Có nên ăn thực phẩm biến đổi gene?
Trong lúc chờ các nhà khoa học bàn cãi, các nhà lập pháp đưa ra những quy định chặt chẽ, người tiêu dùng cần cân nhắc kỹ khi quyết định có nên dùng thực phẩm biến đổi gene hay không.
Phải ghi nhãn để cảnh báo
Dưới góc độ khoa học, GS. TS Phạm Bình Quyền, Tổng thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường, cho rằng, rất khó nói nên hay không nên ăn thực phẩm biến đổi gene, bởi không riêng gì Việt Nam mà các nước phát triển trên thế giới cũng đang gây tranh cãi về vấn đề này. Tại Việt Nam, loại thực phẩm này chưa được chính thức cho phép dùng nhưng thực tế, người dân vẫn đang ăn mà không hay biết. Tuy nhiên, khó có thể xác định ai đó bị bệnh hay biểu hiện bất thường do ăn thực phẩm biến đổi gene. Nhưng về lâu dài, ảnh hưởng của loại thực phẩm này như thế nào đến sức khỏe, duy trì giống nòi, đa dạng sinh học thì chưa biết được.
Video đang HOT
GS.VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam, nói: “Đối với những loại thực phẩm bị can thiệp mang tính thay đổi bản chất, chuyển hóa hẳn một thuộc tính nào đó của cây trồng, vật nuôi thì cần hết sức thận trọng. Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, nên việc tiếp nhận thực phẩm biến đổi gene cần có bước đi thích hợp. Trước mắt nên tiếp nhận các cây công nghiệp như bông, chè, cao su… Còn với các cây cho lương thực như lúa, ngô, khoai sắn… cần học hỏi dần dần cho đến khi hành lang pháp lý của chúng ta đủ mạnh thì mới sử dụng”.
Bằng mắt thường, người tiêu dùng khó phân biệt đâu là thực phẩm biến đổi gene. Ảnh: TNLinh.
Ở góc độ bảo vệ người tiêu dùng, ông Đỗ Gia Phan, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, cho biết các nước trên thế giới cho người tiêu dùng quyền được lựa chọn ăn hay không ăn thực phẩm biến đổi gene. Do vậy, các doanh nghiệp nếu sản xuất thực phẩm biến đổi gene phải ghi nhãn cụ thể để thông báo cho người tiêu dùng biết.
Cần hoàn thiện pháp luật
Ở các nước phát triển, việc kiểm soát thực phẩm biến đổi gene khá chặt chẽ bởi các quy định pháp luật. Tại Mỹ, Cục chăn nuôi và trồng trọt (Bộ Nông nghiệp) quản lý các sản phẩm lưu hành trên thị trường Cục bảo vệ môi trường quản lý thực vật biến đổi gene ngoài môi trường cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm có vai trò đánh giá an toàn thực phẩm và thức ăn gia súc biến đổi gene. Ở Ấn Độ, việc sản xuất, sử dụng, xuất nhập khẩu hàng hóa các sản phẩm biến đổi gene phải tuân theo quy định và hướng dẫn của Bộ Lâm nghiệp và Tài nguyên môi trường. Việc xây dựng hướng dẫn và đánh giá an toàn sinh học đối với thực phẩm biến đổi gene thuộc Bộ Khoa học – công nghệ. Tương tự, các nước Nhật, Trung Quốc, Cộng đồng Châu Âu đều có những quy định hết sức nghiêm ngặt đối với sản phẩm biến đổi gene.
Tại nước ta, việc quản lý thực phẩm biến đổi gene được quy định tại Quy chế 212 của Thủ tướng Chính phủ. Theo quy chế này, các sản phẩm biến đổi gene phải được cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học sản phẩm thuộc loại này lưu thông trên thị trường phải ghi trên bao bì dòng chữ “sản phẩm có sử dụng công nghệ chuyển gene”. Tuy nhiên, văn bản hướng dẫn cụ thể về đánh giá an toàn và rủ ro sinh học với loại thực phẩm này, đến nay vẫn chưa được ban hành.
Mặc dù thực phẩm biến đổi gene là vấn đề khá nóng bỏng hiện nay nhưng người tiêu dùng, các nhà phân phối và cả ban quản lý các siêu thị, chợ trên địa bàn TP HCM, khi được Đất Việt hỏi đều không biết gì về thực phẩm này.
Cần tuân thủ rất nghiêm ngặt quy định
Theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, thực phẩm biến đổi gen không được nhập vào, điều này đồng nghĩa với việc chưa thể bán trên thị trường. Luật Đa dạng sinh học cũng dành một chương nói về vấn đề này và có những quy định khá rõ và chặt chẽ. Nếu một loại thực phẩm được gọi là biến đổi gen được lưu hành trên thị trường cần phải tuân thủ rất nghiêm ngặt những quy định về hàm lượng, chỉ tiêu biến đổi gen là bao nhiêu. Còn nếu đã lưu hành trên thị trường thì cần ghi rõ bằng nhãn mác để người tiêu dùng lựa chọn.
GS.TS Nguyễn Lân Dũng (Chủ tịch Hội Các ngành sinh học Việt Nam)
Kỳ 3: Làm gì để bảo vệ người tiêu dùng?
Theo Đất Việt