Có khả năng chiến tranh giữa TQ và đồng minh của Mỹ ở biển Đông
Một cuộc xung đột vũ trang giữa TQ và các đồng minh châu Á của Mỹ là có thể xảy ra, một chuyên gia phân tích an ninh người Úc bình luận.
Tàu ngầm và chiếm hạm Trung Quốc tập trận ngoài khơi cảng Thanh Đảo – Ảnh: Reuters
Trung Quốc có thể sẽ sẵn sàng chịu rủi ro về mặt tài chính vì nước này đang cố gắng thống trị vùng biển đang có tranh chấp với các nước láng giềng và thách thức ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực, tờ The Philippines Star dẫn lời Giáo sư Alan Dupont, chuyên gia nghiên cứu an ninh quốc tế thuộc Trường Đại học New South Wales (Úc), bình luận.
“Đừng quên rằng ngay cả quan hệ giao thương chặt chẽ giữa Anh và Đức hồi đầu thế kỷ 20 đã không ngăn được họ đánh nhau vào năm 1914″, Giáo sư Dupont nhận định, hàm ý muốn đề cập đến Thế chiến thứ nhất.
Ông cũng dẫn nghiên cứu mới đây của Georgetown, một trong những trường đại học uy tín nhất nước Mỹ, cho rằng các quốc gia Đông Á như Trung Quốc và Nhật Bản sẽ chấp nhận chịu thiệt hại về kinh tế, chứ không để mất cái họ gọi là chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
“Sẽ là sai lầm nếu cho rằng mức độ sâu đậm của các mối quan hệ thương mại là một sự đảm bảo hay là biểu hiện của hòa bình”, giáo sư Dupont nói.
Chẳng hạn, đối với Philippines, Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của đảo quốc này, lớn thứ 3 sau Mỹ và Nhật, theo ông Dupont. Trung Quốc cũng là nước đứng thứ 9 về nguồn đầu tư nước ngoài và thứ 4 về lượng du khách đến Philippines.
Ông Micah Zenko, một nhà phân tích tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ (CFR), được tạp chí Foreign Policy (Mỹ) trích dẫn nhận định rằng chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ không là điều “được tính toán từ trước”, nhưng có thể đến từ nhiều căng thẳng chồng chất.
“Mỹ có thể bị lôi kéo vào một cuộc chiến giành chủ quyền lãnh thổ mà Trung Quốc đang góp mặt, đặc biệt là kể từ khi Washington ký hiệp ước phòng thủ song phương với Nhật và Philippines”, chuyên gia này cảnh báo.
Video đang HOT
Tàu sân bay USS George Washington của Hạm đội 7 Hải quân Mỹ đang di chuyển gần đảo Guam – Ảnh: Hải quân Mỹ
Zenko nói các nước liên quan chỉ có thể tránh chiến tranh nếu họ đưa ra được những giải thích về hành động của mình tại các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ).
“Tình trạng thiếu hụt tài nguyên là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các hành động quân sự đơn phương của Trung Quốc”, giáo sư Dupoint nói.
“Trong khoảng hơn 2 thập niên qua, Trung Quốc đã biến đổi từ một nước xuất khẩu sang nhập khẩu hơn 55% lượng dầu trong nước. Ngay cả trữ lượng than khổng lồ của Trung Quốc cũng không đáp ứng nổi nhu cầu nội địa”, ông Dupont cho biết thêm.
Hạm đội 7 của Mỹ hiện đang có mặt ở Eo biển Malacca và tại phần lớn khu vực phía tây Thái Bình Dương, cũng là vùng mà Bắc Kinh đang nhòm ngó, theo ông Dupont.
Ông cho rằng tranh chấp giữa Trung Quốc và đồng minh lâu năm Philippines của Mỹ sẽ cho Washington một cơ hội để “tái củng cố mạng lưới đồng minh” trong khu vực.
Theo Xahoi
Vũ khí Trung Quốc "nhiễu loạn" khu vực Đông Nam Á
Cuối cùng Bắc Kinh (dù không phải "một sớm một chiều") cũng mở rộng thành công việc bán trang thiết bị vũ khí trên thị trường toàn cầu, bao gồm cả Đông Nam Á, và tạo ra các tác động đối với an ninh khu vực.
Những dự đoán về việc Trung Quốc trở thành một nước xuất khẩu lớn các hệ thống trang thiết bị vũ khí tiên tiến có lẽ vẫn là quá sớm. Bởi nước này còn phải đối mặt với những thách thức đáng kể trong việc đưa các sản phẩm cạnh tranh vào thị trường.
Tuy nhiên, có thể cuối cùng Bắc Kinh (dù không phải "một sớm một chiều") cũng mở rộng thành công việc bán trang thiết bị vũ khí trên thị trường toàn cầu, bao gồm cả Đông Nam Á, và tạo ra các tác động đối với an ninh khu vực.
Tháng 10/2013, một bài viết trên tờ New York Times (NYT) đã đánh dấu việc Trung Quốc trở thành một nước xuất khẩu lớn các hệ thống trang thiết bị vũ khí tiên tiến. Xưa nay, thị trường vũ khí toàn cầu vốn bị phối bởi một số ít các nhà cung cấp, chủ yếu là phương Tây: Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Đức...
Tuy nhiên, hiện Trung Quốc dường như đang tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ, với khả năng cung cấp các vũ khí ngày càng tinh vi theo mức giá rất hời. Theo NYT, danh mục vũ khí xuất khẩu của nước này bao gồm máy bay vũ trang, hệ thống phòng không có khả năng tương tự hệ thống Patriot, và có thể cả máy bay chiến đấu tàng hình.
Ảnh: Feng Li/Getty Images
Còn quá sớm để nói đến chiến thắng?
Những thành công của TQ trong vai trò một cường quốc xuất khẩu vũ khí là rất ấn tượng. Những năm gần đây, họ liên tục có mặt trong bảng xếp hạng 5 nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, với khoảng 2 tỷ USD mỗi năm từ các hợp đồng.
TQ cũng mở rộng thị trường ra ngoài các khách hàng truyền thống ở Nam Á và châu Phi, bắt đầu thâm nhập vào thị trường mới ở châu Mỹ La tinh và Trung Đông. Đặc biệt, trong những năm gần đây, TQ còn xuất khẩu vũ khí sang Venezuela, Bolivia, và thậm chí nước thành viên NATO Thổ Nhĩ Kỳ (chẳng hạn hợp đồng bán hệ thống tên lửa phòng không HQ-9, với giá trị lên đến 4 tỷ USD).
Tuy nhiên, có thể vẫn còn quá sớm để tuyên bố Trung Quốc là một người chơi lớn mới trên thị trường vũ khí toàn cầu. Vị thế nhà xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc vẫn rất mong manh, đặc biệt là đối với mặt hàng hệ thống vũ khí công nghệ cao như máy bay chiến đấu siêu âm, tàu ngầm và các vũ khí dẫn đường chính xác.
Trước tiên, với hầu hết những trang thiết bị vũ khí mà TQ bán, số khách hàng quan tâm chưa nhiều. Theo một thống kê, chỉ riêng hai nước Pakistan và Bangladesh đã chiếm gần một nửa trong tổng số lượng xuất khẩu vũ khí Trung Quốc năm 2012.
Ngoài ra, TQ không chắc chắn có thể giữ chân những khách hàng mới trong dài hạn. Vào những năm 1990 và 2000, Myanmar đã mua một lượng lớn vũ khí của Trung Quốc, nhưng những lần mua của nước này giảm dần những năm gần đây. Iran cũng từng là khách hàng lớn của Trung Quốc, nhưng họ hiện vẫn chưa lên kế hoạch đặt hàng mới với Bắc Kinh giai đoạn tới.
Hơn nữa, mặc dù Trung Quốc đã cung cấp một số ít các sản phẩm công nghệ cao mang tính cạnh tranh, như hệ thống phòng không HQ- 9, SAM hoặc tên lửa diệt hạm C- 802, song mặt hàng xuất khẩu chính của nước này vẫn là những vũ khí ở cấp độ khoa học công nghệ đơn giản. Một trong những sản phẩm bán được nhất của công nghiệp quốc phòng Trung Quốc là máy bay hạng nhẹ K-8, loại máy bay phù hợp chủ yếu cho các nước đang phát triển, thiếu tiền.
Nhiều sản phẩm trong số các hệ thống vũ khí công nghệ cao hơn của TQ, chẳng hạn máy bay chiến đấu J-10 và JF-17, đã giành được một số đơn đặt hàng nước ngoài. Tuy nhiên, chẳng hạn với JF-17, loại máy bay TQ hợp tác sản xuất với Pakistan cũng chỉ có khách hàng duy nhất là... Pakistan.
Cũng theo bài báo trên NYT, Algeria đã mua tàu hộ tống của Trung Quốc, nhưng lại trang bị radar và các trang thiết bị thông tin liên lạc của Pháp cho chúng. Khi nói đến hệ thống vũ khí tối tân, TQ vẫn còn một khoảng cách rất xa so với phương Tây.
ASEAN và thị phần cho vũ khí Trung Quốc?
Sự hiện diện ngày càng tăng của Bắc Kinh trên thị trường vũ khí toàn cầu có thể có tác động đến quyết định mua sắm trang thiết bị quân sự của các nước khu vực Đông Nam Á. Nhiều quốc gia ASEAN đã mua một số thiết bị vũ khí của Trung Quốc. Myanmar được coi là khách hàng lớn nhất của Trung Quốc ở Đông Nam Á, với các mặt hàng máy bay huấn luyện K-8, xe bọc thép, các tàu hộ tống và tàu khu trục trang bị tên lửa hành trình chống tàu.
Ngoài ra, Campuchia và Malaysia đã mua một số tên lửa SAM của Trung Quốc, Lào cũng đã máy bay trực thăng và máy bay vận tải hạng nhẹ, còn Timor-Leste mua tàu tuần tra nhỏ. Thái Lan gần đây đã mua hai tàu khu trục của Trung Quốc. Trong khi đó, Jakarta không chỉ mua tên lửa SAM và tên lửa hành trình chống tàu, mà còn tham gia một số liên doanh cùng với Bắc Kinh để giúp phát triển công nghệ tên lửa của Indonesia.
Các nước ASEAN dường như cảm thấy áp lực ngày càng đè nặng đối với việc mua vũ khí bổ sung từ Bắc Kinh. Và việc này có lẽ là để xoa dịu những ảnh hưởng tiêu cực ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực châu Á - cũng như để phòng vệ nếu Mỹ giảm sự hiện diện tại khu vực. Điều này cho thấy, một số nước Đông Nam Á mua vũ khí từ TQ, nhưng coi đó là quyết định mang tính chính trị hơn là xuất phát từ nhu cầu hay sự thiếu hụt về nguồn cung cấp trang thiết bị vũ khí. Và một số các quốc gia thành viên ASEAN, đặc biệt là Philippines, Singapore, và Việt Nam, có thể sẽ không bao giờ mua vũ khí của Trung Quốc.
Triển vọng tương lai
Mặc dù gặp nhiều hạn chế trong xuất khẩu trang thiết bị vũ khí tiên tiến, ngành công nghiệp quốc phòng TQ vẫn là các tổ chức năng động, liên tục bổ sung, khắc phục những năng lực còn yếu kém và tung ra những sản phẩm ngày càng cải tiến. Hiện nay, thị trường vũ khí công nghệ cao vẫn là mảnh đất màu mỡ cho những nhà cung cấp mới tạo ra những đột phá. Mặc dù thời gian tới, thị trường xuất khẩu của TQ vẫn còn nhỏ hẹp, nhưng điều này có thể thay đổi. Trung Quốc có nhiều sản phẩm mới để cạnh tranh trong thập kỷ tới, như máy bay chiến đấu tàng hình J -31...
Việc TQ dần nổi lên với tư cách một nhà sản xuất và xuất khẩu vũ khí lớn chắc chắn sẽ tạo ra một ý nghĩa rộng lớn hơn cho khu vực Đông Nam Á. Các nước có thể sẽ nhập về các hệ thống trang thiết bị vũ khí mới, với khả năng được cải tiến của Trung Quốc, và điều này có thể ảnh hưởng đến cán cân quân sự và an ninh khu vực. Bắc Kinh cũng có khả năng trở thành một nhà cung cấp thay thế các hệ thống vũ khí tiên tiến mà các nước phương Tây có thể còn miễn cưỡng xuất khẩu. Do đó, vũ khí Trung Quốc có khả năng phá vỡ sự cân bằng quân sự trong khu vực.
Ngoài ra, việc Bắc Kinh sẵn sàng bán tất cả các loại vũ khí có thể mang lại một kết quả không thể đoán trước được tại thị trường vũ khí ASEAN, thậm chí là một cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực này. Nhìn chung, khi Trung Quốc trở thành nhà cung cấp các loại vũ khí ngày càng tinh vi hơn, thì sẽ càng có nhiều điều cần nói đối với vấn đề an ninh khu vực.
Thảo Linh (theo Eurasiareview)
Theo_VietNamNet
TQ có đủ sức chiếm đảo Senkaku/Điếu Ngư? Chuyên gia quân sự phương Tây nhận định Trung Quốc có thể đạt được tham vọng chiếm những lãnh thổ tranh chấp trên biển Hoa Đông bằng tàu đổ bộ đệm khí lớp Zubr. Tờ Wen Wei Po (có trụ sở tại Hong Kong) tháng 7/2012 đã cho rằng Trung Quốc dự định sẽ chiếm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang được kiểm soát...