Có nên tiêu hủy xe đua trái phép, nếu đó là siêu xe triệu đô?
Nạn đua xe tràn lan tại TP.HCM hiện nay vẫn được coi là một căn bệnh kinh niên. Rất nhiều trường hợp dân thường đã phải chịu những cái chết oan uổng do sự liều lĩnh của các quái xế. Hình thức xử phạt vi phạm hành chính coi như đã bị “nhờn thuốc”, không còn tác dụng mang tính răn đe đáng kể.
Ngày 23/2, Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, với xe đua trái phép nếu chỉ giữ, xử phạt hành chính rồi trả lại thì không giải quyết được vấn đề. Bộ Công an có quan điểm bất kỳ phương tiện nào, dù là mượn của người khác khi tham gia đua trái phép thì phải bị tịch thu và tiêu hủy.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật gia Phạm Đình Bắc, TP.HCM về vấn đề này. Theo ông Bắc, với nạn đua xe trái phép đang tràn lan tại TP.HCM như hiện nay thì mọi biện pháp xử lý hành chính đều không còn sức răn đe triệt để, cần phải mạnh tay hơn.
Đua xe là tội phạm
Đồng tình với quan điểm của Bộ Công an, theo ông Bắc: đua xe trái phép là vi phạm hình sự chứ không phải là một loại tệ nạn. Bất cứ xe nào tham gia đua xe, nếu bị phát hiện thì phải tịch thu, người đua phải bị xử lý hình sự
Ông Bắc cho biết: Các hành vi đua xe trái phép, tổ chức đua xe trái phép hay cổ vũ đua xe trái phép được quy định trong Điều 206, 207 của Bộ luật hình sự với mức hình phạt cao nhất là tù chung thân, bên cạnh đó còn có những hình phạt bổ sung như phạt tiền.
Nghị định 34/2010 về xử lý vi phạm trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ cũng đề ra chế tài ở mức hàng chục triệu đồng đối với các đối tượng vi phạm.
Video đang HOT
Nạn đua xe trái phép đang là một tệ nạn ở TP.HCM
Các vụ đua xe trái phép và số người đua xe trái phép là một vấn nạn, xảy ra thường xuyên ở TP.HCM nhưng những vụ được đưa ra xét xử thì rất ít. Không hẳn là kỷ cương chưa nghiêm mà có thể vì lực lượng công an chưa mạnh tay trấn áp vì nhiều lý do.
Tất nhiên, không thể hình sự hóa tất cả các vụ đua xe, nhưng theo ông Bắc, cần có những văn bản hướng dẫn, quy định về mức độ, tính chất nguy hiểm của một vụ đua xe như thế nào là xử lý hình sự, như thế nào thì chỉ cần xử phạt hành chính.
Khoảng 2 năm trở lại đây, Phòng CSGT đường bộ – đường sắt Công an TP.HCM đã áp dụng hình thức kiểm điểm tại tổ dân phố đối với các đối tượng đua xe. Hình thức này mang tính giáo dục và đã phát huy hiệu quả nhất định, tuy nhiên, sau khi kiểm điểm và trả xe đua về, rất nhiều các đối tượng lại tiếp tục quay lại đường đua vì không bỏ được “máu me tốc độ”.
Có nên đem tiêu hủy nếu đó là siêu xe?
Trong Bộ luật Hình sự cũng không quy định việc tịch thu xe tham gia đua xe trái phép nhưng trong điều 37 Nghị định 34/2010 thì lại có, như vậy là chưa thống nhất. Nếu một người nào đó đua môtô, xe máy, ôtô thì chỉ bị phạt tù, hình phạt bổ sung là phạt tiền chứ không bị tịch thu xe. Với cùng một hành vi, vi phạm hành chính còn có thể bị tịch thu xe thì không lý do gì vì phạm hình sự không bị tịch thu xe.
Vì vậy, ông Bắc kiến nghị sửa luật hình sự theo hướng: người đua xe trái phép thì bị tịch thu xe, kể cả nếu đó là những siêu xe có giá hàng trăm ngàn hay hàng triệu đô la.
Các đối tượng đua xe hiện nay thường lợi dụng kẽ hở của luật pháp, sử dụng “chiêu bài” đua xe máy, xe môtô đứng tên người khác. Theo luật hiện hành, phải trả lại phương tiện cho chủ sở hữu, chỉ tịch thu nếu xe đó của chính người đua xe trái phép.
Hiện nay, theo quan điểm của tướng Phạm Quý Ngọ, thứ trưởng Bộ Công an, sẽ thu giữ và tiêu hủy phương tiện đua xe (kể cả đó là xe đi mượn). Tuy nhiên, theo ông Bắc về trường hợp nếu chủ phương tiện giao xe cho người khác mà biết người sử dụng xe để đua thì xử là đồng phạm, người giúp sức, người cung cấp phương tiện, công cụ cho người phạm tội.
Trong trường hợp người cho mượn phương tiện không biết hoặc không thể biết, người đua xe mượn xe để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật thì việc tiêu hủy phương tiện dẫn đến hậu quả pháp lý. Đó là trách nhiệm dân sự của người phạm tội đối với tài sản của người cho mượn. Người cho mượn xe sẽ được tham gia vụ án hình sự với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan hoặc người bị hại.
Đối với những chiếc xe đua đã được thay đổi kết cấu thì theo ông Bắc, việc tịch thu và tiêu hủy sẽ góp phần hạn chế nạn đua xe
Dù ủng hộ quan điểm của Bộ Công an về việc tiêu hủy xe đua, nhưng cũng theo ông Bắc, trong trường hợp xe đua có giá trị cao hay vẫn còn có thể lưu thông một cách hợp lệ như: xe ô tô; xe máy, xe mô tô không phải là xe độ (xe đã bị thay đổi kết cấu nhằm tăng tốc độ) thì không nhất thiết phải áp dụng việc tiêu hủy, sẽ lãng phí. Những loại xe này nên được sử dụng cho mục đích công ích hoặc bán đấu giá.
Theo tay đua kỳ cựu Mã Kim So, việc đua xe tràn lan như hiện nay là do các đối tượng đua xe không có sân chơi, hành vi đua xe trái phép lại bị coi là trái pháp luật. Do đó, theo ông So, nếu có thể giải quyết đồng bộ như lập một trường đua xe nghiệp dư cho những bạn trẻ yêu thích có được một sân chơi lành mạnh và hợp pháp, kèm theo các biện pháp cứng rắn đề xử lý những kẻ đua xe trái phép là hợp lý hơn cả.
Đặng Sinh
Theo Infonet
Thứ trưởng Công an: 'Phải tiêu hủy xe đua trái phép'
Trung tướng Phạm Quý Ngọ cho rằng, các phương tiện xe đua trái phép nếu tịch thu rồi đem bán đấu giá thì tính răn đe vẫn chưa cao.
Ngày 23/2, trao đổi với báo chí về chế tài xử phạt người đua xe trái phép và xử lý xe đua, trung tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, với xe đua trái phép nếu chỉ giữ, xử phạt hành chính rồi trả lại thì "như bắt cóc bỏ đĩa, không giải quyết được vấn đề". Bộ Công an có quan điểm bất kỳ phương tiện nào, dù là mượn của người khác khi tham gia đua trái phép thì phải bị tịch thu và tiêu hủy.
Trung tướng Phạm Quý Ngọ trả lời báo chí ngày 23/2. Ảnh: Thái Thịnh.
Theo Thứ trưởng Ngọ, khi bị tiêu hủy, giữa cá nhân và gia đình người cho mượn xe bị tịch thu sẽ có trách nhiệm với nhau. Do số tài sản vi phạm không lớn, nếu tịch thu rồi đem bán đấu giá thì tính răn đe vẫn chưa cao.
Trước đó, trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho biết, đề xuất tịch thu xe đua đã nhận được ủng hộ của các ban ngành, song việc tiêu hủy xe chưa nhận được đồng tình của dư luận.
Còn theo Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Đức Nhanh, hiện nay việc xử lý đua xe gặp nhiều khó khăn vì quyền sở hữu tài sản đó không mang tên người vi phạm. "Nếu Chính phủ cho phép UBND TP Hà Nội, công an hay tòa án tịch thu phương tiện đua xe trái phép, tôi hứa địa bàn này sẽ không còn đua xe nữa...", tướng Nhanh quả quyết.
Theo dự thảo nghị định sửa đổi nghị định 34 về xử phạt vi phạm hành chính trong giao thông đường bộ, người tổ chức đua xe hoặc đua xe máy, ôtô và chống người thi hành công vụ sẽ phải chịu mức phạt cao nhất tới 40 triệu đồng và bị tịch thu xe; người cổ vũ, kích động đua xe cũng phải chịu mức phạt tới 20 triệu đồng.
Theo VNEXpress
Nên bán xe đua trái phép Hiện nay nạn tụ tập đua xe trái phép không những không thuyên giảm ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Vũng Tàu mà còn có chiều hướng "phát triển" về các thị xã, thị trấn... Công an Hà Nội xử lý các trường hợp đua xe trái phép tại khu đô thị mới Việt Hưng, Long Biên Tại...