Có nên kiểm soát tài chính của chàng?
Không phải anh chồng nào cũng nhiệt tình kê khai hết “tài sản” của mình với vợ. Trường hợp như thế, người vợ không những tò mò, mà còn lo lắng, sợ chồng mang tiền đi gái gú, cờ bạc, rượu chè…
Ảnh minh họa
“Em ơi, chuyển gấp cho anh 500.000″ – vừa đặt chân tới cơ quan thì Giang nhận được mẩu tin nhắn của chồng. Vội vã, cô quay xe tới cây ATM gần đó để “bơm tiền” cho chồng. Giang công tác tại Quận 5 (TP HCM) trong khi Thiện – chồng Giang, làm việc tại Đồng Nai. Từ hồi cưới đến giờ (đã có bé trai hơn một tuổi), Thiện vẫn đều đặn đưa vợ 3 triệu đồng mỗi tháng. Thỉnh thoảng, hết tiền đột xuất, Thiện lại nhắn tin “đòi” ngân hàng vợ như trên.
Thừa hiểu cảnh đàn ông xa nhà khó giữ tiền, nhiều lần Giang đề xuất với chồng, chuyển hẳn lương tháng vào tài khoản vợ. Sau đó, có gì, Giang sẽ chuyển lại tiền sinh hoạt theo tuần cho chồng nhưng Thiện không chịu. Vợ chồng to tiếng đã vài lần mà chưa giải quyết được.
Không xa chồng như Giang, Chi (Quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, mỗi tháng Bình – chồng Chi đưa cho vợ 2 triệu rưỡi, bao gồm mọi chi phí sinh hoạt trong nhà. Nếu Chi có thắc mắc về tình hình giá cả leo thang thì Bình cũng kêu than về công việc làm ăn đổ bể. Chi biết, chồng mình thuộc “dạng” đàn ông thích sắm sửa, đặc biệt nghiện đồ kỹ thuật số. Thỉnh thoàng, Bình lại mua điện thoại, máy ảnh hay xách tay mới bằng tiền riêng rồi về khoe với vợ. Chi ví von: “Sáng ra mà hỏi mình, chồng dùng điện thoại hay xách tay hiệu gì, mình cũng chẳng dám trả lời vì có thể chiều nay, ông nhà tớ đã đổi “hàng” rồi”.
Có lần, chị gái Chi mách cô tìm cách gọi điện cho chị thủ quỹ cơ quan Bình, để biết chính xác tiền lương của chồng nhằm đòi tăng khoản đóng góp nhưng Chi còn nấn ná. Chi bảo, chuyện mà đến tai chồng thì kiểu gì “chiến tranh” cũng xảy ra. Hơn nữa, phải hỏi lương chồng qua người ngoài, Chi e có điều tiếng ở cơ quan chồng thì cũng gay.
Sợ chồng có tiền sinh hư
Người vợ luôn đảm nhận trách nhiệm tay hòm chìa khóa trong gia đình nên muốn quản lý hoàn toàn lương bổng của chồng. Tuy nhiên, không phải anh chồng nào cũng nhiệt tình công khai thu nhập với vợ, mà muốn để lại một khoản nhỏ làm “ quỹ đen” phòng thân. Chính bí mật này khiến người vợ tò mò và có thể suy diễn ra việc chồng mình dùng số tiền này để ăn chơi xa xỉ hoặc “ bao gái”.
Video đang HOT
Bản thân người vợ nên nhận diện khi chồng không chịu kê khai thu nhập là tốt hay xấu. Một số người chồng muốn dành lại một khoản riêng để tự do mua sắm vật dụng cho nhu cầu bản thân và gia đình. Cho nên, người vợ không nên căng thẳng hoặc muốn nắm toàn bộ lương thưởng của chồng nếu anh ấy chưa đồng ý.
Ngoại trừ trường hợp, người vợ có trong tay bằng chứng chồng mình dùng tiền vào những hành vi xấu, mới nên trách cứ. Nếu không, người vợ nên tôn trọng quan điểm sử dụng tiền riêng của bản thân chồng, chỉ nên nhắc nhở anh ấy để việc chi tiêu chung được hợp lý, công bằng. Người vợ nên nhớ rằng, không phải ông chồng nào có quỹ riêng cũng nhằm mục đích “đen tối”. Đơn giản vì người chồng chỉ muốn tự do trong thu nhập của mình, không bị phụ thuộc quá nhiều vào vợ.
Theo Mẹ & Bé
Vợ chồng rắc rối chuyện tiền Tết
Tết đến, dù không nói ra nhưng mỗi người vợ, người chồng đều phải loay hoay với "bài toán" sử dụng tiền Tết. Mỗi người một tính toán riêng, làm sao vừa lo cho gia đình của mình, vừa chu toàn được với cha mẹ, anh chị em.
Những gia đình "một kiểng hai quê", nỗi khổ của người trong cuộc lại càng lớn hơn, khi nhu cầu giúp người ở quê có khi còn lớn hơn nhu cầu chi tiêu ba ngày Tết cho gia đình. Thế nên mới có chuyện! Vợ chồng vốn vẫn công khai tài chính với nhau, giờ lại giấu giấu giếm giếm hết sức khổ sở, "âm mưu" mà bại lộ, càng bi kịch hơn...
Bi hài chuyện biếu xén
Lần gặp nhau mới đây, Khương, một người bạn thân của tôi ra chiều bí mật: "Ông chuẩn bị "chiến dịch" đến đâu rồi?". Hắn giải thích tiếp: "Chiến dịch Đông-Xuân", từ giờ đến Tết, lo mà "gây quỹ" để còn có cái lo cho mẹ, cho em ở quê. Phải có kế hoạch cụ thể mới được". Tôi suýt phì cười, việc chỉ có thế mà phải lập cả chiến dịch. Nhưng ngẫm lại, hắn nói cũng có lý.
Ảnh minh họa
Hắn phân tích: "Tiền thưởng Tết chỉ được độ 10 triệu, con số đó đều đều mỗi năm, vợ đã nắm. Chờ đến ngày lãnh thưởng Tết mới lập "quỹ đen" thì đã quá muộn, vì đưa cho vợ ít hơn sẽ khó ăn nói. Trước Tết, cơ quan tôi có từng đợt thưởng nhỏ hơn. Mỗi lần như thế, mình "thủ" bớt một ít, góp dần đến Tết là vừa". Nghe bạn nói tôi "sáng" hẳn ra. Mấy năm trước, cứ chờ lãnh thưởng Tết, tôi mới tính đến chuyện giúp đỡ mẹ và các em. Có năm tiền thưởng chẳng là bao, không dám mở miệng xin vợ, đành đi mượn bạn bè. Tết mà còn phải vay nợ, thiệt cực chẳng đã.
Nhưng biết làm sao? Tôi phận con cả, nhà thuộc diện "chuẩn nghèo" vì đông con. Tôi lên thành phố học hành trước, kiếm được công việc ổn định, nên trở thành niềm hy vọng của cả nhà mỗi độ xuân về. Có năm tôi chia sẻ với mẹ ở quê: "Con làm cũng có tiền, nhưng không đủ chi tiêu mẹ ạ, Tết không giúp được mẹ nhiều".
Mẹ tôi thắc mắc: "Làm một tháng lương những 10 triệu mà cuối năm không gom góp được gì sao con? Chắc vợ con tiêu hoang lắm?" Mẹ không hiểu việc chi tiêu ở thành phố tốn kém như thế nào, tôi không trách được, vì mẹ có ở thành phố bao giờ đâu. Biết thế, nên đến Tết là tôi lại vay nợ. Một lần, vợ tôi bắt gặp tin nhắn mượn tiền của tôi trên điện thoại. Thế là những ngày Tết tan nát. Vợ suy diễn đủ thứ: "Anh xem em là ai mà lừa dối như vậy? Em sống tệ với nhà anh lắm hay sao mà phải giấu việc cho mẹ tiền? Anh làm vậy thì nhà anh coi em ra gì nữa? Hóa ra từ trước đến giờ anh đều nói dối em, vậy làm sao sống với nhau được nữa?"
Thu nhập kha khá còn bi kịch như vậy; những gia đình nghèo, nhất là gia đình công nhân ở trọ còn buồn hơn. Người bạn làm công nhân ở KCN Tân Bình trải lòng: "Tết, mỗi người được thưởng hơn hai triệu đồng. Lo tiền tàu xe cũng đã gần hết, lấy đâu ra mà quà cáp cho bố mẹ, em út ở quê? Gia đình chị khoảng ba năm mới dám về quê một lần, nên mỗi năm chị tích cóp một chút, đến lúc về quê mới có đồng này đồng nọ".
Thế nhưng trên lý thuyết, chị vẫn bảo với chồng, lần này về quê, chẳng có tiền nên chỉ biếu bên nội vài trăm, bên ngoại vài trăm, coi như về ăn Tết ké. Chị thành thật với tôi: "Chị phải giấu chồng, sợ chồng phát hiện nên vo từng tờ hai trăm ngàn, năm trăm ngàn đút vào gấu áo. Về quê, phải lựa lúc mà cho người nhà". Cách làm của chị thật ngô nghê, thiếu gì cách giấu... nhưng cái sự ngô nghê ấy nghe mà xót. Tội cho chị hơn, đứa con lên ba một lần nghịch kéo vuốt áo mẹ thế nào mà tiền lòi ra, chị bị chồng nổi điên, đánh cho một trận. Lần đó, chị về quê với gương mặt sưng vù.
Anh Thành Tuấn (công nhân KCN Sóng Thần, quê Nghệ An) từng tiết lộ với tôi, cách anh giấu vợ giúp cha già ở quê là nhét tiền vào hộp bánh, rồi hai vợ chồng cùng đưa bánh về biếu bố. Một lần, hộp bánh định biếu cho bố anh, lại bị đưa biếu nhầm sang cho bố vợ, khiến anh cứng họng. Lộ chuyện, vợ anh giận đến ra giêng. Không những thế, anh còn ê mặt với nhà vợ. Đúng là chẳng có cái dại nào giống cái dại nào.
Công khai là thượng sách
Tết là dịp mỗi người hướng về nguồn cội, vợ hay chồng đều nghĩ về bố mẹ mình. Một năm lo cho công việc, lo cho gia đình nhỏ của mình, bao lo toan chồng chất, ít người có dịp dành thời gian chăm sóc người thân ở quê. Thế nên Tết đến, ai cũng muốn có quà tươm tất để bù đắp thiếu sót của cả năm. Tâm lý đó đã khiến nhiều người giấu người bạn đời kế hoạch giúp đỡ người ruột thịt ở quê. Họ giấu vì ai cũng thừa hiểu, người bạn đời dù có rộng bụng cách mấy, cũng khó trích được một khoản tiền kha khá để giúp nhà chồng hoặc nhà vợ.
Anh Hữu Điền (kỹ sư xây dựng, làm việc tại Q.Gò Vấp) bộc bạch: "Người vợ vốn quán xuyến chi tiêu trong gia đình, phải tính toán sao để thu nhập đủ trang trải nhu cầu cho cả nhà. Nhiều gia đình có thu nhập "ổn định" hoài trong khi vật giá lại leo thang chóng mặt, nên người vợ càng phải chắt bóp. Từ chắt bóp, rất dễ sinh ra hà tiện. Nhận ra cái sự chắt bóp ấy của vợ, có ông chồng nào dám mở miệng xin một khoản tiền lớn làm quà Tết cho gia đình ở quê? Không dám xin thì... bí mật xoay xở tìm cách khác. Chiếc kim trong bọc lúc nào đó cũng sẽ lòi ra, mà đến lúc đó thì... không đỡ nổi".
Thực tế, người vợ nào cũng muốn thể hiện sự công bằng giữa hai bên, giúp được bên ngoại tám lạng, thì cũng phải giúp bên nội nửa cân. Nhưng tiền đâu ra để giúp nhiều và cho đều cả hai bên? Vậy là người vợ cũng phải có "âm mưu". Nhưng có thể nói một cách chủ quan rằng, số "vụ" vợ bắt quả tang chồng giấu tiền Tết xảy ra nhiều hơn chồng bắt quả tang vợ, bởi tính vô tư của đàn ông khiến họ ít để ý việc vợ chi tiêu tiền bạc như thế nào.
Chị em lại thường nghĩ chồng "ngờ nghệch" trong tiền bạc, rất dễ cho người thân một cách "không thương tiếc", nên có xu hướng "canh me" chuyện tiền bạc ngày Tết của chồng. Nhiều quý bà còn hù dọa, dù chẳng hề có chứng cứ chồng lập "quỹ đen".
Đại loại như: Công ty anh phát tiền Tết chỉ có thế thôi à? Hay mới chỉ một đợt, còn đợt hai? Sao năm nay cơ quan anh làm ăn khấm khá hơn, mà tiền thưởng Tết chỉ bằng năm ngoái? Cái kiểu "khủng bố" đó làm nhiều ông chồng phát điên lên. Không điên sao được, khi làm việc hùng hục cả năm, cầm mấy đồng tiền Tết về chẳng được khen mà còn bị vợ chê õng chê eo, nghi ngờ lung tung.
Về hình thức, mỗi gia đình chỉ biếu tiền bạc, quà cáp dịp Tết một cách tượng trưng và cái tượng trưng ấy chỉ là "phần nổi của tảng băng". Nhu cầu giúp là có thật, ngặt nỗi "hiện thực khách quan" không cho phép vợ, chồng công khai việc đó. Thế mới có chuyện, nhiều cặp vợ chồng, cứ đến Tết là có chiến tranh lạnh vì "tảng băng trôi" gặp "ổ gà", hiện nguyên hình.
Chị Phạm Phương Lan (giáo viên dạy văn ở Q.3) chia sẻ: "Người vợ cần nghĩ thoáng hơn một chút trong việc "cơ cấu" quà cáp cho gia đình hai bên. Hai vợ chồng cần ngồi lại với nhau, phân tích tình hình tài chính thực tế của gia đình mình, xem có thể giúp tối đa hai bên nội ngoại thế nào. Nếu được thì thơm thảo hơn bình thường một chút.
Tại sao phải thơm thảo hơn? Tôi nghĩ đơn giản, mình không tăng giá trị quà lên, thấy hẻo quá, đằng nào chồng mình cũng giấu mà giúp thêm. Việc lập quỹ đen thật ra là đầy mạo hiểm, chẳng đặng đừng các ông mới làm. Nếu thấy quà hai bên cũng đã tương đối khá, người chồng hài lòng, sẽ tránh được chuyện dối nhau. Người vợ cũng cần phân tích kỹ, bên chồng, ngoài bố mẹ ra còn có em út, nên giúp cụ thể ở mức nào. Việc này phải làm nghiêm túc chứ không thể được chăng hay chớ, qua loa. Nếu người vợ làm việc này không chu đáo, Tết năm sau, chồng "rút kinh nghiệm" sẽ tìm cách lập quỹ đen để giúp theo cách của mình".
Xét cho cùng, chuyện chi tiêu tiền Tết, nếu biết ngồi lại với nhau, công khai trong vui vẻ để tìm giải pháp thỏa mãn nguyện vọng từ hai phía, cũng đâu phải chuyện quá khó. Tại sao mỗi người không làm để tránh việc "tiền mình làm ra mà mình cứ phải giấu giấu, diếm diếm"? Văn hóa người Việt vẫn quan niệm, ngày Tết mà vợ chồng lục đục sẽ mất hên, cả năm sẽ "cơm không lành, canh không ngọt". Đừng để tiền Tết trở thành "thủ phạm" khiến ba ngày Tết mất vui.
Theo PNO
Chuyện teen 'kinh doanh'... lòng hiếu thảo Thấy cô con gái cưng bỗng nhiên... hiếu thảo hăm hở giúp mẹ làm việc nhà, đấm lưng cho bố không ít phụ huynh phải giật mình. Ngay sau đó, cô nàng rủ rỉ tâm sự "Tháng này con có nhiều khoản chi tiêu cần đến tiền lắm mẹ à..."... Mở miệng là "vòi" tiền Không ít các phụ huynh ngày nay than...