Có một “Đà Lạt” thu nhỏ ở Côn Sơn (Hải Dương)
Trong quần thể di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn-Kiếp Bạc (tỉnh Hải Dương), núi Ngũ Nhạc là một địa danh đầy sức hấp dẫn.
Không chỉ có cảnh quan đẹp, Ngũ Nhạc còn mang trong mình một “tiểu vùng khí hậu” mát mẻ, trong lành khiến nhiều người thích thú.
Núi Ngũ Nhạc nằm về phía bên trái chùa Côn Sơn
Mát mẻ, trong lành
Những ngày toàn Bắc Bộ nắng nóng, đặt chân lên Ngũ Nhạc, du khách sẽ dần cảm nhận rõ sự thay đổi của thời tiết. Càng lên cao, nhiệt độ càng thay đổi rõ rệt, sự mệt mỏi dường như tan biến. Đây là lý do mà ông Nguyễn Hùng Cường ở phường Lê Lợi (Chí Linh) thường ghé qua Ngũ Nhạc. “Hôm nay tôi đi một mình, những ngày khác thường cùng hội đạp xe đi bộ lên đây nghỉ chân tránh nóng. Có hôm tôi chở theo cả cháu đi cùng, vừa là để cháu hiểu thêm về Côn Sơn, về núi Ngũ Nhạc, vừa là để cháu làm quen với thiên nhiên. Không phải đi đâu xa, ngay Chí Linh cũng có điểm giống như Đà Lạt”, ông Cường vui vẻ cho biết.
Cùng với Kỳ Lân, núi Ngũ Nhạc, thuộc xã Lê Lợi (Chí Linh) là mạch núi linh thiêng ở phía bắc, góp phần tạo nên danh thắng Côn Sơn. Hai mạch núi này được bắt nguồn từ dãy Huyền Đinh, Yên Tử đột khởi mà thành. Giữa 2 mạch núi Côn Sơn và Ngũ Nhạc là Thanh Hư Động. Vì vậy mà người xưa ca ngợi: Chí Linh vi chi huyện, thực dĩ Côn Sơn chân linh/ Côn Sơn vi tối linh, chân ỷ Ngũ Nhạc kỳ tú (nghĩa là: đất Chí Linh được gọi là linh bởi do Côn Sơn linh thiêng/Côn Sơn linh thiêng là do núi Ngũ Nhạc rất đẹp).
Theo Ban Quản lý di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc, núi Ngũ Nhạc có 5 đỉnh, xoải dài từ bắc xuống nam với chiều dài hơn 4 km, ngọn cao nhất 238 m, nằm về phía đông bắc của Côn Sơn. Trên các đỉnh núi này người xưa cho xây 5 miếu thờ thần ngũ phương nên gọi là “Ngũ Nhạc linh từ”.
Núi Ngũ Nhạc bắt nguồn từ dãy Yên Tử thuộc cánh cung Đông Triều, có kết cấu sỏi cát, độ ẩm cao nên thực vật ở đây phát triển mạnh, nhiều loài cây sinh sống như thông, trúc, me rừng, chuối rừng, sim, mua và cây dược liệu. Rừng cây rậm rạp xanh tốt quanh năm bao trùm lên toàn bộ các ngọn núi, nên lúc nào Ngũ Nhạc cũng mang trong mình một sức sống, một màu xanh kỳ diệu. Đến đây không chỉ có âm thanh của thông reo, của lá cây xào xạc mà còn có tiếng róc rách của suối, tiếng líu lo của chim… tạo nên bản giao hưởng của núi rừng Côn Sơn hùng vĩ.
Nhiều người nhận xét thiên nhiên, khí hậu trên núi Ngũ Nhạc có nhiều nét tương đồng với Đà Lạt
Không chỉ mang lại cảnh quan đẹp đẽ, cây xanh còn mang đến cho Ngũ Nhạc một “tiểu vùng khí hậu” độc đáo và mát mẻ. Những người leo núi sớm thường bắt gặp cảnh sương mờ phủ khắp lối đi. Khi nắng lên, màn sương tan dần, để lộ ra cảnh quan núi rừng đẹp đẽ. Nhiều người đã thốt lên, Ngũ Nhạc linh từ hệt như một “Đà Lạt” thu nhỏ.
Ngọn núi linh thiêng
Trước khi được tôn tạo, muốn lên núi Ngũ Nhạc phải luồn rừng, luồn suối. Đến năm 2004, miếu Ngũ Nhạc và đường bộ hành dài 1,8 km bằng đá xanh đã được tôn tạo. Ngày nay, để lên Ngũ Nhạc, người dân chỉ cần dừng ở bãi xe phía ngoài trước khi đến chùa Côn Sơn là đã có thể bắt đầu một cuộc hành trình.
Người xưa coi Ngũ Nhạc là ngọn núi thiêng, khí thiêng của núi từ các phương hội tụ. Núi Ngũ Nhạc nằm ở giữa. Phía tây nam là núi Côn Sơn, chân núi có chùa Côn Sơn Thiên Tư Phúc-một trong những chốn tổ của thiền phái Phật giáo Trúc Lâm. Phía bắc là dãy núi Rồng-có nhiều ngọn nằm ôm ấp quần thể di tích lịch sử Kiếp Bạc, đây là nơi có núi sông hùng vĩ tạo nên địa thế hiểm yếu về mặt quân sự, là đại bản doanh và thái ấp của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông thế kỷ XIII. Phía nam là dãy núi Phượng Hoàng, thế núi quần sơn củng lập, 2 cạnh xòe ra như loan liệng, phượng múa, trên núi có đền thờ Vạn thế sư biểu Chu Văn An. Ở sườn phía đông bắc Ngũ Nhạc có đền Sinh thờ Mẫu và đền Hóa thờ tướng quân Phi Bồng-người có công giúp Trần Hưng Đạo đánh giặc. Chân núi phía nam là đền thờ Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Nếu như núi Côn Sơn gắn với chùa Côn Sơn và Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm Đại Việt thì núi Ngũ Nhạc là nơi thờ trời đất, ngũ phương theo tư tưởng Đạo giáo. Bởi vậy, Ngũ Nhạc được linh khí tứ phương hội tụ, là nơi tối linh của xứ Đông và đất nước.
Video đang HOT
Lễ tế trời đất trên núi Ngũ Nhạc đã trở thành một nghi lễ không thể thiếu trong chương trình lễ hội truyền thống Côn Sơn – Kiếp Bạc mùa xuân hằng năm
Núi Ngũ Nhạc không chỉ có thiên nhiên xanh mát mà còn có những giá trị tâm linh sâu sắc. Trải qua bao mưa nắng, những miếu thờ trên Ngũ Nhạc chỉ còn là những ban thờ lộ thiên, kiến trúc đơn sơ. Ngày 8.8.2004, đồng chí Trương Mỹ Hoa, Phó Chủ tịch nước lên thăm Ngũ Nhạc đã đề nghị tôn tạo những ngôi miếu thờ để phát huy giá trị di tích, giới thiệu với du khách về vốn văn hoá độc đáo của xứ Đông. Sau đó 2 năm, 5 miếu thờ cùng hệ thống đường bộ hành lên núi đã được hoàn thiện.
Từ dưới chân núi, theo đường bộ sẽ đến Đông Nhạc miếu, tượng trưng cho hành Mộc, rồi đến Nam Nhạc miếu, có màu đỏ, là màu của hành Hỏa. Bắc Nhạc miếu tượng trưng cho hành Thủy, rồi đến Tây Nhạc miếu, tượng trưng cho hành Kim và cuối cùng là Trung Nhạc miếu, tượng trưng cho hành Thổ.
Năm 2006, việc phục dựng nghi thức tế lễ trời đất trên núi Ngũ Nhạc đã hoàn chỉnh và tế trời đất trên núi Ngũ Nhạc trở thành một nghi lễ không thể thiếu trong chương trình lễ hội truyền thống mùa xuân Côn Sơn hằng năm.
Ông Phạm Văn Điếm ở thôn An Mô, xã Lê Lợi (Chí Linh) là người trông coi núi Ngũ Nhạc cho biết việc quét dọn đường lên và 5 ngôi miếu của ông bắt đầu từ 6 giờ sáng hằng ngày. Trước đây du khách hầu hết chỉ lên Ngũ Nhạc vào mùa xuân, nay có những câu lạc bộ thiền, dưỡng sinh số lượng hàng trăm người lên vào mùa hè để tận hưởng không khí mát mẻ, trong lành.
Suối Côn Sơn (Chí Linh, Hải Dương) - Giá trị tiềm ẩn
Suối Côn Sơn thuộc khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc (Chí Linh, Hải Dương) bắt nguồn từ hai khe núi Ngũ Nhạc và Côn Sơn dài khoảng 3 km.
Suối Côn Sơn đã tạo cảnh quan phong thủy cho quần thể di tích trở nên đặc biệt hơn. Ảnh: Thành Chung
Suối chảy uốn khúc, quanh co, đoạn trên có những ghềnh thác nhỏ, dưới lòng suối có những hòn đá to, nhỏ tròn trịa do nước chảy bào mòn qua rất nhiều năm tháng mà tạo thành. Hai bên bờ suối cây cối rậm rạp, tốt tươi, xanh mát quanh năm.
Suối Côn Sơn đã tạo cảnh quan phong thủy cho quần thể di tích trở nên đặc biệt. Suối khởi nguồn từ núi Ngũ Nhạc và Côn Sơn. Núi Ngũ Nhạc là mạch núi linh thiêng, xoải dài từ Bắc xuống Nam với chiều dài hơn 4 km, ngọn cao nhất 238 m, nằm về phía đông bắc của Côn Sơn. Ngũ Nhạc tượng trưng cho 5 phương (tứ phương và trung phương: Đông, Tây, Nam, Bắc và trung tâm, ứng với các hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ). Trên núi người xưa cho dựng 5 miếu thờ thần Ngũ Phương Ngũ Lão quân nên gọi là "Ngũ Nhạc linh từ". Ngũ Phương Ngũ Lão quân gồm: Thanh Đế ở phương Đông, Bạch Đế ở phương Tây, Xích Đế ở phương Nam, Hắc Đế ở phương Bắc và Hoàng Đế ở Trung ương (trung tâm).
Ngũ Nhạc còn được coi là vùng đất phúc, nơi ngự của Phật, Thánh và các vị thần tiên cai quản việc cát, hung, họa, phúc, thống lĩnh muôn loài và chủ quản cây cối, núi rừng, khe vực. Nước suối Côn Sơn bắt nguồn từ đây là hiếm quý, được coi là sinh khí cho cả vùng...
Dọc lòng suối Côn Sơn trong quá trình hình thành có đủ ghềnh thác, uốn lượn tạo nên cảnh quan sơn thủy hữu tình, rồi chảy ra hồ Bán Nguyệt và hồ Côn Sơn. Hai hồ này hình thành tự nhiên và đặc biệt ở chỗ, hồ Bán Nguyệt là Minh Đường của chùa Côn Sơn và hồ Côn Sơn là Minh Đường của đền Nguyễn Trãi, với thế núi, hồ, suối đặc biệt mà người xưa thấy đây là vùng đất hiếm có, địa linh nhân kiệt...
Suối Côn Sơn gắn liền với các tên tuổi, các nhà văn hóa lớn, nhà chính trị lỗi lạc: quanTư đồ Trần Nguyên Đán; Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi; Cao Bá Quát; Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất Việt Nam Chủ tịch Hồ Chí Minh...
Cầu Thấu Ngọc bắc qua suối Côn Sơn
Suối Côn Sơn có hai tảng đá lớn tương đối bằng phẳng gọi là Thạch Bàn. Thạch Bàn nhỏ rộng khoảng 70 m 2, mặt có màu son nâu rất đẹp, Thạch Bàn lớn rộng khoảng 200 m 2 về phía thượng nguồn được gọi là Hòn đá năm gian.
Trên suối Côn Sơn có cầu Thấu Ngọc và cầu Đá cũng là điểm nhấn của dòng suối. Cầu Thấu Ngọc được thiết kế theo kiểu thượng gia hạ kiều (cây cầu có mái che). Nguyễn Trãi thường lên cây cầu này để ngắm cảnh, làm thơ và thưởng trà: "Đình Thấu Ngọc tiên xanh tuyết nhũ/Song mai hoa điểm quyển Hy kinh".
Đến cuối thế kỷ XIX, cầu Thấu Ngọc được coi là công trình tuyệt mỹ tại Côn Sơn. Cao Bá Quát khi về thăm Thanh Hư động đã lên cầu Thấu Ngọc thưởng ngoạn và làm bài Côn Sơn hành nổi tiếng: "Thấu Ngọc kiều biên dã hoa tiêu/Thanh Hư động ký văn đề điểu" (Bên cầu Thấu Ngọc hoa rừng tươi tốt/ Trong Thanh Hư động chim hót líu lo).
Với cảnh vật hiếm có, mang giá trị to lớn về lịch sử văn hóa, ngày 15/02/1965, Bác Hồ về thăm Côn Sơn. Bác lên núi, vào động Thanh Hư, đến nền nhà Nguyễn Trãi và dừng chân tại Thạch Bàn bên bờ suối, tại đây Bác căn dặn: "Cán bộ và nhân dân phải bảo vệ tốt di tích lịch sử, trồng nhiều cây để Côn Sơn trở thành nơi tùng lâm đẹp đẽ".
Qua năm tháng, cầu Thấu Ngọc không còn. Năm 2011, UBND tỉnh quyết định xây dựng lại cây cầu này trên suối Côn Sơn. Cây cầu được xây dựng theo lối kiến trúc cổ, hai bên là 2 lầu nghinh phong, nơi nghỉ chân, hóng gió của du khách. Lầu bên phải được xây hình lục giác, lầu bên trái hình bát giác, biểu thị ý nghĩa là nơi ban tài, phát lộc, đem đến vạn sự bình an cho mọi người.
Trước tam quan đền Nguyễn Trãi lòng suối phình to được coi như hồ, hồ này được thả sen, súng rất đẹp mắt. Bắc qua hồ là cây cầu đá cũng được thiết kế theo lối cổ, trạm khắc thủy ba bên thành, các xà đỡ thiết kế cách điệu đầu rồng... rất phù hợp với cảnh quan đền, chùa nơi đây.
Hiện nay, vào mùa hè (từ tháng 5 đến tháng 8), suối Côn Sơn thu hút đông đảo du khách thập phương, đặc biệt là thanh thiếu niên. Tới đây, du khách thoải mái lội suối, ngắm cảnh, chụp ảnh... với dòng nước mát dọc con suối.
Gần đây, có thời điểm do nhiều nguyên nhân nên suối Côn Sơn bị cạn nước. Theo Viện Thủy công (Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn), nguyên nhân do mực nước ngầm ở các vùng xung quanh dãy núi Côn Sơn và Ngũ Nhạc suy giảm; các vết nứt, đứt gãy địa chất dọc trên suối, do rung lắc địa chất làm khe nứt mở rộng gây mất nước...
Bà Nguyễn Thị Thùy Liên, Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho biết: Việc phục hồi dòng chảy suối Côn Sơn là vô cùng cấp thiết, thể hiện sự ứng xử phù hợp với con suối lịch sử, chứa đựng yếu tố văn hóa, tâm linh, đậm đặc dấu tích của các danh nhân ở khu di tích linh thiêng này. Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Thủy công đang tích cực hoàn thiện phương án kỹ thuật phục hồi dòng chảy suối Côn Sơn. Dự kiến, cuối năm 2023, đề tài ứng dụng sẽ được triển khai thực hiện.
Với giá trị to lớn đó, hy vọng dòng suối sẽ sớm được khôi phục, tạo điểm nhấn của di tích, đồng thời phát huy những giá trị vốn có, góp phần làm đẹp cảnh quan, thu hút đông đảo nhân dân đến tham quan, thưởng lãm.
Các di tích ở Hải Dương sẵn sàng đón khách dịp nghỉ lễ Các di tích trong tỉnh Hải Dương đã chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng đón khách dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 sắp tới. Cán bộ, nhân viên khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc chuẩn bị cho chương trình "Trải nghiệm ẩm thực chay" diễn ra từ ngày 27/4-2/5 (ảnh cơ sở cung cấp) Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm...