“Cò lúa” quỵt tiền, nông dân Hậu Giang điêu đứng
Tại ĐBSCL, “cò lúa” tìm đến nông dân đặt tiền cọc mua lúa, sau đó giá lúa xuống thấp thì ép giá hoặc bỏ tiền cọc biến mất không mua.
Mỗi vụ lúa tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long thường xuất hiện những người người chuyên làm công việc môi giới giúp nông dân bán lúa cho thương lái hoặc doanh nghiệp xay xát, được người dân quen gọi là “cò lúa”. Tuy nhiên, mới đây, một “cò lúa” có tên Trần Văn Lăm đã lừa, chiếm đoạt hơn 1,6 tỷ đồng của nông dân Hậu Giang rồi bỏ trốn, khiến cho hàng chục hộ dân nơi đây lâm vào cảnh điêu đứng, khó khăn, nợ nần chồng chất.
Ảnh minh họa
Bà Huỳnh Thị Kim Định ở ấp 2B, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang cho biết: Vụ hè thu vừa qua bà thu hoạch được hơn 30 tấn lúa rồi bán cho hàng xáo với số tiền hơn 130 triệu đồng. Tuy nhiên, bà mới nhận trước được 90 triệu đồng, số tiền còn lại hơn 40 triệu đồng, gần một tháng qua hàng xáo vẫn khất lần, không trả.
Hiện có hơn 40 nông dân ở các xã thuộc hai huyện Vị Thủy và Châu Thành A điêu đứng vì bị “cò lúa” quỵt tiền. Người dân cho biết, lúa hè thu thu hoạch xong họ bán cho 3 người hàng xáo là Võ Thị Đông, Nguyễn Văn Hiền, Lê Văn Tuấn. Sau khi thu mua những người hàng xáo này giao lúa lại cho “cò lúa” Trần Văn Lăm, rồi nhận tiền trả cho nông dân. Ở những vụ trước, việc mua bán thực hiện sòng phẳng.
Tuy nhiên, vụ Hè thu này, ông Lăm thu mua từ các người hàng xáo hơn 1 ngàn tấn lúa, với tổng số tiền hơn 5,4 tỷ đồng, giờ mới trả hơn 3,8 tỷ đồng, số tiền còn lại hơn 1,6 tỷ đồng hẹn đến cuối vụ sẽ trả, nhưng hơn 1 tháng nay không thấy ông Lâm trả, điện thoại không liên lạc được.
Video đang HOT
Ông Lê Văn Tuấn – một trong những hàng xáo thu mua lúa của dân, giờ không có tiền trả, cho biết không ông dám về nhà sợ người ta tới đòi.
Bị “cò lúa” Trần Văn Lăm quỵt tiền mua lúa không trả, hàng chục nông dân cùng các hàng xáo đã tìm đến Nhà máy chế biến gạo của Công ty TNHH một thành viên Thủy sản Hoàng Long, ở thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang đòi tiền. Sở dĩ người dân đến yêu cầu Công ty Hoàng Long trả tiền vì lúa của người dân được ông Trần Văn Lâm với tư cách là người của Công ty Hoàng Long thu gom từ các hàng xáo và giao lại cho Công ty Hoàng Long.
Trước tình hình trên, ông Lê Văn Thêm- Phụ trách kinh doanh của Công ty Hoàng Long cho biết: Lâu nay Công ty không nghe người dân phản ánh gì. Những ngày gần đây tự nhiên thấy người dân đến đây đòi nhà máy trả tiền mua lúa của người dân khiến Công ty bất ngờ.
Ông Thêm khẳng định: Công ty không hề hay biết việc ông Lâm đã nợ tiền của người dân. Về việc thu mua lúa, Công ty đã trả hết tiền lúa cho ông Lăm và ông Lăm chỉ là đối tác làm ăn của Công ty Hoàng Long, chứ không phải là người của Công ty.
Những năm gần đây, tại vùng ĐBSCL thường xuyên diễn ra chuyện “cò lúa” tìm đến nông dân đặt tiền cọc mua lúa, sau đó giá lúa xuống thấp thì ép giá hoặc bỏ tiền cọc biến mất không mua. Nay lại tiếp tục xảy ra chuyện “cò lúa” lừa mua lúa xong lại không trả tiền cho nông dân.
Có thể khẳng định, những chiêu lừa này đang diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự ở nông thôn. Hiện người người dân ở đây rất mong cơ quan chức năng vào cuộc để làm rõ vụ việc, thu hồi lại số tiền lúa mà nông dân đã vất vả một nắng, hai sương làm được.
Theo Tấn Phong (VOV)
Thị trường lúa gạo sôi động nhờ đơn hàng của Philippines
Hiện thị trường lúa gạo ĐBSCL đang lên cơn sốt khi gạo nguyên liệu chế biến gạo 25% tấm theo đơn hàng của Philippines hút hàng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thị trường lúa gạo trong nước đã khởi sắc trong tháng 10 khi hoạt động thu mua được đẩy mạnh để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sang Philippines và Indonesia.
Hiện thị trường lúa gạo ĐBSCL đang lên cơn sốt khi gạo nguyên liệu chế biến gạo 25% tấm theo đơn hàng của Philippines hút hàng.
Lúa chủng loại IR50404 là loại lúa được tiêu thụ mạnh nhất. Giá lúa trong tháng 10/2015 tại một số tỉnh ĐBSCL tăng đáng kể.
Dự báo thị trường lúa gạo trong nước sẽ tiếp tục sôi động do Philippines đang lên kế hoạch nhập khẩu thêm 1 triệu tấn gạo vào đầu năm 2016, mở ra cơ hội xuất khẩu tăng trở lại từ nay đến vụ Đông Xuân 2016, trong khi nguồn cung lúa Thu Đông đang giảm dần do hiện đã là cuối vụ thu hoạch, giá lúa tiếp tục có lợi cho nông dân.
Sau một thời gian dài luôn ở mức thấp hơn so với gạo cùng loại của Thái Lan, hiện giá nhiều loại gạo xuất khẩu gạo 5% và 25% tấm của Việt Nam cao hơn gạo cùng loại của Thái Lan tới 15 USD/tấn.
Cụ thể, giá gạo 5% tấm đã tăng lên 365 - 375 USD/tấn vào ngày 19/10, tăng 10 USD/tấn so với ngày 15/10 là 355 - 365 USD/tấn, gạo 25% tấm tăng lên ở mức 345 - 355 USD/tấn, so với 335 - 345 USD/tấn, trong khi giá gạo cùng loại của Thái Lan vẫn không thay đổi.
Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 10 ước đạt 805 nghìn tấn với giá trị đạt 332 triệu USD đưa khối lượng xuất khẩu gạo 10 tháng đạt 5,32 triệu tấn và 2,26 tỷ USD, giảm 4,6% về khối lượng và giảm 11,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.
Giá gạo xuất khẩu bình quân 9 tháng đạt 428,69 USD/tấn, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm 2014. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2015 với 37,03% thị phần.
9 tháng xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc tăng 4,67% về khối lượng nhưng giảm 3,07% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.
So với 9 tháng năm 2014, các thị trường có sự tăng trưởng mạnh là thị trường Malaysia tăng 18,58% về khối lượng và tăng 9,22% về giá trị, vươn lên vị trí thứ 3 về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam, chiếm 9,11% thị phần; thị trường Gana tăng 12,29% về khối lượng và tăng 5,35% về giá trị, đứng vị trí thứ 4 về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam; thị trường Bờ Biển Ngà tăng 42,72% về khối lượng và tăng 35,51% về giá trị, đứng thứ 5 về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam.
Các thị trường có sự giảm đột biến trong 9 tháng đầu năm 2015 so với cùng kỳ năm 2014 là Phillipines (giảm 41,05% về khối lượng và giảm 45,27% về giá trị), Singapore (giảm 36,36% về khối lượng và giảm 33,58% về giá trị), và Hồng Kông (giảm 27,65% về khối lượng và giảm 34,56% về giá trị)./.
Theo_VOV