Có một người hùng đầy vết thương lòng đi chinh phục mặt trăng trong “First Man”
Đằng sau danh xưng anh hùng mà Neil Amstrong ( Ryan Gosling) được ca tụng trong “ First Man” (Bước Chân Đầu Tiên) là những ẩn ức không phải ai cũng có thể hiểu được.
Khoảnh khắc Neil Amstrong đặt chân lên mặt trăng, cả thế giới vỡ òa và trao tặng cho anh danh xưng anh hùng. Nhưng trong First Man (Bước Chân Đầu Tiên), điều gây ấn tượng nhất không phải là dấu giày đầu tiên Neil (Ryan Gosling) để lại trên bề mặt lồi lõm của chị Hằng, mà là giọt nước mắt của anh khi bản thân đối diện với vũ trụ mênh mông hoang hoải. Giây phút đó, hai chữ “anh hùng” bỗng chốc trở nên vô nghĩa trước những ẩn ức mà anh phải chịu đựng khi mang trên mình trọng trách chinh phục mặt trăng.
Trailer “First Man”
Để trở thành anh hùng, bạn phải đánh đổi. Với Neil, đó là chấp nhận sống chung với nỗi sợ, nỗi cô đơn, phải học cách chôn chặt nỗi đau và mặc cảm xuống đáy tâm hồn. Nhưng anh hùng rốt cuộc cũng chỉ là một phận người nhỏ bé đa sầu. Những ẩn ức đó vẫn tấy lên, vẫn ám ảnh anh cho đến tận phút giây rời khỏi con tàu Apollo, từ mặt trăng trở về với mặt đất. First Man không tô hồng hình tượng người anh hùng. Thay vào đó, bộ phim đi sâu vào những góc khuất đằng sau vinh quang mà Neil Amstrong nhận được.
Giây phút đặt chân lên mặt trăng cũng là lúc Neil buộc phải một mình đối diện với nỗi cô đơn và vết thương lòng vẫn ám ảnh anh bấy lâu.
Người cha bình thường với đầy vết thương lòng
Trước khi trở thành anh hùng, Neil Amstrong là một người cha bình thường với đầy vết thương lòng. Là một phi hành gia, anh dành cả tuổi trẻ của mình trên những con tàu sắt chinh phục vũ trụ bao la rộng lớn. Không có gì đáng chê trách về những gì anh đã làm với tư cách là một phi hành gia. Thế nhưng, khi quay trở về với gia đình – cái vũ trụ nhỏ bé nhưng quan trọng nhất trong cuộc đời con người, anh lại thất bại với tư cách là một người cha.
Khi trở về nhà, anh hùng vẫn chỉ là một người cha bình thường với nỗi đau mất con.
Anh có thể cứu cả con tàu khỏi những tai nạn thảm khốc nhưng lại chẳng thể cứu sống con gái mình khỏi tay tử thần. Cái tên Karen (tên con gái Neil) là điều cấm kị trong lòng anh, là hiện thân cho nỗi bất lực và mặc cảm của một người đàn ông, một người cha. Cái chết của Karen là nỗi đau thầm kín vẫn ngấm ngầm ám ảnh Neil trong những chuyến bay, khiến lòng anh chẳng thể nào yên để phụng sự cho sự nghiệp khoa học vũ trụ vĩ đại của nước Mĩ.
Đằng sau vẻ mặt lạnh lùng này là nỗi đau đớn dằn vặt vì không cứu nổi con gái mình khỏi bạo bệnh.
Anh hùng với nỗi cô đơn không ai thấu hiểu
Có lẽ, không có phi hành gia nào bị ám ảnh sâu sắc bởi vũ trụ và mặt trăng như Neil. Bắt đầu từ khoảnh khắc đầu tiên nhìn ngắm trái đất từ con tàu lơ lửng giữa thiên hà bao la, Neil đã hiểu, anh sẽ không bao giờ thoát khỏi khao khát muốn chinh phục vũ trụ vẫn cháy âm ỉ trong lòng mình bấy lâu. Nhưng trong bối cảnh loạn lạc của nước Mĩ những năm 1960, khao khát ấy của Neil là một thứ gì đó lạc loài, không hợp thời, không phải thứ mà đa số người dân Mĩ cần.
Neil Amstrong có niềm đam mê cháy bỏng với vũ trụ và mặt trăng.
Tại thời điểm đó, đế quốc Mĩ đang điên cuồng chạy đua vũ trang với Liên Xô và chìm đắm trong những cuộc chiến tranh xâm lược trên toàn cầu. Người dân Mĩ đang khốn khổ vì tiền thuế và cuộc sống mưu sinh bế tắc đến bần cùng. Điều họ nghĩ đến chỉ là làm sao đủ cơm ăn áo mặc, làm sao thoát khỏi sức ép của chiến tranh, làm sao để tiền của họ không bị “nướng” vào những mục đích vô nghĩa. Khoa học vũ trụ ư? Thứ viển vông đó có thể thay họ giải quyết chi phí sinh hoạt hàng tháng hay không? Câu trả lời là không. Khoa học vũ trụ là thứ đốt của họ không biết bao nhiêu tiền của, đẩy họ vào kiếp sống lay lắt, khổ đau.
Neil cô đơn bởi khao khát chinh phục vũ trụ của anh là một thứ gì đó lạc loài.
Từ đó, khao khát đẹp đẽ của Neil biến anh trở nên cô đơn và lạc lõng với thế giới đầy rẫy những bất công ngoài kia. Những phi hành gia khác đến với dự án Germini hay Apollo vì danh vọng. Còn Neil, anh đến vì nỗi ám ảnh với vũ trụ và mặt trăng. Không ai hiểu được nỗi ám ảnh đó, chỉ mình Neil gặm nhấm nó với nỗi cô đơn.
Anh hùng với nỗi sợ thường trực
Anh hùng cũng chỉ là con người, không phải thần thánh. Đã là con người thì hẳn phải biết sợ. Nỗi sợ lớn nhất đời người là sợ chết. Chết là mất tất, là xa người thân, là hết cơ hội cống hiến và hiện thực hóa những khát khao vẫn còn dở dang. Sợ chết không có gì là đớn hèn. Đớn hèn là khi người ta để nỗi sợ đó cản bước mình thực hiện mơ ước và sống cho đáng sống.
Neil Amstrong biết sợ. Nỗi sợ vẫn thường trực trong anh. Nỗi sợ đó càng trở nên sâu sắc khi anh chứng kiến từng người bạn của mình, những phi hành gia tận tụy lần lượt ra đi vì những tai nạn kinh hoàng.
Khi cánh cửa con tàu đóng lại cũng là lúc một nỗi sợ vô hình choán lấy tâm trí Neil.
Neil sợ hãi đến mức vào giây phút cuối cùng trước khi lên đường chính thức phóng Apollo, anh trốn tránh không dám nói lời tạm biệt, không dám hứa chắc sẽ quay về với vợ con. Anh sợ lời tạm biệt sẽ thành vĩnh biệt, sợ lời hứa sẽ hóa hư không, sợ chúng sẽ là nỗi đau kéo dài dai dẳng trong phần đời còn lại của gia đình anh.
Mọi lời nói dường như trở nên bế tắc trong giây phút Neil phải tạm biệt gia đình để lên đường chinh phục mặt trăng.
Neil cố gắng hết mình để vượt qua những lần thử nghiệm tàu bay chinh phục vũ trụ đầy rẫy những hiểm nguy. Anh phải in dấu chân mình lên mặt trăng để sự hy sinh của những người đi trước không trở nên vô giá trị. Anh biết sợ để tìm mọi cách giữ lại mạng sống và quay trở về trái đất vì ở đó còn gia đình đợi anh.
Gia đình là sức mạnh tinh thần giúp Neil vượt qua nỗi sợ hãi đang gặm nhấm tâm hồn.
Phải ngồi trong chiếc Apollo phóng vun vút qua tầng mây với âm thanh cót két như chực chờ rụng ra của ốc vít, tiếng động cơ ầm ầm rung lắc, chúng ta mới hiểu hết nỗi sợ mà Neil phải chịu đựng khi lên đường chinh phục mặt trăng. Trong không gian kín mít, bức bối của tên lửa, Neil không hề biết số phận mình rồi sẽ ra sao, nhiệm vụ của mình có thành công hay không.
Trong con tàu đang điên cuồng rung lắc này, cái chết luôn rình rập các phi hành gia.
Anh chỉ biết chắc một điều, cái chết vẫn đang rình rập anh cùng đồng đội. Anh chỉ biết rằng, trước mắt chỉ có hai kết quả, hoặc là thành công, hoặc là tử thần đón đợi. Và nếu anh chết đi, cả thế giới sẽ chửi rủa anh là kẻ thất bại, kẻ phá hoại. Chỉ có gia đình mới là người mãi mãi chịu tổn thương vì mất đi một thành viên. Đó là điều anh sợ hãi, cũng là thứ mà những người hùng thực sự phải đánh đổi để đem lại phút giây huy hoàng của lịch sử.
Sau tất cả, Neil Amstrong – người hùng không hoàn hảo cũng đã đem lại một khởi đầu hoàn mỹ cho lịch sử chinh phục vũ trụ. Chính những vết thương lòng, nỗi đau, nỗi cô đơn và nỗi sợ đó mới biến anh trở thành một người hùng gần gũi với chúng ta, những con người bình thường đôi khi cũng phải chịu đựng những tổn thương tinh thần giống như vậy.
First Man (Bước Chân Đầu Tiên) dự kiến khởi chiếu từ ngày 19/10/2018 tại các rạp trên toàn quốc.
Theo Trí thức trẻ
Phim mới của đạo diễn La La Land được kỳ vọng đoạt Oscar
Đạo diễn trẻ nhất trong lịch sử đạt giải Oscar đang được lòng cả giới chuyên môn lẫn khán giả.
Bước Chân Đầu Tiên (Tựa gốc: First Man) - bộ phim tiếp theo của đạo diễn Damien Chazelle đang là tác phẩm được đánh giá cao trên đường tiến tới Oscar.
Bộ phim khai thác những góc khuất sau hành trình vinh quang của Neil Armstrong
Không chỉ tái hiện lại hành trình đầy vinh quang của Neil Armstrong, phim còn xây dựng một tuyến truyện độc đáo khi tập trung vào những góc khuất riêng tư nhất trong cuộc sống và suy nghĩ của người đàn ông đầu tiên trong lịch sử loài người đặt chân lên Mặt Trăng. Và không chỉ dừng lại ở đó, 3 điều đặc biệt dưới đây chính là những nhân tố khiến cho Bước Chân Đầu Tiên được kỳ vọng sẽ làm nên chuyện tại lễ trao giải Oscar năm 2019.
Trailer phim Bước Chân Đầu Tiên
Câu chuyện vĩ đại về sự hy sinh cá nhân và nỗi giằng xé nội tâm đằng sau bước tiến huy hoàng của nhân loại
Nếu trong quá khứ, những tác phẩm lấy đề tài về nhà phi hành gia đại tài Neil Armstrong đều vận dụng chung một mô típ kể chuyện: hành trình thần kì của một vĩ nhân mở ra một tương lai mới cho cả nhân loại, thì dưới góc nhìn của vị đạo diễn trẻ nhất trong lịch sử đạt giải Oscar, hành trình đó lại hoàn toàn khác biệt.
Hành trình của Armstrong được khắc họa một cách khác biệt
Việc tái hiện lại chuyến du hành khám phá vũ trụ vĩ đại không phải là tất cả, mà trên hết là câu chuyện từ điểm nhìn của Neil Armstrong, những xúc cảm và lắng lo của phi hành gia này trước ngày tàu con thoi Apollo 11 chính thức khai hỏa.
Không phải là phim duy nhất lấy đề tài du hành Mặt Trăng, nhưng Bước Chân Đầu Tiên là tác phẩm độc tôn khai thác điểm nhìn cá nhân của phi hành gia đại tài Neil Armstrong.
Người xem đánh giá cao sự khắc họa chân thực và sâu sắc cả những hy sinh thầm lặng và cái giá quá đắt mà những nhà phi hành gia, những người làm khoa học thuần túy phải đánh đổi khi họ tình nguyện tham gia vào một nhiệm vụ sinh tử đầy vinh quang chỉ với một mong muốn duy nhất: kiến tạo nên thành tựu đỉnh cao nhất trong lịch sử phát triển của khoa học vũ trụ.
Sự góp mặt của dàn diễn viên tài năng bậc nhất
Ryan Gosling và Claire Foy kết hợp ăn ý trong vai đôi vợ chồng quyền lực và được yêu mến nhất lịch sử nhân loại
Một trong những yếu tố quan trọng khiến Bước Chân Đầu Tiên nhận được những lời tán dương không ngớt từ các nhà phê bình chính là bởi màn trình diễn xuất sắc của một dàn diễn viên tài sắc thế hệ mới. Trong đó phải nhắc đến nam tài tử Ryan Gosling trong vai phi hành gia đại tài Neil Armstrong, nữ minh tinh Claire Foy trong vai người vợ can trường Janet Armstrong cùng với những diễn viên khác như Jason Clarke, Kyle Chandler, Corey Stroll... với vai trò đồng nghiệp của Armstrong trong dự án Gemini.
Dù đã rất thân thiết với nhau, đặc biệt là kể từ sau dự án giành được 6 giải Oscar La La Land, đôi bạn đạo diễn Damien Chazelle và diễn viên Ryan Gosling vẫn bỏ nhiều thời gian cũng như công sức để bàn bạc và đóng góp nhiều ý tưởng quý báu cho sự hoàn thiện của Bước Chân Đầu Tiên.
Những phi hành gia còn lại trong dự án Gemini và là đồng nghiệp của Neil Armstrong cũng là những nhân vật vô cùng quan trọng trong tuyến nội dung phim.
Để tuyển chọn những diễn viên phù hợp thủ vai các phi hành gia, nhóm làm phim đã tập trung tìm kiếm những nam diễn viên mạnh mẽ mà ở họ toát ra nét tương đồng với nhân vật mà mình đảm nhận.
Với tuyến nhân vật nhóm nhà du hành trong dự án Gemini, ekip đã phải lựa chọn rất kĩ lưỡng và cẩn thận trong tạo hình của từng phi hành gia.
Thiết kế phục trang phi hành gia được đầu tư cầu kỳ và tỉ mỉ
Cũng giống như mọi bộ phim khác lấy đề tài vũ trụ, tổ thiết kế phục trang đã phải bỏ ra rất nhiều công sức để phục dựng những bộ đồ phi hành gia ở mức độ chính xác nhất có thể.
May mắn thay, nhờ những dữ liệu mà NASA đã cung cấp, Mary Zophres cùng với nhóm của mình đã biết được kiểu trang phục chuẩn của các phi hành gia đã mặc ở thời điểm đó là như thế nào.
Phải mất rất nhiều thời gian và công sức để tổ thiết kế trang phục của Bước Chân Đầu Tiên có thể phục dựng thật chính xác bộ trang phục của các nhà du hành vũ trụ
Trang phục của các diễn viên khác tuy đơn giản, không cầu kì nhưng lại vô cùng tinh tế và hoài cổ đúng phong cách của thập niên 60.
Theo danviet.vn
3 điều khiến "First Man" là ứng cử viên sáng giá cho tượng vàng Oscar lần thứ 91 Từ cốt truyện, diễn xuất cho tới thiết kế phục trang xuất sắc, "First Man" (Bước Chân Đầu Tiên) là một trong những ứng cử viên hàng đầu cho giải Oscar sắp tới. First Man (Bước Chân Đầu Tiên) - bộ phim tiếp theo của đạo diễn trẻ nhất trong lịch sử đạt giải Oscar Damien Chazelle đang là tác phẩm rất được...