Có nên dẹp bớt giải thưởng âm nhạc?
Không có lĩnh vực nghệ thuật nào hằng năm có nhiều giải thưởng tôn vinh như lĩnh vực âm nhạc. Nhưng càng gần đây, thị trường ca nhạc càng thiếu vắng sự sáng tạo, mới mẻ. Nên chăng dẹp bớt các giải thưởng.
Tối 25-4, giải thưởng âm nhạc Cống hiến trao giải tại Nhà hát TP.HCM. Đây là mùa giải lần thứ 12 của giải thưởng âm nhạc này, cũng là năm mà giải thưởng có nhiều hạng mục nhất (9 hạng mục).
Thường niên nên thường xuyên… hụt hơi
Giải thưởng Cống hiến có tiêu chí cụ thể: “Có những khám phá, sáng tạo đóng góp thiết thực vào sự phong phú và phát triển của đời sống âm nhạc đại chúng”.
Tuy nhiên, một, hai mùa giải gần đây và cụ thể trong mùa giải năm nay, Cống hiến lên đến chín hạng mục nhưng danh sách đề cử lại ngày càng thiếu vắng những cái tên, sản phẩm âm nhạc dấu ấn.
Nhìn lại mùa đầu tiên Cống hiến năm 2006 (trừ mùa Tiền Cống hiến 2004) chỉ có bốn hạng mục: Album của năm, Chương trình của năm, Nhạc sĩ của năm và Ca sĩ của năm; sau nhiều năm và cho đến năm nay giải đã thêm năm hạng mục khác: Chuỗi chương trình của năm, Nghệ sĩ mới của năm, Bài hát của năm, Music Video của năm và Nhà sản xuất của năm. Nếu nhìn dưới góc độ thị trường ca nhạc, những hạng mục thêm này thể hiện sự phát triển của thị trường nhạc số, sự lấn sân của các chương trình truyền hình thực tế âm nhạc và cả tầm quan trọng của các nhà sản xuất âm nhạc sau thành công của một ca sĩ hay album. Thế nhưng chính điều này làm Cống hiến dần nhạt nhòa. Khi giải càng tiệm cận thị trường thì càng thiếu khác biệt so với các giải thưởng âm nhạc: Làn sóng xanh, Giải âm nhạc Zing, Yan VPOP 20…
Video đang HOT
Lý giải về điều này, nhà báo Hữu Trịnh, phó ban tổ chức giải Cống hiến, cho biết: “Việc mở thêm các hạng mục, ban tổ chức đều căn cứ vào thực tiễn của đời sống âm nhạc đại chúng. Như hạng mục Chương trình của năm và Chuỗi chương trình của năm, những năm đầu chưa thể tách ra. Những năm sau này truyền hình thực tế bùng nổ cùng sự xuất hiện thêm các chuỗi chương trình như Luala Concert, In the Spotlight, Monsoon Music Festival thì mới đủ điều kiện để tách”.
Ca sĩ Noo Phước Thịnh, Đông Nhi đều có đề cử ở Cống hiến năm nay. Ảnh: BTC cung cấp
Cống hiến không cần phải thường niên?
Nhà báo Hữu Trịnh cũng chia sẻ: “Giải luôn trên tinh thần tôn vinh những khám phá, sáng tạo đóng góp thiết thực vào sự phong phú và phát triển của đời sống âm nhạc đại chúng nhưng không phải lúc nào đời sống âm nhạc cũng tìm ra điều để mình tôn vinh. Nếu cho thang điểm 10 cho những tìm tòi, sáng tạo thì có năm dự án âm nhạc này được 10 điểm nhưng có năm dự án âm nhạc khác chỉ đạt tầm 5-7 điểm. Như ca sĩ Tùng Dương từng có nhiều album tôn vinh ở Cống hiến nhưng anh cũng phải nghỉ một, hai năm mới có thể làm một album cho mình”.
Có thể thấy sự tôn vinh nở nồi như hiện nay của Cống hiến được xem là tiệm cận thị trường nhưng lại làm giảm chất lượng những hạng mục được tôn vinh. Bởi lẽ nếu tôn vinh ca sĩ, nhạc sĩ thời thượng, chỉ cần một, hai ca khúc hit là “hoàn thành xuất sắc” nhiệm vụ một năm thì hãy để họ được tôn vinh ở các giải thời thượng khác.
Một giải thưởng như Cống hiến mà hạng mục quan trọng được tôn vinh hằng năm (Album của năm) lại không tìm ra được sản phẩm để tôn vinh, nên chăng giải thưởng Cống hiến giãn thời gian tổ chức để khi tìm được sản phẩm âm nhạc, nhạc sĩ… có khám phá, sáng tạo thật sự thì hãy vinh danh. Đâu cần phải “ép” mỗi năm đều làm để cuối cùng thành giải thưởng thỏa hiệp với thị hiếu. Khi đó Cống hiến mới thật sự là cống hiến.
Theo QUỲNH TRANG/PLO
Giải thưởng âm nhạc đặt theo tên Taylor Swift
Giọng ca "Bad Blood" cũng sẽ là người đầu tiên nhận giải thưởng đặt theo tên chính mình.
Hôm 5/4, ban tổ chức sự kiện trao giải âm nhạc BMI Pop Awards (Tập đoàn phát thanh âm nhạc - Broadcast Music, Inc.) tuyên bố, năm nay sẽ có thêm một giải thưởng mới và được đặt theo tên nữ ca sĩ Taylor Swift.
"Qua những ca khúc của mình, tài năng nghệ sĩ với tinh thần quật cường, Taylor Swift đã làm thay đổi văn hóa pop" - Barbara Cane, phó chủ tịch BMI nói. "Cô ấy đã tác động sâu sắc, không chỉ trong âm nhạc mà còn qua niềm tin và nhiệt huyết muốn sáng tạo ra một tiêu chuẩn đánh giá cũng như sự trân trọng âm nhạc cho tất cả chúng ta. Chúng tôi nhận thấy hạng mục giải thưởng Taylor là điều hợp lý để ghi nhận tài năng đặc biệt của cô ấy".
Taylor Swift tại iHeartRadio Music Awards 2016.
Giọng ca Bad Blood có cùng vinh dự với ông hoàng nhạc pop quá cố Michael Jackson - người được lấy tên đặt cho giải thưởng của BMI hồi năm 1990.
Tại BMI Pop Awards lần thứ 64 diễn ra vào 10/5 tới ở Beverly Hills, California, nữ ca sĩ 26 tuổi cũng sẽ là người đầu tiên được trao giải Taylor Swift Award. Ngoài Taylor, 2 tài năng âm nhạc khác được vinh danh là nhà viết nhạc Barry Mann và Cynthia Weil.
Cách đây vài ngày, Taylor Swift vừa có chiến thắng Best Tour ở iHeartRadio Music Awards 2016. Giải thưởng này dành cho chuyến lưu diễn thế giới quảng bá album 1989 thành công. Trên sân khấu, Taylor gửi lời cám ơn tới bạn trai Calvin Harris.
Theo Zing