Cơ hội hạ nhiệt căng thẳng Mỹ – Trung Quốc
Hãng Reuters đưa tin cuộc hội đàm cấp cao về ngoại giao và an ninh Mỹ – Trung Quốc diễn ra tại thủ đô Washington, Mỹ ngày 9-11 (giờ địa phương).
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) và Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Dương Khiết Trì trong một cuộc gặp tại Bắc Kinh
Giới quan sát nhận định đây là cơ hội để các quan chức cấp cao đôi bên “nỗ lực đặt nền tảng cho mối quan hệ” trong bối cảnh căng thẳng giữa 2 nước vẫn chưa lắng dịu.
Thiên về chính trị, quân sự
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và Ngoại trưởng Mike Pompeo sẽ gặp gỡ Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Dương Khiết Trì và Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phương Hòa như một phần trong khuôn khổ thường niên nhằm thảo luận các vấn đề an ninh và chính trị. Lẽ ra cuộc gặp này đã diễn ra tại Bắc Kinh vào tháng 10 nhưng Trung Quốc đã hoãn lại sau khi Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một công ty Trung Quốc vì mua vũ khí từ Nga và Washington phê chuẩn thỏa thuận bán trang thiết bị quân sự trị giá 330 triệu USD cho lãnh thổ Đài Loan.
Cuộc gặp tại Washington diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm mà cả 2 lãnh đạo đều nhận định là “vô cùng tích cực” vào hôm 2-11. Tổng thống Donald Trump cho biết, cả 2 bên đã nhất trí gặp mặt trong Hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) dự kiến diễn ra vào cuối tháng này tại Argentina.
Ông Robert A. Manning, nhà nghiên cứu cấp cao thường trực tại Trung tâm Chiến lược và an ninh Scowcroft thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, cho rằng nội dung cuộc gặp tại Washington sẽ thiên về lĩnh vực chính trị và quân sự nhiều hơn. Thành phần quân sự cấu thành trong quan hệ Mỹ – Trung Quốc thực sự đang ở tình trạng tốt hơn so với hầu hết phần còn lại của quan hệ này. Tuy nhiên, có một thực tế là hoạt động của quân đội Mỹ, cả trên không lẫn trên biển, hiện ngày càng diễn ra ở cự ly gần hơn với quân đội Trung Quốc trên biển Hoa Đông, biển Đông.
Video đang HOT
Triều Tiên cũng là một vấn đề sẽ được đưa ra bàn thảo. Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Terry Branstad nhấn mạnh, Bắc Kinh “đóng vai trò quan trọng” trong hàng loạt vấn đề quốc tế, trong đó có việc đưa Triều Tiên trở lại các cuộc đàm phán. Ngoài ra, quan chức 2 bên được cho là sẽ thảo luận về dự định rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) của Mỹ. Điều này khiến Trung Quốc lo ngại có thể dẫn đến việc Mỹ triển khai các hệ thống tên lửa ở châu Á.
Kỳ vọng giải quyết bế tắc thương mại
Hôm 5-11, Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn cho biết, Trung Quốc sẵn sàng thảo luận với Mỹ về các vấn đề cùng quan tâm và làm việc để tìm ra một giải pháp cho vấn đề thương mại. Ông Robert A. Manning cho rằng, vấn đề thương mại cũng sẽ được đề cập trong cuộc hội đàm. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo rất quan tâm đến thương mại, nhất là tình trạng ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang cố gắng phát tín hiệu tới Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng đã sẵn sàng cho một thỏa thuận. Tuy nhiên, theo ông Robert A. Manning, không rõ Mỹ sẵn sàng thỏa hiệp đến mức độ nào. Tổng thống Donald Trump đã bác bỏ một thỏa thuận do Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và một thỏa thuận khác do Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross đề xuất. Một số cố vấn của ông Donald Trump còn muốn cắt đứt quan hệ kinh tế với Trung Quốc.
Thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chiếm khoảng 45% tổng thương mại toàn cầu. Việc cắt đứt quan hệ kinh tế với Trung Quốc, 1 nền kinh tế lớn của thế giới, là điều khó xảy ra. “Không ai, dù là các công ty của Mỹ hay Trung Quốc, muốn bị loại ra khỏi các thị trường lớn nhất thế giới. Tôi nghĩ ảnh hưởng của Mỹ thực sự đang gia tăng nhờ cách tiếp cận hung hăng của ông Donald Trump trong vấn đề thuế quan. Tôi nghĩ một thỏa thuận thương mại là điều có thể đạt được”, ông Manning nhận định.
ĐỖ CAO (tổng hợp)
Theo Laodong
Khi lá phiếu không có tên ông Donald Trump...
Trong những ngày căng thẳng trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ, người ta nhìn thấy ông Michael Gregoire đi bộ dọc một con đường ở TP Louisville, bang Kentucky, tay giơ tấm biển ghi dòng chữ "Đánh bại các ứng viên đảng Cộng hòa 2018" mỗi khi có xe cộ chạy qua.
"Sự tồn vong của đất nước sẽ phụ thuộc vào cuộc bầu cử sắp tới" - người đàn ông lớn tuổi ủng hộ đảng Dân chủ này nhấn mạnh khi có một người của đảng Cộng hòa dừng lại để tranh luận với ông.
Cuộc gặp giữa 2 người lạ mặt này nêu bật sự chia rẽ sâu sắc trong lòng nước Mỹ hiện nay. Cả hai người đều tin rằng cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ngày 6-11 thuộc số những sự kiện quan trọng nhất trong cuộc đời họ và họ phải hành động để ngăn đất nước rơi vào tay đối phương.
"Tôi đã bầu cho ông Donald Trump. Ông ấy không có tên trên lá phiếu bây giờ nhưng theo cách nào đó, ông ấy thực sự vẫn có tên trên đó" - ông Stuart Kanter, người dừng lại tranh luận với ông.Gregoire, khẳng định.
Ông Michael Gregoire giơ tấm bảng kêu gọi bỏ phiếu đánh bại đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Ảnh: AP
Tổng thống Donald Trump đang phủ bóng lên cuộc bầu cử được dự báo thu hút số lượng cử tri bỏ phiếu đông kỷ lục và sẽ quyết định xem đảng nào kiểm soát lưỡng viện quốc hội.
Với hai ông Gregoire và Kanter - cũng như nhiều cử tri khắp nước - cuộc bầu cử còn là cuộc trưng cầu ý dân về chính ông chủ Nhà Trắng và "nền văn hóa chính trị độc hại" có thể bị xem là nguyên nhân dẫn đến sự bế tắc tại quốc hội, làn sóng tội ác do thù hằn và các vụ tấn công mang động cơ chính trị xảy ra gần đây.
Những người ủng hộ nhiệt thành nhất vẫn đứng đằng sau ông Trump và dự định bỏ phiếu cho những ứng viên đảng Cộng hòa nào có thể giúp nhà lãnh đạo này thực hiện các cam kết của mình, như thực hiện các chính sách nhập cư cứng rắn hơn.
Cử tri Mỹ bỏ phiếu sớm tại TP Omaha, bang Nebraska hôm 2-11. Ảnh: AP
Bản thân ông Trump cũng tăng cường giọng điệu cứng rắn về vấn đề nhập cư trước thềm cuộc bầu cử, tập trung vào đoàn di dân Trung Mỹ đang hướng về phía biên giới nước này.
Ông Trump và những người ủng hộ gọi đây là "cuộc xâm lược" dù hàng ngàn người di cư nói trên vẫn còn cách xa vài trăm km. Bà Julie Hoeppner, một cử tri 67 tuổi tại bang Indiana đã bỏ phiếu cho các ứng viên đảng Cộng hòa và xem vấn đề nhập cư trái phép là nỗi lo hàng đầu của mình.
Bà Rose Cathleen Bagin , 77, đứng trước nhà ở khu Squirrel Hill ở TP Pittsburgh, bang Pennsylvania với tấm biển kêu gọi bỏ phiếu ủng hộ kiểm soát súng đạn. Ảnh: AP
Trong khi đó, tại TP Pittsburgh, bang Pennsylvania, một số cử tri xem quyết định bỏ phiếu của mình là một cách phát đi thông điệp rằng đất nước đang đi trên một con đường tăm tối và nguy hiểm. Địa phương này vừa chứng kiến vụ xả súng tại một giáo đường Do Thái ở khu Squirrel Hill khiến ít nhất 11 người thiệt mạng.
Cũng là một cư dân ở Squirrel Hill, bà Rose Cathleen Bagin, 77 tuổi, đã treo tấm biển trước hiên nhà với dòng chữ: "Hãy bỏ phiếu ủng hộ kiểm soát súng đạn". Bà cho biết mình không khỏi choáng váng mỗi khi thấy đám đông tại các cuộc tuần hành của ông Trump cổ vũ những lời lẽ gây chia rẽ của ông.
"Tôi cảm thấy hoảng sợ. Chúng ta đang đi về một nơi mà tôi không sao hiểu được" - bà Bagin nhận định và cho biết sẽ bỏ phiếu cho ứng viên đảng Dân chủ.
Theo P.Võ
Người Lao Động
Ông Obama liên hoàn công kích ông Trump hòng lật ngược thế cờ bầu cử Cựu Tổng thống Barack Obama và đương kim Tổng thống Donald Trump tranh thủ ngày vận động cuối cùng hôm 5.11 để lôi kéo cử tri cho 2 Đảng Dân chủ và Cộng hòa tranh giành quyền kiểm soát Thượng viện và Hạ viện trong bầu cử giữa kỳ Mỹ. Ông Donald Trump và Barack Obama ráo riết vận động cho bầu cử...