Cờ Mỹ tung bay ở La Habana: Người dân Cuba hy vọng vào sự thay đổi
Sự chuẩn bị đang diễn ra gấp rút tại La Habana, trước khi diễn ra lễ thượng cờ của Đại sứ quán Mỹ ở Cuba vào ngày 14/8.
Đây là lần đầu tiên lá cờ Mỹ sẽ tung bay trên tòa nhà vốn là “Phòng Đại diện Quyền lợi” tại La Habana trong 54 năm qua. Nhiều người dân Cuba hy vọng sự kiện này sẽ mở ra một sự thay đổi lớn lao trong mối quan hệ với Mỹ với hơn 5 thập kỷ thù địch.
Lễ thượng cờ là một sự kiện quan trọng, tượng trưng cho việc khôi phục mối quan hệ song phương giữa Mỹ và Cuba. Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố danh sách phái đoàn quan chức chính phủ nước này gồm 20 thành viên do Ngoại trưởng John Kerry dẫn đầu, tới Cuba để dự lễ thượng cờ tại Đại sứ quán Mỹ.
Một người dân mang lá cờ Mỹ và cờ Cuba đến ăn mừng trước Đại sứ quán mới của Cuba tại Washington ngày 20/7. (Ảnh: AP).
Trước đó, lá cờ xanh đỏ với sao trắng của Cuba đã tung bay bên ngoài Đại sứ quán mới được nâng cấp tại thủ đô Washington lần đầu tiên kể từ khi hai nước cắt đứt quan hệ ngoại giao vào năm 1961.
Theo chuyên gia về Cuba thuộc trường đại học Texas Mỹ Julia Sweig, một trang mới trong mối quan hệ Mỹ-Cuba đang chứng minh sự đúng đắn trong đường lối hoạt động của chính phủ Cuba bất chấp sự bao vây cấm vận kinh tế của Mỹ hơn 50 năm qua.
Bà Julia Sweig nhận định: “Không có sự đầu hàng, không có nhượng bộ, chống lại tất cả những nỗ lực nhằm phá hoại, lật đổ, gây mất ổn định trong 50 năm qua”.
Bây giờ chủ tịch Cuba Raul Castro tuyên bố: “Chúng ta bình thường hóa quan hệ theo những điều khoản phù hợp với chính sách bảo vệ chủ quyền của Cuba” – đó là một thông điệp hoàn toàn phù hợp với lập trường bấy lâu nay của cựu chủ tịch Cuba Fidel Castro.
Phát biểu trước buổi lễ, Chủ tịch Cuba Raul Castro khẳng định, quốc đảo này sẵn sàng bỏ qua quá khứ, tồn tại hòa bình cùng với người dân Mỹ. Nhiều người dân tại thủ đô La Habana cũng bày tỏ tin tưởng rằng việc Mỹ mở cửa trở lại Đại sứ quán tại Cuba sẽ giúp mối quan hệ mới giữa hai nước có sự thay đổi tích cực.
Video đang HOT
Một người dân Cuba chia sẻ: “Là một người dân Cuba, tôi hi vọng việc mở cửa trở lại Đại sứ quán Mỹ tại Cuba sẽ cải thiện toàn diện mối quan hệ song phương. Tôi hi vọng điều này sẽ mang lại lợi ích cho người dân Cuba, cho chính phủ Cuba và cả nước Mỹ nữa”.
Niềm tin về sự thay đổi của người dân Cuba là hoàn toàn có cơ sở, khi mối quan hệ giữa hai nước thực chất đã có nhiều tiến triển ngay sau khi hai bên quyết định hướng đến việc bình thường hóa quan hệ song phương. Điều đó được thể hiện rõ nhất ở số lượng khách du lịch Mỹ đến thăm Cuba tăng mạnh trong năm nay.
Theo số liệu thống kê, trong 5 tháng qua, có gần 51.500 khách du lịch Mỹ đến thăm Cuba. Không chỉ có khách du lịch Mỹ, số lượng khách quốc tế đổ về Cuba cũng tăng 14% so với cùng kì năm ngoái. Quan hệ thương mại và tài chính Mỹ – Cuba tiếp tục trên đà cải thiện, với các ngân hàng Mỹ đầu tiên bắt đầu hoạt động hợp tác với Cuba.
Việc chuyển tiền dễ dàng giữa hai quốc gia sẽ giúp thúc đẩy thương mại và tăng lợi ích cho các công ty Mỹ mong muốn kinh doanh ở Cuba. Hàng loạt dự án giáo dục nhằm thúc đẩy giao lưu giữa học sinh, sinh viên hai nước cũng đã được kí kết.
Theo các khảo sát gần đây, những diễn biến mới đang cho thấy đây là cơ hội thực sự để hai quốc gia này thúc đẩy phát triển toàn diện khi Mỹ xóa bỏ chính sách bao vây cấm vận chống Cuba.
Nghiên cứu của công ty bảo hiểm tín dụng Solunion của Tây Ban Nha công bố cho biết, nếu xóa bỏ chính sách bao vây cấm vận chống Cuba, Mỹ là nước được hưởng lợi nhiều nhất về thương mại với giá trị xuất khẩu vào đảo quốc Caribe này có thể tăng tới 1 tỷ USD mỗi năm.
Đồng thời đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Cuba cũng sẽ tăng từ 15% – 20% trong giai đoạn 2016 – 2020 nếu lệnh cấm vận của Mỹ được xóa bỏ. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Cuba trong giai đoạn này có thể tăng từ 5% – 6% mỗi năm, cao hơn so với mức 4% hiện tại./.
Phạm Hà Tổng hợp
Theo_VOV
Nhận định về tương lai quan hệ Mỹ-Cuba
Các chuyên gia phân tích trên thế giới đã chia sẻ thẳng thắn quan điểm cũng như nhận định của họ về tương lai quan hệ Mỹ-Cuba.
Các chuyên gia phân tích trên thế giới đã chia sẻ thẳng thắn quan điểm cũng như nhận định của họ về tương lai quan hệ Mỹ-Cuba.
Ngày 20/7, đánh dấu thời khắc chính thức khôi phục quan hệ Mỹ-Cuba vốn bị cắt đứt trong hơn 50 năm qua. Đây được coi là một trong những nỗ lực trong tiến trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Hôm nay (20/7), quốc kỳ Cuba đã tung bay giữa bầu trời Thủ đô Washington. Và phải đến tháng 8/2015, Ngoại trưởng John Kerry sẽ dự lễ thượng cờ ở La Habana để chính thức tái mở cửa Đại sứ quán Mỹ tại Cuba.
"Sự thay đổi triệt để" trong quan hệ Mỹ-Cuba
Ông Wayne Smith, người từng đứng đầu "Khu vực lợi ích Mỹ" ở La Habana trong giai đoạn 1979-1982, hoan nghênh việc bình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba. "Đó là một sự thay đổi triệt để nhưng cũng rất tích cực. Mỹ đã theo đuổi một con đường hoàn toàn không hiệu quả. Thay vì cố gắng làm lành với Cuba, chúng ta đã bỏ lỡ mọi cơ hội", ông Wayne chia sẻ với đài Deutsche Welle (DW) của Đức.
Đáng ngạc nhiên là Mỹ vẫn duy trì một sự hiện diện ngoại giao tương đối lớn ở La Habana trong suốt những năm qua với 50 nhân viên Mỹ và 300 nhân viên Cuba làm việc trong "Khu vực lợi ích Mỹ" ở thủ đô Cuba. Thông tin trên được cựu cố vấn chính sách của Tổng thống Obama, ông Dan Restrepo nói với kênh truyền hình CNN trong một cuộc phỏng vấn.
Chủ tịch Cuba Raul Castro gặp gỡ Tổng thống Obama ở Panama hồi tháng 4/2015.
"Khu vực lợi ích Mỹ" ở La Habana tọa lạc trong tòa nhà trước kia từng là Đại sứ quán Mỹ. Và cho tới thời điểm này, các kế hoạch tương lai về khu vực trên đều chưa rõ bởi mọi quyết định liên quan tới nó đều phụ thuộc vào số tiền mà Quốc hội Mỹ đang nắm giữ.
Tuy nhiên, thông báo của Tổng thống Obama về việc tái khôi phục quan hệ ngoại giao với Cuba vào ngày 17/12/2014 đã vấp phải nhiều phản ứng dữ dội từ phía những người chống đối ở Mỹ.
Chuyên gia về Cuba tại Quỹ Heritage, bà Ana Quintana, chia sẻ: "Là một phần trong nỗ lực bình thường hóa quan hệ với Cuba, Tổng thống (Obama) đã phải đưa ra những nhượng bộ nguy hiểm như nới lỏng lệnh trừng phạt, vận động Quốc hội dỡ bỏ lệnh cấm vận và gạch tên Cuba trong danh sách tài trợ khủng bố".
Dân Mỹ ủng hộ nối lại quan hệ với Cuba
Tuy nhiên, chuyên gia Wayne Smith cho biết, sự thay đổi trong chính sách của chính quyền Tổng thống Obama đối với Cuba là phù hợp với tình hình chính trị hiện tại. "Quay trở lại hồi những năm 1960, Mexico là quốc gia Mỹ Latinh duy nhất duy trì quan hệ thương mại với Cuba. Tuy nhiên, cho tới năm 2014, các nước ở châu Mỹ gần như đều thiết lập quan hệ thương mại-ngoại giao với La Habana, trừ Mỹ", chuyên gia Wayne Smith thẳng thắn nói.
Sau hơn 50 năm cắt đứt quan hệ với Mỹ, cờ Cuba lần đầu tiên tung bay trên nóc tòa nhà Đại sứ quán ở Thủ đô Washington hôm 20/7.
Cũng cần lưu ý rằng, những người ủng hộ việc tái khôi phục quan hệ với Cuba của Tổng thống Obama đang chiếm số đông. Kết quả điều tra của Trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy, 63% người Mỹ ủng hộ bình thường hóa quan hệ với Cuba. Tuy nhiên, phe đối lập không dễ dàng chấp nhận điều này. Theo một số nguồn tin, các nghị sỹ Cộng hòa hiện chiếm ưu thể ở Hạ viện Mỹ từng tuyên bố sẽ tìm cách cản trở bình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba.
Nhiều khả năng vẫn duy trì lệnh cấm vận Cuba
Kết quả các cuộc thăm dò do Trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy, khoảng 60% người Mỹ ủng hộ chính phủ dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Cuba.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc dỡ bỏ lệnh cấm vận Cuba khó có thể được thực hiện vào thời điểm này. Các quan sát viên ở Washington dự đoán, Quốc hội Mỹ sẽ không mở cuộc bỏ phiếu để dỡ bỏ lệnh cấm đó bất chấp sự tác động từ phía chính quyền của Tổng thống Obama.
Eric Hershberg, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ Latinh ở Đại học Washington cho rằng, lệnh cấm vận đó ít nhất năm năm tới mới chính thức được dỡ bỏ.
Dẫu rằng vậy, theo Giáo sư Smith, cuộc sống của người dân Cuba sẽ thay đổi sau khi Đại sứ quán Mỹ tại La Habana mở cửa trở lại. Điều này sẽ mang nhiều cơ hội cho Cuba. "Tôi cho rằng, việc mở Đại sứ quán trở lại sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người dân Cuba", ông Smith nói.
Thanh Nga (theo DW)
Theo_Kiến Thức
Loạt ảnh giá trị về kênh đào Suez những năm 1860 - nay Đó là những hình ảnh về sự thay đổi diện mạo của kênh đào Suez từ khi xây dựng vào những năm 1860 cho đến nay. Ai Cập là quốc gia đầu tiên xây dựng một kênh đào nhân tạo để tăng tốc độ lưu thông đường thủy trong hoạt động giao thương. Kênh đào Suez cũng là con đường ngắn nhất nối...