Có người khác khi bạn trai đi du học
Chúng em yêu nhau từ năm lớp 12. Tình yêu trong sáng và đậm sâu, gia đình bố mẹ hai bên đều biết chúng em gắn bó với nhau, bố mẹ nói ủng hộ, miễn sao hai đứa không quên nhiệm vụ chính là học tập.
Ảnh minh họa
Biết vậy nên tụi em luôn cố gắng, dù không tránh khỏi những lúc việc học cũng ảnh hưởng do hai đứa giận hờn.
Cuối năm lớp 12 bạn ấy mới nói cho em biết gia đình không có ý định cho bạn ấy thi đại học bên này, bạn ấy sẽ đi du học. Em buồn lắm. Nhưng biết rằng đây là tương lai của bạn ấy, một việc lớn như vậy cũng chẳng thể thay đổi được, nên em đành chấp nhận. Hai đứa đã hứa với nhau rằng cho dù có yêu xa thì sẽ vẫn thường xuyên liên lạc, chat, điện thoại cho nhau. Em nói em sẽ chờ, trừ phi bạn ấy thay đổi…
Những ngày đầu bạn ấy đi, em buồn chẳng thiết sống nữa. Ngày nào cũng trống rỗng và chán nản, như đánh mất một thói quen, như phải bỏ đi điều gì thân thương lắm. Thường ngày cứ sáng ra mở mắt bọn em đã gọi điện cho nhau, nhưng bây giờ thì không thể. Thường ngày cứ đến giờ đi học là em được nhìn thấy bạn ấy, tươi cười đứng chờ trước cửa nhà để chở em đi. Bây giờ em phải tự đi một mình. Dù có bạn bè trên lớp, bạn ở lớp học thêm, em vẫn không tránh khỏi đôi lúc lầm lũi như cái bóng.
Vì không có bạn ấy ở bên nên ngoài những lúc hai đứa hẹn nhau lên mạng chat hay những lúc dành thời gian email qua lại với nhau, em chỉ biết vùi đầu vào học. Vì khi tập trung hoàn toàn vào bài vở, em sẽ tạm quên được bạn ấy, quên việc bạn ấy không còn ở đây.
Video đang HOT
Bố mẹ rất thương và luôn tìm cách động viên em. Bố mẹ cũng nói tương lai còn rất dài, bạn ấy chưa chắc đã là người sẽ bên em đi đến tận cuối cùng. Nhưng em không tin. Vì em đã chọn bạn ấy rồi, bạn ấy cũng chọn em. Bạn ấy đi học xa nhưng cũng không có ai cả. Bạn ấy luôn kể cho em nghe hành trình một ngày. Em say sưa nghe chuyện bạn ấy đi bộ đến trường ra sao, thư viện của ngôi trường bên ấy thế nào… Trong các câu chuyện của bạn ấy chỉ có học và học, không bao giờ có bóng hồng khác.
Vấn đề lại bắt nguồn từ em. Sau khi đỗ đại học, em bước chân vào giảng đường của một ngôi trường lớn. Bạn bè đa dạng hơn, họ đến từ nhiều nơi. Họ đều là những học sinh khá giỏi từ nhiều ngôi trường khác. Vì không có bạn trai bên cạnh nên em cố gắng tham gia các hoạt động ngoại khóa trong trường thật nhiều để tránh cảm giác cô đơn. Qua sinh hoạt văn nghệ ở khoa, em quen anh ấy. Anh ấy hơn em một khóa. Có anh ấy, em thấy mình sống vui hơn. Anh ấy là người năng nổ, sáng tạo. Cả khoa đều biết anh ấy vì anh ấy thân thiện, dễ gần, tài giỏi lại hay giúp đỡ mọi người. Lâu dần em muốn ở bên cạnh anh ấy nhiều hơn. Dù không cố tình, nhưng những câu chuyện về việc học ở trời xa của người bạn xưa bắt đầu khiến em thấy nhàm. Em ít lên mạng chat với bạn ấy hơn. Em biết mình đã có những mối quan tâm khác…
Cái điều em trăn trở bây giờ là có nên nói thật với bạn ấy về những thay đổi trong cuộc sống của em không. Em lo cho bạn ấy, và cũng thấy mình có lỗi. Giá như người thay đổi là bạn ấy và người bị phụ rẫy là kẻ ở nhà như em thì có lẽ em sẽ bớt day dứt hơn. Giờ em biết bố mẹ nói đúng, tương lai chúng em còn quá dài và sẽ còn gặp nhiều gương mặt mới, chúng em chưa chắc là bến đỗ cuối cùng của nhau. Nhưng liệu bạn ấy có hiểu như thế?
Theo VNE
Du học xong về hay ở, quan trọng bạn là ai?
Hóa ra việc du học và trở về chỉ dựa trên cái nền căn bản là "gia đình có điều kiện", tư chất không thích nghi với sự rèn luyện cao ở nước ngoài, việc chọn con đường trở về là "dễ chịu" hơn.
Ra sân bay Nội Bài đón bạn từ châu Âu về, vừa về đến Hà Nội đã thấy gương mặt bạn bần thần. Hỏi vì sao? Bạn bảo vừa bước xuống sân bay là đã thấy sốc rồi.
Hóa ra bạn ấy sốc vì cái cảnh người ta chen lấn lên máy bay; cảnh thiên hạ ngồi xổm, cười nói oang oang khắp nơi ở ga hành khách. Tưởng gì, toàn những chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" và chẳng bao giờ khắc phục được đâu. Nhưng cô bạn vẫn chưa chịu thôi, cứ quay sang hỏi một anh bạn làm bên giáo dục tại sao anh ấy bỏ nước Úc sung túc để trở về Việt Nam sống và tiếp tục sự nghiệp giáo dục của mình.
Tôi thấy anh bạn nhà giáo kia chỉ mỉm cười. Vâng, ở lại hay về nước luôn là câu hỏi khiến mỗi người Việt day dứt khi họ đã ra nước ngoài học hành hay làm việc. Câu hỏi đâu là mảnh đất lành đem lại hạnh phúc luôn đặt con người trước sự lựa chọn. Và tôi để ý, người Việt thường băn khoăn về câu hỏi ấy ngay từ khi đặt chân xuống sân bay xứ mình. Âu đó cũng là một nỗi buồn!
Ảnh minh họa
Tôi theo anh bạn làm giáo dục đã bỏ nước Úc về xây một ngôi nhà kề sông Sài Gòn. Nơi này giống như làng nghệ sĩ, với nhiều họa sĩ mua đất làm nhà ven sông, mua nhà cổ, dựng vườn trốn tránh đô thị. Trong lúc lang thang khắp ngôi nhà lạ từng được lên trang "Không gian sống" của tờ New York Times, tôi cố cắt nghĩa chuyện trở về của chủ nhân.
Một lần khác tôi đến thăm ngôi nhà giản dị nhưng cũng rất đẹp của một nghệ sĩ nhiếp ảnh người Pháp ở Hội An. Như một người Việt chính cống, anh thuê một căn nhà, chia nó làm hai, phía ngoài để bán ảnh và sách ảnh, phía trong là chỗ làm việc và ăn ngủ.
Nó cũng làm tôi ngạc nhiên vì lối sống quá giản dị so với nhu cầu một nghệ sĩ có tài đến từ Paris. Một người Pháp khác vốn là đạo diễn phim tài liệu cũng đã đến Việt Nam hơn 10 năm, thời gian ông dành cho việc đào tạo các học viên trẻ lối làm phim tài liệu hiện đại với phong cách Đức và Pháp. Ông sẵn sàng ở nhà thuê, thích nghi với các món ăn Việt.
Điều quan trọng tôi rút ra từ những người đã gặp đó là dù họ hòa nhập với đời sống Việt, có thể đi xe máy, thậm chí viết sách, làm MC truyền hình nổi tiếng như Joe (Dâu), hoặc trở thành một nhà nhiếp ảnh có tiếng, phát triển được một công ty làm du lịch chuyên về hướng dẫn cho khách nước ngoài đến chụp ảnh ở miền Trung, và nhiều người khác, họ "yên ổn và thoải mái" ở Việt Nam là nhờ kiên trì giữ phong cách làm việc như vẫn đang sống ở các nước công nghiệp. Hoàn cảnh không tác động đến tinh thần, đó là cách họ lựa chọn những điều tốt nhất của cuộc sống để hưởng thụ và làm việc.
Tôi cũng nhớ đến một tập đoàn đa ngành lớn hiện đang gặp khó khăn do các dự án bất động sản "khủng" đóng băng. Nhớ rằng trong tập đoàn đó, hàng ngũ cán bộ trẻ hầu hết là "con ông cháu cha" đi học ở Anh, Mỹ về.
Bạn nào cũng bảo rằng về Việt Nam để đóng góp cho đất nước, rằng cuộc sống ở Việt Nam dễ chịu, nhưng quan sát công việc và cách tư duy của họ, thật ngạc nhiên khi thấy dường như họ chưa hề đi khỏi ngôi nhà cũ ngày nào. Họ chỉ có dáng vẻ trau chuốt hơn hẳn người xung quanh, cũng rất giỏi thích nghi chuyện "quan hệ sân sau" trong làm ăn, năng suất làm việc kém, theo cách nửa buổi sáng vẫn còn ngồi quán xá, nói gì cũng chỉ nói nửa câu rồi dừng lại để đề phòng trước sau.
Hóa ra việc du học và trở về chỉ dựa trên cái nền căn bản là "gia đình có điều kiện", tư chất không thích nghi với sự rèn luyện cao ở nước ngoài, việc chọn con đường trở về là "dễ chịu" hơn.
Cuộc sống ở Việt Nam ngổn ngang trăm mối, nhưng nếu sống với nó không hết lòng, quả là khó hưởng hương hoa ngay trên đất mẹ!
Khải Ly
Theo_VietNamNet
Câu chuyện giản dị về hạnh phúc của một du học sinh Trải qua những ngày thơ ấu đầy khốn khó với chỉ 5.000 đồng tiền ăn cho cả nhà mỗi ngày, hay bố mẹ lâm trọng bệnh, bạn gái đã không từ bỏ ước mơ để thành công trong việc học. Bài viết của bạn trẻ có bút danh Hoàng Anh Tú nhận được sự đồng cảm khi chia sẻ lên mạng xã hội....