Có khả thi hay không nếu như nghệ sĩ tổ chức concert theo hình thức trực tuyến?
Trước tình hình dịch bệnh ngày một nghiêm trọng, nghệ sĩ cũng như các công ty giải trí hoàn toàn rơi vào thế bị động vì “tiến không được, mà lùi cũng không xong”.
Việc giữ kết nối với fan cũng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Cũng từ những gian nan đó, nhiều phương hướng đã được đưa ra dựa theo hoàn cảnh của cả nghệ sĩ và công chúng, trong đó có việc tổ chức concert online. Vậy việc này có khả thi hay không?
Hàng loạt concert và sự kiện âm nhạc bị hoãn hoặc hủy bỏ
Hiện tại, dịch bệnh COVID -19 vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm, chính phủ nhiều nước đã phải ban lệnh cấm tụ tập đông người và yêu cầu người dân giãn cách xã hội để ngăn chặn sự lây lan của virus. Theo đó, tất cả các hoạt động văn hoá xã hội như sự kiện âm nhạc và các buổi concert buộc phải bị huỷ bỏ hoặc dời lại. Vì vậy, dù lịch trình đã được đề ra rất lâu trước đó và có không ít người hâm mộ cũng đã đặt vé trước nhưng buộc lòng các nghệ sĩ vẫn phải tạm hoãn những tour diễn của mình lại.
Cũng như bất kì sự kiện nào, khi các buổi concert đột ngột phải hoãn lại, người nghệ sĩ lẫn đội ngũ của mình phải chịu tổn thất ở nhiều mặt. Bên cạnh việc bồi thường cho các khoản như huỷ thuê địa điểm tổ chức hay tạm ngừng hợp tác với các nhà tài trợ, phía nghệ sĩ cũng phải sắp xếp để hoàn lại vé cho người hâm mộ trong thời gian sớm nhất. Ngoài ra, concert không diễn ra cũng đồng nghĩa với việc các nhân viên hậu cần cũng mất đi việc làm của mình. Các công ty chuyên phụ trách cho thuê địa điểm, thiết bị âm thanh, máy móc sân khấu,… cũng mất đi một khoản thu nhập.
Các concert bị hoãn lại hoặc huỷ bỏ khiến nhiều nhân viên hậu đài mất đi công việc của mình.
Hơn hết, người nghệ sĩ chính là người chịu thiệt hại nhiều nhất khi vừa không có lợi nhuận từ concert, vừa không thể gặp gỡ và giao lưu cùng người hâm mộ của mình. Thông thường, việc tổ chức concert có vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy doanh số album, các mặt hàng ăn theo cũng theo đó được tiêu thụ nhiều hơn. Các concert bị huỷ đồng nghĩa với việc mất đi cơ hội để thu được lợi nhuận ở những mảng này, đồng thời khiến các nghệ sĩ dè đặt hơn trong chuyện phát hành album mới vào thời điểm này.
Để phần nào duy trì sự kết nối giữa mình và người hâm mộ, nhiều nghệ sĩ đã thực hiện những buổi phát sóng trực tiếp để biểu diễn cho fan xem. Sự phát triển của các nền tảng livestream đã có dịp phát huy công dụng của mình và trở thành sự lựa chọn hàng đầu của nhiều nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế. Bên cạnh đó, các tổ chức từ thiện cũng ra sức kêu gọi và tập hợp các nghệ sĩ tham gia những buổi phát sóng gây quỹ của mình như chuỗi concert “#TogetherAtHome” của tổ chức Công dân Toàn cầu, “ Living Room Concert” của đài iHeartRadio hay sắp tới là “One World: Together At Home” của WHO.
Concert trực tuyến được tổ chức bởi đài iHeartRadio và kênh truyền hình FOX của Mỹ.
Tuy nhiên, đàn hát trực tuyến cho fan chỉ là giải pháp tạm thời cho các nghệ sĩ. Tuy qua hình thức này, họ có thể kết nối với khán giả, giao lưu hoặc kêu gọi quyên góp, nhưng về cơ bản người nghệ sĩ vẫn phải đối mặt với việc mất những nguồn thu chính. Một số ca sĩ đã bắt đầu đính kèm những đường dẫn liên kết đến các trang thanh toán để nhận quyên góp từ người hâm mộ sau những buổi livestream. Nhưng nếu tình hình dịch bệnh còn kéo dài thì việc này có còn tác dụng hay không? Câu hỏi được đặt ra ở đây là “Nếu các nghệ sĩ tổ chức hẳn một concert online có thu phí người xem thì liệu sẽ hiệu quả hay không?”.
Lợi nhuận từ concert online, liệu có dễ dàng?
Trong số các nghệ sĩ chọn nền tảng livestream để biểu diễn trực tiếp, ca sĩ kiêm nhạc sĩ Yungblud đã tổ chức concert theo hình thức online trong một ngày duy nhất. Buổi biểu diễn trực tuyến của anh thu hút được hơn 360 lượt xem, cao gấp 200 lần lượng vé trung bình mà anh từng bán được cho một đêm diễn tại tour diễn châu Á của mình. Theo tính toán của các chuyên gia, nếu dựa trên số lượng vé bán ra trung bình thì nam ca sĩ đã có thể mang về cho mình doanh thu lên đến 32 triệu đô USD chỉ bằng một buổi biễu diễn online. Thử áp công thức này lên BTS, nếu nhóm tổ chức concert online thì lợi nhuận thu về có khả năng lên đến hơn 1 tỉ USD. Những số liệu này đã mở ra một hướng đi mới cho các nghệ sĩ: tổ chức concert online có thu phí. Tuy nhiên, số tiền ước tính trên vẫn là lý thuyết và việc kiếm lợi nhuận từ concert online liệu có thật sự dễ dàng như vậy không?
Ngoài số liệu do các chuyên gia tính toán, không ai thật sự biết Yungblud đã thu về được cho mình lợi nhuận chính xác là bao nhiêu. Nhưng đây vẫn có thể chỉ là một trường hợp may mắn, khi ngay cả anh chàng cũng không đoán trước được rằng lại có nhiều người vào xem concert của mình đến thế. Liệu rằng khi các nghệ sĩ khác cũng làm điều tương tự, họ sẽ thành công như nam ca sĩ này? Điều đó, concert online, vẫn là một ván bài đầy rẫy những rủi ro và trở ngại tiềm ẩn cho những ai đang có ý định thực hiện thay thế concert thường.
Yungblud nảy ra ý tưởng tổ chức concert theo hình thức online trong một ngày duy nhất thay cho tour diễn bị huỷ bỏ.
Trước hết, nhìn lại một tháng vừa qua, nền công nghiệp âm nhạc đều bị đại dịch ảnh hưởng nặng nề. Không chỉ doanh số album tụt giảm khá nhiều, lượt nghe nhạc trực tuyến trên toàn cầu cũng ghi nhận những tỉ lệ giảm đáng lo ngại. Đại dịch toàn cầu đang kéo nền kinh tế và nhiều ngành công nghiệp khác đi xuống, đời sống hằng ngày của người dân khắp nơi bị đảo lộn và ngày một khó khăn hơn. Theo đó, lượng người có nhu cầu tham gia vào các hoạt động vui chơi, giải trí cũng không nhiều vì còn nhiều mối lo khác, đặc biệt là việc chi một số tiền ra vào thời điểm này để xem concert online.
Ở một concert thông thường, việc có những khán giả bí mật ghi hình lại hoặc phát sóng trực tiếp cho bạn bè xem miễn phí vốn đã ảnh hưởng không ít đến lượng người mua vé. Hầu hết các concert của nghệ sĩ đều đã phải đưa ra lệnh cấm đem các thiết bị có chức năng ghi hình vào concert, đồng thời rất nghiêm ngặt trong việc ngăn chặn kịp thời những hành động phát tán nội dung concert ra bên ngoài. Nếu không có kế hoạch bảo mật, sẽ rất khó khăn cho nghệ sĩ và êkíp trong việc kiểm soát không cho bên thứ ba phát lại concert của mình. Không những thế, chắc chắn sẽ xảy ra việc một người mua vé xem concert và chia sẻ tài khoản của mình cho nhiều người khác xem mà không cần mua thêm vé.
Việc nội dung concert bị phát tán ra ngoài do khán giả ghi hình lại sẽ ảnh hưởng đến lượng vé bán ra.
Bên cạnh đó, chênh lệch múi giờ của cũng là một bài toán khó giải quyết khi một nghệ sĩ quyết định tổ chức concert online. Các tour diễn concert được tạo ra và đi qua rất nhiều thành phố trên toàn thế giới nhằm mục đích tạo điều kiện cho khán giả ở khắp đều có thể tham gia. Và nếu không có nhiều buổi diễn được phát sóng ở các khung giờ khác nhau, nhiều khán giả có thể sẽ không tìm được khung giờ thích hợp cho múi giờ của mình để xem concert online.
Quan trọng không kém, ngoài việc được xem trực tiếp biểu diễn trên sân khấu, một trong những lý do khiến người hâm mộ luôn mong muốn ít nhất một lần tham gia concert chính là bầu không khí sôi động của khán đài. Concert trở thành nơi hàng nghìn người cùng chung sở thích hoà vào nhau, cùng tận hưởng những đêm nhạc hoành tráng được đầu tư kĩ lưỡng về mặt âm thanh, ánh sáng và những màn tương tác đặc biệt do nghệ sĩ chuẩn bị. Đó là điều không thể cảm nhận được khi khán giả chỉ có thể ngồi ở nhà theo dõi concert qua màn hình.
Các công ty tại Hàn Quốc đã sử dụng công nghệ điều khiển đồng loạt lightstick của fan trên toàn khán đài để tăng thêm hiệu ứng ánh sáng bắt mắt của các concert.
Vậy concert online còn có cơ hội nào hay không?
Bên cạnh những rủi ro, không thể phủ nhận concert online là hình thức đáng để mong chờ với những lợi ích như đem lại lợi nhuận cho nghệ sĩ trong mùa dịch, cung cấp việc làm cho đội ngũ thực hiện, cho khán giả những trải nghiệm âm nhạc mới lạ… Trước khi có thể thật sự tổ chức một concert online, các nghệ sĩ cũng đang có khá nhiều cách để tạm thời kết nối với người hâm mộ của mình. Chẳng hạn như mới đây, nhóm BTS đã quyết định sẽ chiếu lại toàn bộ tất cả các concert trước đây trên kênh chính thức cho fan xem miễn phí. Hay như nữ ca sĩ Meghan Trainor, cô vừa thông báo với người hâm mộ về một tour diễn quanh… nhà, tận dụng mọi ngóc ngách trong nhà từ phòng tắm, nhà bếp, phòng ngủ cho đến sân sau để biểu diễn gây quỹ.
Scott Cohen – Giám đốc Đổi mới của Tập đoàn Warner Music từng chia sẻ những suy nghĩ của mình về hình thức này trong một bài viết của trang Forbes. Ông tiết lộ rằng từ trước khi đại dịch xảy ra, nhiều dự án lớn đã được xem xét về việc tố chức các sự kiện “ảo” nhằm lường trước các ảnh hưởng của môi trường đến các chuyến lưu diễn. Tuy nhiên, sự lây lan nhanh chóng và tốc độ phát triển chóng mặt của COVID-19 đã đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu cũng như phát triển hình thức biểu diễn mới mẻ này. Bên cạnh đó, Scott cũng dự đoán rằng concert online có thể không chỉ dừng lại ở dạng phương án tạm thời mà thậm chí là có thể sẽ trở thành một hình thức chính thống trong ngành công nghiệp âm nhạc sau này.
Khi công nghệ thực tế ảo phát triển mạnh, việc tổ chức và tham gia các concert ảo sẽ không còn là chuyện viễn tưởng.
Scott Cohen tiếp tục: “Các bạn có thể tưởng tượng các nghệ sĩ sẽ lên lịch các tour diễn của mình bằng cách định vị địa lý các chương trình ảo theo từng thành phố và mỗi chương trình sẽ là độc nhất đối với khán giả đó”. Nếu dự án thành công, đồng thời có được công nghệ tốt để bảo mật, những rủi ro về mặt rò rỉ nội dung concert sẽ được giải quyết, việc tổ chức concert online cũng sẽ trở nên khả thi hơn. Vị giám đốc này cũng dự đoán rằng một số trải nghiệm âm nhạc trực tiếp sẽ phát triển thành một môi trường thực tế ảo. Công chúng hoàn toàn có thể hy vọng về một tương lai khi công nghệ thực tế ảo (VR và AR) phát triển đủ để trình chiếu một concert, đồng thời cho phép khán giả tương tác với nghệ sĩ, với các khán giả khác và thay thế được cho một concert thông thường.
Tất nhiên, cho đến khi những công nghệ hiện đại đó hoàn thiện hay các rủi ro được giải quyết, các nghệ sĩ vẫn đang hết mình trong việc kết nối với khán giả nhằm giữ “độ nóng” của mình. Vì thế trong tình hình hiện tại, các nghệ sĩ, công ty âm nhạc và cả các đơn vị tổ chức sự kiện đều phải trong tình thế “liệu cơm gắp mắm”. Biết đâu được, tình hình tương lai sẽ có những diễn biến theo hướng tích cực hơn, đi kèm theo đó nghệ sĩ sẽ là những sáng tạo mới, những phương pháp hay hình thức biểu diễn mới để có thể kết nối gần hơn với người hâm mộ của mình.
Thảo
Mamamoo, cựu thành viên Wanna One cùng nhiều nghệ sĩ tham gia concert gây quỹ chống COVID-19 tại Hàn Quốc
Giữa tình hình dịch bệnh căng thẳng, các nghệ sĩ Kpop đã có hành động ý nghĩa khi biểu diễn miễn phí để gây quỹ cho công tác chống dịch tại nước mình.
MV Hip - sản phẩm phát hành gần đây nhất của Mamamoo.
Ngày 11/4 sắp tới, 1 show diễn mang tên Live K Concert sẽ được tổ tại Hàn Quốc. Đây là một concert có tính đặc biệt bởi lẽ sẽ không có khán giả trực tiếp nào tham dự mà hoàn toàn được chiếu trực tiếp miễn phí qua truyền hình tại quốc gia này và trên các nền tảng streaming trực tuyến.
Poster chính thức của Live K Concert.
Giữa tình hình dịch đang ở mức căng thẳng như hiện nay, buổi biểu diễn này được tổ chức nhằm gây quỹ cho công tác phòng chống COVID-19 tại Hàn Quốc. Người xem có thể quyên góp thông qua Olleh TV, ứng dụng Seezn hay trả phí trên Kavecon. Toàn bộ số tiền từ concert này sẽ được chuyển đến tổ chức NGO Good Neighbors.
MC Lee Jiae sẽ đảm nhận vai trò dẫn chương trình trong concert ngày 11/4.
Line-up của Live K Concert hiện có Mamamoo, Kim Jaehwan (cựu thành viên Wanna One), April và B.O.Y. Những nghệ sĩ này sẽ biểu diễn hoàn toàn miễn phí như 1 cách đóng góp công sức của mình vào công cuộc chống dịch của quốc gia. Phó tổng thống Song Jae Ho đã chia sẻ lí do về việc tổ chức concert lần này: " Trong thời gian này, nhiều công dân cảm thấy chán nản và thất vọng vì sự bùng phát COVID-19 kéo dài, việc bảo vệ sức khỏe đang được xem là ưu tiên hàng đầu. Chúng tôi hy vọng Live K Concert sẽ là một sự hỗ trợ cho đời sống văn hóa của bạn."
Mamamoo là một trong những nghệ sĩ nằm trong line-up.
Live K Concert cũng sẽ có sự góp mặt của một cựu thành viên Wanna One - Kim Jaehwan.
Katie
Dàn sao thi nhau mở concert tại nhà, phát sóng trực tiếp cho fan xem trong thời gian dịch COVID-19 đang hoành hành Âm nhạc là không giới hạn. Cho dù cả khán giả và người nghệ sĩ đều đang trong tình trạng cách li, nhưng vẫn không gì có thể ngăn họ đem âm nhạc của mình đến với công chúng. Nếu không thể tổ chức một concert hoành tráng tại sân vận động, thì chỉ với một cây đàn trên tay các nghệ sĩ...