Có nên chia tay anh khi tôi không xác định sinh con?
Tôi rất tự ti về khả năng làm mẹ của mình. Tôi không muốn làm phép thử trong việc sinh con. Tôi chỉ muốn sống vui vầy hai vợ chồng với nhau.
ảnh minh họa
Tôi năm nay 25 tuổi, đã tốt nghiệp đại học và đang học cao lên nữa. Anh cùng tuổi với tôi. Chúng tôi quen nhau từ hồi sinh viên. Hồi ấy, chúng tôi tìm hiểu gần 6 tháng rồi mới chính thức yêu nhau, tình yêu của hai đứa đã bước vào năm thứ 6 rồi. Cả hai đều là những người chín chắn trong tình yêu, có ý thức trách nhiệm, cùng chung tay vun đắp tình yêu vượt qua bao khó khăn gian khổ.
Tôi dịu dàng, yêu thương anh nhiều, và chăm sóc anh tốt. Còn anh cũng vậy, rất mực hiền lành, nhường nhịn, và chăm lo cho tôi. Chúng tôi cũng có dự tính tiến tới hôn nhân. Tất cả mọi chuyện tôi và anh đều bàn bạc hòa thuận để đưa ra giải pháp vừa ý nhau nhất, hợp tình hợp lý nhất, duy chỉ có một chuyện mà mãi đến bây giờ tôi và anh vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.
Số là anh rất thích con nít, mỗi khi có cháu nhỏ trong họ hàng qua nhà chơi, anh đều quấn quýt chơi đùa, chăm bế. Qua lời anh kể, tôi có thể hình dung anh mong ước sẽ có một đứa con, sau này anh sẽ truyền dạy cho nó những kinh nghiệm mà ba anh đã truyền cho anh, sẽ ngắm nhìn nó lớn lên và trưởng thành. Tôi hiểu anh muốn có một gia đình hạnh phúc với tiếng cười trẻ thơ, như gia đình hạnh phúc hiện tại mà anh đang sống.
Phần tôi, tôi cũng hằng mơ ước về một gia đình hạnh phúc. Tôi lớn lên trong cảnh thiếu thốn tình cảm gia đình, bởi lẽ gia đình tôi không một ngày được hòa thuận êm ấm, cha mẹ cãi nhau, con cái cãi cha mẹ. Hai mươi mấy năm sống trong cảnh cơm không lành canh không ngọt, tuổi thơ đầy những ký ức mà mãi mãi tôi không bao giờ muốn nhớ đến, với rất nhiều nước mắt khi chứng kiến cảnh khổ cực của mẹ tôi, khổ vì chồng, khổ vì con.
Tôi là con út, trên tôi là hai người anh nữa, có thể nói hai người này góp phần làm mẹ tôi buồn không ít. Mẹ sống với ba không hạnh phúc, đã vậy còn bị con cái làm cho buồn phiền. Anh hai tôi hơn 30 tuổi đầu nhưng chưa nghề nghiệp ổn định, tính tình thì gia trưởng, chẳng khi nào nghe lời mẹ khuyên lo phấn đấu trong cuộc sống. Lần nào mẹ khuyên nhủ thì cũng bị anh quát nạt, tôi nghe mà đau lòng thay cho mẹ.
Video đang HOT
Anh ba tôi thì vướng vào tệ nạn, không biết bao nhiêu lần làm mẹ điêu đứng, chết đi sống lại khổ sở, nay anh đã từ bỏ, chịu ở nhà nhưng cũng không nghề nghiệp gì cả. Mà người anh này lại có tính tình nóng nảy, ai nói động vào thì làm ầm cả lên, đập phá, chửi bới, đòi đánh, đòi hơn thua cho ra lẽ. Anh dám xách cây đòi đánh cả ba tôi, dám chửi cả ba tôi bằng những lời lẽ mà tôi không tài nào ngờ tới. Anh cũng gây gổ với anh hai mỗi khi hai anh em không vừa ý nhau. Mà những chuyện châm ngòi nào có to tát chi đâu.
Mẹ và tôi hết lần này đến lần khác, phải xông vào can thiệp. Mẹ lần nào cũng năn nỉ khóc lóc, lạy lục anh ba tôi để anh dằn cơn nóng. Tôi thì đã chai lì, mỗi lần thấy cảnh tượng đó tôi tê tái cả người, chân tay bủn rủn. Tôi đau lòng khôn xiết, nhìn mẹ đã qua tuổi 60, vậy mà vẫn chưa được một ngày gọi là “hưởng thụ” cuộc sống. Ngày nào cũng đi làm quần quật kiếm tiền, về nhà cũng chẳng được sống yên thân. Tôi từ nhỏ đã tự nhủ phải cố gắng thật nhiều, cố gắng ngoan ngoãn, cố gắng học giỏi, cố gắng đỡ đần mẹ, được phần nào hay phần ấy, hi vọng mẹ được an ủi phần nào.
Không biết từ bao giờ, nhìn cảnh hai người con ngỗ nghịch bất kính đó, tôi có suy nghĩ sau này mình sẽ không sinh con. Tôi sợ cảnh sau này cũng như mẹ, tôi nghĩ tôi sẽ đau lòng khôn xiết khi thấy người con mình mang nặng đẻ đau dày công dưỡng dục, nay lớn lên, đứng trước mặt mình, hỗn láo với mình, đay nghiến mình, bắt bớ mình. Mẹ hay nói “biết vậy đẻ ra cái trứng vịt lộn ăn cho rồi”. Nghe vậy tôi sợ lắm. Khi đứa con đó đã thành người, rồi nó sẽ “báo” mẹ nó những gì đây?
Tôi cũng sợ sinh con vì nhiều lẽ khác. Tôi sợ sinh ra một đứa bé không lành lặn, bị khuyết tật gì đó mà bác sĩ không phát hiện được lúc mang thai. Tất nhiên là mình sẽ yêu thương đón nhận nó, nhưng tôi sẽ đau lòng lắm khi đứa con mình cưu mang hơn 9 tháng nay sinh ra bị bệnh tật đau đớn. Tôi làm trong ngành y tế, tôi đã tận mắt chứng kiến biết bao đứa trẻ không may mắn bị bệnh bẩm sinh, rất tội nghiệp. Tôi cũng sợ cảm giác khi sinh con ra, một ngày nào đó tôi sẽ đau xé lòng khi hay tin con bỏ mình đi trước.
Hàng ngày đọc báo thấy biết bao cảnh trẻ bị tai nạn thương tâm, tim tôi quặn thắt khi nghĩ đến cảnh người mẹ chết đi sống lại vì đã mất đi đứa con thơ. Và nữa, không hiểu sao tôi rất tự ti về khả năng làm mẹ của mình, tôi từng bị trầm cảm và vẫn đang chữa bệnh. Bác sĩ nói bệnh của tôi dai dẳng, phải chịu khó chữa trị, chưa biết khi nào mới khỏi. Mà bệnh này khi mang thai có thể sẽ trở nặng hơn.
Tôi có biết 2 trường hợp người mẹ có tâm trạng buồn sầu lúc mang thai, đứa trẻ được sinh ra kém lanh lợi hơn những đứa trẻ khác. Tôi lo sợ sau này mình cũng sẽ như vậy, sẽ không thể đem lại những điều tốt nhất cho con mình.
Tất cả những điều này, tôi đã tâm sự cùng anh nhiều lần. Anh được cái lạc quan, suy nghĩ tích cực hơn tôi nhiều. Anh an ủi, động viên tôi, bảo rằng sau này sẽ dạy dỗ con cái đàng hoàng, sẽ hướng con mình nên người con biết thảo kính cha mẹ. Anh rất tự tin vào cách mà anh sẽ dạy dỗ con cái, trái ngược hoàn toàn với sự tự ti của tôi. Nhưng có lẽ, bấy nhiêu lời anh nói vẫn không khiến tôi an tâm. Tôi bảo rằng tôi không muốn làm phép thử trong việc sinh con. Tôi chỉ muốn sống vui vầy hai vợ chồng với nhau. Anh nghe vậy buồn lòng, nhưng lần nào tôi đề cập đến thì cũng khuyên tôi suy nghĩ lại.
Có lẽ, tôi đã và đang trải qua quá nhiều đau khổ, khả năng chịu đau của tôi đã hết sức. Tôi sợ sau này sẽ đau nữa vì chuyện con cái, như mẹ tôi bây giờ. Vẫn biết có những người con hiếu thảo, ngoan ngoãn, nhưng sao tôi rất bi quan rằng mình không được phần may mắn đó. Tôi không dám phiêu lưu.
Và nhiều lúc tôi nghĩ, nếu hai chúng tôi không tìm được tiếng nói chung trong việc này, thì mai đây thành vợ thành chồng, khi họ hàng hai bên thúc giục chuyện con cái, tôi sẽ xoay xở ra sao, và anh sẽ phản ứng thế nào. Mục tâm sự ngày càng đưa nhiều tin về những ông chồng muốn kiếm thêm người bên ngoài để sanh con nối dõi đó thôi.
Tôi có nên dừng lại không, để anh có cơ hội gặp một người khác cũng yêu thương anh thật lòng và sẵn sàng chung xây tổ ấm có tiếng cười trẻ thơ với anh? Những người như tôi chắc không thể nào tìm được hạnh phúc, tìm được một người nào đó cùng chung quan điểm sống.
Theo VNE
Cạn tàu ráo máng lúc chia tay
Tình yêu rất cần sự tôn trọng để khi không còn yêu thương, 2 người vẫn có thể là bạn của nhau.
"Trời ơi, ăn thì cũng đã ăn rồi, yêu thì cũng yêu rồi, biết làm sao đây?"- N.T, đang học năm 4 một trường đại học tại TP HCM, than vãn trên một diễn đàn dành cho sinh viên khi nhận được tin nhắn của cô người người yêu cũ đòi 1,5 triệu đồng tiền cơm.
Món nợ khó ngờ
Khi còn là sinh viên năm 2, N.T quen H., học cùng trường nhưng khác khoa. H. ở trọ nên có điều kiện nấu nướng, 2 người quyết định nấu ăn chung. Quen nhau được gần 2 năm thì nhiều mâu thuẫn, đường ai nấy đi. Tưởng chuyện đã hết, mới đây, N.T nhận được tin nhắn của H: "Em đang đang cần tiền mua laptop. Trong 1 năm rưỡi nấu cơm nước, cho em nhận 1,5 triệu đồng". N.T than thở: "Lúc nấu ăn chung, khi nào rảnh thì cô ấy mua; lúc rảnh, tôi đi mua chứ có khi nào tính tiền anh, tiền em? Khi có tiền, tôi còn sắm cả điện thoại, nệm... cho cô ấy nữa. Chưa bao giờ tôi nghĩ đến chuyện phải đòi hoặc trả lại cái gì".
Vân Anh - hướng dẫn viên một công ty du lịch tại quận 3, TP HCM - kể câu chuyện "bị đòi nợ" của cô không kém phần ly kỳ. Khi còn học năm 3 đại học, Vân Anh quen với một người đã đi làm, có thu nhập ổn định. Chính vì thế, quà tặng của cô vào các ngày lễ, Tết bao giờ cũng nổi bật hơn các bạn: Khi thì con gấu bông to đùng, lúc là cái váy xinh xinh hay chiếc túi rất thời trang. Thỉnh thoảng, bạn bè tổ chức họp mặt, ăn uống ngoài trời, Vân Anh cũng được người yêu bao trọn gói.
Xác định yêu là cưới, đến năm 4, Vân Anh đưa người yêu về ra mắt gia đình. Anh ta mua rất nhiều quà cáp cho gia đình cô. Khỏi phải nói Vân Anh sung sướng đến mức nào khi có người yêu biết chiều chuộng, quan tâm.
"Thế nhưng, khi đường ai nấy đi, anh ta quay ngoắt, nhắn tin đòi tiền. Tôi hỏi bao nhiêu, anh ta nói ngay 4 triệu đồng. Đem 4 triệu đồng trả cho anh ta xong, tôi thấy mình may mắn. Nếu lỡ lấy anh ta thì không biết cuộc đời tôi sẽ ra sao?" - Vân Anh ngán ngẩm.
Khâu "tìm hiểu kỹ" rất quan trọng để có một tình yêu bền vững (Ảnh minh họa)
Oán hận, bêu riếu cay độc
Với thời đại công nghệ thông tin, chuyện tình yêu dường như không còn của riêng 2 người mà là chuyện của mọi người. Một câu nhận xét, một lời khen chê vừa đưa lên mạng, lập tức có hàng chục, hàng trăm người theo dõi.
Mới đây, cộng đồng mạng dậy sóng khi một cô gái viết trên Facebook của mình: "Thời đại này còn có người cầm 100k (100.000 đồng) đi gặp bạn gái". Sau ý kiến này, lập tức có hàng trăm người "nhảy" vào cho rằng anh kia keo kiệt, "ki bo". Tuy nhiên, cũng có người bảo thời đại văn minh, nam nữ bình quyền thì tại sao nữ không trả tiền được mà chỉ có nam? Rồi 2 nhân vật chính trong câu chuyện thi nhau đăng đàng kể lể, bình luận, mắng chửi nhau, kéo theo rất nhiều bạn bè vào cuộc chiến của họ.
Nói xấu người yêu sau khi chia tay là điều mà nhiều bạn trẻ mắc phải. Khi yêu nhau, cái gì của người yêu cũng đẹp, cũng lấp lánh. Khi hết yêu, mọi thứ trở nên tồi tệ.Mới đây, bạn bè của H.O - nhân viên một công ty mỹ phẩm tại quận 1, TP HCM - ngỡ ngàng khi thấy cô ghi những dòng tâm sự cay đắng trên trang cá nhân của mình. Mọi chuyện xảy ra từ khi H.O và dự án "góp gạo thổi cơm chung" cùng người yêu tan vỡ. Chẳng biết lý do tại ai nhưng H.O cứ vật vã, than thở, thậm chí đòi tự tử để người yêu trở lại. Mong muốn không thành, cô đâm ra oán hận, bêu riếu người yêu cũ với nhiều lời lẽ cay độc. Bạn bè chỉ biết lắc đầu vì khuyên giải thế nào, H.O cũng không nghe.
Thạc sĩ Đào Lê Hòa An, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Chăm sóc tinh thần Ý Tưởng Việt: Đến nhanh thì mất nhanh Yêu nhanh, sống vội đang là xu hướng của các bạn trẻ. Cái gì đến nhanh thì mất nhanh. Cái gì "mua được bằng tiền đều gắn liền với hạn sử dụng" là như vậy. Trong tất cả các khâu của "tiến trình tình yêu", "tìm hiểu kỹ" (về tính cách, sở thích, ưu điểm, khuyết điểm, hoàn cảnh sống...) chính là khâu quan trọng nhất để có thể tìm thấy sự đồng điệu trong tâm hồn nhưng lại bị các bạn trẻ bỏ qua hoặc đốt cháy giai đoạn. Hậu quả là khi không còn yêu, không còn ràng buộc nhau thì bản chất thật đã được bộc lộ, gây ngỡ ngàng cho người còn lại.
Theo VNE
Chia tay rồi hãy quên đi và bước tiếp Đừng oán trách bản thân đã trao yêu thương nhầm chỗ, tình cảm đâu thể nào theo lý trí được. Lúc mới chia tay một tình yêu con gái thường không muốn đi lại những con đường mà hai người từng qua khi yêu nhau. Nhưng bước chân vẫn hướng về đó, bước đi trên những nẻo đường, góc phố đã từng là...