Có nên ly hôn khi vừa mới sinh con?
Tôi không chắc bố mẹ anh sau lưng tôi có cho thêm tiền anh không, còn anh thì mặc nhiên từ khi cưới không có đưa về cho tôi đồng nào.
ảnh minh họa
Tôi lấy chồng khi vừa mới ra trường, khi đó cả hai vẫn chưa có việc làm. Gia đình nhà chồng tôi ở Hải Phòng rất khá giả. Ông bà muốn vợ chồng tôi về Hải Phòng sinh sống, ông bà sẽ xin việc cho nhưng chúng tôi muốn ở Hà Nội.
Cả hai bên bố mẹ chẳng ai ưng cuộc hôn nhân này. Bố mẹ tôi vì không muốn để thông gia nói, ép tôi về nhà chồng sống nên qua quan hệ của bố đã sớm tìm cho tôi một công việc văn phòng tại một viện nghiên cứu khoa học. Công việc nhàn hạ nhưng cũng nhàm chán, lương ba cọc ba đồng, chỉ có cái ổn định, gọi là có công ăn việc làm tử tế để khỏi bị nói.
Chồng tôi thì không được gia đình trợ giúp trong khi ông bà thừa khả năng và quan hệ để xin việc ở Hà Nội cho anh nhưng vì muốn ép con mình về quê sống nên ông bà để kệ. Bố mẹ vợ muốn giúp thì động đến tự ái, sĩ diện nên anh không chịu. Công việc anh kiếm được chỉ là thời vụ, bấp bênh.
Tôi không chắc bố mẹ anh sau lưng tôi có cho thêm tiền anh không, còn anh thì mặc nhiên từ khi cưới không đưa về cho tôi đồng nào. Tôi hỏi đến lúc nào anh cũng bảo công việc không ổn định, thu nhập chỉ đủ anh tiêu thôi, không xin thêm vợ là may rồi lấy đâu ra mà đưa. Khi còn một mình tôi cũng cố gắng thắt chặt chi tiêu, cố sống kham khổ bằng đồng lương nhà nước của mình, vì tôi biết có về nhà xin thêm bố mẹ đẻ thì chồng lại giận.
Mâu thuẫn nảy sinh nhiều hơn từ khi tôi mang bầu. Khi còn con gái tôi khỏe là thế, mà có bầu thì ốm dặt dẹo suốt ngày. Hai mẹ con suốt ngày đi viện khám, hết thuốc bổ này thuốc giữ thai kia, tiền kiếm được cứ đội nón ra đi theo các đợt khám. Bố mẹ biết tôi khó nên hỗ trợ thêm, chứ tôi nào trông mong được gì ở chồng.
Video đang HOT
Thời gian tôi mang bầu thể trạng và tinh thần xuống trầm trọng. Tôi ốm yếu, có đợt nghỉ làm ở nhà cả nửa tháng mới giữ được thai, khi đó chỉ có bố mẹ tôi là luôn bên cạnh chăm sóc, chu cấp cho hai mẹ con. Chồng tôi thì hờ hững, vô trách nhiệm, gia đình chồng cũng chẳng đoái hoài đến. Thời gian đó thật khủng khiếp, khi đó chỉ có tình mẫu tử mới giúp tôi giữ được con bên mình.
Chồng tôi đi sớm về muộn, tiền bạc lúc nào anh cũng kêu túng thiếu, có khi tôi thấy anh chi tiền rất hoang phí, trong ví cả sấp tiền nhưng cũng có những ngày hết sạch về vay của vợ vài trăm ngàn. Tôi biết ba mẹ anh không quan tâm thương con dâu và cháu chứ phía sau họ vẫn chu cấp cho con trai mình, không thì anh lấy đâu tiền mà sống ở Hà Nội.
Khi tôi biết vì sao anh đi sớm về muộn, tinh thần lúc nào cũng bất an thì đã quá muộn. Anh báo về nhà số nợ hơn 1 tỷ từ những lần cá cược bóng đá, con số quá lớn chỉ có bố mẹ anh mới giúp trả nợ được. Anh đưa tôi về Hải Phòng để cùng xin bố mẹ với anh, nhà anh đồng ý trả dứt nợ cho anh nhưng ép vợ chồng tôi phải về quê sống, sống cùng bố mẹ. Khi này tôi mới biết rõ về chồng mình, đây không phải lần đầu anh chơi bời đổ nợ lớn như vậy, ngày còn đi học bố mẹ anh đã không dưới 5 lần cầm tiền lên Hà Nội trả nợ cho anh nhưng anh vẫn không biết sợ, vẫn chơi bời để rồi về xin bố mẹ giúp.
Khi tôi biết chuyện, anh cũng chẳng còn phải giấu tôi nữa. Trước khi bố mẹ trả nợ cho anh, anh đã đem cầm xe máy của anh, của tôi để lấy tiền trả lãi. Khi tôi ốm nằm nhà, anh cầm cả vàng bạc khi cưới mọi người cho đem đi bán, ngăn cản anh còn đánh tôi và bỏ đi. Lần đó may mà bố mẹ tôi sang kịp đưa tôi đi viện không thì tôi đã mất con. Tôi nằm ở viện cả tháng trời chờ sinh luôn. Thời gian đó anh không có qua viện thăm tôi, anh tự ái vì tôi kể hết chuyện với bố mẹ, để bố tôi gọi anh ra mắng chửi. Anh bỏ về Hải Phòng sống và chỉ nhắn cho tôi tin: muốn giữ gia đình thì sau khi sinh xong, đưa con về Hải Phòng sống, không thì ly hôn.
Khi tôi sinh cháu, tôi có nhắn cho mẹ chồng biết. Ông bà nội có lên viện thăm cháu, nhưng họ cũng như con trai mình, nói thẳng với tôi cứ ở nhà ngoại cho khỏe, đầy tháng nếu đồng ý thì gọi họ lên đón 2 mẹ con về dưới sống. Sẽ là về đó sống hẳn, nghỉ công việc trên này, ở nhà chăm con cứng cáp họ sẽ xin việc khác cho tôi đi làm ở Hải Phòng. Nếu tôi không đồng ý thì chỉ còn cách ly hôn, tự mình nuôi con. Họ lên gặp riêng tôi ở bệnh viện chứ cũng không có một lời qua lại với bố mẹ tôi.
Biết chuyện bố mẹ tôi rất giận, muốn tôi ly hôn, họ vốn đã chẳng ưa gì con rể và bên thông gia, giờ thêm nhiều chuyện thế này thì càng không muốn tôi tiếp tục nữa. Bản thân tôi cũng không còn tình cảm gì với chồng nữa, cũng chẳng có gì lưu luyến bên nhà chồng chỉ là tôi còn băn khoăn, thương con gái tôi còn quá nhỏ, cháu còn chưa có giấy khai sinh, chưa được bố và ông bà nội chăm sóc ngày nào…Tôi có ích kỷ không khi quyết định chấm dứt cuộc hôn nhân này?
Theo Vietnamnet
Dung hòa cuộc sống hôn nhân
Khi bước vào cuộc sống hôn nhân tức là cả vợ và chồng đều cam kết gắn bó với nhau đến khi nào còn có thể.
Tuy nhiên, đời sống chung có rất nhiều phức tạp khiến không ít người bối rối, đôi khi chán nản muốn bỏ cuộc. Để luôn thuận vợ thuận chồng, cả 2 phải biết dung hòa để có thể sống với nhau lâu dài.
Nhiều cặp đôi có bí quyết riêng để bảo vệ hạnh phúc gia đình và làm cho tình yêu đôi lứa luôn bền đẹp. Xoay quanh những bí quyết này có thể nhắc đến những điều rất đơn giản. Như bạn Nguyễn Huy Hoàng (30 tuổi, biên tập viên, Q.7) sau 3 năm cưới nhau và đã có 1 con gái nhưng vợ chồng anh lúc nào cũng như tình nhân, yêu thương thắm thiết chưa hề phai nhạt. Chia sẻ chuyện này, Hoàng cho biết anh và vợ luôn có những nguyên tắc vàng.
Đừng quên lãng mạn:
Đều đặn như thói quen, cứ vào cuối tuần cả 2 cùng gác lại chuyện công việc, dù bận cách mấy cũng tranh thủ "hẹn hò" để "cưa cẩm" lẫn nhau. Cùng đi xem phim, ăn uống bên ngoài tạo cảm giác mới mẻ như ngày đầu. Nếu một trong hai bận đột xuất thì người kia kiên nhẫn đợi. Hoàng bảo những lúc đó vợ chồng có cảm giác y tình nhân.
Nhiều đội vợ chồng vẫn tình tứ với nhau chẳng khác những cặp đôi đang hẹn hò là mấy. Theo họ, chỉ khi còn lãng mạn thì mới thấy tình yêu không nhàm chán!
Không phụ thuộc tài chính:
Đừng bao giờ phụ thuộc tiền bạc vào nửa kia nếu không muốn biến hôn nhân thành tù ngục - Hoàng cho biết. Dù lương của vợ rất thấp nhưng anh vẫn khuyến khích cô đi làm để cô cảm thấy mình cũng là một trụ cột, biết kiếm tiền, cùng chăm lo cho gia đình. Chưa hết, khi làm ra tiền, vợ muốn tiêu pha gì cũng có sẵn chút tiền sắm sửa, không phải cứ gì cũng ngửa tay xin chồng. Điều này khiến cả Hoàng và vợ đều thoải mái và tôn trọng lẫn nhau.
Có thể nhiều cặp vợ chồng sẽ có bí quyết riêng, nhưng dẫu đó là gì thì hãy yêu thương nhau mà vượt qua những năm tháng khó khăn. (ảnh minh họa)
Ngoài ra, sinh hoạt phí hàng tháng trong nhà, Hoàng và vợ đều lên danh sách rõ ràng để không tranh cãi về tiền nong. Thi thoảng cả 2 biếu ba mẹ hai bên ít tiền tiêu vặt, còn lại gởi tiết kiệm để sau này có con cái không quá chật vật.
Tranh cãi nhưng không hạ bệ nhau:
Những tháng đầu chung mâm chung giường, 2 vợ chồng cứ tranh cãi như cơm bữa. Có khi mệt đến độ chẳng buồn cãi lại rồi giận nhau mấy hôm. Sau vài ba lần thì Hoàng rút được kinh nghiệm "xương máu" là khi có chuyện bất đồng, phải nói rõ ràng để "ra ngô ra khoai", tránh im im để chuyện cứ âm ỉ không thông. Mỗi lần tranh cãi, Hoàng dùng thái độ nhỏ nhẹ để phân tích, nương theo vợ. Anh tuyệt đối không lớn tiếng, vin vào những câu nói hớ của vợ để hạ bệ hay bắt lỗi khiến vợ tổn thương. Hoàng bảo vợ nóng tính, nếu anh cũng nóng thì hư chuyện, sống với nhau sao được! Sau những cuộc "khẩu chiến", vợ chồng Hoàng giải tỏa được tâm lý rồi vui vẻ lại ngay, không có tình trạng "chiến tranh lạnh".
Sống chung, bất đồng là "chuyện thường ngày ở huyện" nhưng phải nói để hiểu nhau, ngược lại nếu ai cũng giữ im lặng thì lâu dài nó thành mồ chôn hạnh phúc.
Dung hòa chung - riêng:
Chẳng ai muốn sống với một người hoàn toàn xa lạ trong cùng một ngôi nhà, hay phải chịu đựng chiều theo sở thích của người khác quanh năm suốt tháng mà bỏ quên sở thích cá nhân của mình, thế nên đừng cố gắng thay đổi hoàn toàn đến độ đánh mất chính mình. Hơn hết, cũng không ai muốn sống cùng một người lúc nào cũng khác mình 100% từ sở thích, lối sống đến cách nghĩ. Chính vì vậy, khi gắn bó cuộc đời với người khác, bạn không cần phải thay đổi mình hoàn toàn 360 độ mà nên biết cách dung hòa giữa chung và riêng để cả 2 đều cảm thấy mình đang được yêu thương, tôn trọng.
Ví dụ như việc mua sắm đồ dùng cho gia đình, chọn một bộ phim để xem hoặc mua quà cho ba mẹ, bạn có thể chiều theo ý thích của vợ/chồng, nhưng khi cô ấy/anh ấy bắt bạn phải thay đổi tính tình như phải năng nịnh nọt ba mẹ của người kia hay luôn phải khen dối đối tượng nào đó lòng để được họ thích thì bạn không cần phải tuân theo. Như Hoàng, có lần vợ bắt anh phải năng qua lại với sếp để được "để mắt" tới cho công việc dễ thăng tiến, anh bày tỏ ngay suy nghĩ của mình và không đồng ý. Bởi nếu làm vậy anh sẽ thấy mình sống rất giả tạo, thực dụng. Hơn ai hết, anh muốn tự vươn lên bằng tài năng của mình. Vợ nghe, hiểu tính chồng nên dẹp ngay suy nghĩ đó, không bắt anh phải làm theo.
Có thể nhiều cặp vợ chồng sẽ có bí quyết riêng, nhưng dẫu đó là gì thì hãy yêu thương nhau mà vượt qua những năm tháng khó khăn. Hôn nhân, ngoài tình yêu, cần có cái nghĩa để gắn kết lâu dài.
Theo VNE
Ở trên giường, anh cũng muốn tôi là kẻ hầu hạ Một số người nói rằng, hôn nhân là nấm mồ chôn của tình yêu. Lúc đầu tôi chẳng tin điều đó. Nhưng hơn một năm sau cưới tôi dần học được ý nghĩa thực sự của câu này. 23 tuổi tôi đã có tình yêu đầu tiên của đời mình. Dù tình yêu ấy đến khá bất ngờ nhưng tôi khá hài lòng...