quan, buông lỏng của những người chịu trách nhiệm đã dẫn đến nhiều cái chết thương tâm của những kỹ sư, phu đá, những người dân vô tội.
Nếu khai thác đá theo quy trình, kỹ thuật, bảo đảm an toàn lao động, nhà sản xuất phải khai thác theo kiểu “cắt tầng, phân lớp”. Thế nhưng, chỉ vì giá trị kinh tế, các nhà khai thác thường chọn cách làm theo kiểu “ăn xổi”: Thay vì khai thác từ trên cao xuống, họ khai thác từ dưới chân núi đá lên. Khoan lỗ, đặt mìn, cho nổ, tạo ra các “hàm ếch” và thuê lao động thủ công thời vụ để ra hàng nhằm thu hồi vốn nhanh và sinh lợi nhuận lớn, không thèm quan tâm đến hệ lụy vô cùng xấu của nó.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Hy – Chủ tịch UBND xã Hương Văn thừa nhận, việc khai thác bằng mìn của Công ty TNHH Xi măng Luks – Trường Sơn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của người dân xóm Lò. Chính quyền xã đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên xin được di dời dân đến nơi ở mới để tránh tai họa, nhưng đến nay mọi việc vẫn phải chờ.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện đang tiến hành xây dựng các khu tái định cư để di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm và ô nhiễm. Theo đó, 54 hộ dân xóm Lò dự kiến sẽ được di chuyển đến khu vực Ruộng Cà.
Thế nhưng, đã gần 2 năm nay, trong khi người dân hằng ngày vẫn đối mặt với hiểm nguy, thì dự án tái định cư vẫn còn nằm trên giấy.
“Cách đây chưa đầy hai năm, một vụ nổ mìn khai thác đá xảy ra tại mỏ đá Ba Trại, xã Hương Bình, huyện Hương Trà đã cướp đi 4 sinh mạng. Trong đó, 1 giám đốc điều hành mỏ, tổ trưởng khoan mìn và hai công nhân của Công ty Khoáng sản Thừa Thiên – Huế thiệt mạng, với lý do là lỗi kỹ thuật kíp nổ”.
Theo CAND
Những vụ sạt mỏ đau thương nơi xứ Nghệ
Các vụ tai nạn thảm khốc từ khai thác đá liên tục xảy ra tại địa bàn Nghệ An, cướp đi sinh mạng bao nhiêu người chính là hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng mất an toàn lao động đang xảy ra tại tất cả các mỏ đá hiện nay.
Nghề "bạc"
Trên những vách đá cheo leo hàng chục mét ở các điểm khai thác Lèn Cờ, nơi xảy ra vụ sạt núi thảm khốc ...mỗi ngày hàng ngàn lao động, thợ khoan ngày đêm "treo" người bằng sợi dây chằng ngang lưng để miệt mài đục đá, xay xát đá...
"Làm nghề này "bạc" lắm! Chỉ cần sơ suất sẩy chân thì dù có bản lĩnh đến mấy cũng có thể rơi vào cảnh thịt nát xương tan bất kể lúc nào, nhất là khi nhìn nhiều khối đá bị vết nứt vá chằng chịt, lởm chởm", một thợ đá tại xã Nam Thành, Yên Thành, nơi vừa xảy ra vụ tai nạn than thở.
30 người nằm dưới đống đất đá này
Dọc theo các ngả đường vào mỏ đá Lèn Cờ ở xã Nam Thành... chúng tôi cảm nhận rõ mối hiểm nguy đến ớn lạnh với những người đang ngày ngày "đánh đu" tìm kế mưu sinh trên các lưng chừng sườn đá. Cùng với giá lạnh của sương mù, hiểm nguy tiềm ẩn từ các tảng đá khổng lồ lơ lửng trên đỉnh đồi khiến tính mạng con người làm nghề này trở nên rủi ro, nhỏ bé.
Nghề đẽo, đục, khai thác đá luôn được xem là cuộc đánh đổi bằng máu và nước mắt. Và, vụ sạt núi gây tai nạn kinh hoàng vào sáng ngày 1/4 như một minh chứng cho nghề "bạc" này.
Đỉnh đồi Lèn Cờ, nơi xảy ra vụ sạt núi nhìn từ xa tựa như một khuỷu tay gấp khúc. Sau vụ sạt núi, nơi đây giống như một trận chiến trường vừa bị oanh tạc bằng bom B52: Các tảng đá cuội, đá voi với nhiều vết nứt vá chằng chịt ... nằm chênh vênh tựa lưng chừng vách núi, nguy cơ sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Phía dưới đỉnh đồi, gia đình các nạn nhân xấu số nháo nhác, ánh mắt thẫn thờ, gào khóc thảm thiết. Bầu không khí nặng nề ấy chốc chốc lại vỡ oà bởi những tiếng khóc thê lương. Những cặp mắt đẫm nhòe nước mắt lại tiếp tục chờ đợi.
Mưu sinh trên "lưng tử thần"
"Sống trong đá, chết vùi trong đá" là câu cửa miệng mà đám "phu đá" vẫn thường gắn cho mình khi đã chọn nghiệp này. "Dân sống dựa vào đá nên khi chết cũng vùi vào đá, mạng người của đám cửu vạn luôn chênh vênh tựa như ngàn cân treo sợi tóc. Tai nạn nhiều, chết cũng lắm nhưng đói thì vẫn phải liều.
Có dịp mục sở thị cảnh khai thác đá của phu đá nơi đây trước khi xảy ra thảm họa mới thấy hết mối hiểm nguy của những người mưu sinh bằng nghề này. Nhìn từ xa, dải lèn đá Lèn Cờ nhọn hoắt, lở lói nham nhở thương tích của những đợt khai thác.
Sau tiếng mìn nổ rung chuyển đất trời, đá đang lao ầm ầm từ vách lèn xuống thì công nhân đã bất chấp hiểm nguy ùa ra như ong vỡ tổ để khai thác. Chúng tôi vòng đến sát lèn thì thấy cảnh tượng thật kinh hãi, sát chân lèn bị các loại máy móc khai thác, mìn, rồi công nhân lao động lấy đá khoét lõm sâu hàm ếch. Phía trên là chênh vênh vách đá với những vết rạn nứt chân chim chằng chịt, chỉ chực chờ một chấn động nhỏ là đá có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào. Phía dưới đó là hàng trăm lao động nữ đang vô tư làm việc.
Nhiều công nhân ở đây cho biết thêm: "Do khai thác đá khoét, nổ lung tung nên nhiều bữa mìn không nổ vẫn có những khối đá tự dưng đổ ập xuống gây chết người. Mà đã tử vì nghề đá thì đầy thương tâm, nạn nhân chết vùi trong đá, thân thể không còn vẹn nguyên, nếu không chết thì cũng tàn tật vĩnh viễn...".
Ông Lân, người dân sống gần lèn đá kể lại câu chuyện thương tâm của con, giọng vẫn còn nghèn nghẹn: "Con trai tui đang xay đá dưới chân lèn, tự dưng có khối đá to như nửa ngôi nhà đổ xuống. Người ta phải thuê máy múc đẩy tảng đá ra, rồi phải xẻ tấm đá mất mấy ngày mới lấy được xác".
Làm việc quần quật, không bảo hộ lao động, môi trường đầy độc hại vì bụi đá, khói thuốc nổ nhưng mỗi công nhân chỉ được trả từ 20.000 - 40.000 đồng cho một ngày công lao động. "Nhiều bữa làm cật lực còn bị chửi, đêm về thì đau nhừ người như ai đánh, ngủ một giấc mai lại ra bến đá, chỉ mong có nhiều đá mà đội." - một công nhân làm nghề này tâm sự.
Những cái chết từ nạn khai thác đá vẫn luôn rình rập, đe dọa tính mạng của hàng trăm nhân công tại các bãi đá. Nếu không có sự cảnh báo kịp thời hay biện pháp bảo đảm an toàn lao động cho công nhân tại đây, chắc chắn sẽ còn xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm tại các mỏ đá, không chỉ riêng ở Nghệ An.
Những vụ sập mỏ đá thảm khốc tại Nghệ An
Ngày 15/12/2007, vụ sập núi tại công trình thủy điện Bản Vẽ tại huyện Tương Dương khiến 18 công nhân khi họ đang làm việc tại tử nạn. Đây là vụ tai nạn thảm khốc đánh dấu hàng loạt vụ tai nạn liên tiếp xảy ra trên địa bàn tỉnh Nghệ An sau đó.
Khoảng 15h30 ngày 12/1/2008, tai nạn sập mỏ đá Lèn Nậy tại địa bàn khối 9, thị trấn Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu khi đang có nhiều người làm việc, làm chết 3 người, bị thương 7 người, tất cả đều là nữ, có địa chỉ thường trú tại thị trấn Hoàng Mai.
Mỏ đá này do cho Công ty TNHH Bình Minh (huyện Quỳnh Lưu) do ông Vũ Minh Á làm giám đốc. Sau khi hết hạn khai thác, mỏ ngừng hoạt động nhưng ông Nguyễn Văn Đoan, thường trú tại thị trấn Hoàng Mai (một chủ mới) vẫn tự đứng ra thuê nhân công khai thác, bất chấp các quy định về an toàn theo quy định và xảy ra tai nạn.
Ngày 28/8/2008, vụ sập hầm khai thác thiếc tại huyện Quỳ Hợp một vụ sập hầm khai thác quặng thiếc bỏ hoang khá lâu tại xã Châu Thành (huyện Quỳ Hợp) làm 3 người chết.
Và còn nhiều vụ tai nạn nhỏ lẻ xảy ra trên địa bàn tỉnh. Thống kê mới của ngành chức năng thì hơn 100 người dân bị chết vị sập mỏ đá, sập hầm từ năm 2007 đến nay.
Theo Giang Uyên (Bưu Điện Việt Nam)