Co giật, suýt mù mắt vì tiêm filler nâng mũi tại spa người quen, bác sĩ cảnh báo những hệ lụy tiêm filler “dạo”
Một người phụ nữ ở Hà Nội bị co giật, suýt mù mắt trái sau khi tiêm filler nâng mũi tại spa của người quen.
PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức ngày 12/4 cho biết, cách đây 10 ngày, bệnh viện tiếp nhận bà N.T.B., 47 tuổi, trú huyện Chương Mỹ, Hà Nội trong tình trạng biến chứng sau tiêm filler làm đẹp.
Bà B. kể lại, khoảng 10h sáng 2/4 đến một spa của người quen để tiêm filler nâng mũi. Sau tiêm 10-15 phút, bà bị nóng đầu, chóng mặt, co giật, mắt trái mất dần thị lực.
Nhân viên spa dừng nắn mũi, chuyền thuốc giải và chuyển người bệnh đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sau 4 tiếng. Các bác sĩ nhận định đây là ca cấp cứu nghiêm trọng, vì bệnh nhân đã mất thị lực toàn bộ mắt trái và xung huyết, có dấu hiệu đau đầu và co giật.
PGS.TS Nguyễn Hồng Hà cho hay, co giật là phản ứng gây co mạch để bảo vệ cơ thể. Rất may, bệnh nhân không bị liệt và não không bị tổn thương nặng.
“Mắt bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây liệt toàn bộ và sụp mí, có hiện tượng tím đen dọc vùng trán và mũi”, bác sĩ Hà nói.
PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức
PGS.TS Nguyễn Hồng Hà đánh giá phim chụp não và mắt của bệnh nhân
Để cấp cứu tối khẩn cấp, bệnh viện đã huy động đội ngũ bác sĩ tạo hình, bác sĩ chuyên chống đột quỵ, bác sĩ thông tắc mạnh, mời bác sĩ từ Bệnh viện Mắt Trung ương sang hỗ trợ điều trị, chuẩn bị phương tiện hồi sức cấp cứu để thông mạch sớm nhất.
Video đang HOT
Sau khi làm các xét nghiệm rà soát tổng thể, người bệnh được xác định liệt toàn bộ vùng mắt trái, mất hoàn toàn thị lực. Bác sĩ đã tiêm ngay thuốc giải vào vùng hậu nhãn cầu, song song cho bệnh nhân thở oxy dòng cao, tiêm thuốc giảm áp suất trong não và mắt, chuyền các chất giảm áp vào mắt.
Sau khi loại trừ được các rối loạn đông máu, tổn thương não, bệnh nhân được can thiệp mạch để tiêm chính xác thuốc giải vào động mạch tắc, dùng thuốc chống huyết khối xen kẽ, tránh tái tắc mạch, đồng thời dò liều rất tỉ mỉ.
Sau cấp cứu, bệnh nhân được chuyển về khoa lâm sàng, thở oxy dòng cao kết hợp kháng sinh liều cao, tiếp tục theo dõi và điều trị chống phù nề não, tắc mạch.
Đến ngày 12/4, bệnh nhân tỉnh táo, giao tiếp được, thi thoảng đau đầu. Da vùng trán từ tím và thâm đen bắt đầu chuyển trắng, chỉ còn các chấm vùng nhỏ. Mắt giảm phù nề, dấu hiệu hoại tử đã dừng lại, không lan rộng.
“Mắt trái đã bắt đầu cảm nhận được ánh sáng. Đây là một trong những ca bệnh hiếm hoi được điều trị kịp thời”, bác sĩ Hà thông tin.
Bác sĩ Hà khám thị lực cho bệnh nhân sáng 12/4
Sau 10 ngày, mắt trái của bệnh nhân đã bắt đầu cảm nhận được ánh sáng
PGS.TS Nguyễn Hồng Hà khuyến cáo, người dân nên tiêm filler (chất làm đầy) tại các bệnh viện, cơ sở thẩm mỹ uy tín, được cấp phép, với đội ngũ y bác sĩ được đào tạo, có kinh nghiệm.
Người không được đào tạo thường cố gắng “tống” cả một xilanh filler vào thật nhanh. Do không học giải phẫu, họ dễ tiêm luôn chất này vào lòng động mạch ở mũi. Do bị tiêm nhanh và mạnh quá mức, chất filler theo mạch máu thông từ mũi trào ngược vào trong sọ, rồi bị đẩy lên động mạch mắt và làm tắc động mạch mắt.
Nếu không được can thiệp thông tắc mạch nhanh chóng và đúng cách, bệnh nhân bị mù vĩnh viễn, thậm chí liệt nửa người, không còn tỉnh táo. Các biện pháp can thiệp trước đây chỉ là tiêm thuốc giải vào vùng da hoặc tổ chức ngoại vi xung quanh ổ mắt, kết quả rất hạn chế.
Theo bác sĩ Hà, thời gian này, bệnh viện thường tiếp nhận nhiều bệnh nhân tai biến do tiêm filler, nhiễm trùng sau mổ hoặc chảy máu phẫu thuật nâng ngực, nâng mông. Nhiều cơ sở “tiêm lậu” có xu hướng “nở rộ”. Bệnh nhân già hóa (độ tuổi 45 – 50) tin lời quảng cáo và tìm đến các spa, tiệm cắt tóc để “tiêm dạo”.
Bác sĩ Hà cũng khuyến cáo trong trường hợp không may xảy ra tai biến khi làm đẹp, cần cố gắng đưa bệnh nhân đến bệnh viện có chuyên khoa phối hợp để được cấp cứu đa chuyên khoa trong thời gian sớm nhất có thể.
Tiêm filler nâng mũi ở spa, một phụ nữ ở TP.HCM bị biến chứng hoại tử
Do mũi thấp nên cách đây 3 ngày chị L được người quen giới thiệu đến một cơ sở spa ở quận Bình Tân để tiêm filler nâng mũi.
Tuy nhiên, sau đó, vùng da mũi của chị L bắt đầu đỏ nhiều, nổi mủ trắng.
Sáng 24/12, Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho biết đơn vị này vừa tiếp nhận và điều trị một trường hợp tai biến do tiêm chất làm đầy (hay còn gọi là filler) để nâng mũi.
Vùng da mũi của chị L. sau khi tiêm filler nâng mũi ở spa bị đỏ nhiều, nổi mủ trắng. Ảnh: BVCC
Bệnh nhân nữ N.T.K.L., 30 tuổi ngụ tại quận Bình Tân đến khám tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM trong tình trạng vùng mũi, miệng bầm tím, vùng nhân trung và môi phù nề, trên mũi xuất hiện các nốt có mủ, đóng màu vàng, bệnh nhân không sốt, than đau, ăn uống kém...
Bệnh nhân cho biết, do mũi thấp nên cách đây 3 ngày chị được người quen giới thiệu đến một cơ sở spa ở quận Bình Tân để tiêm filler nâng mũi. Tại đây chị L.được chủ spa tư vấn tiêm 2cc filler Hàn Quốc với giá 1.200.000đ/1cc. Tổng cộng chị L tiêm 2cc filler với giá 2.400.000đ.
Theo lời chị L., sau khi thỏa thuận xong chi phí, nhân viên spa đã sử dụng một ống tiêm gắn kim dài và tiêm vào vùng mũi của chị.
Trong quá trình tiêm, chị L. thấy tê vùng miệng nên báo cho người thực hiện nhưng người này nói "bình thường" và tiếp tục tiêm. Khoảng vài giờ sau tiêm, vùng miệng chị L. sưng, bầm đỏ, cảm giác đau, tê...chị L. liên hệ lại spa nhưng chủ spa báo đây là "biểu hiện bình thường sẽ hết sau vài ngày".
Tuy nhiên 2-3 ngày sau, vùng da mũi của chị L. bắt đầu đỏ nhiều, nổi mủ trắng. Chị L. liên hệ lại spa và được giải thích "da đang đào thải độc tố" và sau đó, do quá lo lắng, chị L. đến trực tiếp spa và được tiêm thuốc giải nhưng tình trạng vẫn không cải thiện, da đỏ và mụn mủ nổi nhiều hơn. Lo lắng, chị L. quyết định đến Bệnh viện Da liễu TP.HCM để được thăm khám.
TS.BS Trần Nguyên Ánh Tú - Phó trưởng khoa Thẩm mỹ da - Bệnh viện Da liễu TP.HCM sau khi thăm khám cho biết, chị L. đang có biểu hiện của tình trạng hoại tử da vùng mũi do tiêm chất làm đầy. Nguyên nhân có thể do tắc mạch khi tiêm một lượng filler khá lớn (2cc) vào vùng mũi cùng một thời điểm gây chèn ép mạch máu hoặc tiêm không đúng kỹ thuật dẫn đến việc chất làm đầy đi vào lòng mạch gây thuyên tắc. Đó là chưa kể đến việc nếu không tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc vô trùng, cũng như chất lượng sản phẩm filler không đảm bảo cũng sẽ làm nặng thêm biến chứng.
Bệnh nhân sau đó được chỉ định điều trị bằng thuốc kháng sinh, kháng viêm và chăm sóc vết thương hàng ngày. Sau 1 tuần, tình trạng hoại tử da cải thiện đáng kể. Tuy nhiên khi da lành để lại vết sẹo trên mũi, đỏ và hơi lõm.
Sau 1 tuần, tình trạng hoại tử da của chị L. cải thiện đáng kể. Ảnh: BVCC
Theo TS.BS Trần Nguyên Ánh Tú, tiêm chất làm đầy ở vùng mũi là một kỹ thuật khó, đòi hỏi người thực hiện phải là bác sĩ được đào tạo bài bản, có nhiều kinh nghiệm về tiêm chất làm đầy để tránh gây tai biến như tắc mạch, hoại tử da, loét da...
"Để tiêm chất làm đầy vùng mũi an toàn hơn, tốt nhất nên sử dụng cannula hơn kim, nhất là đối với những bác sĩ mới thực hiện kỹ thuật tiêm chất làm đầy, chưa có nhiều kinh nghiệm. Với bệnh nhân này, trong quá trình tiêm, bệnh nhân đã báo bị tê vùng miệng nhưng người thực hiện không nhận ra đây là dấu hiệu chèn ép mạch máu mà tiếp tục tiêm nên dẫn đến tình trạng tai biến càng trầm trọng hơn, gây hoại tử da, có thể sẽ để lại sẹo xấu sau đó, gây khó khăn cho việc phục hồi về sau" TS. BS Trần Nguyên Ánh Tú nói.
Trước đó, Đơn vị Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ - Bệnh viện Da liễu TP.HCM cũng tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nữ ở TP Vũng Tàu nhập viện trong tình trạng vùng thái dương sưng to, bầm tím, chảy dịch do tiêm filler để làm đầy vùng hóp ở thái dương, tạo khuôn mặt trẻ trung, cân đối. Sau tiêm, vùng thái dương của bệnh nhân bị sưng to, xuất hiện lỗ dò, chảy dịch.
Tại Đơn vị Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ - Bệnh viện Da liễu TP.HCM, bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm trùng, áp xe. Nguyên nhân có thể do filler là hàng trôi nổi, không đảm bảo chất lượng. Cũng có thể do quá trình thực hiện kỹ thuật tiêm không được đảm bảo vô khuẩn tuyệt đối.
Được biết, trung bình mỗi tháng Bệnh viện Da liễu TP.HCM tiếp nhận vài trường hợp tai biến do tiêm chất làm đầy. Nhiều trường hợp tai biến nặng phải phẫu thuật để lấy hết filler ra, chi phí khá tốn kém và mất nhiều thời gian để phục hồi. Di chứng sau phẫu thuật có thể tạo sẹo xấu và mất mô da gây ảnh hưởng thẩm mỹ.
Theo các bác sĩ, trong vài năm trở lại đây, filler được sử dụng phổ biến trong chuyên ngành da liễu, thẩm mỹ. Nó giúp làm đầy các rãnh nhăn sâu vùng mặt, nâng mũi, hõm má, hõm thái dương, rãnh mũi má, tạo hình cằm, tạo hình môi, tạo khuôn mặt V-line...
Tuy nhiên theo quy định của Bộ Y tế, người tiêm chất làm đầy bắt buộc phải là bác sĩ chuyên ngành da liễu, tạo hình thẩm mỹ, được đào tạo bài bản về tiêm chất làm đầy và cơ sở thực hiện tiêm chất làm đầy phải được sự cho phép của các cơ quan có thẩm quyền. Nếu tiêm sai kỹ thuật, sử dụng filler không rõ nguồn gốc và chất lượng... sẽ gây hậu quả nghiêm trọng.
Cô gái 25 tuổi bị đứt sâu ở cổ, hoại tử nặng sau khi tiêm thuốc tan mỡ, BS cho biết chỉ cần sơ suất nhỏ cũng có thể tử vong ngay trên bàn mổ Cô gái trẻ bị hoại tử nặng toàn bộ vùng má, cằm, nặng nhất là vùng cổ. Vết thương sâu và dài, gần quai động mạch chủ nên việc mổ nạo hút áp xe gặp rất nhiều khó khăn. Đó là trường hợp của chị T. (25 tuổi), người đã trải qua 4 tháng kinh hoàng, kể từ ngày tiêm chất tan mỡ...