Cố hâm nóng quan hệ nhưng Nga cũng hết chịu nổi vì TQ ‘nhái’ vũ khí
Sự trỗi dậy của Bắc Kinh với tư cách là một nhà xuất khẩu vũ khí lớn là “con dao hai lưỡi” đối với Moscow.
Trong một màn công kích công khai hiếm thấy giữa Moscow và Bắc Kinh, tập đoàn quốc phòng Nga Rostec đã cáo buộc Trung Quốc sao chép bất hợp pháp hàng loạt vũ khí của Nga và một số thiết bị quân sự khác.
Cái giá không thể tránh khỏi khi “chơi” với Trung Quốc
“Việc nước ngoài sao chép trái phép các thiết bị của chúng tôi là một vấn đề lớn. Đã có 500 trường hợp như vậy trong 17 năm qua”, Yevgeny Livadny, giám đốc các dự án sở hữu trí tuệ của Rostec phát biểu ngày 14/12. “Chỉ riêng Trung Quốc đã ‘đạo nhái’ động cơ máy bay, máy bay Sukhoi, máy bay phản lực, hệ thống phòng không, tên lửa phòng không vác vai và các thiết bị tương tự của hệ thống không đối đất tầm trung Pantsir”.
Trung Quốc đã mua 24 máy bay chiến đấu Su-35 của Nga trong năm 2015.
Moscow coi hành vi trộm cắp công nghệ của
Bắc Kinh chỉ là một cái giá không thể tránh khỏi khi buôn bán với nước láng giềng phía nam. Ảnh: Getty Image.
Cáo buộc của Rostec về hành vi sao chép của Trung Quốc xuất hiện vào thời điểm việc buôn bán vũ khí giữa hai nước đang phát triển mạnh. Theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, Nga là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Trung Quốc từ năm 2014 đến 2018, chiếm 70% lượng vũ khí nhập khẩu của Bắc Kinh.
Ngay cả vũ khí tối tân nhất của Nga cũng không nằm ngoài giới hạn. Moscow đã bán những vũ khí tối tân nhất chế tạo được gồm sáu trong số các hệ thống phòng không S-400 và 24 máy bay chiến đấu Su-35 cho Trung Quốc vào năm 2015 với giá 5 tỷ USD.
Video đang HOT
Dù Moscow lên án Bắc Kinh ăn cắp công nghệ, xuất khẩu vũ khí của Nga sang Trung Quốc vẫn không có dấu hiệu giảm nhiệt. Các chuyên gia cho biết những lợi ích địa chính trị và kinh tế đã khiến Nga vẫn “lờ đi” hành vi sao chép của Trung Quốc.
“Thật tệ khi có người sao chép vũ khí của bạn khi không được cho phép”, Andrei Frolov, Tổng biên tập tạp chí Arms Exports nói, “Nhưng công bằng mà nói, vì Nga vẫn phải tiếp tục hợp tác về quân sự với Trung Quốc, nên điều này trở nên không quá quan trọng [đối với Nga]“.
Trung Quốc từ lâu đã sao chép nhiều vũ khí của Nga. Trong những năm 1990, Trung Quốc đã mua các máy bay chiến đấu Su-27 và hệ thống tên lửa S-300 nổi tiếng của Nga làm mẫu để phát triển máy bay chiến đấu J-11 và tên lửa đất đối không HQ-9 của riêng mình.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Nga là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Trung Quốc từ năm 2014 đến 2018, chiếm 70% lượng nhập khẩu vũ khí của Bắc Kinh trong thời gian đó. Ảnh: Getty Image.Cố gắng ngăn chặn
Nga đã áp dụng một số biện pháp để ngăn chặn việc sao chép vũ khí. Ví dụ như yêu cầu Trung Quốc phải mua vũ khí với số lượng lớn thay vì chỉ mua một vài mẫu – một dấu hiệu của việc mua mẫu là để sao chép. Nga đưa vào các điều khoản cam kết chống trộm cắp thiết kế trong các hợp đồng bán vũ khí và thậm chí đã cố gắng lấy tiền bản quyền từ các bản sao vũ khí Nga của Trung Quốc. Tuy nhiên, những biện pháp này không thực sự hiệu quả.
Mối bức xúc của Nga đối với sự sao chép của Trung Quốc đã phần nào làm sụt giảm doanh số bán vũ khí giữa hai nước vào giữa những năm 2000. Trung Quốc chiếm 60% doanh số vũ khí xuất khẩu của Nga năm 2005 nhưng con số này đã giảm xuống còn 8,7% vào năm 2012.
Chỉ sau cuộc khủng hoảng Ukraine năm 2014 khi Nga bắt đầu quay sang Trung Quốc do bị phương Tây “ghẻ lạnh”, thì việc buôn bán vũ khí và hợp tác quân sự giữa Moscow và Bắc Kinh mới sôi động lại.
Hiện nay, Nga đã chấp nhận hành động sao chép công nghệ của Trung Quốc là cái giá không thể tránh khỏi khi làm ăn với người hàng xóm phía nam – Vasily Kashin, một nghiên cứu viên chủ chốt tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, giải thích.
“Trộm cắp công nghệ là một vấn đề chung đối với tất cả các công ty làm ăn với Trung Quốc, nhưng chẳng có vụ sao chép nào đủ nghiêm trọng để khiến họ quay lưng lại với Trung Quốc, vốn là thị trường giá trị nhất thế giới”, ông nói.
Ông Kashin cho biết thêm Nga thậm chí còn không cảm thấy bị đe doạ bởi sự “đạo nhái” của Trung Quốc bởi ngay cả khi Bắc Kinh sao chép thành công, Moscow vẫn sẽ giữ được lợi thế công nghệ.
“Không thể sao chép một số công nghệ trong một khoảng thời gian nhất định”, ông Kashin nói. “Sao chép công nghệ cũ mất nhiều thời gian ngang với phát triển công nghệ mới. Lấy tiền của Trung Quốc để tiếp tục đầu tư nghiên cứu phát triển và cứ để người Trung Quốc làm bất cứ điều gì họ muốn, như vậy dễ dàng hơn”.
Quan hệ đối tác địa chính trị Moscow – Bắc Kinh đang phát triển cũng làm giảm mối lo ngại của Nga về những rủi ro từ phía Trung Quốc.
“Trung Quốc, trong việc xây dựng quân đội, liên tục cắt giảm lực lượng mặt đất nhưng lại củng cố hải quân của họ. Điều đó cho thấy ý định của họ đang nhắm vào Mỹ và các đồng minh”, ông Kashin nói.
Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề khác. Trung Quốc bắt đầu nổi lên như một nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhờ hàng thập kỷ chi tiêu “mạnh tay” cho quân sự và sao chép công nghệ nước ngoài, đã trở thành một “cơn khủng hoảng” nhưng cũng là cơ hội đối với Nga, theo ông Frolov của hãng Arms Exports.
“Một mặt, Nga lo ngại Trung Quốc sẽ dần dần đẩy Nga ra khỏi thị trường vũ khí truyền thống của mình”, ông nói. “Nhưng mặt khác, Trung Quốc có tiền và mong muốn hợp tác, vì vậy đây có thể là cơ hội để Nga phát triển nhờ có tiền và công nghệ của Trung Quốc”.
Một thách thức khác đối với Moscow là làm sao để giữ chân Trung Quốc như một đối tác buôn bán vũ khí, theo ông Vadim Kozyulin, Giám đốc Dự án an ninh châu Á tại Trung tâm PIR. Một số tổ hợp công nghiệp quân sự của Trung Quốc đã vượt qua Nga trong một số lĩnh vực.
“Ngày càng khó khăn hơn để cung cấp cho Trung Quốc bất cứ điều gì mới, vì vậy chính sách của Nga là chuyển từ bán vũ khí sang phát triển chung”, ông nói. “Tôi không biết mô hình mới này sẽ thu hút sự chú ý của Trung Quốc đến mức độ nào, vì họ thích tự sản xuất mọi thứ và chỉ nhập khẩu công nghệ từ nước ngoài. Nhưng Nga sẽ cố gắng tìm kiếm lợi ích chung và sự hiểu biết lẫn nhau”.
Theo news.zing.vn
Nga 'nóng mắt' vì bị Trung Quốc sao chép trắng trợn hàng loạt khí tài
Quan chức tập đoàn quốc phòng Rostech của Nga cáo buộc Trung Quốc sao chép hàng loạt vũ khí của nước này từ máy bay, động cơ cho tới hệ thống phòng thủ.
"Sao chép trái phép khí tài Nga ở nước ngoài là một vấn đề nghiêm trọng. Nga ghi nhận 500 trường hợp như vậy trong 17 năm qua. Riêng Trung Quốc sao chép động cơ máy bay, máy bay Sukhoi, các hệ thống phòng thủ, hệ thống phòng không, tên lửa vác vai, hệ thống analogue của tổ hợp tên lửa phòng không tầm tầm trung Pantsir", Yevgeny Livadny, trưởng bộ phận phụ trách sở hữu trí tuệ của Tập đoàn quốc phòng Rostech của Nga nói trong cuộc phỏng vấn với Tass.
Hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 của Trung Quốc có nhiều tương đồng với hệ thống S-300 của Nga (trái).
Ông này cho biết các nhóm chuyên gia Nga làm việc ở nước ngoài thường xuyên phát hiện ra các vụ sao chép bất hợp pháp như vậy nhưng không thể đưa vụ việc ra trước tòa vì nhiều khí tài của Nga không đăng kí bằng sáng chế ở nước ngoài.
"Các công ty nước ngoài như Raytheon hay BAE Systems có 5.000 bằng sáng chế ở nước ngoài. Họ đăng ký tài sản sở hữu trí tuệ, do đó sẽ ít có rủi ro. Trong khi đó, cả Bộ Quốc phòng hay các công ty doanh nghiệp quốc phòng Nga đều không đăng ký bằng sáng chế ở nước ngoài", ông Livadny cho biết.
Hồi tháng 10, công ty xuất khẩu vũ khí quốc doanh Rosoboronexport của Nga tuyên bố thành lập một nhóm tư vấn bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong khuôn khổ hợp tác kỹ thuật quân sự với các nước khác. Nhóm này bao gồm các quan chức của Bộ Quốc phòng Nga và các tập đoàn vụ khí hàng đầu của Nga như Rostech và Rosatom.
(Nguồn: Tass)
SONG HY
Theo vtc.vn
Nga Mỹ 'đá xoáy' Trung Quốc về vi phạm chủ quyền, sao chép vũ khí Trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chỉ trích Trung Quốc làm xói mòn luật pháp quốc tế và xâm phạm chủ quyền của các nước nhỏ hơn thì Nga cũng cáo buộc Trung Quốc sao chép nhiều loại vũ khí của Moscow. Theo ông, Trung Quốc đang hiện đại hóa nhanh chóng các lực lượng vũ trang, nâng cao năng lực của...