Có nên lập “Bộ Phụ nữ”?
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Việt Nam hiện nay không có bộ nào quản lý phụ nữ, trong khi các nước đều có bộ phụ nữ nên cần tính toán, xem xét tới việc này.
Tại cuộc họp ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 20/1, các đại biểu chưa thống nhất được quan điểm về việc có nên quy định cụ thể số lượng, tên gọi và nhiệm vụ của các bộ, cơ quan ngang bộ vào dự thảo Luật tổ chức Chính phủ hay không.
Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho biết nhiều ý kiến tán thành quy định về cơ cấu tổ chức của Chính phủ như trong dự thảo luật và đề nghị không ghi rõ số lượng, tên gọi của các bộ, cơ quan ngang bộ trong dự thảo luật.
Bên cạnh đó, có ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị cần xác định cụ thể số lượng và tên gọi của các bộ, cơ quan ngang bộ ngay trong luật. Ý kiến này cho rằng, hiện nay các lĩnh vực quản lý nhà nước đều đã được xác định rõ nên cần phân công cho các bộ, cơ quan ngang bộ phụ trách để bảo đảm tính ổn định cho bộ máy Chính phủ. Hơn nữa, trong Luật tổ chức Quốc hội cũng xác định cụ thể số lượng, tên gọi và nhiệm vụ cụ thể của Hội đồng dân tộc và các ủy ban của Quốc hội rồi.
Thường trực Ủy ban pháp luật đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giữ như dự thảo và căn cứ vào tình hình cụ thể, trong một giai đoạn cụ thể, Quốc hội sẽ quyết định cơ cấu của Chính phủ gồm bao nhiêu bộ, cơ quan ngang bộ là những bộ, cơ quan ngang bộ nào và không quy định cứng tên các bộ, cơ quan ngang bộ trong luật.
“Không quy định cứng số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ nhằm tạo cơ sở pháp lý để xây dựng một Chính phủ năng động, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý xã hội, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh trong đời sống kinh tế – xã hội; bảo đảm sự chủ động của Chính phủ khi cần thiết phải điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu của từng thời kỳ”- ông Lý phân tích thêm.
Theo ông Lý, nếu quy định “cứng” số lượng và tên gọi của các bộ, cơ quan ngang bộ sẽ làm cho dự thảo luật khó có tính khả thi và không bảo đảm tính ổn định lâu dài. Thực tiễn hoạt động Quốc hội cho thấy, từ đầu nhiệm kỳ của mỗi khóa Quốc hội, Quốc hội sẽ quyết định số lượng, tên gọi của các bộ, cơ quan ngang bộ của Chính phủ bằng hình thức ra nghị quyết của Quốc hội. Cách thức này được thực hiện cho đến nay vẫn chưa có vướng mắc nào. Nếu quy định “cứng” số lượng, tên gọi của các bộ, cơ quan ngang bộ trong dự thảo luật thì sẽ phải sửa đổi luật tại mỗi đầu nhiệm kỳ khi có sự thay đổi về số lượng, tên gọi của các bộ, cơ quan ngang bộ. Trên thế giới hiện nay cũng có rất ít quốc gia quy định cụ thể về số lượng, tên gọi của các bộ, cơ quan ngang bộ.
Không đồng tình, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách, cho biết các đại biểu Quốc hội khi thảo luận rất băn khoăn về việc có bao nhiêu bộ, tại sao không quy định rõ luôn vào dự thảo luật.
“Tùy theo tình hình thực tế từng giai đoạn thì có thể thêm hoặc bớt, loại bỏ bộ nào đó. Chính sự ổn định đó của luật pháp giúp ổn định luật của chúng ta. Nếu chỉ quy định Chính phủ gồm các các bộ và cơ quan ngang bộ thì không rõ ràng lắm, đại biểu thắc mắc là gồm những bộ nào ?. Các bộ Tài chính, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao rõ ràng, ổn định rồi thì sao không ghi rõ vào, còn bộ nào băn khoăn thì có một điều để điều chỉnh thì có phải luật đàng hoàng không ?”- ông Hiển bày tỏ.
Video đang HOT
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cân nhắc việc quy định số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ vào dự thảo Luật tổ chức Chính phủ. Ảnh: TTXVN.
“Có cần quy định cụ thể ngay trong luật Chính phủ có bao nhiêu bộ không, hay chỉ quy định nguyên tắc?. Hiến pháp nói Chính phủ do Quốc hội quyết định”- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề.
Chủ tịch Quốc hội phân tích, Thủ tướng Chính phủ nếu muốn từ 15 bộ xuống còn 10 bộ chẳng hạn thì phải trình ra Quốc hội quyết định, nếu Quốc hội đồng ý thì mới được thực hiện. Nếu Thủ tướng muốn nâng từ 10 bộ lên 15 bộ chẳng hạn mà Quốc hội nói việc này làm tăng rất nhiều biên chế, không chấp nhận, thì không được thực hiện.
Theo Chủ tịch Quốc hội, danh tính của Thủ tướng Chính phủ phải “chờ tới phút chót” mới biết được, dù trước đó đã phải trải qua nhiều giai đoạn, quy trình.
“Mới biết Thủ tướng hôm trước, hôm sau Thủ tướng đã phải điều hành Chính phủ mới ngay rồi mà quy định thế thì cấp tập quá, và vì cấp tập quá như thế thì hay ngẫu hứng. Quy định cứng trong luật có bao nhiêu bộ, bộ gì, khi cần thay đổi, làm thêm hay bớt đi thì đến lúc đó Quốc hội lại quyết định thì cũng có cái hay của nó. Tôi đề nghị các đồng chí suy nghĩ, tính toán thêm về vấn đề này”- Chủ tịch Quốc hội đề nghị.
Trong khi đó, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết Việt Nam hiện nay không có bộ nào quản lý phụ nữ, trong khi các nước đều có bộ phụ nữ nên cần tính toán, xem xét tới việc này.
Thủ tướng phải báo cáo trước Nhân dân
Theo ông Phan Trung Lý, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quy định cụ thể hơn trong dự thảo luật trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ; đề nghị quy định mỗi quý một lần, Thủ tướng Chín phủ báo cáo trước nhân dân thông qua phương tiện thông tin đại chúng, phương tiện nào thì do Chính phủ quyết định.
“Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy việc luật hóa chi tiết quy định tại khoản 6 Điều 98 của Hiến pháp về chế độ báo cáo trước Nhân dân của Thủ tướng Chính phủ là cần thiết. Thường trực Ủy ban pháp luật nhận thấy, dự thảo luật đã có quy định về trách nhiệm báo cáo của Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước và Nhân dân tại Điều 25 dự thảo trình Quốc hội. Việc báo cáo của Thủ tướng Chính phủ là định kỳ hoặc đột xuất theo vấn đề phát sinh. Do đó, Thường trực Ủy ban pháp luật đề nghị được giữ như dự thảo”- ông Lý cho biết.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước cho biết khi “rà” lại Hiến pháp ở các Điều 96 và Điều 98, ông nhận thấy có những nội dung của Chính phủ nhưng tại dự thảo luật này lại được đưa vào quy định cho Thủ tướng là không đúng. “Quyết định tổng biên chế công chức, sự nghiệp không thể là của Thủ tướng được, mà phải là của Chính phủ. Mặc dù Thủ tướng ký việc ấy nhưng là thay mặt Chính phủ để ký thôi”- ông Ksor Phước nói.
Thế Kha
Theo Dantri
Sinh viên đại học được hoãn nghĩa vụ quân sự đến khi tốt nghiệp
Tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 19/1, đa số ý kiến ủng hộ chủ trương cho phép sinh viên đang học đại học được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự nhưng sau khi ra trường phải thực hiện nghĩa vụ với Tổ quốc.
Theo ông Nguyễn Kim Khoa, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội - nhiều ý kiến đề nghị dự án Luật Nghĩa vụ quâ sự (sửa đổi) thống nhất độ tuổi gọi nhập ngũ từ 18 - 25 tuổi chứ không kéo dài tới tuổi 27. Việc quy định độ tuổi gọi nhập ngũ của công dân phải bảo đảm sự bình đẳng. Việc kéo dài độ tuổi gọi nhập ngũ cho đối tượng tạm hoãn là sinh viên đang học đại học để gọi vào phục vụ tại ngũ sau khi tốt nghiệp vừa khó khả thi, vừa không bảo đảm công bằng xã hội.
"Thường trực Ủy ban Quốc phòng- An ninh tán thành với đề nghị quy định độ tuổi gọi nhập ngũ của công dân thống nhất từ 18 - 25 tuổi như Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành"- ông Khoa nói.
Theo ông Nguyễn Kim Khoa, nếu kéo dài tuổi nhập ngũ đến 27 tuổi thì sinh viên sau khi tốt nghiệp ĐH phải gọi 100% đi nghĩa vụ quân sự mới có giá trị.
Đáng chú ý, vấn đề tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ với sinh viên chính quy vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Thường trực Ủy ban Quốc phòng- An ninh cho rằng nếu giữ như quy định hiện hành thì đối tượng tạm hoãn quá rộng, không khắc phục được những vướng mắc bất cập hiện nay. Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước và tình hình thực tiễn, cơ quan này đề nghị không quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với sinh viên, học viên để bảo đảm mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho sinh viên, học viên an tâm học tập và không phát sinh tiêu cực trong quá trình tuyển chọn vì số lượng ngày càng tăng như hiện nay, cần có quy định một số hình thức để sinh viên, học viên có trình độ đào tạo từ đại học trở lên có sự lựa chọn thực hiện nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc phù hợp.
GS. Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, bày tỏ thái độ không đồng tình với quy định không tạm hoãn nghĩa vụ đối với sinh viên hệ chính quy. Theo ông Thi, khi các em đã có giấy gọi nhập học rồi thì trong thời gian học phải hoãn nghĩa vụ quân sự, không nên để xảy ra tình trạng các em đang học vẫn bị gọi, sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả học tập, đào tạo. "Nếu quy định sinh viên học chính quy có thể tự bỏ chi phí tham gia huấn luyện 3 tháng thay thế nghĩa vụ quân sự, rất có thể tạo kẽ hở để sinh viên tìm cách trốn nhập ngũ. Mặt khác nếu không kéo dài tuổi gọi nghĩa vụ quân sự với sinh viên hệ chính quy sẽ gây khó khăn cho các em, bên cạnh đó không cẩn thận sinh viên sẽ kéo dài thời gian lưu ban (tối đa 3 năm) đề trốn nghĩa vụ quân sự"- ông Thi lưu ý cơ quan soạn thảo.
Từ phân tích trên, ông Thi đề nghị nên hoãn gọi nghĩa vụ quân sự đối với người trúng tuyển đại học chính quy; khi tốt nghiệp đại học sẽ tiếp tục tham gia lực lượng quân đội, để góp phần đáp ứng yêu cầu trong thời đại mới.
Ý kiến của ông Đào Trọng Thi nhận được nhiều ý kiến tán đồng. Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Ksor Phước lưu ý sau khi học xong đại học những sinh viên này phải thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng những thanh niên đã thi đỗ đại học có thể "tạm hoãn nhưng không phải miễn nghĩa vụ quân sự".
Sau khi nghe các ý kiến góp ý, ông Nguyễn Kim Khoa bày tỏ quan điểm: Nếu kéo dài tuổi nhập ngũ đến 27 tuổi thì sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học phải gọi 100% đi nghĩa vụ quân sự mới có giá trị. Tuy nhiên hiện nay tỷ lệ sinh viên tham gia nghĩa vụ quân sự ở Việt Nam hiện nay đạt tỷ lệ rất ít (khoảng 0,5%), nên việc kéo dài đến 27 tuổi dễ khiến gia tăng sự mất công bằng xã hội trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự. Chính vì thế ông Khoa cho rằng cần phải nghiên cứu kỹ đối với vấn đề này.
Đồng tình với chủ trương tạm hoãn đối với sinh viên đang học đại học nhưng ông Khoa cho rằng có thể thiết kế quy định mở để cho những người tình nguyện nhập ngũ. Bên cạnh đó có thể sử dụng hình thức thực hiện nghĩa vụ quân sự thay thế khác để thanh niên thực hiện, giúp tạo điều kiện cho người tốt nghiệp ra trường là có thể đi làm ngay.
Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đánh giá đề xuất cho phép sinh viên có thể tham gia huấn luyện 3 tháng thay thế nghĩa vụ quân sự rất khó khả thi và không đảm bảo công bằng giữa những thanh niên sống trong gia đình có tiền và không có tiền. Ông Thanh cũng đồng tình với việc cho phép sinh viên đang học được hoãn nghĩa vụ quân sự và khi học xong sẽ thực hiện nghĩa vụ này.
Thế Kha
Theo Dantri
Chưa thống nhất việc bỏ HĐND cấp phường Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thống nhất được quan điểm về việc xóa bỏ hay giữ lại HĐND cấp phường tại buổi thảo luận về dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương sáng 20/1. Ông Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, cho rằng mô hình chính quyền địa phương hiện nay...