Cô giáo nức nở xin lỗi học sinh đã mất
Sở GD&ĐT đề nghị các trường và giáo viên phải lưu ý những em có tiền sử bệnh án, có cách tiếp cận và giảng dạy phù hợp hơn.
Ngày 9/1, cơ quan điều tra Công an quận Tân Phú cho biết có tiếp nhận về vụ việc học sinh LTPH, lớp 6/7 Trường THCS Phan Bội Châu (quận Tân Phú, TP HCM) tử vong tại lớp. Theo phía công an, nguyên nhân cháu bé tử vong là lý do bệnh lý (bệnh động kinh), không có dấu hiệu án mạng. Phía gia đình cháu bé cũng không có yêu cầu cơ quan công an xử lý gì và các bên tự giải quyết riêng với nhau.
Dùng hình phạt với trẻ động kinh
Ông Tạ Tân, Trưởng phòng GD&ĐT quận Tân Phú, cho biết ông đang chờ nhà trường báo cáo cụ thể sự việc. Thông tin ban đầu ông Tân ghi nhận từ phía nhà trường và gia đình là cô V. có dùng thước đánh H. khi cháu không thuộc bài và nói chuyện trong lớp. Cô bắt H. nằm úp lên bàn, dùng thước kẻ đánh vào mông. Các bạn trong lớp có nói là H. bị bệnh nhưng cô V. vẫn đánh. Vì quá sợ, H. lên cơn động kinh, khó thở, mắt trợn lên và tiểu ra quần. Thấy vậy, cô V. kêu các học sinh khác lên đỡ H. xuống bàn nhưng vì các bạn không đủ sức đỡ nên làm H. té xuống đất bị trầy vùng mũi và miệng. Sau đó, cô V. chạy nhờ mọi người đưa đi cấp cứu nhưng không kịp.
Theo thông tin từ phía gia đình, bé H. bị bệnh động kinh từ nhỏ và đã được lưu vào hồ sơ của nhà trường. Gia đình khá bất ngờ trước sự ra đi đột ngột này vì cháu bị động kinh từ nhỏ nhưng hai năm nay rất ít tái phát. Lần nào có dấu hiệu tái phát thì sau đó cháu điện thoại cho gia đình đến đón về ngay.
Cô giáo V. đến thắp nhang học trò và khóc nức nở. Ảnh: Thanh Niên online.
Nói về vấn đề này, ông Tạ Tân cho biết ngay sau khi sự việc xảy ra, nhà trường đã tạm đình chỉ công tác của cô V. và thay thế giáo viên giảng dạy để không làm ảnh hưởng đến lớp học.
“Phòng cũng đã báo cáo tình hình cụ thể cho lãnh đạo quận để có hướng xử lý. Đây là sự việc rất đau lòng, phòng rút kinh nghiệm sâu sắc. Phòng và nhà trường cũng đang phối hợp với công an để tìm hiểu rõ, nếu có sai sót sẽ xử lý nghiêm và rút kinh nghiệm nghiêm túc trong toàn quận” – ông Tân nhấn mạnh.
Chiều 9/1, cô V. đã đến nhà thắp nhang cho cháu H. rồi nghẹn ngào nói lời xin lỗi trong nước mắt: “Xin lỗi con. Xin lỗi gia đình…!”. Ông nội của cháu H. đã khoác áo cho, lau nước mắt và khuyên cô giáo yên tâm ra về. Ông K., cậu của cháu H. cho biết: “Cháu H. rất hiền và ngoan, giờ gia đình chỉ muốn cháu yên nghỉ chứ không làm to chuyện. Gia đình cũng báo với công an rằng không muốn điều tra nữa. Cô còn trẻ nên gia đình không muốn làm ảnh hưởng đến tương lai và công việc của cô”.
Video đang HOT
Giáo viên phải lưu ý với các trẻ có bệnh
Chiều 9/1, ông Nguyễn Minh, Trưởng phòng Công tác học sinh – sinh viên của Sở GD&ĐT TP HCM, cho biết Sở đã nắm thông tin đầy đủ từ Phòng GD&ĐT quận Tân Phú và đang chờ văn bản báo cáo chính thức. Sở cũng đã chỉ đạo phòng và trường trước mắt cùng với gia đình tập trung lo hậu sự cho bé, trấn an gia đình vì sự cố đáng tiếc này. Sau đó, phía phòng, nhà trường phải trực tiếp tìm hiểu, phối hợp với cơ quan công an làm rõ để có hướng xử lý phù hợp.
Cũng theo ông Minh, hằng năm Sở đều có tập huấn đầy đủ đến các trường và giáo viên những nội dung liên quan đến y tế học đường, trong đó lồng ghép nhiều nội dung về các vấn đề đặc biệt đối với những trẻ có vấn đề về thần kinh, tâm lý, trẻ hòa nhập… Từ đó, giúp giáo viên có thêm kiến thức, kỹ năng, phương pháp sư phạm trong quá trình giảng dạy với nhiều đối tượng học sinh. Trong các cuộc họp giao ban, Sở cũng thường xuyên lưu ý các trường liên quan đến sức khỏe của các em. Đây là cơ sở để các trường nắm tình hình và có những lưu ý đối với những bé có các bệnh đặc biệt hoặc tiền sử bệnh án liên quan để lưu vào hồ sơ và nhắc nhở giáo viên có phụ trách các bé đó như miễn thể dục thể thao, cách kỷ luật học sinh… Ngoài ra, Sở cũng đã triển khai trang bị và tuyển dụng được nhiều cán bộ y tế trường học theo đề án do UBND phê duyệt để các trường thực hiện tốt.
Động kinh không thể làm bệnh nhân chết
Động kinh được kích động bởi những stress, xúc động, do vậy không được làm gì cho bệnh nhân stress. Động kinh không thể làm bệnh nhân chết mà bệnh nhân chết là do té ngã, ngạt nước, sặc… Do vậy, cách đề phòng là tránh cho trẻ bị lên cơn co giật rồi té xuống ao, sông chết ngạt, té đập xuống đường gây chấn thương sọ não hoặc vắt chanh vào miệng bệnh nhân khiến nước chanh chảy vào phổi gây sặc.
Nguyên nhân gây nên động kinh có thể do tự phát bẩm sinh hay tật trong não. Theo nguyên tắc, đứa trẻ động kinh phải được dạy về mối nguy cơ. Tốt nhất là đeo biển cho trẻ hoặc báo cho người tiếp xúc với trẻ được biết. Nếu đi học thì người nhà báo cho cô giáo, nếu đi sinh hoạt, dã ngoại thì phải báo cho cả nhóm biết.
Về cấp cứu, khi bệnh nhân động kinh thì phải lật nghiêng qua một bên (bên trái) cho đàm chảy ra, không vắt bất cứ gì vào miệng bệnh nhân. Nếu nhét vật gì đó vào miệng cho bệnh nhân đừng cắn răng, lưỡi thì phải nhét vật mềm. Khi bị kích động trẻ có thể lên cơn co giật, mỗi cơn co giật sẽ diễn ra từ 30 giây đến một phút, sau đó là té đái và lăn ra ngủ một giấc dài rồi tỉnh táo.
Về điều trị, nếu bệnh nhân uống thuốc tốt thì nhiều năm sẽ không bị co giật, nếu uống thuốc không tốt thì sẽ bị co giật hằng ngày, tuần hoặc tháng.
BS TRƯƠNG HỮU KHANH, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, BV Nhi đồng 1
Sự việc xảy ra ở Tân Phú có thể do giáo viên quá trẻ, nóng vội, thiếu kinh nghiệm xử lý tình huống nên làm nghiêm trọng sự việc hơn. Đây sẽ là kinh nghiệm sâu sắc đối với các trường và giáo viên nói chung trong quá trình giảng dạy. Sau khi lo hậu sự cho bé ổn thỏa, Sở đề nghị phòng sẽ có những biện pháp chỉ đạo các trường và giáo viên phải lưu ý những em có tiền sử bệnh án, trao đổi với các giáo viên bộ môn để có cách tiếp cận và giảng dạy phù hợp hơn.
Theo_Kiến Thức
Gia đình học sinh lớp 6 tử vong nói gì?
- Liên quan đến việc học sinh P.H lớp 6/7, Trường THCS Phan Bội Châu (Tân Phú, TP.HCM) bị tử vong sau khi cô giáo đánh vào mông trước đó, gia đình cho biết P.H có tiền sử bị động kinh từ nhỏ.
Sáng 9/1, tại căn nhà nhỏ của em L.T.P.H nằm trên đường Liên khu 8-9, phường Bình Hưng Hòa A, Bình Tân những người thân của em H đôi mắt đỏ hoe, gương mặt thẫn thờ khi đứa con, đứa cháu nhỏ của họ vừa đón sinh nhật tuổi 12 tuổi trước đó vài ngày đã vĩnh viễn ra đi...
Tiếp chúng tôi là ông T.Đ.Khải - cậu của bé P.H. Ông Khải cho biết, ông không phải là người trực tiếp chứng kiến sự việc xảy ra từ đầu đến cuối nhưng nghe bố mẹ cháu H kể.
Em P.H lớp 6/7 bị tử vong sau khi cô giáo đánh vào mông (Ảnh: Facebook)
Khoảng hơn 5 giờ chiều ngày 6/1 gia đình nhận được điện thoại của trường nói H bị ngất xỉu và đã được đưa xuống phòng y tế trường nên yêu cầu bố mẹ cháu lên trường. Sau đó cháu H được đưa qua trung tâm cấp cứu gần nhất nhưng bác sĩ tại đây không đo được nhịp tim, huyết áp và thấy không khả quan nên chuyển cháu qua cấp cứu tiếp tại Bệnh viện quận Tân Phú.
"Khi bố mẹ cháu báo, tôi chạy thẳng đến bệnh viện quận Tân Phú thì thấy bác sĩ đang nhồi tim, cấp cứu cho cháu H. Tôi có đề xuất muốn trợ giúp bác sĩ nhưng không được. Sau đó bác sĩ cho biết H đã tử vong trước khi đưa vào."
H. bị bệnh động kinh từ nhỏ
Ông Khải cũng cho biết thêm, sau đó gia đình có tìm hiểu và nghe được thông tin từ nhiều luồng khác nhau. Trong đó có thông tin hỏi từ bạn bè trong lớp 6/7 của H cho hay, do H không thuộc bài nên cô giáo dạy môn Công nghệ kêu lên bảng để phạt nhưng cô chưa phạt thì H đã xỉu.
Nhưng một số bạn học khác của H lại cho biết, khi gọi lên bảng, H không thuộc bài nên cô giáo đã dùng thước đánh vào mông, sau đó H xỉu trên bục giảng. Tưởng cháu giả vờ, cô giáo yêu cầu các bạn nam trong lớp lên dìu H xuống chỗ thì mới biết cháu đã ngất xỉu nên đưa xuống phòng y tế trường rồi được chuyển lên Bệnh viện Tân Phú còn sự thật như thế nào thì chúng tôi không rõ.
Nói về đứa cháu gái của mình, ông Khải cho biết, P.H rất ngoan hiền. Bố cháu làm tài xế, mẹ ở nhà nội trợ. P.H có chị gái đáng học lớp 12.
"Cháu H bị động kinh từ nhỏ, điều này đã được ghi rõ trong hồ sơ từ đầu. Mỗi lần lên cơn cháu thường bị ít giây rồi tỉnh lại bình thường. Khi học cấp một, mỗi lần bị như vậy khi tỉnh lại H lại gọi điện về để gia đình đến đón. Tuy nhiên, hai năm nay cháu không phát bệnh lần nào. Hằng ngày cháu H vẫn được uống thuốc đều đặn"- ông Khải cho biết thêm.
Gia đình không muốn làm lớn chuyện
Ông Khải cũng có nguyện vọng "dù nói gì cháu H cũng đã mất, gia đình chúng tôi mong muốn để cháu được yên nghỉ trong yên ổn nên không muốn làm lớn chuyện. Chúng tôi đã báo với công an không muốn điều tra về việc này.
Trường THCS Phan Bội Châu nơi xảy ra sự việc đau lòng
Về cô giáo dạy cháu, tuy cô có sợ hãi và chưa đến thắp hương cho cháu - nhưng mẹ của cô cũng đã đến. Cô giáo còn trẻ, có cả một tương lai phía trước, chúng tôi không muốn gây áp lực cho cô."
Có mặt tại đám tang P.H ngoài các thầy cô giáo trường cấp 1 đến viếng em, ban giám hiệu và nhiều thầy cô giáo dạy tại Trường THCS Phan Bội Châu, cũng có mặt chia buồn với gia đình.
Một thầy giáo cho biết, "dù không dạy lớp cháu P.H nhưng tập thể giáo viên nhà trường rất đau lòng khi sự việc xảy ra. Từ hôm sự việc xảy ra chúng tôi thay nhau đến chia sẻ với gia đình em H. Ban giám hiệu Trường THCS Phan Bội Châu từ chối nói về vấn đề này."
Lê Huyền
Theo_VietNamNet
Vụ nữ sinh lớp 6 tử vong: Cô giáo nức nở xin lỗi Sở GD&ĐT đề nghị các trường và giáo viên phải lưu ý những em có tiền sử bệnh án, trao đổi với các giáo viên bộ môn để có cách tiếp cận và giảng dạy phù hợp hơn. Ngày 9/1, cơ quan điều tra Công an quận Tân Phú cho biết có tiếp nhận về vụ việc học sinh LTPH, lớp 6/7 Trường...