Có nên cho đốt pháo không tiếng nổ vào dịp Tết?
Đề xuất cho phép người dân đốt pháo không tiếng nổ vào dịp tết Nguyên Đán tới đây đang khiến dư luận quan tâm bởi tính pháp lý của nó.
Liên quan tới đề xuất cho phép người dân đốt pháo không tiếng nổ vào dịp Tết Nguyên Đán tới, phóng viên TS đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Thế Truyền – Giám đốc Công ty Luật Hợp Danh – Thiên Thanh, Hà Nội.
- Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an) đang nghiên cứu sửa đổi quy định để người dân được mua, đốt pháo không có tiếng nổ – Pháo hỏa thuật giải trí – vào dịp Tết Nguyên Đán 2014. Theo ông, có nên đưa loại pháo này vào thị trường hay không?
Cũng giống như nhiều người dân Việt Nam, tôi có nhiều hoài niệm về tiếng pháo nổ trong ngày Tết. Đó là nét phong tục ăn sâu qua thời gian dài trong văn hóa Việt Nam.
Như đã biết, nguyên nhân đốt pháo nổ được nêu rõ là nhằm ngăn chặn việc đốt pháo gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, ô nhiễm môi trường và lãng phí…
Nhu cầu sử dụng pháo trong dân chúng, đặc biệt là trong dịp Tết là vẫn có (Ảnh: Internet)
Về quan điểm ngăn chặn mất an ninh trật tự, an toàn xã hội và ô nhiễm môi trường do đốt pháo nổ thì tôi hết sức ủng hộ. Do đó, nếu pháo hỏa thuật đảm bảo an toàn, không gây ô nhiễm môi trường khi sử dụng thì có thể xem xét cho vào lưu thông trên thị trường và người dân được sử dụng.
Nhu cầu sử dụng pháo trong dân chúng, đặc biệt là trong dịp Tết là vẫn có. Mục đích sử dụng của người đốt pháo có thể là khác nhau: chào mừng Tết, cưới hỏi, lễ hội… phù hợp với điều kiện của từng tổ chức, cá nhân là do tổ chức, cá nhân đó cân nhắc, không gây mất an toàn, an ninh trật tự là được.
Tuy nhiên, xin nhấn mạnh là sản phẩm pháo hỏa thuật giải trí phải an toàn. Việc này cần phải được kiểm tra, kiểm định kỹ thuật chính xác về độ an toàn của sản phẩm trước khi cho lưu thông để đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Bởi lẽ, đối tượng sử dụng pháo hỏa thuật giải trí sẽ rất đa dạng, trong đó có trẻ em chiếm phần không nhỏ.
- Có ý kiến cho rằng, bây giờ dân trí đã khá hơn, việc kiểm soát đốt pháo cũng tốt hơn thì chuyện chấp thuận cho pháo trở lại với sinh hoạt cộng đồng mỗi dịp lễ, Tết là điều đáng xem xét. Ông có đồng tình với quan điểm trên không?
Điều quan trọng là sản phẩm pháo hỏa thuật giải trí phải thực sự an toàn với người sử dụng. Việc chấp thuận cho pháo trở lại sẽ chỉ nên xem xét với những sản phẩm pháo an toàn, thân thiện với môi trường.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền
Video đang HOT
Về quan điểm cấm đốt pháo xuất phát từ việc mất trật tự, an toàn xã hội là đúng. Dân trí đã khá hơn là một tiêu chí, tuy nhiên đó chỉ là tiêu chí rất nhỏ, không quyết định việc cho phép đốt pháo hỏa thuật giải trí nếu sản phẩm đó vẫn tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn, an ninh xã hội.
Theo quan điểm của tôi, việc kiểm soát đốt pháo thời gian qua vẫn chưa tốt, biểu hiện bằng việc Thủ tướng đã phê bình và yêu cầu chủ tịch UBND 3 tỉnh Hải Dương, Lào Cai, Hà Giang kiểm điểm, rút kinh nghiệm và có hình thức xử lý nghiêm đối với các đơn vị, cá nhân buông lỏng quản lý, để xảy ra tình trạng đốt pháo nổ trái phép nhiều trong dịp Tết Nguyên Đán 2013.
Đó là chưa kể đến vẫn có hiện tượng đốt pháo nhỏ lẻ ở một số địa phương khác. Cứ mỗi dịp đầu năm là hầu như đều có công điện, chỉ đạo của Thủ tướng nhắc nhở về việc phải tăng cường quản lý việc sản xuất, buôn bán và đốt pháo nổ trái phép.
Điều quan trọng là sản phẩm pháo hỏa thuật giải trí phải thực sự an toàn với người sử dụng. Việc chấp thuận cho pháo trở lại sẽ chỉ nên xem xét với những sản phẩm pháo an toàn, thân thiện với môi trường.
Tình trạng mua bán pháo lậu (pháo nổ), chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc, ngày càng diễn biến phức tạp. Liệu điều này có tạo kẽ hở cho những kẻ mua bán pháo lậu có thêm đất để lộng hành?
Việc mua bán pháo lậu (pháo nổ), thậm chí là các loại pháo hỏa thuật có nguồn gốc từ Trung Quốc ngày càng diễn biến phức tạp vốn dĩ là do việc quản lý chống hàng hóa buôn lậu của ta chưa tốt.
Mức xử phạt đối với bắt giữ hàng hóa buôn lậu chưa đủ sức răn đe các đối tượng buôn lậu. Quy định phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng và tịch thu tang vật, phương tiện đối với một trong những hành vi sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định tại Nghị định số 73/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ là quá nhẹ, chưa đánh được vào tâm lý lợi ích của người sản xuất, buôn bán pháo nổ.
Việc phát sinh lợi nhuận do chênh lệch vùng miền dễ dẫn đến việc dịch chuyển hàng hóa, trong đó có hành vi buôn lậu hàng hóa, đây là điều xảy ra đối với bất kỳ sản phẩm nào.
Việc tạo ra các cơ chế quản lý để chống lại hiện tượng buôn lậu hàng hóa thiết nghĩ là việc tăng cường hiệu quả quản lý của cơ quan chức năng đối với tất cả các sản phẩm tiêu dùng, không chỉ một mặt hàng nào.
Sản phẩm pháo hỏa thuật giải trí phải an toàn mới nên đưa vào thị trường (Ảnh: Internet)
Có thể ta nên nhìn một cách khác, trong trường hợp pháo hỏa thuật giải trí được đưa vào sử dụng, nhu cầu pháo nổ của người dân giảm đi thì việc buôn lậu pháo nổ sẽ giảm.
- Trong trường hợp việc đề xuất cho đốt pháo hỏa thuật giải trí vào dịp Tết được đồng ý, theo ông, làm thế nào để có thể quản lý tốt việc sản xuất, mua bán, đốt loại pháo này?
Về quản lý việc sản xuất, mua bán pháo hỏa thuật phải trên cơ sở an toàn trong sản xuất và trong sử dụng được đặt nên hàng đầu. Do đó, các cơ quan chức năng cần có cơ chế về điều kiện các cơ sở có thể được cấp phép sản xuất, điều kiện tiêu chuẩn sản phẩm cho loại pháo này hết sức chặt chẽ
Và đặt ra các mức phạt vi phạm cao đủ mức dăn đe, trong một số trường hợp vi phạm phải sử dụng biện pháp xử lý hình sự.
Việc đốt pháo nằm ở ý thức người dân, trong thời gian đầu nên có quy định hạn chế quyền trong sử dụng. Ngoài ra, sản phẩm phải được hướng dẫn chi tiết và có khuyến cáo tốt cho người sử dụng.
- Có nên sử dụng từ khác thay từ “pháo” trong cụm từ Pháo hỏa thuật giải trí (nếu loại pháo này được đốt) để tránh nhạy cảm?
Dù không gây tiếng nổ, nhưng theo quy định pháp luật pháo hỏa thuật vẫn được quy vào diện pháo hoa và bản chất là pháo hoa. Do đó, việc thay từ pháo để tránh nhạy cảm chỉ mang tính đánh lừa cảm giác tạm thời, luật pháp quy định sẽ chưa đi được vào bản chất sự vật, sự việc và quy loại các sản phẩm, mặt hàng cần quản lý. Trừ phi các nhà sản xuất pháo hỏa thuật chứng minh được sự khác biệt.
- Ở góc độ pháp luật, theo ông, cần bổ sung những quy định nào để những kẻ mua bán pháo lậu không còn đất sống?
Khi không còn cầu thì cung không còn đất sống. Do đó, trước hết cần ban hành các quy định xử phạt nặng đối với các hành vi đốt pháo nổ, từ quy định xử phạt hành chính đến quy định về hình sự với hành vi đốt pháo nổ nghiệm trọng. Bên cạnh đó là các hoạt động tuyên truyền không sử dụng pháo nổ trong nhân dân.
Cho phép các mặt hàng có khả năng thay thế pháo nổ mà vẫn an toàn an ninh xã hội để đáp ứng nhu cầu của người dân cũng là một biện pháp để giảm việc mua bán pháp nổ.
Đồng thời với đó là bổ sung các quy định tăng cường xử phạt nặng cùng các mức án hình sự đủ răn đe đối với hành vi buôn bán pháo lậu. Khi làm ăn mà thiệt, hại nhiều hơn lợi thì sự lựa chọn của người đi buôn sẽ giảm đối với mặt hàng này.
Tăng cường các văn bản và thực hiện quản lý thị trường chặt hơn nữa với mặt hàng này.
- Xin cảm ơn ông!
Theo vietbao
Tết này được đốt pháo không tiếng nổ
Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội Bộ Công an đang nghiên cứu sửa đổi quy định để người dân được mua, đốt pháo không có tiếng nổ vào dịp Tết Nguyên đán 2014.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 21/5, Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Tổng cục 7 - Bộ Công an), cho biết pháo không có tiếng nổ (pháo hỏa thuật giải trí) là loại pháo do Nhà máy Z121 thuộc Tổng cục Công nghiệp - Bộ Quốc phòng sản xuất và phân phối.
Pháo "an toàn"
Tại buổi họp với lãnh đạo Tổng cục 7 và nhiều cơ quan chức năng mới đây, Đại tá Nguyễn Khắc Hội, Giám đốc Nhà máy Z121, cho biết việc sản xuất pháo hoa và các phụ kiện nổ tại Việt Nam đã được nhà máy thực hiện từ nhiều năm nay và hiện vẫn là đơn vị "độc quyền" trong lĩnh vực này.
Pháo hỏa thuật giải trí thực chất là một sản phẩm tạo ra hiệu ứng ánh sáng, âm thanh nhưng không gây ra tiếng nổ. Các loại hóa chất được dùng để chế tạo loại pháo này không gây độc hại, không gây cháy nổ và ảnh hưởng tới môi trường xung quanh. Đến nay, Nhà máy Z121 đã sản xuất khoảng 10 loại pháo này, qua thử nghiệm đều đạt hiệu quả cao.
Thiếu tướng Trần Văn Vệ cho biết Nghị định 36 của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng pháo không cấm sử dụng loại pháo này. Sau khi thử nghiệm, lãnh đạo Tổng cục 7 thấy rằng đây là loại pháo thân thiện với môi trường và có thể đưa ra thị trường. Ở một số nước cũng sản xuất loại pháo này và gọi là pháo hoa đồ chơi. "Họ học tập công nghệ sản xuất của Nhật Bản, qua thử nghiệm nhiều lần đều cho kết quả tốt và an toàn, không gây ra tiếng nổ, ảnh hưởng tới môi trường. Chúng tôi đã thử dùng tay chạm vào những tia lửa nhưng chẳng bị làm sao cả" - ông Vệ nói.
Sản phẩm của Nhà máy Z121 tạo ra hiệu ứng ánh sáng, âm thanh nhưng không có tiếng nổ. Ảnh: Minh Nguyên
Gắn với truyền thống người Việt
Theo ông Phùng Hà, Cục trưởng Cục Hóa chất - Bộ Công Thương, đã gọi là pháo thì phải có tiếng nổ. Tuy nhiên, sản phẩm của Nhà máy Z121 không gây ra tiếng nổ nên có thể sử dụng từ khác mà không có chữ "pháo" để tránh "nhạy cảm". Ông Hà cho rằng sản phẩm này được chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản nên hội đồng khoa học các bộ, ngành có thể sử dụng chính các tiêu chuẩn của Nhật Bản làm cơ sở đánh giá, thẩm định trước khi cấp phép bán ra thị trường.
Thiếu tướng Trần Văn Vệ cho biết trước mắt, Nhà máy Z121 cần đăng ký chất lượng sản phẩm, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật, bảo vệ môi trường và được các bộ, ngành liên quan như Bộ Quốc phòng, Bộ Khoa học - Công nghệ thông qua. "Khi đó, chúng tôi sẽ sửa đổi Thông tư 08 (hướng dẫn thực hiện Nghị định 36) để sớm đưa sản phẩm vào cuộc sống, nhanh thì có thể ngay trong dịp Tết Nguyên đán 2014" - ông Vệ nói.
Nhìn nhận đây là một tín hiệu vui, TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội - Viện Xã hội học, cho rằng pháo đã gắn liền với nhiều sinh hoạt cộng đồng, truyền thống của người Việt. Dù đã cấm nhưng nó vẫn được nhiều người nhắc tới mỗi dịp Tết với câu ca: "Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh. "Cấm đốt pháo xuất phát từ việc mất trật tự, an toàn xã hội. Nhưng bây giờ dân trí đã khá hơn nên việc kiểm soát đốt pháo cũng tốt hơn thì việc chấp thuận cho pháo trở lại với sinh hoạt cộng đồng mỗi dịp lễ, Tết là điều đáng phải xem xét" - ông Bình bày tỏ.
Nóng vì pháo lậu Thống kê của Tổng cục 7 cho thấy những năm qua, tình trạng mua bán pháo lậu (pháo nổ), chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc, ngày càng diễn biến phức tạp. Thay vì cuối năm mới vận chuyển hàng vào sâu trong nội địa, các đầu nậu pháo lậu đã rục rịch ém hàng ngay trong năm, chờ tới Tết mới bung ra bán. Mặc dù mỗi năm, lực lượng chức năng trên cả nước xử lý trên 200 vụ việc liên quan đến pháo, thu giữ cả trăm tấn pháo lậu các loại nhưng tình hình vẫn chưa lắng dịu. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê bình và yêu cầu chủ tịch UBND 3 tỉnh Hải Dương, Lào Cai, Hà Giang kiểm điểm, rút kinh nghiệm và có hình thức xử lý nghiêm đối với các đơn vị, cá nhân buông lỏng quản lý, để xảy ra tình trạng đốt pháo nổ trái phép nhiều trong dịp Tết Nguyên đán 2013.
Theo 24h
Quảng Trị: Bom khoan phát nổ gây sụp nhà dân Một quả bom khoan của quân đội Mỹ còn sót lại sau chiến tranh đã bất ngờ phát nổ gây sụp một phần nhà dân trên địa bàn huyện Triệu Phong, Quảng Trị. Ngày 8-4, thông tin từ UBND xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong cho hay, trên địa bàn vừa bất ngờ xảy ra vụ một quả bom khoan bất ngờ phát...