Có một “vương quốc tỏi” Lý Sơn trong đất liền!
Hơn 30 năm trước, có một người dân Lý Sơn đã xuống thuyền vượt biển vào đất liền tìm đất trồng tỏi. Sau nhiều năm lang bạt khắp vùng ven biển Việt Nam, ông đã phát hiện một vùng đất “khác lạ” để khai sinh ra một “vương quốc tỏi” Lý Sơn trong đất liền!
Nhiều người đã ví von gọi ông là “vua tỏi” Lý Sơn trong đất liền, vì đã có công đưa cây tỏi Lý Sơn đến trồng ở vùng đất “độc nhất vô nhị” thuộc xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.
Ninh Phước – vùng đất “huyền thoại” cho cây tỏi Lý Sơn
Xe chúng tôi sau chặng đường dài men theo con đường mòn nép mình bên Vịnh Vân Phong thì dừng lại trước một căn nhà có rặng dừa xanh ở giữa làng, hỏi có phải nhà ông Nhân – người Lý Sơn trồng tỏi không?. Đang nói chuyện với khách trước hiên, nghe có tiếng người lạ hỏi, một người đàn ông hơi gầy, da ngăm đen, tóc hói, râu quai nón – cười nói: “Đúng rồi! Tôi Sáu Nhân đây! Tôi Nhân – người Lý Sơn vô Khánh Hòa trồng tỏi đây”. Đó là “Sáu Nhân” – tên gọi thân thương mà người dân gọi ông Võ Ái Nhân (54 tuổi), người có công đưa cây tỏi Lý Sơn đến trồng ở vùng đất Ninh Phước để cho ra đời “vương quốc tỏi” Lý Sơn ở đất liền!
Nghe hỏi về chuyện đi tìm đất mới trồng tỏi, “Sáu Nhân” kể với tôi một mạch mà quên cả ăn trưa. Vào thập niên 80, đến đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) bắt đầu thiếu đất sản xuất, mỗi khẩu chỉ được chia khoảng 200m2 đất, chỉ đủ để cất nhà và trồng rau ăn qua ngày. Nhận thấy đất đảo nhỏ bé, năm 18 tuổi chàng trai Võ Ái Nhân đã xuống thuyền vượt biển vào đất liền với ý định tìm một vùng đất mới trồng tỏi như ở Lý Sơn.
“Vua tỏi” Lý Sơn trong đất liền – Võ Ái Nhân.
Tỏi do người Lý Sơn trồng ở Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa.
Vùng đất đầu tiên mà “Sáu Nhân” dừng chân là Bình An, một xã của huyện ven biển Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Ông trồng tỏi ở đây 2 năm, từ năm 1979 đến năm 1980. Tuy nhiên, cuối cùng phải bỏ đi vì vùng này sương xuống sớm khiến tỏi không xuống củ được.
Không dừng bước, “Sáu Nhân” tiếp tục đặt chân tới Bình Hải, cũng là một xã của huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Đây là vùng đất có cát vôi như ở Lý Sơn – điều kiện tiên quyết nếu muốn trồng tỏi. Bằng sức người, “Sáu Nhân” đã tạo ra một vùng trồng tỏi rải rác nằm trên 3 thôn của xã Bình Hải và canh tác liên tục từ năm 1981 đến năm 1990. Tuy nhiên, sau ngần ấy thời gian, “Sáu Nhân” nhận ra rằng, đất Bình Hải mặc dù có cát vôi, nhưng tỷ lệ cát phèn chiếm từ 45-50% nên năng suất tỏi chỉ đạt tương đối, còn trồng hành thì thất bại.
Nhận thấy hạn chế của đất Bình Hải, “Sáu Nhân” lại tiếp tục khăn gói men theo duyên hải miền Trung để tìm đất trồng tỏi. Ông tới tận Vũng Tàu, Phan Rang, Phan Thiết ở miền Nam nhưng không có kết quả. Tiếp đó, ông lại ngược ra Bãi Dài (Cam Ranh), Sông Cầu, Vũng Rô (Phú Yên), Quy Nhơn (Bình Định)… nhưng những nơi này không có đất cát vôi phù hợp với cây tỏi.
Trời đã không phụ lòng người, trong một lần lang thang ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, “Sáu Nhân” cùng một người cháu đã vô tình phát hiện ra vùng đất cát vôi rộng bao la chạy dài theo Vịnh Vân Phong. Dù dưới chân mình là một vùng “đất vàng”, nhưng “Sáu Nhân” dường như không tin vào mắt mình và cứ ngỡ rằng đó như một giấc mơ!. “Sáu Nhân” nhớ lại, đó chính xác là vào năm 1991. Ông quyết định chọn vùng đất này để trồng giống tỏi ở Lý Sơn và khai sinh ra vựa tỏi của tỉnh Khánh Hòa thuộc xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa ngày nay.
Video đang HOT
Sau bao năm lặn lội tìm kiếm, “Sáu Nhân” chiêm nghiệm: “Đất ở Bãi Dài (Cam Ranh) thì có tới 90% đất cát phèn. Đất ở vùng Vũng Rô thì cát phèn cũng chiếm 80%. Những vùng này cũng trồng được tỏi nhưng phải đầu tư nhiều, dù vậy năng suất không đạt do độ nóng của cát cao. Như đất ở vùng Cam Ranh chỉ để trồng xoài, trồng kiệu… chứ không thể trồng tỏi được”.
“Vua tỏi” nói chuyện tỏi Lý Sơn và tỏi Khánh Hòa!
Theo chân “Sáu Nhân”, vào giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, hàng trăm người dân Lý Sơn đã ồ ạt rời đảo để mang cây tỏi vào trồng ở đất Khánh Hòa. Từ vùng đất Ninh Phước, người Lý Sơn đã len lỏi khắp các xã ven biển của tỉnh Khánh Hòa để mở rộng vùng trồng tỏi.
Nay người Lý Sơn đã trồng tỏi ở hầu hết các xã ven biển của thị xã Ninh Hòa như Ninh Phước, Ninh Vân, thậm chí Ninh Sơn, Ninh An… Nhiều người Lý Sơn cũng đã đặt chân tới Bãi Dừa, Bãi Tre, Sơn Đông, Sơn Tây… của huyện Vạn Hưng ở phía bắc tỉnh Khánh Hòa. Chưa có thống kê cụ thể, nhưng có thể nói, diện tích mà người Lý Sơn trồng tỏi ở Khánh Hòa đã lên tới hàng trăm hecta – ngang ngửa, hoặc thậm chí vượt diện tích tỏi ở đảo Lý Sơn (khoảng 290ha).
Theo “Sáu Nhân”, trước năm 1990, vùng đất Ninh Phước chủ yếu được trồng dừa và thường có gió thổi theo hướng Tây – Đông rất mạnh. Ai đến ngủ lại một đêm thì đến sáng người lấm lem cát, bụi. Tuy nhiên, kể từ sau khi trồng tỏi, không hiểu vì sao, gió thổi giảm hẳn.
Tỏi Ninh Phước lấy giống từ tỏi Lý Sơn, do chính tay người Lý Sơn trồng và được trồng trên đất cát vôi như ở đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi.
Nói về điểm tương đồng và khác biệt giữa đất trồng tỏi ở Lý Sơn và Ninh Phước, “Sáu Nhân” cho rằng về cơ bản đất đai ở 2 vùng này là đất cát vôi – phù hợp với sự phát triển của cây tỏi. Loại cát vôi này được hình thành do sự tích tụ lâu năm sau khi san hô phân hủy, rồi sóng, bão xô vào bờ. Đất đai ở 2 nơi này có một tỷ lệ lưu huỳnh nhất định, cộng với tỷ lệ vôi sẽ làm cho củ tỏi thơm, nồng, cay hơn so với tỏi được trồng ở những nơi khác.
“Sáu Nhân” cũng nói rằng, sự khác nhau giữa Lý Sơn và Ninh Phước hay một số vùng cát ven biển của thị xã Ninh Hòa chính là nguồn nước tưới, gió, bão. Ở Ninh Phước được bao bọc bởi Vịnh Vân Phong nên có khi hàng chục năm không thấy một cơn bão, trong khi ở Lý Sơn thì ngược lại. Nhiều năm qua, nguồn nước trên đảo Lý Sơn không đủ cung khiến năng suất tỏi bị đe dọa.
“Những ngày đầu tới đây chỉ dùng sức người để cải tạo đất, không có một phương tiện, máy móc nào hỗ trợ cả. Tôi phải lên núi gánh đất thịt về để lót với đất cát vôi nhằm giữ ẩm, giữ nước cho đất. Năng suất ban đầu không như bây giờ, chỉ đạt 6 đến 7 tấn/ha, nhưng bây giờ tỏi Ninh Phước đã đạt 12 đến 13 tấn/ha, cao hơn 2 đến 3 tấn so với năng suất tỏi ở Lý Sơn. So ra chất lượng tỏi ở Ninh Phước và Lý Sơn thì một chín, một mười”, – “Sáu Nhân” chốt lại.
Mặc dù được ví von là “vua tỏi”, nhưng “Sáu Nhân” chỉ có khoảng hơn 3 ha tỏi. Tuy nhiên, điều trăn trở nhất đối với ông lúc này là xây dựng một thương hiệu tỏi ở Khánh Hòa để ổn định đầu ra, đảm bảo giá cả cho người trồng tỏi ở Ninh Phước nói riêng và ở Khánh Hòa nói chung.
Box:
Bà Nguyễn Thị Dung (58 tuổi, thôn Ninh Yển, xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa), một người từ Lý Sơn vào Ninh Phước trồng tỏi, cho biết, ông “Sáu Nhân” là người dân Lý Sơn đầu tiên vào Ninh Phước trồng tỏi. Bà Dung kể, sau khi trồng tỏi thành công ở Ninh Phước, ông Nhân đã về Lý Sơn vận động bà con, họ hàng vào Khánh Hòa trồng tỏi. Gia đình bà Dung sau khi biết tin đã liên hệ với ông Nhân và vào Ninh Phước năm 1997.
Ông Phan Phùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Phước khẳng định, ông “Sáu Nhân” là người tiên phong đem tỏi Lý Sơn đến trồng ở Ninh Phước. Ông Phùng cho biết, ông Nhân là nông dân lao động, sản xuất giỏi.
Viết Hảo
Theo Dantri
Thầy hiệu trưởng hiến 3.000 m2 đất xây trường học
Trường Tiểu học An Thạnh Đông C (huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng) xuống cấp và nguyện vọng của người dân là có ngôi trường mới để học sinh có nơi học khang trang. Thầy hiệu trưởng ngôi trường này đã hiến đất để xây dựng trường, việc làm của thầy khiến nhiều người nể phục.
Ngày 4/3/2015 là một ngày thật đáng nhớ đối với người dân ở xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) nói chung, của thầy trò Trường Tiểu học An Thạnh Đông C nói riêng. Chính quyền địa phương phối hợp với ngành chức năng làm lễ khởi công xây dựng Trường Tiểu học An Thạnh Đông C ở một vị trí mới với diện tích rộng hơn trường cũ. Điều đáng nói, diện tích đất xây dựng điểm trường mới này lại do thầy Trương Văn Nhỏ là hiệu trưởng nhà trường hiến tặng.
Trò chuyện với thầy Trương Văn Nhỏ, thầy cho biết: Trường Tiểu học An Thạnh Đông C có 10 lớp với 1 điểm chính và 1 điểm lẻ. Số học sinh của trường là 169 em. Điểm chính của trường được xây dựng từ năm 1994 trên diện tích chưa đầy 800m2. Lúc đầu, trường được dựng lên bằng cây tạm bợ, sau đó được xây theo kết cấu nhà cấp 4. Đến nay các phòng học đã xuống cấp, nền đất ẩm thấp, mùa mưa luôn ngập nước, ngập bùn khiến cho việc học của học sinh bị ảnh hưởng, thậm chí có không ít học sinh phải nghỉ học.
Ngôi trường cũ đã xuống cấp gây khó khăn cho việc dạy và học của thầy trò Trường Tiểu học An Thạnh Đông C.
Trước thực trạng đó, ngành giáo dục cùng chính quyền địa phương đã có kế hoạch xây dựng mới nhưng cái khó là đất để xây trường lại không có. Xuất phát từ tình thương yêu đối với các em học sinh cũng như mong muốn được đóng góp phần nhỏ của mình vào sự nghiệp giáo dục ở địa phương, thầy Trương Văn Nhỏ bàn với vợ con thống nhất hiến 3.000 m2 đất của gia đình đang trồng mía ở ấp Tăng Long, xã An Thạnh Đông để xây dựng trường học cho các em. Nghĩa cử của gia đình thầy khiến cho nhiều người dân địa phương kính nể.
Ông Lê Văn An (một người dân ở địa phương) nói: "Đất ở địa phương tuy không có giá cao như đất ngoài trung tâm huyện hay trung tâm xã nhưng cũng không phải rẻ, không phải dễ mua bởi bà con ở đây sống chủ yếu nhờ vào đất sản xuất. Trước đây bà con trồng mía, sau này nuôi tôm nên đất cũng khó mua lắm. Theo như thời điểm hiện nay, mỗi công đất (1.000m2) phải có giá từ 80 triệu đồng. Vì thế việc thầy Nhỏ hiến đất cho trường học thật đáng trân trọng".
Sau khi thầy Trương Văn Nhỏ hiến đất xây trường, ngày 4/3 vừa qua, chính quyền địa phương đã khởi công xây dựng tại đây 4 phòng học với tổng kinh phí đầu tư 1,85 tỷ đồng, trong đó Quỹ Schmitz-Stiftung (CHLB Đức) tài trợ 850 triệu đồng, phần còn lại là vốn đối ứng của địa phương. Dự kiến sẽ xây dựng hoàn thành trước ngày 19/5/2015.
Thầy Trương Văn Nhỏ trên phần đất mà thầy hiến tặng xây trường.
Việc đầu tư xây dựng 4 phòng học của Trường Tiểu học An Thạnh Đông C là hết sức cần thiết, đáp ứng niềm mong mỏi của thầy, trò và người dân nơi đây. Sau khi ngôi trường đưa vào sử dụng sẽ dời điểm chính về đây, thầy Nhỏ yên tâm không phải lo học sinh bỏ học giữa chừng. Còn nhớ, những lần học trò bỏ học, đích thân thầy Nhỏ cùng giáo viên đi vận động mới biết nhiều gia đình nghèo khó, đi học xa quá nên phải bỏ học giữa chừng. Nhiều em phải lội bộ nhiều cây số để đến trường, vất vả nhất là mùa mưa, mùa nước nổi.
Nói về việc làm của mình, thầy Trương Văn Nhỏ cho biết: "An Thạnh Đông là xã vùng sâu, vùng xa của huyện, giao thông đi lại khó khăn, cách trở, cơ sở vật chất trường học xuống cấp, nguyện vọng của bà con cũng như của chúng tôi là có một ngôi trường mới để các em học sinh của mình có nơi học khang trang, sạch đẹp hơn. Vì vậy, tôi và gia đình đã hiến tặng địa phương quỹ đất để xây dựng trường học cho các em, trong đó có cả con tôi, yên tâm học tập".
Thầy Nhỏ còn chia sẻ thêm: "Tôi hiến 3.000m2 đất nhưng ngành và địa phương nói sẽ đầu tư xây dựng thêm các phòng học cũng như các công trình khác để đạt yêu cầu giảng dạy học tập, nếu như vậy thì gia đình tôi sẽ hiến thêm 1.000m2 nữa".
Được biết, thầy Trương Văn Nhỏ sinh năm 1971 tại xã An Thạnh Đông. Năm 1988, sau khi học xong khóa đào tạo giáo viên tiểu học, thầy trở về quê nhà công tác cho đến nay đã được 27 năm và hiện nay là Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Thạnh Đông C.
Các công nhân đang tích cực xây dựng để sớm đưa vào khánh thành trường mới.
Ông Trần Văn Giáp (nguyên Trưởng phòng GD-ĐT huyện Cù Lao Dung, hiện công tác tại Hội Khuyến học huyện) vui vẻ nói: "Những năm qua, nhiều người dân ở huyện Cù Lao Dung đã hiến đất xây trường học. Nhờ vậy, cơ sở vật chất nhà trường ngày càng khang trang hơn, đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học. Hôm nay, thầy Trương Văn Nhỏ tiếp tục thể hiện cái tâm của mình với ngành giáo dục địa phương bằng nghĩa cử hiến hàng ngàn mét vuông đất xây trường học cho các em học sinh. Hành động đó rất đáng biểu dương, rất đáng trân trọng".
Một giáo viên ở Trường Tiểu học An Thạnh Đông C cho biết thêm: "Gia đình thầy Nhỏ hiện nay có 4 người, kinh tế gia đình cũng chỉ ở mức bình thường chứ chưa phải là giàu có như một số người khác nên việc thầy hiến đất xây trường học đã khiến chúng tôi khâm phục và tự hào về người đồng nghiệp, người thủ trưởng của mình. Từ tấm gương của thầy, chúng tôi thấy mình phải cố gắng nhiều hơn để phục vụ cho sự nghiệp giáo dục ở địa phương".
Cao Xuân Lương
Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!
Theo Dantri
Dân dựng lán trại phản đối công ty muối Cho rằng công ty sản muối công nghiệp gây nhiễm mặn, ảnh hưởng đời sống nên hơn 10 ngày nay, hàng chục hộ dân của hai thôn Quán Thẻ 3 và Lạc Tiến, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) dựng lán trại ngăn chặn việc bơm nước biển vào ruộng muối. Người dân dựng lán trại để ngăn việc bơm nước biển vào đồng...