Có một Đà Nẵng khác…
Lâu nay, nhắc đến du lịch Đà Nẵng thường nghĩ ngay đó là thành phố biển với các bãi tắm đẹp; những cây cầu độc đáo, Bà Na Hills, Ngũ Hành Sơn, bán đảo Sơn Trà … Đà Nẵng còn nhiều thứ hơn như vậy.
Những ngày ngắn ngủi ở Hòa Vang, tôi giật mình với bao điều kỳ thú. Hòa Vang là huyện miền núi, một trong tám đơn vị hành chính thuộc thành phố Đà Nẵng nhưng diện tích chiếm 72% (708 km2, gần bằng Singapore), dân số gần 6%. Tương truyền, vùng đất này từ thủa hoang sơ đã nổi tiếng khắp vùng về sự hòa hiếu.
Hòa Vang, vùng đất Hòa hiếu Vang danh với 11 xã đều hòa thuận và hiếu thảo. Rộng nhất là xã Hòa Bắc (vùng hòa hiếu phía Bắc), chiếm 1/3 diện tích của huyện nhưng dân số chỉ 4.000 người.
Một đoạn nhánh Nam, sông Cu Đê.
Là huyện miền núi, khí hậu bán sơn địa, góp mặt với du lịch Đà Nẵng bằng Bà Nà Hills đẳng cấp (có Cầu vàng nổi tiếng, với Núi Chúa, Thác Mơ… đều ở xã Hòa Ninh). Hòa Vang còn có khu trò chơi cảm giác mạnh đẳng cấp ở Hòa Phú như trượt thác tự nhiên, dài 3 km, duy nhất hiện nay ở Việt Nam. Hòa Phú còn có jipline trên ngọn cây. Trượt nước (slidding water), cho cá bú bình ngộ nghĩnh.
Hòa Khương có khu tắm ngâm suối khoáng và bùn nóng ở Hòa Khương với nhiều dịch vụ chất lượng. Hòa Phong có vùng rau an toàn cung cấp cho thành phố. Các hồ Hòa Trung, Suối Nghệ…đề có thể làm du lịch. Nối Khu Bảo tồn Thiên nhiên Bà Nà – Núi Chúa với Vườn Quốc gia Bạch Mã (Thừa Thiên – Huế) là những đỉnh cao như Hòng Chan (1528m), Khé Khato (1038m), Mang (1712m), Khé Xương (1178m), đều ở xã Hoà Bắc.
Bãi Bọt ở Hòa Bắc.
Hòa Vang còn chập chùng rừng nguyên sinh với hệ thống suối, khe cùng nhiều ghềnh, thác và hồ nhỏ. Đây là vùng dược liệu tự nhiên phong phú và các sản vật khác như mật ong, nấm, cá suối… Các ngành nghề thủ công chưa bị xóa sổ.
Hòa Vang là huyện hiếm hoi mà người dân có thể săn bắt cá bằng các phương pháp thủ công ở các khe, hồ. Hai con sông chính của Đà Nẵng, cũng là của Hòa Vang gồm sông Hàn và sông Cu Đê. Người Cơ Tu là dân tộc thiểu số đông nhất ở Hòa Vang, sau cộng đồng người Việt.
Tôi đã đến 3 cùng với người Cơ Tu chân chất, tốt bụng ở hai thôn Giàn Bí và Tà Lang xã Hòa Bắc. Cả hai thôn đều có thế “Tiền sơn, hậu thủy” với “tứ linh” độc lạ. “Tiền sơn” là núi K’Tran có “hữu Long, tả Lân. “Hậu thủy” là sông Cu Đê bình lặng như “Qui”, nép mình bên “Phụng” là núi Vọng (dội lại). Khá khen cho ai đã giúp bà con Cơ Tu chọn thế đất quá độc đáo để an cư. Trước chỉ có thôn Giàn Bí. Thôn Tà Lang cách xa gần 7 km, bên kia đèo Mũi Trâu. Năm 1991, sau trận dịch sốt rét kinh hoàng, có lẽ do thế đất chấn động, thôn Tà Lang dời về hiện nay.
Thác và hồ nhỏ ở Khe Đương.
Video đang HOT
Do thời cuộc phải dịch chuyển, nhiều nét văn hóa người Cơ Tu bị mai một. Từ nhà ở, trang phục và ngôn ngữ. Nhà Gươl của thôn được phục dựng. Trang phục truyền thống ngày càng hiếm hoi. Nhiều người cũng đổi họ thay tên theo kiểu người Việt. Alang (nam) và Bhờ (nữ) là hai dòng họ phổ biến của người Cơ Tu. Tôi gọi Anh Đinh Văn Như, trưởng thôn Tà Lang Alăng Như là vậy. Phong tục đẽo tượng nhà mồ (còn gọi là tượng người nhà) cũng không còn.
Hòa Vang không có biển nhưng vẫn quyết chí làm du lịch. Anh Đỗ Thanh Tân, Trường phòng Văn hóa Thông tin huyện tâm sự “Lào cũng đâu có biển nhưng họ làm du lịch rất hiệu quả. Dân số Lào hơn 7 triệu người; năm 2018 đón 4,2 triệu khách nước ngoài. Việt Nam hơn 96 triệu; chỉ đón 15,5 triệu khách quốc tế”. Lãnh đạo Hòa Vang muốn biến vùng đất Hòa hiếu Vang danh thành trọng điểm du lịch, sánh vai với du lịch biển Đà Nẵng mà khâu đột phá thành công là Bà Nà Hills đẳng cấp quốc tế.
Súng bắn cá, kinh lặn của người Cơ Tu và chiến lợi phẩm.
Bước tiếp theo là phát triểu du lịch cộng đồng. Tận mắt thấy người Thái, H’ Mong ở Tây Bắc làm du lịch cộng đồng hiệu quả; Alang Như, trưởng thôn Tà Lang hiểu rằng đó là con đường “độc đạo” giúp người Cơ Tu thoát nghèo.
Được các chuyên gia thực tiễn tư vấn, xã và huyện động viên, hỗ trợ; Như liều mạng vay 500 triệu làm du lịch. Lâu nay, cả thôn chưa ai dám vay tới 50 triệu. Có người nói “ông Như điên, bị ma nhập”. Như cười bảo “Tui bị ma du lịch nhập. Chưa làm gì mà khách du lịch đã lai rai về Hòa Bắc. Nếu có chỗ ngủ tươm tất, chẳng sợ ế”.
Như hiểu, không thể kêu gọi bảo tồn văn hóa chung chung. Cách tốt nhất là làm du lịch cộng đồng đúng chuẩn. Trải nghiệm ba cùng với người Cơ Tu phải cách tân và sáng tạo theo thực tế. Từ việc ngủ, ăn và sinh hoạt. Du lịch phát triển đúng hướng, các làng nghề sẽ hồi sinh. Trang phục Cơ Tu lại khoe sắc trên người nhân viên phục vụ, lễ tân, hướng dẫn viên và văn nghệ. Các món ngon và phong tục truyền thống có cơ hội phổ biến với du khách.
Zipline ngược qua các ngọn cây ở Hòa Phú.
Sông Cu Đê là báu vật của Hòa Vang. Dài 38 km, dòng sông xanh tĩnh lặng, nước trong và mát lạnh, nhẩn nha liếm vào đôi bờ, chảy mà như không, tựa sơn nữ hồn nhiên hớp hồn lữ khách. Có thể chèo thuyền hoặc kết bè, xuôi nhánh Bắc; qua các địa danh hồ Giếng, Lỗ cối Thượng, Lỗ cối Hạ, thác Xếp, thác Rễ, Nà Mùn, Khe Giao, Trạng Trao, Trang Trợt, Bãi Hai, Vườn Mít, Côn Đờ Bay… Những tên gọi hoang dã và đầy hấp lực.
ALăng Vũ, hướng dẫn viên Cơ Tu, 29 tuổi, thuộc Hòa Bắc như lòng bàn tay; dẫn tôi trekking ngược Khe Đương, phụ lưu của sông Cu Đê. Khe Đương là suối nhỏ, hiền và mát rượi như da con gái núi dậy thì, nghịch ngợm rẽ lối giữa rừng, ngoằn nghèo, bò từ trên đồi xuống. Sợ lữ khách mệt, bỏ cuộc chơi, suối luôn thay đổi cảnh quan ven bờ với những thác và hồ be bé, mỗi nơi một vẻ. Hồ đủ sâu để ngụp lặn. Thác đủ mạnh để massage cả đêm lẫn ngày miễn phí.
Cho cá bú bình ở Hòa Phú.
Tôi đã xuống tắm bãi Bọt, trên nhánh Nam sông Cu Đê. Bãi tắm đẹp, nước trong mát đến bất ngờ. Bên cạnh là cầu Sập rêu phong cổ kính. Xa hơn là đèo Mũi Trâu. Đèo dài chừng 3 km, hiểm trở, quanh co, cảnh trí như mơ. Tương lai sẽ là cung đường trekking lý tưởng.
Từ đỉnh đèo, dùng ống dòm, có thể thấy rõ Bạch Mã và núi Chúa (Bà Nà). Hòa Bắc còn mấy hộ gia đình dệt thổ cẩm và đan gùi. Gùi Cơ Tu làm bằng mây, sợi nhã và tinh tế, dáng thanh và bền, tay nghề giỏi cũng cả tuần mới xong một chiếc.
Homestay Alang Như cách điệu nhà Cơ Tu nhưng nệm dày 2 tấc khai trương đầu tháng 10/2019. Chỗ ngủ có màn che, đèn đọc sách, ổ cắm riêng. Nhà vệ sinh thoáng sạch. Không thích tắm trong nhà thì ra sông vẫy vùng. Homestay nhìn ra bờ sông Cu Đê và núi Vọng, phía trước là núi K’Tran. Ban công rộng nên có thể nằm ngoài hiên ngủ với trăng sao và ngợp hương trời đất.
Ngâm, tắm bùn và suối khoáng nóng đẳng cấp ở Hòa Khương.
Du lịch cộng đồng Hòa Vang là du lịch trách nhiệm và bền vững; trải nghiệm, về với thiên nhiên và bản sắc văn hóa bản địa, góp phần xây dựng nông thôn mới. Du khách có thể tự kết bè, chèo thuyền xuôi dòng Cu Đê, tắm Vũng Bọt. Ngược Khe Đương hấp dẫn với những thác hồ “nhỏ mà có võ”.
Thích trekking thì vượt đèo Mũi Trâu hoặc xuyên rừng đến Bạch Mã hay Bà Nà. Cùng người Cơ Tu lên rừng hái dược liệu, thu hoạch chè dây tự nhiên, lấy mật ong, hái nấm, hái rau; học cách làm bánh sừng trâu và các món ngon Cơ Tu… Muốn tự đan gùi thì phải học cả tuần.
Đi bắn cá bằng súng tự chế ở Khe Mun và các khe, hồ Hòa Vang là sản phẩm độc của Đà Nẵng. Thay vì phóng lao thì bắn, chính xác hơn. Đạn là cây sắt chừng 0,3 phân, dài khoảng 20 cm, đầu có ngạnh; được đẩy bởi lò xo ép theo nguyên tắc bắn cung. Khách đi rừng, chỉ cần mang muối và gia vị. Với khẩu súng và biết lặn là có ngay bữa trưa đủ chất với kính thưa các loại cá nướng.
Theo theleader.vn
Han Sara cũng đã "đếm cừu" rồi, chỉ còn đợi bạn nữa thôi!
Nếu lỡ mê mẩn những thước phim xinh đẹp trong MV "Đếm cừu" của Han Sara mà không có cơ hội đến Jeju thì bạn cũng đừng vội buồn, bởi ở Việt Nam cũng có những thảo nguyên xanh đang chờ bạn đến nằm mơ cùng cỏ cây.
Phóng con xe trên cung đường uốn lượn ven biển DT702 (từ Phan Rang - Tháp Chàm đến Cam Ranh), một bên là biển xanh cát trắng, một bên bạt ngàn màu xanh núi rừng, nghe tiếng gọi rì rào của biển trời...
Sẽ không khó để bạn tìm thấy hình ảnh của những đàn cừu đáng yêu dọc cung đường được dân yêu du lịch ưu ái đặt tên "cung đường ven biển đẹp nhất Việt Nam".
Cuối cung đường ven biển, thôn Bình Tiên - ranh giới của hai tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hòa - là thế giới của những thảo nguyên mênh mông. Trong một chiều lộng gió, đàn cừu nhởn nhơ gặm cỏ sẽ khiến bạn hoàn toàn đắm chìm trong những thước phim về một cuộc sống yên lành giữa thảo nguyên.
Cung đường DT702 vẽ một vòng cung ôm lấy Vườn quốc gia Núi Chúa, nơi vịnh biển cùng rừng thẳm hội tụ.
Tại Công viên đá thuộc Vườn Quốc gia Núi Chúa, nơi mệnh danh là "rừng khô Phan Rang", ngày ngày đàn cừu lang thang trên sườn núi khô hanh, chào đón bạn đến với bức tranh thiên nhiên hùng vĩ của hàng ngàn tảng đá xếp chồng lên nhau, thách thức thời gian, thách thức gió cát.
Từ thành phố Phan Rang - Tháp Chàm hướng đến Cam Ranh, mỗi cây số trôi qua là những đổi thay của cảnh quang xung quanh, này là hang Rái kỳ ảo, kia là vịnh Vĩnh Hy thơ mộng và hàng loạt bãi biển hoang sơ nối tiếp nhau lấy đi của bạn hàng giờ đồng hồ để dừng lại chụp ảnh và tận hưởng cảnh đẹp của vùng đất Ninh Thuận.
Con đường quanh co, uốn lượn qua bao nhiêu là bãi biển hoang vắng tuyệt đẹp như những nàng tiên ngủ quên, để mặc thuyền bè nhấp nhô trên tấm thảm xanh màu nước biển.
Vẻ đẹp mà không chiếc điện thoại hay máy ảnh nào có thể chụp lại một cách trọn vẹn, để khi ghé thăm rồi, ai ai cũng phải nhớ nhung chút nắng gió, chút hương rừng - biển mặn của vùng đất thiếu mưa thừa nắng này.
Nguyễn Trang
Theo nld.com.vn
Khám phá du lịch suối Lồ ô - Đỉnh đá đỏ - Hang rái Nếu như trước đây du khách biết đến Ninh Thuận bởi các địa danh như: bãi biển Ninh Chữ, đồi cát Nam Cương, làng gốm Bầu Trúc, quần thể tháp Chăm...thì bây giờ hành trình đến với Ninh Thuận sẽ thêm phần phong phú, hấp dẫn hơn, vì nay VQG Núi Chúa đã được đông đảo du khách trong và ngoài nước biết...