Có ‘Mẹ Việt Nam Anh hùng 26 tuổi’ là do lỗi đánh máy
“Rất có thể do cơ quan TƯ đánh máy nhầm. Còn nguyên nhân của sự nhầm lẫn này có thể do người đánh máy hoặc do lỗi máy vi tính”, một lãnh đạo Sở VH-TT-DL Quảng Nam nói.
Có ‘ Mẹ Việt Nam Anh hùng 26 tuổi’ là do lỗi đánh máy
Ngày 31/7, Sở LĐ-TB-XH cho biết Quyết định 710 ký ngày 21/3 về việc truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, kèm theo đó là danh sách 19 mẹ ở tỉnh Quảng Nam được truy tặng trong năm 2014.
Qua tìm hiểu, 19 mẹ này đều có con là liệt sĩ từ thời tiền khởi nghĩa.
Điều đáng nói, trong danh sách có mẹ Hồ Thị Cường (thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) sinh năm 1988 (tức mới có… 26 tuổi) được truy tặng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng vì có con trai duy nhất tên Đinh Đáng (số bằng Tổ quốc ghi công HK-548cm và số hồ sơ là QA 9180) là liệt sĩ.
Ngoài ra, mẹ Nguyễn Thị Hồ (sinh năm 1972, xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam), tức mới có 42 tuổi, được truy tặng danh hiệu cao quý vì có con trai tên Nguyễn Hồ (số bằng Tổ quốc ghi công EN-803cm và số hồ sơ là QA 3839) là liệt sĩ.
Lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH Quảng Nam cho biết hồ sơ chính thức mà Sở còn lưu thì mẹ Hồ Thị Cường có năm sinh là 1888 và đã mất. Còn mẹ Nguyễn Thị Hồ thì năm sinh đúng là 1872 (cũng đã mất) chứ không phải 1972 như trong quyết định.
Video đang HOT
“Rất có thể do cơ quan Trung ương đánh máy nhầm. Còn nguyên nhân của sự nhầm lẫn này là do người đánh máy cẩu thả hoặc cũng có thể do lỗi máy vi tính”, một lãnh đạo sở này khẳng định.
Bà Đinh Thị Liễu – Phó phòng Người có công Sở LĐ-TB-XH tỉnh Quảng Nam – cũng xác nhận thông tin trên và cho biết, sự nhầm lẫn này là do phía cơ quan Trung ương chứ không có chuyện xuất phát từ địa phương.
“Bởi lẽ, danh sách các mẹ đề xuất truy tặng được chúng tôi làm rất cẩn thận và phải qua nhiều cấp lãnh đạo từ cơ sở đến tỉnh. Sau khi được thẩm định cẩn thận và chính xác, hồ sơ mới được gửi ra Trung ương”, bà Liễu khẳng định.
Mẹ Nguyễn Thị Hồ sinh năm 1872 (đã mất) chứ không phải 1972.
Trước đó, trao đổi với báo giới, ông Đỗ Thanh Hải – Phó vụ trưởng Vụ 3 Ban Thi đua khen thưởng T.Ư, đơn vị trình danh sách Bà mẹ Việt Nam anh hùng – cho biết việc thể hiện năm sinh tại Quyết định số 710/QĐ-CTN của các mẹ Hồ Thị Cường (từ 1888 thành 1988), Nguyễn Thị Hồ (từ 1872 thành 1972) ở Quảng Nam đúng là có sự nhầm lẫn.
Tuy nhiên, chuyên viên thực hiện mảng công việc này hiện đang đi học 4 ngày nên chưa tra được hồ sơ xem nhầm lẫn ở khâu nào. “Dù nhầm lẫn ở khâu nào thì cũng phải sửa lại”, ông Hải khẳng định.
Theo Xahoi
Mẹ tái giá vẫn được phong "Bà mẹ Việt Nam anh hùng"
Mẹ có chồng và một con là liệt sĩ đã tái giá thì tinh thần ý kiến của Thủ tướng là cần phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết đây là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra trong phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra vào ngày 30/7.
Cụ thể, trên tờ Tuổi trẻ, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan sớm có hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc cho các trường hợp cụ thể mà các văn bản trước đây chưa đề cập.
Theo bà Chuyền, riêng đối với trường hợp mẹ có chồng và một con là liệt sĩ đã tái giá thì tinh thần ý kiến của Thủ tướng là cần phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Mới đây, vấn đề này đã được đề cập đến tại buổi giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng tại quận Tân Bình và huyện Bình Chánh (TP.HCM) của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền trong một lần thăm Bà mẹ Việt Nam anh hùng
Báo cáo với đoàn giám sát, bà Trần Thị Kim Giàu, phó Phòng lao động - thương binh và xã hội Q.Tân Bình cho biết trên địa bàn quận cũng có trường hợp bà mẹ có chồng và một con là liệt sĩ nhưng đã tái giá.
Bà Giàu cho biết, quận có hỏi ý kiến Sở Lao động - thương binh và xã hội xem có được không thì bộ phận nghiệp vụ của sở trả lời rằng mẹ đã tái giá, chồng mẹ đâu phải là liệt sĩ nữa. Sở dĩ mẹ được nhận trợ cấp tiền tuất hằng tháng vì mẹ có công phụng dưỡng cha mẹ liệt sĩ và công nuôi dưỡng con liệt sĩ trưởng thành.
Bà Giàu cũng cho biết phòng nghiệp vụ của Sở Lao động - thương binh và xã hội không nói rõ căn cứ vào văn bản cụ thể nào để trả lời là không được và sau đó quận cũng không gửi hồ sơ trường hợp mẹ tái giá lên sở.
Bà Trương Thị Mai, chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đặt câu hỏi: "Thử hỏi có người phụ nữ nào lấy chồng mà muốn chồng mình thành liệt sĩ để hưởng chính sách? Có người phụ nữ nào muốn chồng là liệt sĩ để mình đi lấy chồng khác không? Chắc là cũng không có đâu. Một người phụ nữ, chồng là liệt sĩ, phải đi lập gia đình lần thứ hai cũng là đau đớn với người ta rồi".
Bà Mai cho biết mong muốn Bộ Quốc phòng và những người làm chính sách hiểu quan hệ bà mẹ Việt Nam anh hùng là quan hệ mẹ - con; quan hệ vợ liệt sĩ là quan hệ vợ chồng là hai quan hệ hoàn toàn khác nhau.
"Mình không được xử sự một cách thiếu uyển chuyển. Tôi rất mong các cơ quan làm chính sách hết sức linh hoạt, hết sức nhân văn trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách. Mà cái này phải nhanh lên, phải cố gắng hết mức.
Tôi đi dự lễ trao tặng danh hiệu, có mẹ khi mình làm quyết định thì là phong tặng, đến khi trao mẹ đã mất rồi, không chờ kịp", bà Trương Thị Mai nói.
Hà Anh
Theo_Báo Đất Việt
TP HCM: Truy tặng danh hiệu cho 831 Mẹ Việt Nam anh hùng Đây là các Mẹ có người thân hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sáng nay (27/7), Thành ủy, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM đã long trọng tổ chức Lễ truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà Mẹ Việt Nam anh hùng cho...