Cò lao động làm đảo điên bản làng
Những năm gần đây, lợi dụng sự thiếu hiểu biết và nhẹ dạ cả tin của người dân các huyện miền núi- vùng cao, không ít đối tượng đã tiến hành các vụ lừa đảo hoặc tuyển dụng lao động trái phép, gây ra bao nỗi… trái ngang.
Tại huyện vùng cao biên giới Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, tình trạng này đang trở nên nhức nhối…
Bản Đỉnh Sơn 1 (xã Hữu Kiệm) chủ yếu còn người già và trẻ em.
Đến bản Đỉnh Sơn 1, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, nơi cư trú của gần 100 hộ dân tộc Khơ Mú vào thời điểm giữa trưa, nhưng bản làng vắng hoe. Nhiều nhà cửa đóng then cài, những gia đình có người ở nhà thì chủ yếu là người già và trẻ nhỏ. Trưởng bản đang đi vắng, chúng tôi gặp Bí thư Chi bộ bản để tìm hiểu sự tình.
Bí thư Lữ Văn Xốm cho biết: Hầu hết thanh niên đi làm ăn xa nên chỉ có người lớn tuổi và trẻ con ở nhà. Hỏi chuyện thu nhập, ông Xốm cho hay: “Thu nhập nhiều hay ít tùy vào từng người. Có người được chừng 10 triệu đồng/năm, nhưng nhiều người suốt năm đi về không có đồng nào, lại còn bị chủ đánh đập. Thậm chí một số người còn không có tiền về quê”.
Về vấn đề này, ông Hà Minh Phúc – Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm khẳng định: Tình trạng này không chỉ có ở bản Đỉnh Sơn 1 mà còn diễn ra ở các bản khác như Đỉnh Sơn 2, Huồi Thợ và các xã có đông người Khơ Mú sinh sống như Bảo Nam, Bắc Lý, Phà Đánh, Tà Cạ, Chiêu Lưu…
Còn theo người dân các xã Tà Cạ, Hữu Kiệm, Chiêu Lưu và thị trấn Mường Xén (huyện Kỳ Sơn), hàng năm, vào thời gian sau Tết Nguyên đán thường có những kẻ môi giới (dân địa phương gọi là bọn “cò cáy”) về tuyển lao động trái phép trên địa bàn. Chúng vẽ ra viễn cảnh về một “miền đất hứa”, ở đó công việc nhẹ nhàng, thu nhập cao và có cơ hội đổi đời. Gần như suốt đời chưa đi khỏi địa bàn huyện, nghe nói bùi tai, lại được những kẻ “cò cáy” đưa cho một số tiền, những ông bố, bà mẹ sẵn sàng để con cái ra đi, dù có thể chúng chưa đến tuổi lao động và không hề biết gì về thủ tục hợp đồng lao động.
Chính quyền không kiểm soát được
Video đang HOT
Có thể nói, tình trạng lừa đảo và tuyển dụng lao động trái phép trên địa bàn huyện Kỳ Sơn lâu nay đã khá nhức nhối. Vừa qua, Công an huyện Tương Dương đã bắt giữ đối tượng Phan Văn Lương do tuyển dụng trái phép 11 người (trong số này có 3 người chưa đến tuổi lao động) trên địa bàn huyện Kỳ Sơn và bàn giao cho Công an huyện này điều tra, xử lý.
Số lao động được những kẻ môi giới “tuyển” hẹn tập trung tại một địa điểm bí mật để lên xe. Tinh vi hơn, một số kẻ môi giới thuê cả một chuyến xe chạy thẳng vào địa điểm cần đến, trước mui xe căng tấm băng rôn có dòng chữ “Đoàn tham quan” để che mắt lực lượng công an.
Được biết, Phan Văn Lương đã tuyển số người kể trên vào làm tại Doanh nghiệp tư nhân Đức Vinh ở tỉnh Kon Tum. Đây chỉ là một trong số rất nhiều vụ việc lừa đảo, tuyển dụng lao động trái phép trên địa bàn Kỳ Sơn nói riêng và các huyện vùng cao của tỉnh Nghệ An nói chung.
Câu hỏi đặt ra là các cấp chính quyền, cơ quan chức năng và các đoàn thể đã làm gì để ngăn chặn tình trạng nêu trên? Ông Hà Minh Phúc cho biết: Hầu hết những người đi đào đãi vàng không làm thủ tục tạm trú, tạm vắng nên chính quyền địa phương không thể kiểm soát được. Còn anh Nguyễn Hoàng Quang – cán bộ Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Kỳ Sơn cho hay: “Về mặt quản lý nhà nước, chúng tôi có nhiệm vụ thống kê báo cáo từ các xã, nhưng đến nay chưa có xã nào gửi báo cáo về huyện về tình trạng này”.
Theo Dân Việt
Lộ diện đường dây chuyên lừa bán lao động trẻ em
Vụ việc hai em học sinh lớp 9 ở Đồng Nai lên TP.HCM tìm việc làm bị bọn "cò" lao động bán đi Lâm Đồng, một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về nạn "cò" lao động hiện nay. Đặc biệt, theo diễn tiến vụ việc hé lộ một đường dây chuyên buôn người lao động lên vùng sâu ở Tây Nguyên.
Hành trình sa bẫy "cò" lao động
Theo nguồn tin từ hai gia đình nạn nhân, đến tối ngày 25/11 sau 3 ngày bị bán vào rẫy cà phê, hai cháu Ngô Mạnh H (SN 1997, ấp Ruộng Lớn, Thị xã Long Khanh, Đồng Nai) và Trần Công Th (SN 1997, ấp Bàu Sầm, xã Bàu Trâm) ngụ thị xã Long Khánh, Đồng Nai đã được các ngành chức năng phối hợp với gia đình tìm thấy và đưa về an toàn.
Cháu Trần Quốc Th (nạn nhân bị bán vào rẫy cà phê)
Theo lời kể của hai cháu, hành trình bị lừa bán diễn ra như sau: Chiều ngày 22/11, Trần Công Th và Ngô Mạnh H (cùng học lớp 9, trường THCS Ngô Quyền, thị xã Long Khánh rủ nhau bỏ học, trốn gia đình đi tìm việc làm. Khoảng 8h sáng ngày hôm sau (tức 23/11), cả hai bán một chiếc xe đạp rồi đón xe buýt lên TP.HCM, đến địa bàn quận 3 thì xuống xe.
Khi cả hai đang đứng ngẩn ngơ chưa biết đi đâu, làm gì thì đột nhiên có hai người đàn ông tìm đến hỏi han. Khi biết các em đang có nhu cầu tìm việc, hai gã liền chở đến một trung tâm môi giới việc làm ở gần đó nhưng trung tâm này thấy hai em quá nhỏ nên không nhận. Hai người này tiếp tục liên hệ với một người khác, lần này thì được đồng ý. Người này lại dẫn hai em đến một xe khách mang tên Sơn Lâm (chạy tuyến TP.HCM- Lâm Hà, Lâm Đồng). Khoảng chiều tối cùng ngày thì xe khách đến Lâm Đồng, các em tiếp tục bị nhân viên nhà xe dẫn vào một nhà chờ (Trung tâm phân phối lao động).
Em Trần Công Th bàng hoàng nhớ lại: "Sau khi xuống xe, một người đàn ông dẫn chúng cháu đến một ngôi nhà rộng, mang tên Trung tâm phân phối người lao động. Tại đây chúng cháu ngủ lại một đêm, đến sáng ngày hôm sau có một người phụ nữ đến bảo chúng cháu ký vào một tờ giấy gì đó (thỏa thuận lao động-PV), rồi đón chúng cháu về. Sau đó, chúng cháu phải vào rẫy hái cà phê".
Gia đình các cháu cho biết, sau khi được nhà trường thông báo con em mình vắng học không lý do, cha mẹ hai cháu đã lần tìm các mối quan hệ của các cháu nhưng vẫn không thấy. Mọi người đã tìm kiếm ở tất cả những nơi các cháu có thể đến nhưng vẫn bặt vô âm tín. "Ruột nóng như rang, chúng tôi biết chắc chắn con mình đã bị bắt cóc, nhưng không biết là đang ở đâu", anh Trần Văn V, cha của cháu Th kể lại. Đến hết ngày 25/11 thì đột nhiên có một người phụ nữ xưng tên Huệ gọi lại cho gia đình và bảo rằng đang giữ hai cháu ở một rẫy cà phê trên Lâm Đồng. Người phụ nữ này còn đọc số tiền, địa chỉ cụ thể cho cha mẹ các cháu lên chuộc con về.
Hé lộ đường dây lừa bán lao động trẻ em
Tuy đã tìm thấy con, nhưng vợ chồng anh V vẫn rất bức xúc, vì nếu như không có biện pháp xử lý những đối tượng đã lừa bán con anh thì sẽ còn nhiều người khác trở thành nạn nhân.
Đưa bản "thỏa thuận lao động" có ba bên gồm: người mua lao động (bà Hà Thị Huệ), Trung tâm phân phối lao động và hai cháu Th và H cho chúng tôi xem, anh V bức xúc nói: "Bản hợp đồng này cho thấy, đây là thỏa thuận trá hình, nhằm hợp pháp hóa thủ tục để mua con em chúng tôi mà thôi". Thực chất, cái gọi là hợp đồng thỏa thuận này là một tờ giấy có nội dung được soạn sơ sài như sau: Hôm nay, ngày 24/11, chúng tôi gồm các bên A: bà Hà Thị Huệ, bên B: Ngô Mạnh H (SN 1994), Trần Công Th (SN 1993) và bên đại diện giới thiệu lao động là Công ty TNHH Dịch vụ việc làm Tiến Quang... Bên cạnh nội dung thỏa thuận về tiền bạc, bản hợp đồng này nhấn mạnh bên đại diện chỉ làm trung gian giới thiệu lao động. Vì vậy khi có tranh chấp giữa bên A và B (bà Huệ và hai cháu H-Th) thì bên đại diện sẽ không chịu bất cứ trách nhiệm nào, cuối cùng là con dấu đỏ của công ty môi giới và chữ ký của ba bên.
Anh Trần Quốc V (cha cháu Trần Quốc Th) rất bức xúc khi phát hiện đường dây buôn người lao động
Khi phân tích kỹ bản thỏa thuận này, chúng tôi nhận thấy những điểm bất cập giống như một văn bản lừa đảo mua bán lao động hơn là một thỏa thuận lao động. Những nội dung văn bản cho thấy đã có sự vi phạm pháp luật của những bên có tư cách pháp nhân cụ thể, theo như giấy khai sinh của hai cháu do nhà trường cung cấp thì các cháu đều sinh năm 1997 và ngụ ở thị xã Long Khánh. Nhưng trong bản thỏa thuận do Công ty TNHH Dịch vụ việc làm Tiến Quang lập ra lại ghi em Trần Quốc Th sinh năm 1993 còn em Ngô Mạnh H sinh năm 1994. Mặc dù cháu Th có hộ khẩu ở xã Bàu Vinh nhưng bị ghi ở Vĩnh Long- Long An.
Qua đối chiếu so sánh, hai cháu Thịnh và Hùng năm nay mới 14 tuổi trong khi đó bản thỏa thuận làm cho các em "già" thêm 3 tuổi cho đủ tuổi lao động. Thực chất những người lớn (Công ty Tiến Quang) đã "chạy tuổi", cố tình bịa đặt thông tin, nhằm hợp pháp hóa về mặt pháp luật để có thể bán lao động mà thôi. Về phía gia đình các nạn nhân cũng khẳng định rằng, trước khi đặt bút ký vào biên bản thỏa thuận đó, các cháu đều được những người liên quan hướng dẫn.
Để tìm hiểu thông tin về vụ việc, chúng tôi đã trao đổi với công an xã Bảo Vinh, nơi xảy ra vụ hai cháu Th và H bỏ nhà đi rồi bị bán làm lao động. ông Lê Hoài Phương, công an xã Bảo Vinh- người trực tiếp tiếp nhận hồ sơ vụ việc này khẳng định: "Những tình tiết của vụ việc chứng tỏ giữa người chỉ mối, đưa các nạn nhân từ TP.HCM lên Lâm Đồng và đơn vị tiếp nhận (Công ty Tiến Quang) cũng như người mua các em (bà Huệ) về có mối liên hệ móc nối với nhau. Rất có thể đây là một đường dây buôn bán lao động chuyên nghiệp".
Ông Phương cho biết thêm, trung tâm tiếp nhận hai cháu Th và H thực tế đã tồn tại từ lâu. Trung tâm này hiện ở địa chỉ khu Ba Đình, thị trấn Nam Bang, Lâm Hà, Lâm Đồng. Đây thuộc địa bàn vùng sâu, tiếp giáp với những rẫy cà phê heo hút và những bãi vàng trong rừng sâu. Hiện nay, cơ quan công an đang tiếp tục điều tra để làm rõ những đơn vị và các đối tượng liên quan để có cơ sở xử lý trước pháp luật.
Phía gia đình nạn nhân, sau khi được người phụ nữ thông báo số tiền phải chuộc, anh Trần Văn V (cha cháu Th) và anh Ngô Sĩ B (cha cháu H) mỗi người phải chi 1,7 triệu đồng để chuộc lại con mình. Trong đó tiền chi phí xe cộ, ăn uống mất 1,1 triệu đồng, tiền phí giới thiệu lao động và phí dịch vụ của công ty môi giới là 600.000 đồng/cháu.
Anh V bức xúc: "Thực chất con tôi đã bị các đối tượng này lừa bán và chắc chắn giữa công ty giới thiệu lao động bà Huệ cùng cánh xe ôm và nhà xe có sự móc nối với nhau theo một đường dây. Hơn nữa khi lên chuộc lại con, tôi được biết hiện tại trong nhà bà Huệ cũng còn một số người bị "chuyển giao" giống như trường hợp con tôi và bạn nó".
Việc hai học sinh lớp 9 trở thành nạn nhân của trò buôn lao động trá hình cũng có một phần nguyên nhân từ chính gia đình các cháu. Được biết hoàn cảnh gia đình hai cháu không hề khó khăn và các cháu đều được cha mẹ cưng chiều. Cha mẹ cháu Th buôn bán quanh năm nên ít có thời gian giám sát và chăm sóc con cái. Th thường hay tụ tập bạn bè bỏ học chơi game, học lực sút giảm dẫn đến chán nản.
"Quen được chiều chuộng nên Th hay đua đòi. Trước ngày cháu bỏ đi cháu có đòi mua xe máy và điện thoại nhưng tôi không cho. Có lẽ vì thế mà cháu nó bỏ đi nhằm mục đích kiếm tiền", anh V tâm sự. Trường hợp của cháu H cũng vậy. Hiện tại, sợ con mình hư đốn, cha mẹ em H đã cho con tạm nghỉ học, còn em Th đã đi học bình thường.
Cô Nguyễn Thị Lộc - hiệu trưởng trường THCS Ngô Quyền cho biết "Việc hai em H và T bị bán vào rẫy làm lao động khiến nhà trường rất bất ngờ. Ngay sau khi được biết sự việc, nhà trường đã hợp tác tích cực với cơ quan điều tra và cha mẹ các em nhằm nhanh chóng vận động các em trở lại lớp học bình thường".
Ông Lê Hoài Phương, công an xã Bàu Vinh nhận định: "Những đối tượng mà cò buôn lao động nhắm tới thường là những người kém hiểu biết, trẻ vị thành niên lang thang ở những nơi công cộng, bến xe. Khi đưa những con mồi này vào tròng, chúng nhanh chóng móc nối với những đầu mối chuyên cung ứng lao động ở vùng sâu vùng xa, rồi bán cho những chủ có nhu cầu sử dụng lao động. Những chủ này thường là rẫy cà phê, khu bãi vàng heo hút, được canh phòng cẩn thận. Thực tế cho thấy thời gian qua tình trạng lao động bị lừa bán, cầm tù với danh nghĩa làm công xảy ra rất nhiều ở Tây Nguyên".
Theo Nguoiduatin