Có người lận lưng 4 đến 5 tấm bằng “xịn” nhưng giao việc gì thì hỏng việc đó
Và ông Lê Như Tiến tỏ thái độ không đồng tình với cách làm của tỉnh Quảng Ngãi về quy định tiêu chuẩn chức danh trưởng phòng, phó phòng…
Hiệu quả công việc không phụ thuộc vào bằng cấp
Tại kỳ họp 4, Quốc hội thứ XIV, một số đại biểu quan tâm tới việc rà soát công tác cán bộ, trong đó có việc sử dụng bằng cấp của cán bộ công chức viên chức.
Bởi, thực tế cho thấy nhiều trường hợp bị phát hiện sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực.
Việc sử dụng bằng cấp gian dối không chỉ diễn ra ở một địa phương mà xảy ra ở nhiều nơi, nhiều cấp.
Thậm chí để có được chức vụ cao hơn, một số người còn sử dụng bằng giả hoặc mua bằng để thuận lợi cho con đường tiến thân.
Trong khi thực trạng trên vẫn chưa có giải pháp đồng bộ để ngăn chặn, thì mới đây thông tin tỉnh Quảng Ngãi đã loại khỏi quy hoạch tất cả những người sinh từ 1976 tới nay… chưa có bằng đại học chính quy, khiến nhiều người tỏ ra lo lắng.
Nhiều ý kiến đồng tình với cách làm của Quảng Ngãi. Tuy nhiên, bên cạnh đó, không ít quan điểm cho rằng, việc tuyển dụng, bổ nhiệm mà quá coi trọng bằng cấp trong khi chưa đánh giá đúng năng lực của cán bộ trong thực tiễn công việc vô hình chung sẽ tạo ra phản ứng ngược (mua bằng cấp để thăng tiến).
Thậm chí, đây là cách làm đi ngược với xu thế mới trong quá trình phát triển của nhân loại…
Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn.
Đồng tình với quan điểm trên, hôm 24/11, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phân tích thêm:
“Thực tế tình trạng mua, bán bằng cấp hiện nay rất phổ biến. Có người sẵn sàng bỏ số tiền lớn mua bằng tiến sĩ nước ngoài, trong khi năng lực không tương xứng với tấm bằng đó.
Có những người học tiến sĩ theo kiểu nhờ vả người khác làm hộ luận án, gửi sang nước ngoài, rồi bên kia họ gửi bằng về.
Thậm chí có người lấy luận án tiến sĩ của người khác trong thư viện, sao chép lại, biến thành của mình.
Vậy thì, hiệu quả công việc có phụ thuộc vào bằng cấp không?”, ông Tiến đặt vấn đề.
Video đang HOT
Từ những phân tích trên, vị Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, cơ quan có thẩm quyền phải lấy năng lực thực tế, kết quả công việc làm thước đo để đề bạt bổ nhiệm.
“Ví dụ, một ông chủ cần một người lái xe giỏi thì phải tuyển người lái xe có kiến thức kỹ thuật cao, khả năng phán đoán và đánh giá tình huống, chứ không cần người tốt nghiệp đại học giao thông.
Người tốt nghiệp đại học giao thông vận tải chưa chắc đã lái xe giỏi.
Tuyển một người thợ hàn thì cần thợ lành nghề. Tuyển một anh kiến trúc sư thì cần một anh có năng lực về kiến trúc chứ không nhất thiết phải chọn một anh tiến sĩ trong ngành xây dựng.
Tóm lại, muốn tìm được người có năng lực thì phảithử thách người ta trong môi trường công việc.
Nếu họ hoàn thành tốt nhiệm vụ thì tổ chức hoàn toàn có thể yên tâm để giao phó công việc.
Do đó, bằng chính quy hay không chính quy không quan trọng. Quan trọng là tìm được người có năng lực để đề bạt, bổ nhiệm vào vị trí công việc tương thích”, ông Tiến nhận định.
Ông Lê Như Tiến nhấn mạnh thêm: “Việc ưu tiên người tốt nghiệp loại khá, giỏi trong tuyển dụng, bổ nhiệm là đúng.
Nhưng trong trường hợp này, bằng cấp chỉ là điều kiện cần thôi chứ chưa phải là điều kiện đủ. Điều kiện đủ và quan trọng nhất chính là năng lực cán bộ hoàn thành công việc được giao ở mức nào.
Thậm chí tôi còn biết có người có 4 đến 5 tấm bằng “xịn” trong tay, nhưng giao cho công việc gì thì hỏng công việc đó.
Do vậy, yếu tố năng lực thực tiễn là yếu tố quyết định chứ không phải căn cứ vào tấm bằng chính quy hay không chính quy.
Thực tế, có những cán bộ do trước đây không đủ điều kiện đi học chính quy nhưng qua rèn luyện thực tế, họ trưởng thành rất nhanh và khẳng định được mình trong công việc.
Có người được bổ nhiệm, giữ chức vụ cao ở địa phương, thậm chí cấp Bộ, ngành.
Thế thì tại sao chúng ta lại căn cứ vào bằng cấp và lấy thước đo bằng cấp là thứ quan trọng nhất khi bổ nhiệm?”, ông Lê Như Tiến nêu quan điểm.
Cơ quan có thẩm quyền cần vào cuộc
Ông Lê Như Tiến cho rằng, việc tỉnh Quảng Ngãi đưa ra quy định nói trên là đi ngược lại với quan điểm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong việc khuyến khích động viên mọi cán bộ công chức học tập suốt đời.
“Trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, nhà nước không có quy định và không phân biệt bằng đại học chính quy, hay không chính quy.
Trong khi đó, chúng ta đã và đang đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Vậy thì không có lý gì mà lại đi phân biệt bằng tại chức và bằng chính quy cả.
Bây giờ rất nhiều trường đại học trên cả nước được phép mở hệ đào tạo vừa học, vừa làm, tại chức, chuyên tu.
Như vậy có nghĩa rằng, nếu anh đưa ra quy định trên, thì anh đã phủ định chính chủ trương, chính sách của nhà nước”, ông Tiến nói.
Cán bộ tốt nghiệp đại học tại chức sẽ bị hạn chế rất nhiều trong việc bổ nhiệm ở vị trí cao hơn. Ảnh minh họa đăng trên Báo Lao động.
Vị Đại biểu Quốc hội khóa XIII đề nghị cơ quan có thẩm quyền cần vào cuộc làm rõ sự việc:
“Trong trường hợp này, tôi nghĩ, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xem xét thực hiện việc thanh tra, kiểm tra quy định nói trên, để xem địa phương có thực hiện đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước ta trong việc khuyến khích động viên mọi cán bộ công chức học tập suốt đời hay không”, ông Lê Như Tiến nói.
Từ những phân tích trên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng đưa ra cảnh báo:
“Cơ quan, đơn vị trong quá trình thực hiện tuyển dụng, bổ nhiệm mà quá coi trọng bằng cấp, nhưng chưa đánh giá đúng năng lực của cán bộ trong thực tiễn công việc, vô hình chung, anh lại động viên cán bộ chạy theo bằng cấp.
Thậm chí có thể xảy ra trường hợp người ta bỏ tiền mua bằng để đạt được mục đích trong đề bạt, bổ nhiệm. Chính sách của anh như vậy là coi trọng bằng cấp chứ chưa coi trọng người có năng lực thực sự”, ông Tiến cảnh báo.
XUÂN QUANG
Theo giaoduc
Cách chức Bí thư Xuân Anh: Bài học điển hình khi đề bạt cán bộ trẻ
"Lựa chọn, quy hoạch cán bộ trẻ làm lãnh đạo là tốt, nhưng người trẻ đó phải thế nào? Người trẻ đó phải là người có bản lĩnh, có trí tuệ, từng trải trong thực tiễn, có những cống hiến được người dân ghi nhận. Còn nếu đưa người trẻ lên nhanh khi họ chưa đủ tâm, đủ tầm dễ thành "chín ép", ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa nói.
Đề bạt cán bộ trẻ ít trải nghiệm dễ bị "chín ép"
Ông Nguyễn Xuân Anh, nguyên Bí thư thành ủy Đà Nẵng.
"Nếu ở vào trường hợp ông Nguyễn Bá Thanh (nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng) còn có thể hiểu được. Nhưng với ông Nguyễn Xuân Anh, chưa có công lao gì mà phát ngôn mạnh như vậy, nhiều người sẽ cho rằng mang nặng tính trình diễn", ông Cuông đánh giá.Nhìn nhận về việc ông Nguyễn Xuân Anh vừa bị Ban chấp hành T.Ư thi hành kỷ luật, ông Lê Văn Cuông cho biết: Qua tìm hiểu về quá trình thăng tiến và hoạt động gần 2 năm của nguyên Bí thư Đà Nẵng Xuân Anh có thể thấy ông này chưa có đóng góp nào thực sự nổi bật, tuy nhiên nhiều phát ngôn có vẻ mạnh mẽ, thể hiện cá tính.
Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa.
Ông Lê Văn Cuông đánh giá, vụ việc của ông Nguyễn Xuân Anh có thể coi đó là bài học điển hình về công tác cán bộ, nhất là với cán bộ trẻ.Vẫn theo nguyên Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hóa, trường hợp ông Nguyễn Xuân Anh là cán bộ còn trẻ, con đường thăng tiến còn rộng nhưng đã "dính" ngay vào vấn đề lợi ích vật chất như sử dụng xe ô tô biếu tặng, sử dụng nhà doanh nghiệp (kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư-PV). Như vậy là người có tâm không sáng, bản lĩnh không vững vàng, dễ bị cám dỗ nên thất bại là điều không có gì bất ngờ.
"Lựa chọn, quy hoạch cán bộ trẻ làm lãnh đạo là tốt, nhưng người trẻ đó phải thế nào? Phải là người có bản lĩnh, có trí tuệ, có sự từng trải trong thực tiễn, có những cống hiến được người dân ghi nhận. Nếu đưa người trẻ lên nhanh mà họ không đủ tâm, đủ tầm dễ thành "chín ép", ông Cuông nói.
Đồng quan điểm, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Đối với một cán bộ trẻ thăng tiến quá nhanh, vấn đề đặt ra là đã đủ thời gian cho họ rèn luyện, đủ thời gian để tổ chức đánh giá đúng thực chất về tâm, về tầm của người cán bộ chưa.
Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
Theo ông Lê Như Tiến, trong công tác cán bộ, người chưa đủ tầm, chưa từng trải nhiều lên làm lãnh đạo quá nhanh sẽ khiến họ dễ có sự ngộ nhận cho rằng mình tài giỏi, là người Đảng và Nhân dân đang cần. Từ đó dẫn tới việc chủ quan, không lắng nghe ý kiến của đồng nghiệp, của người dân; không tự rèn luyện tu dưỡng, không biết mình là ai, nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm.
Trao quyền lực phải kiểm soát
Trong vụ việc của ông Nguyễn Xuân Anh, có một điều cũng cần nhắc tới là việc kiểm soát quyền lực chưa chặt chẽ, dẫn tới tình trạng bên Đảng lấn át chính quyền, làm thay việc của chính quyền như kết luận mà Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã chỉ ra.
Mới đây khi trao đổi với báo chí về công tác cán bộ, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cho rằng, nếu như trong tổ chức có những người quan liêu không nắm rõ cán bộ, thấy có một vài thành tích thì tâng họ lên, không chỉ ra nhược điểm khiến cán bộ tự kiêu, nhược điểm không được khắc phục sẽ khiến họ thoái hóa dần. Việc đó không kịp thời uốn nắn thì cán bộ tốt sẽ trở thành xấu.
"Mất cán bộ là điều rất đau, vì để bồi dưỡng một cán bộ trưởng thành đòi hỏi rất nhiều vấn đề. Mất một người cán bộ tức là thiệt hại cho cách mạng. Cho nên công tác cán bộ đòi hỏi sự công phu, liên tục, không phải bầu ra hoặc bố trí vào các vị trí công tác xong là thôi. Chúng ta chưa có sự giám sát cán bộ đến nơi đến chốn. Chúng ta vẫn nói quần chúng giám sát, cái đó có, nhưng các cấp quản lý trực tiếp và gián tiếp cán bộ lại chưa giám sát chặt chẽ. Việc này mà buông lỏng sẽ dẫn tới chuyện cán bộ có vi phạm nhưng không được phát hiện và ngăn chặn kịp thời", nguyên Tổng Bí thư nói.
Đề cập tới vấn đề kiểm soát quyền lực, ông Lê Như Tiến cho rằng, khi tổ chức đã trao quyền lực cho cán bộ nào đó thì thường xuyên kiểm tra, giám sát. "Người có quyền nếu không bị kiểm soát dễ dẫn tới việc họ lạm quyền, lộng quyền rồi chuyên quyền. Quan trọng nhất là phải kiểm soát được quyền lực", ông Tiến nói.
Theo TS Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội: Nếu cơ chế kiểm soát quyền lực ngang cấp làm tốt, bên cạnh đó là cơ chế kiểm soát quyền lực theo hệ thống dọc (trên xuống dưới) cũng được làm mạnh, sẽ trở thành hai gọng kìm khiến cho cán bộ tuy ở vị trí quyền lực nhưng không thể lộng quyền, tha hóa quyền lực dẫn tới những hành vi vi phạm. Hiện nay cơ chế này chúng ta đã có vấn đề có phát huy tốt hay không.
Theo Danviet
Nguyên Tổng Bí thư lên tiếng vụ Bí thư Hải Dương bị tố bằng cấp Sáng 29.9, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh chủ đề về công tác cán bộ. Báo chí đã đặt câu hỏi với nguyên Tổng Bí thư về câu chuyện Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương bị tố về bằng cấp. Đúng 8 giờ 30 phút, cuộc trao đổi giữa nguyên Tổng Bí thư...