Có nên quá dĩ hòa vi quý khi Nga phát biểu không phù hợp pháp lý ở Biển Đông?
Các chuyên gia về nước Nga và Biển Đông phân tích những phát biểu liên tiếp gần đây của Nga khiến nhiều người Việt yêu mến nước Nga/Liên Xô bị tổn thương.
Trong vài tháng trở lại đây, nhiều lần quan chức ngoại giao Nga nói vấn đề Biển Đông nên giải quyết song phương và không nên quốc tế hóa, có sự tham dự của bên thứ 3.
Những tuyên bố này phần nào tương đồng với quan điểm của Trung Quốc trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông khiến nhiều người Việt yêu mến nước Nga bị tổn thương và cảm thấy nghi ngờ độ tin cậy của Nga trong giai đoạn hiện nay.
Để hiểu thêm về vấn đề này, phỏng vấn Nhà báo Nguyễn Đăng Phát, Tổng biên tập Tạp chí Bạch Dương, người nghiên cứu sâu về Nga và TS. Trần Công Trục, Nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, chuyên gia lâu năm về Biển Đông.
Ngoại trưởng Nga Lavrov
- Tổng thống Nga Putin thăm Trung Quốc ngay trước thềm phán quyết của Tòa trọng tài về vụ kiện của Manila với Bắc Kinh, theo ông chuyến thăm này thể hiện điều gì?
Nhà báo Nguyễn Đăng Phát: Theo cá nhân tôi, chuyến thăm này của ông Putin đến Trung Quốc không liên quan đến việc Tòa trọng tài thường trực sắp đưa ra phán quyết về vụ kiện của Manila với Bắc Kinh ở Biển Đông.
Có thể nói như vậy vì mỗi chuyến thăm của các nguyên thủ quốc gia, đặc biệt là một nước lớn như Nga cần có sự sắp xếp, lên kế hoạch từ lâu chứ không thể đột xuất đưa ra liên quan đến một sự kiện nào đó không có ngày giờ cụ thể như việc Tòa trọng tài thường trực đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines.
Thêm nữa, chuyến thăm này của ông Putin được lên kế hoạch để kỷ niệm 2 dịp, đó là 20 năm quan hệ Đối tác chiến lược giữa Nga và Trung Quốc và 15 năm 2 nước ký Hiệp ước hữu nghị, quan hệ láng giềng tốt và hợp tác.
Ngoài ra, trong dịp này cũng có nhiều quan hệ hợp tác kinh tế giữa Bắc Kinh và Matxcơva đã chín muồi, cần được ký kết trong giai đoạn này.
TS. Trần Công Trục: Hiện nay, những ký kết giữa Nga và Trung Quốc trong chuyến thăm lần này của ông Putin đa phần liên quan đến vấn đề kinh tế, chứ không liên quan đến lập trường của Nga về vấn đề Biển Đông hay vụ kiện của Philippines với Trung Quốc lên Tòa trọng tài thường trực – PCA.
Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban biên giới Chính phủ
- Ông đánh giá thế nào về việc Ngoại trưởng Nga rồi mới đây là Đại sứ Nga tại Trung Quốc nói vấn đề Biển Đông nên giải quyết song phương hay có thể cho là ủng hộ lập trường của Bắc Kinh về vấn đề này?
Nhà báo Nguyễn Đăng Phát: Lập trường về Biển Đông của Nga không phải là hoàn toàn ủng hộ Trung Quốc. Mỗi lần Nga có phát biểu, đương nhiên Trung Quốc sẽ khoét sâu vào những khía cạnh có lợi cho mình.
Bắc Kinh làm vậy để tỏ ra có nước ủng hộ mình và còn mang mục đích chia rẽ.Với mỗi phát ngôn của Nga, chúng ta cần xem xét kỹ lưỡng, theo dõi cả toàn văn bài phát biểu.
Lập trường của Nga ở Biển Đông từ trước đến nay rất thống nhất, không dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp, căn cứ vào luật pháp quốc tế (trong đó có UNCLOS 1982), thông qua thương lượng và không muốn các nước trực tiếp liên quan đến tranh chấp tìm cách giải quyết chứ không nên quốc tế hóa, cho nước không liên quan trực tiếp tham gia.
Những lập trường trên, đa số đều phù hợp với quan điểm của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông. Ngoài ra, bản thân Nga cũng đang có nhiều hoạt động khai thác, hợp tác với Việt Nam trên Biển Đông.
Người Nga vẫn ở đó, tiếp tục làm việc mong muốn một môi trường hòa bình, ổn định để cùng phát triển chứ không ủng hộ quan điểm Trung Quốc hay rời bỏ Việt Nam.
Nhà báo Nguyễn Đăng Phát, Tổng biên tập Tạp chí Bạch Dương
TS. Trần Công Trục:
Dư luận Việt Nam hết sức băn khoăn, thậm chí có ý kiến cho rằng Nga đưa ra một số tuyên bố bất lợi cho chúng ta và ủng hộ chủ trương của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tuy nhiên, các tuyên bố của Nga, có thể nói là phù hợp khi Matxcơva phản đối mạnh mẽ việc quân sự hóa, thay đổi hiện trạng hay tạo ra những nguy cơ xung đột bằng vũ lực ở Biển Đông.
Video đang HOT
Theo tôi, chúng ta nên xem xét, đánh giá những phát ngôn đó một cách cẩn trọng, làm sáng tỏ các vấn đề ẩn bên trong để tránh hiểu nhầm và thể hiện lập trường của Việt Nam.
Trong tuyên bố của mình, ông Lavrov nói nên giải quyết tranh chấp lãnh thổ bằng biện pháp song phương, không quốc tế hóa.
Nếu xét sơ qua, có cảm giác Nga đã phát biểu theo chủ trương của Trung Quốc nhưng chúng ta cần lưu ý rằng, Nga chỉ nói giải quyết song phương các vấn đề tranh chấp lãnh thổ.
Rõ ràng, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ có thể giải quyết song phương, ví dụ như vấn đề Hoàng Sa thì chỉ có Việt Nam và Trung Quốc xử lý chứ không thể để một nước không liên quan tham gia.
Tuy nhiên, ở Trường Sa lại không chỉ có Việt Nam và Trung Quốc mà còn nhiều quốc gia khác nên vấn đề này không thể giải quyết song phương được.
Có thể những phát ngôn đó không phù hợp hoàn toàn với xu hướng chung của quốc tế hay quan điểm của Việt Nam, chúng ta cần tìm hiểu rõ nguyên nhân và khắc phục nó để không làm ảnh hưởng đến quan hệ rất tốt đẹp giữa Việt Nam và Nga.
- Nhưng rõ ràng, người Việt Nam, nhất là những người yêu mến nước Nga rất đau lòng, thậm chí có cảm giác như bị &’phản bội’ trước những tuyên bố của ông Lavrov về lập trường trên Biển Đông. Mà ông biết đấy, tỷ lệ người Việt yêu mến, ủng hộ nước Nga nói chung và ông Putin nói riêng nằm trong nhóm cao nhất thế giới. Người Nga quá rõ câu thành ngữ: “Bạn cũ bạn tốt, rượu cũ rượu ngon”…
Nhà báo Nguyễn Đăng Phát: Xét về tổng thể, phát ngôn của ông Lavrov là đúng nhưng phía Trung Quốc khai thác ý họ cho là cần thiết và khiến dư luận Việt Nam cảm thấy phật lòng. Theo tôi, có 2 nguyên nhân khiến Ngoại trưởng Nga không im lặng mà đưa ra phát biểu này.
Thứ nhất, vì quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc, Matxcơva cần phải thể hiện một lập trường khá tương đồng với Bắc Kinh.
Thứ hai, đây cũng là một phương án dùng để cảnh báo Washington. Điều Nga muốn nói là Mỹ không có liên quan trực tiếp đến tranh chấp Biển Đông thì không nên tham gia.
Tuyên bố này của Nga không nhằm gửi đến Việt Nam, không phải là thông điệp Nga ngừng ủng hộ Việt Nam và quay sang phía Trung Quốc. Nga vẫn ủng hộ Việt Nam qua các quan điểm giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế.
TS. Trần Công Trục: Theo tôi, các phát ngôn của phía Nga được đưa ra một cách chung chung, có thể do Matxcơva chưa hiểu rõ về vấn đề tranh chấp ở Biển Đông hoặc có thể là vì động cơ chính trị nào đó.
Các phát ngôn không cụ thể, muốn hiểu sao cũng được của Nga đã tạo điều kiện cho truyền thông Trung Quốc lợi dụng nhằm đưa ra những câu nói mang lại lợi ích cho Bắc Kinh.
Tuy nhiên, chúng ta cũng không được xem nhẹ điều này vì trên thực tế, bối cảnh quốc tế hiện nay có sự tranh chấp quyền lợi giữa các nước lớn, trong đó có sự đối lập giữa Nga với Mỹ và một số nước phương Tây trong nhiều vấn đề.
Chính điều đó khiến Matxcơva gặp khó khăn trong nhiều mặt, bị cô lập trong một số lĩnh vực và thúc đẩy họ đi tìm kiếm đồng minh, tìm tiếng nói chung, ở đây là Trung Quốc.
Trong khi đó, các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông vấp phải sự phản đối rất mạnh mẽ không chỉ của các nước trong khu vực mà cả cộng đồng quốc tế. Chưa kể đến tòa PCA sắp đưa ra phán quyết nhiều khả năng gây bất lợi cho Bắc Kinh ở khu vực này, vì vậy họ cũng đang đi tìm đồng minh cho mình.
- Thế còn về phần mình, các ông có tâm tư ra sao với người bạn thủy chung, truyền thống này trong giai đoạn hiện nay?
Nhà báo Nguyễn Đăng Phát: Truyền thông Trung Quốc có nhiều thủ đoạn và mục đích của họ trong việc trích dẫn các phát ngôn của quan chức Nga một cách thiếu đầy đủ, có chủ đích là điều dễ hiểu. Chính vì vậy, những thông tin này dễ khiến người dân Việt Nam cảm thấy phật lòng.
Theo tôi, truyền thông Việt Nam hiện nay cần làm tốt hơn nữa, cần xem xét kỹ càng nguồn tin, các phát ngôn cần được thể hiện đầy đủ, trong các văn cảnh cụ thể, không nên sử dụng các nguồn đã được lược, trích quá đà.
Với quan điểm của Nga về vấn đề Biển Đông, chúng ta cần đọc kỹ để xem lập trường đó có thay đổi so với trước đây không, có đi ngược với những tuyên bố của mình không.
Nếu quan điểm này vẫn nhất quán, chúng ta cần đánh giá đúng về quan hệ Nga – Việt, không nên thay đổi quan điểm về người bạn truyền thống này chỉ vì những thông tin đã bị cắt lược với mục đích riêng.
TS. Trần Công Trục: Theo tôi, chúng ta cần làm rõ cho bạn bèn quốc tế hiểu về bản chất của những tranh chấp và các thủ tục cần thiết để giải quyết những tranh chấp đó. Chúng ta không nên nhận định phiến diện, chê trách Nga vì những phát biểu trên vì rõ ràng Nga không phải Việt Nam.
Nga chỉ đứng ngoài và nghe thông tin. Điều Việt Nam cần làm là làm cho các đối tác hiểu rõ về bản chất của vấn đề. Tuy nhiên, chúng ta không nên quá dĩ hòa vi quý, không can thiệp khi các nước bạn có những phát biểu sai về pháp lý liên quan đến Việt Nam.
Ngoài ra, truyền thông trong nước cũng cần đánh giá đầy đủ, làm rõ các tuyên bố của Nga để tránh người dân Việt Nam hiểu nhầm về mối quan hệ truyền thống với Nga trong giai đoạn hiện nay.
- Theo ông, sau những động thái trên, Matxcơva liệu có còn là một đối tác tin cậy hoàn toàn với Việt Nam hay không?
Nhà báo Nguyễn Đăng Phát: Với tôi, những phát biểu trên sẽ không ảnh hưởng đến độ tin cậy trong mối quan hệ Việt – Nga. Một trong những đặc điểm khác biệt giữa mối quan hệ Việt – Nga với các cặp quan hệ khác là độ tin cậy chính trị rất cao.
Điều này được thể hiện qua việc Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam chọn Nga là điểm đến đầu tiên sau khi nhậm chức trong nhiệm kỳ mới.
Ngoài vấn đề kinh tế, Nga và Việt Nam còn nhiều lĩnh vực hợp tác thiết yếu với chúng ta như năng lượng hay kỹ thuật quân sự.
TS. Trần Công Trục: Dư luận Việt Nam hết sức quan tâm đến những phát ngôn của Nga về vấn đề Biển Đông khi 2 nước có mối quan hệ rất đặc biệt.
Có những giai đoạn, Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ rất nhiều từ phía Liên Xô trước đây và Nga hiện nay, không chỉ trong giai đoạn chống ngoại xâm mà còn trong quá trình xây dựng, bảo vệ tổ quốc.
Mặc dù Nga đã có những thay đổi nhưng rõ ràng mối quan hệ với Việt Nam vẫn được duy trì ở mặt quan hệ đối tác chiến lược và Việt Nam cũng ủng hộ Nga rất nhiều kể cả khi Matxcơva đang thuận lợi hay khó khăn.
Xin cảm ơn!
Theo VTC
'Bằng chứng thép' mơ hồ của Trung Quốc về chủ quyền Biển Đông
Truyền thông Trung Quốc rầm rộ đưa tin về một cuốn sách có niên đại 600 năm chứa những ghi chép cổ xưa về Biển Đông nhưng thực tế chưa ai được nhìn thấy tài liệu này.
Các tàu cá Trung Quốc đậu tại cảng Đàm Môn, tỉnh Hải Nam, hôm 5/4. Ảnh:Reuters
Phóng viên John Sudworth từ BBC mới đây có dịp đến đảo Hải Nam, Trung Quốc để tìm hiểu cách mà chính phủ nước này tuyên truyền nhằm củng cố cho tuyên bố chủ quyền phi lý trên Biển Đông.
Theo Sudworth, Hải Nam là nơi mà dường như mọi hoạt động đều phục vụ cho mục đích trên, từ chính sách quân sự cho đến ngư nghiệp hay du lịch. Nhưng lý do trực tiếp dẫn nhóm công tác của BBC tới đây xuất phát từ thông tin mà báo chí Trung Quốc đăng tải, liên quan tới sự tồn tại của một tài liệu đặc biệt: Cuốn cổ thư 600 năm tuổi chứa các bằng chứng quan trọng về lợi ích nước này trên Biển Đông.
'Bằng chứng thép'
Truyền thông Trung Quốc loan tin rằng cuốn sách thuộc quyền sở hữu của một ngư dân đã nghỉ hưu tên Su Chengfen, được cho là chứa những ghi chép hướng dẫn định vị trên biển từ thời xưa lưu truyền tới nay. Phạm vi của nó trải rộng tới cả những bãi đá hay rạn san hô tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, cách đó hàng trăm hải lý.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông dựa trên cái gọi là "vùng biển lịch sử". Vì thế, cuốn sách của ông Su, nếu là thật, rõ ràng sẽ trở thành một "bằng chứng thép" của nước này, như những gì mà truyền thông địa phương miêu tả, Sudworth bình luận.
Sudworth tới gặp ngư dân Su khi người đàn ông 81 tuổi này đang bận rộn đóng một con thuyền ở sân trước, cách biển không xa.
"Nó truyền từ đời này qua đời khác", ông nói khi được hỏi về cuốn sách cổ. "Từ đời ông, tới đời cha rồi tới tôi".
"Nó chủ yếu hướng dẫn chúng tôi cách đi lại, làm sao để đến quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và bằng cách nào để quay về đảo Hải Nam", ông Su cho hay.
Nhưng khi Sudworth đề nghị Su cho xem sách, ông lại nói rằng cuốn cổ thư hiện không tồn tại.
"Dù cuốn sách quan trọng nhưng tôi đã vứt nó đi vì nó bị hỏng rồi", ông giải thích. "Tôi lật giở nó quá nhiều. Nước biển mặn trên đôi tay đã ăn mòn nó... Cuối cùng, tôi không thể đọc nổi nó nữa nên quyết định vứt đi".
"Bất kể ông Su có lý giải thế nào thì cuốn sách lúc này dường như không còn có khả năng là 'bằng chứng thép' của bất kỳ thứ gì nữa", Sudworth nhấn mạnh. Thay vào đó, nó chỉ cho thấy sự lúng túng của truyền thông nhà nước Trung Quốc trong việc cung cấp những thông tin nhằm chứng minh cho tuyên bố chủ quyền phi lý của nước này ở Biển Đông.
Ông Su Chengfen. Ảnh cắt từ video
Cuộc chiến tuyên truyền
Cả đoàn rời nhà ông Su để tiếp tục hành trình khám phá đảo Hải Nam và chứng kiến cách mà chính quyền địa phương kiểm soát những thông điệp liên quan đến Biển Đông.
"Những chiếc xe màu đen của nhà chức trách bám theo chúng tôi tới mọi địa điểm, từ bến cảng nơi chúng tôi cố gắng phỏng vấn ngư dân cho tới chợ cá nơi chúng tôi nói chuyện với những người buôn bán tại đây hay cả lúc chúng tôi trở về khách sạn", Sudworth kể.
"Sự chú ý như vậy có lẽ là không cần thiết bởi hầu như tất cả những người chúng tôi tiếp cận đều không muốn nói chuyện", ông cho hay.
Theo Sudworth, những người đồng ý phỏng vấn thì chỉ lặp lại những tuyên bố vô lý, gây tranh cãi của chính quyền nước này rằng "Biển Đông thuộc về Trung Quốc vì ngư dân Trung Quốc tới đây đầu tiên".
Tất cả những động thái trên được thực hiện trong bối cảnh Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hauge sắp đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc liên quan tới "đường lưỡi bò" mà Bắc Kinh đơn phương vẽ ra trên Biển Đông.
Giới quan sát nhận định phán quyết từ PCA nhiều khả năng sẽ bất lợi cho Trung Quốc, thậm chí có thể phủ nhận hoàn toàn "đường 9 đoạn" mà Bắc Kinh đưa ra.
Trung Quốc trong khi đó khăng khăng không tham gia vụ kiện cũng như không chấp nhận thẩm quyền xét xử của PCA.
Đây là nguyên nhân vì sao Bắc Kinh ra sức bảo vệ vị thế của mình bằng những biện pháp khác, ví dụ như đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tăng cường ngoại giao để thu hút ủng hộ từ đồng minh. Đó cũng là lý do giải thích cho việc chính quyền địa phương dành nhiều quan tâm trước sự xuất hiện của một nhà báo nước ngoài ở Hải Nam, theo BBC.
Bên cạnh đó, Sudworth cho rằng một lý do khác khiến đoàn bị chú ý dường như là bởi họ hỏi quá nhiều về lực lượng dân quân biển của Hải Nam.
Trung Quốc bị tố quân sự hóa tàu cá để phục vụ cho việc thực thi, tuyên bố chủ quyền phi lý trên biển. Ảnh minh họa: Reuters
Trung Quốc được cho là đã huấn luyện quân sự cho ngư dân suốt nhiều thập kỷ qua. Nhưng thời gian gần đây, theo một số báo cáo, lực lượng dân quân biển của Trung Quốc gia tăng đáng kể cường độ hoạt động và trở nên quyết đoán hơn trước tại các vùng biển tranh chấp.
Sudworth cho biết dù nhóm của ông đã rất nỗ lực thuyết phục nhưng không người dân nào ở Hải Nam chịu nói về vai trò của lực lượng dân quân biển trong hạm đội tàu cá. Và càng hỏi nhiều thì họ càng bị giám sát chặt chẽ hơn.
Giáo sư Andrew S. Erickson từ Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ đánh giá sự hiện diện của dân quân biển Trung Quốc tại những vùng nước tranh chấp sẽ chỉ làm gia tăng rủi ro dẫn tới các tình huống leo thang nguy hiểm.
Theo ông Erickson, nguy cơ có thể còn gia tăng hơn nữa sau khi PCA đưa ra phán quyết.
"Khi tòa trọng tài công bố phán quyết cuối cùng, tôi nghĩ Trung Quốc sẽ cố gắng để tìm cách thể hiện lập trường phản đối cứng rắn cũng như quyết tâm và sự không hài lòng của họ", Erickson nói. "Khả năng lực lượng dân quân biển Trung Quốc áp sát và quấy rối tàu của Mỹ, Philippines hay các nước khác là điều mà các quốc gia này nên chuẩn bị sẵn sàng ứng phó".
Chuyến công tác của Sudworth kết thúc ở thành phố Tam Á trên đảo Hải Nam. Tại đây, ông nhìn thấy một tàu du lịch Trung Quốc đang chuẩn bị thực hiện hành trình trái phép tới quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Tour du lịch kéo dài 5 ngày bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2013. Hàng nghìn du khách Trung Quốc đã tham gia, song tour này lại không áp dụng cho người nước ngoài.
Sudworth nhận xét đây là một chuyến du lịch khá kỳ lạ khi mà hành khách chỉ tới những rạn san hô và bãi đá hầu như không có người ở, cách rất xa Trung Quốc. Chúng cũng chính là các bãi đá mà "tổ tiên ông Su Chengfen đã đến từ cách đây hàng thế kỷ" như những gì truyền thông Trung Quốc mô tả nhưng không hề có bằng chứng.
Theo Sudworth, ngay cả khi ông Su có thể trình ra cuốn cổ thư 600 tuổi của mình thì đó cũng chỉ là một bằng chứng cho thấy con người đã đánh bắt, đi lại ở Biển Đông từ rất lâu chứ không nói lên quyền sở hữu của bất kỳ bên nào đối với khu vực này.
Sudworth gặp một phụ nữ sắp lên con tàu du lịch tới Hoàng Sa và hỏi người này rằng vì sao bà muốn dành kỳ nghỉ quý giá của mình chỉ để tới thăm vài bãi đá.
"Chúng tôi cũng không thích thú gì", bà đáp. "Đến đó và xem, đấy là nhiệm vụ của chúng tôi".
Vũ Hoàng
Theo VNE
Tàu cảnh sát biển Trung Quốc: Vũ khí thách thức chủ quyền Biển Đông Từng được cho là "không hề tồn tại trong bất kỳ ý nghĩa hoàn chỉnh nào", lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc với hàng trăm tàu đang thách thức chủ quyền Biển Đông mà... không cần súng. Những tàu tuần tra to lớn của Cảnh sát biển Trung Quốc không trang bị vũ khí hạng nặng, nên có thể né được sự...