Có nên thu phí cao tốc đầu tư từ ngân sách?
Việc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề xuất thu phí đường cao tốc đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách Nhà nước đang tạo ra nhiều phản ứng thuận, ngược khác nhau.
Một số chuyên gia tài chính thể hiện sự phản đối, trong khi các giới am tường lĩnh vực giao thông thì cho đây là chủ trương đúng, vấn đề cách thu sao cho hợp lí.
Nhiều người lo phí chồng phí nếu tiến hành thu phí cao tốc đầu tư từ ngân sách.
Bộ GTVT rất quyết tâm
Đang có những động thái cho thấy Bộ GTVT đang quyết tâm thu phí đường cao tốc được đầu tư bằng vốn ngân sách. Cụ thể, Bộ GTVT đề nghị Bộ Tài chính xem xét báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung khoản thu phí sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí vào Danh mục phí, lệ phí tại Luật Phí và lệ phí.
Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị trực thuộc như Vụ Tài chính, Vụ Kế hoạch – Đầu tư, Vụ Đối tác công – tư, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông căn cứ chức năng, nhiệm vụ, chủ động phối hợp với Viện Chiến lược, Tổng cục Đường bộ Việt Nam trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Đề án.
Các nguyên tắc thu phí đường cao tốc được Bộ GTVT xác định là chỉ thu phí đối với các đường cao tốc đi song song với đường quốc lộ do ngân sách Nhà nước đầu tư để người dân có quyền lựa chọn; việc thu phí được thực hiện tại trạm thu phí trên tuyến đường cao tốc. Mức phí phải phù hợp với chất lượng dịch vụ, nhưng không vượt quá lợi ích thu được và khả năng chi trả của người sử dụng đường cao tốc.
Xung quanh vấn đề này, TS. Đinh Trọng Thịnh – Học viện Tài chính, thể hiện rõ sự băn khoăn khi cho rằng: Ngân sách Nhà nước cũng là tiền người dân; nay dùng ngân sách đầu tư hạ tầng, nhưng vẫn thu tiền người dân thì không hợp lí, bởi tiền ngân sách phải bỏ ra xây dựng giao thông, hạ tầng là việc đương nhiên.
Video đang HOT
Một số ý kiến khác thì lập luận rằng, chủ các phương tiện ô tô hiện nay đã phải đóng nhiều khoản thuế, phí. Nếu tới đây thu thêm phí khi đi trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư thì sẽ tăng thêm chi phí vận tải, cuối cùng người dân, doanh nghiệp chính là những đối tượng phải trả thêm các khoản tăng này.
Chuyên gia gợi ý 4 tiêu chí để thu
Tuy nhiên, giới am hiểu lĩnh vực giao thông lại ủng hộ chủ trương thu phí trên cao tốc do Nhà nước đầu tư. TS Nguyễn Xuân Thủy – chuyên gia giao thông đô thị cho biết, qua một thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, ông ủng hộ chủ trương thu phí trên cao tốc do Nhà nước đầu tư. Theo ông Thủy, Nhà nước đã bỏ tiền ra đầu tư các đường quốc lộ, nay bỏ tiền ra đầu tư thêm đường cao tốc rộng hơn, đẹp hơn thì cũng cần phải tính toán.”Nói vui, anh nào nhà giàu, có tiền thì đi đường này, nếu không anh vẫn có thể đi đường khác”, ông Thủy nói.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này, thu trên đường cao tốc nào thì cần cân nhắc và xây dựng tiêu chí cụ thể. Theo đó, ông gợi ý bốn tiêu chí đường cao tốc đầu tư bằng ngân sách có thể thu phí. Thứ nhất, đường cao tốc từ địa điểm A đến địa điểm B cần có hai đường, tức không thu trên đường độc đạo, tạo điều kiện để người dân có quyền lựa chọn. Thứ hai, mức thu phí phải thấp để người dân “dễ thở” và không trở thành gánh nặng chi phí. Do là tiền ngân sách nên thời gian thu phí có thể kéo dài, đây cũng là điều kiện để mức thu phí thấp xuống.
Thứ ba, phải thực hiện thu phí không dừng để minh bạch việc thu, tránh thất thoát tiền thu được. Cuối cùng, các điểm thu phí phải đúng vị trí, tránh tình trạng đặt trạm thu phí bất hợp lý như từng xảy ra ở nhiều dự án BOT khiến người dân bức xúc. “Thu ít, thu chậm, mục tiêu xây dựng cao tốc vẫn là để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại là chính, không mang nặng vấn đề thu được bao nhiêu trong thời gian bao lâu. Đặt mục tiêu chính là thu được bao nhiêu là không được”, ông Thủy nhấn mạnh.
Vị này cũng cho rằng, người dân và doanh nghiệp cần thông cảm cho Nhà nước vì hiện nay tiền ngân sách không nhiều mà hệ thống đường bộ cao tốc Việt Nam còn đang rất thiếu, cần nhiều nguồn lực để đầu tư.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, mô hình thu phí trên cao tốc được đầu tư từ ngân sách đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Liên quan đến việc có phí chồng phí hay không, ông Đông cho biết, hiện phí bảo trì đường bộ các xe đang đóng hàng năm là thu để bảo trì cho toàn bộ các đường khác nhau, gồm đường xã, thôn, tỉnh, huyện. “Việc thu phí này là cả mạng lưới đường, còn anh đi cao tốc thì anh chỉ trả cho phần anh đi đường riêng, an toàn, nhanh hơn”, ông Đông giải thích.
Quyết toán dứt điểm các công trình giao thông khi hoàn thành
Báo cáo gửi đến Quốc hội mới đây của Bộ Giao thông vận tải cho thấy, bộ này đã quan tâm đến việc đẩy nhanh quyết toán dứt điểm các dự án, công trình khi hoàn thành, góp phần kiểm soát chi và đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công trong lĩnh vực giao thông.
Các chủ đầu tư phải quyết toán từng hạng mục, thì công tác quyết toán toàn dự án mới kịp thời, không kéo dài. Ảnh: T.T.
Loại khỏi giá trị đề nghị quyết toán hơn 171 tỷ đồng
Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), để triển khai thực hiện công tác quyết toán dự án hoàn thành, Bộ đã ban hành quy định phân cấp, ủy quyền thẩm tra phê duyệt quyết toán cho tổng cục và các cục quản lý chuyên ngành; ban hành quy trình thẩm tra, phê duyệt quyết toán thuộc thẩm quyền của bộ và chỉ thị chấn chỉnh, tăng cường công tác quyết toán dự án hoàn thành.
Hằng năm, căn cứ vào các các dự án hoàn thành năm trước và kế hoạch hoàn thành dự án trong năm, ngay từ đầu năm, Bộ GTVT ban hành các quyết định giao kế hoạch lập, trình duyệt dự án hoàn thành cho các chủ đầu tư, ban quản lý dự án; ban hành quyết định giao kế hoạch thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành cho các đơn vị thẩm tra, phê duyệt để đơn vị thực hiện.
Kết quả thực hiện quyết toán là một trong những tiêu chí đánh giá hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án.
Vì thế, công tác quyết toán dự án hoàn thành đã đi vào nề nếp. Cơ bản các chủ đầu tư, ban quản lý dự án tuân thủ quy định của Bộ Tài chính về lập báo cáo quyết toán dự án hoàn thành, các biểu mẫu hồ sơ quyết toán, hồ sơ, thời hạn lập báo cáo quyết toán dự án hoàn thành, đảm bảo theo quy định.
Công tác thẩm tra, phê duyệt quyết toán được các cơ quan có thẩm quyền tập trung đẩy mạnh, thực hiện thẩm tra quyết toán ngay khi các hạng mục độc lập hoàn thành, giúp việc quyết toán được đẩy nhanh, không chờ khi dự án hoàn thành. Cơ bản công tác thẩm tra, phê duyệt quyết toán đã tuân thủ đúng quy định.
Kết quả từ tháng 6/2019 đến hết tháng 9/2020, ngành GTVT đã phê duyệt quyết toán được 91 dự án (hạng mục) hoàn thành, với giá trị phê duyệt quyết toán 34.784 tỷ đồng, qua công tác thẩm tra, phê duyệt quyết toán loại ra khỏi giá trị đề nghị quyết toán là 171,4 tỷ đồng.
Sát sao đẩy nhanh tiến độ quyết toán dự án hoàn thành
Mặc dù vậy, theo Bộ GTVT, công tác quyết toán dự án hoàn thành cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc. Đó là, trong công tác lập, trình báo cáo quyết toán, một số chủ đầu tư, nhà đầu tư, ban quản lý dự án chưa thực sự tập trung nhân lực cho công tác quyết toán.
Một số đơn vị kiểm toán độc lập vẫn còn các sai sót trong quá trình kiểm toán. Việc trình quyết toán một số dự án chưa đầy đủ hồ sơ theo đúng quy định tại Thông tư số 10/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính, bổ sung rất nhiều lần, thời gian bổ sung hồ sơ rất lâu, nhiều dự án phải trả lại hồ sơ quyết toán...
Trong công tác thẩm tra, phê duyệt quyết toán, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án chưa quan tâm giải quyết dứt điểm việc phê duyệt quyết toán theo hạng mục độc lập hoàn thành, dẫn đến việc quyết toán hoàn thành toàn bộ dự án của một số dự án kéo dài.
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác quyết toán dự án hoàn thành trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, kiểm điểm các cơ quan thẩm tra, phê duyệt, chủ đầu tư, ban quản lý dự án nghiêm túc thực hiện. Tiêu chí hoàn thành công tác quyết toán là một trong các cơ sở để quyết định việc giao chủ đầu tư, quản lý dự án mới cho đơn vị và đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của thủ trưởng cơ quan thẩm tra, phê duyệt quyết toán, chủ đầu tư, ban quản lý dự án.
Đối với các cơ quan thẩm tra, phê duyệt quyết toán, ưu tiên bố trí nguồn lực hợp lý cho công tác thẩm tra quyết toán dự án hoàn thành, tổ chức thẩm tra, phê duyệt quyết toán đảm bảo thực hiện đúng quy định; chủ động trong tổng hợp báo cáo và hướng dẫn các chủ đầu tư, ban quản lý dự án lập báo cáo quyết toán dự án hoàn thành đúng quy định.
Đối với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu: rà soát, khắc phục các tồn tại của báo cáo quyết toán dự án hoàn thành; chấp hành nghiêm quy định về thời gian lập hồ sơ quyết toán dự án hoàn thành; đẩy nhanh việc lập, trình duyệt quyết toán dự án hoàn thành, lập trình quyết toán hạng mục công trình hoàn thành phải bao gồm đầy đủ chi phí xây lắp, chi phí khác theo đúng quy định tại Thông tư của Bộ Tài chính.
Việc quyết toán dự án hoàn thành luôn là vấn đề gây đau đầu cho các cơ quan quản lý. Nhiều dự án đưa vào sử dụng nhưng vẫn chưa quyết toán dự án hoàn thành, ảnh hưởng tới việc kiểm soát chi và giải ngân.
Về phía Bộ Tài chính, bộ đã chỉ đạo hệ thống Kho bạc Nhà nước thường xuyên phối hợp chặt chẽ và hướng dẫn cho các đơn vị trong việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục tạm ứng, thanh toán, đảm bảo mọi hồ sơ, chứng từ đủ điều kiện thanh toán vốn đầu tư do các chủ đầu tư, ban quản lý dự án gửi đến kho bạc đều được giải quyết đúng theo chế độ và thời gian quy định.
Đồng thời, Kho bạc Nhà nước luôn đôn đốc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ dự án, nghiệm thu khi đã có khối lượng hoàn thành và hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục gửi đến kho bạc để kiểm soát thanh toán, thu hồi vốn đã tạm ứng, tránh dồn vào cuối năm gây khó khăn cho công tác kiểm soát chi và giải ngân.
Ba thách thức giao thông Thủ đô dành cho tân Chủ tịch Tp. Hà Nội Hiện tại Hà Nội đang chờ đón tân Chủ tịch, tuy nhiên, đối với giao thông đô thị, có 3 thách thức lớn đang chờ ông giải quyết. Đó là gì? 'Cái gai' trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài "Đây là trạm thu phí BOT điển hình cho sự bất hợp lý, kiểu làm đường một nơi, thu phí một...