Cô giáo Nhị giàu lòng nhân ái
Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thị Thanh Nhị xuất thân từ gia đình nghèo khó ở vùng đất nắng gió Phan Rang ( tỉnh Ninh Thuận).
Từ bé, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên cô Nhị sớm đồng cảm với người đồng cảnh ngộ. Rồi cô nỗ lực vươn lên không ngừng và ước mơ trở thành người “gieo chữ” để giúp học sinh nghèo vươn lên.
Năm 1982, tốt nghiệp cử nhân sư phạm, cô Nhị về công tác tại Trường THPT Nguyễn Trãi (tỉnh Ninh Thuận) cho đến khi về hưu. Quá trình công tác, cô là tấm gương đi đầu trong sự nghiệp “trồng người” ở địa phương. Bên cạnh dạy chữ, cô luôn chú tâm dạy học sinh biết yêu thương, chia sẻ. Cô thường dành một phần lương giúp học sinh nghèo có thêm điều kiện đến lớp.
Luôn nghĩ cho người khác, nên nhiều năm qua, cô cùng đồng nghiệp là chị Phạm Hoàng Anh âm thầm vận động các nhà hảo tâm quyên góp tiền giúp đỡ cho những mảnh đời bất hạnh. Không ít trường hợp bị bệnh hiểm nghèo đã được nhóm thiện nguyện của cô giúp đỡ vượt qua.
Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thị Thanh Nhị trong một lần đến với trẻ em nghèo
Năm 2013, sau khi nghỉ hưu, cô càng bận rộn hơn với việc từ thiện. Ngoài thời gian tham gia dạy tại các cơ sở giáo dục, cô dành hết thời gian còn lại để tham gia các chương trình từ thiện của Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Thuận. Xuôi ngược như con thoi, cô cùng những người làm chương trình lên rừng, xuống biển, đến tận bản làng xa xôi để xác minh, trao tiền giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật. Hàng trăm học sinh nghèo hiếu học đã được chương trình “Thắp sáng ước mơ” chắp cánh vươn tới tương lai. Hàng trăm trường hợp bị bệnh hiểm nghèo được chương trình “Mỗi tuần một địa chỉ” hỗ trợ điều trị. Hàng trăm hoàn cảnh tật nguyền khó khăn trong kiếm sống đã được chương trình “Khát vọng sống” giúp sức để vươn lên… Đằng sau những việc làm nhân ái đó luôn có hình ảnh tiên phong của cô Nhị.
Giờ đây, mái tóc phơi sương nhưng cô Nhị vẫn hăng hái ngược xuôi làm từ thiện. Cô chia sẻ: “Càng đi càng thấy nhiều người còn khổ hơn mình. Mỗi lần đi về trong lòng mình muốn khóc. Thấy nhiều người bệnh hiểm nghèo không có tiền nằm chờ chết, mình ráng hết sức để giúp họ sống, dẫu là thêm một, hai ngày…”.
Video đang HOT
Chị Phạm Hoàng Anh, người luôn cùng cô Nhị từ thời học THCS, nhận xét: “Cô Nhị như con tằm rút ruột nhả tơ, không chỉ cho học trò mà còn đối với cả những mảnh đời bất hạnh. Việc làm của cô tạo thêm động lực cho tôi nỗ lực hơn để giúp đỡ người nghèo”.
Không chồng con, nuôi mẹ già nhưng cô Nhị luôn vui khi thấy các thế hệ học trò hiểu được việc làm của mình và tự nguyện giúp đỡ những hoàn cảnh ngặt nghèo. Học trò của cô giờ có người đã thành giáo sư, bác sĩ…, dù ở xa nhưng họ vẫn chung tay, góp sức cùng cô. Hơn thế nữa, họ còn giáo dục con cái lòng yêu thương, biết tiết kiệm tiền từ những món quà nhỏ bé để giúp đỡ người nghèo.
Như người lái đò cần mẫn đưa các em đến bến bờ tri thức, chính tấm lòng nhân ái của cô đã níu chân các em quay về tiếp tục cùng cô gieo mầm tình thương cho cuộc sống. Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thị Thanh Nhị cho rằng việc làm của mình chỉ như hạt cát trong sa mạc bao la và cô sẽ tiếp tục công việc của mình cho đến hơi thở cuối cùng, miễn là được góp phần đem lại nụ cười cho những người bất hạnh.
Bài và ảnh: Như Phương
Theo nguoilaodong
Sóc Trăng: Những nữ giáo viên hết lòng với nghề
Trong những năm qua, ngành Giáo dục Sóc Trăng đã xuất hiện nhiều tấm gương nữ nhà giáo tiêu biểu, hết lòng vì sự nghiệp trồng người, được mọi người yêu quý, lãnh đạo đánh giá cao.
Cô giáo Trần Thị Thúy Oanh (35 tuổi) là người dân tộc Khmer ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm vào năm 2004, cô Oanh được phân công về công tác tại trường Tiểu học Hòa Đông 1 (thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng). Khoảng 4 năm sau, cô Oanh chuyển về trường Tiểu học Pôthi (TP Sóc Trăng) là trường có rất đông học sinh người dân tộc Khmer.
Một điều hết sức đáng quý là vào năm 2015, cô Oanh lại được lãnh đạo ngành cho chuyển về trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (ở trung tâm TP Sóc Trăng) được phụ huynh đánh giá cao về chất lượng giáo dục, nhưng cô lại xin về dạy tại trường Tiểu học Lý Đạo Thành (trường vùng ven TP Sóc Trăng) nơi có trên 42% học sinh là người dân tộc Khmer.
Cô Thúy Oanh trong một giờ dạy ở trường.
Nói về lý do xin về trường Lý Đạo Thành, cô Thúy Oanh chia sẻ: "Bản thân tôi là người dân tộc Khmer, từng nhiều năm giảng dạy ở các trường có đông học sinh là người dân tộc Khmer nên tôi rất hiểu hoàn cảnh, tâm tư của các em, đồng cảm với các em nên tôi quyết định xin về trường này. So với trường Nguyễn Thị Minh Khai thì trường Lý Đạo Thành còn nhiều khó khăn hơn nhưng tôi vẫn rất vui vì được gắn bó với các em học sinh người dân tộc mình".
Xác định các em học sinh còn nhiều hạn chế về kiến thức và kỹ năng, cô Thúy Oanh đã có rất nhiều nỗ lực trong nghiên cứu, tự học hỏi, tìm tòi đổi mới phương pháp giảng dạy để nâng cao chất lượng giảng dạy, tìm mọi biện pháp nâng cao chất lượng học tập của học sinh. Kết quả, lớp do cô phụ trách luôn đạt tỷ lệ lên lớp 100%, chất lượng luôn ổn định.
Theo cô Thúy Oanh, học sinh ở trường đa số là con em đồng bào dân tộc Khmer có hoàn cảnh khó khăn, nhiều phụ huynh phải đi làm ăn xa, không có điều kiện dạy dỗ các em nên học sinh rất dễ phát sinh những điều không tốt, ảnh hưởng đến nhân cách, đạo đức. Trong khi đó, việc dạy đạo đức cho các em, nhất là trong bối cảnh xã hội hiện nay, có rất nhiều khó khăn.
Vì vậy, cô Oanh chọn đề tài "Một số biện pháp giúp học sinh hứng thú học tốt môn Đạo đức", trong đó cô áp dụng phương pháp lấy học sinh làm trọng tâm, rất được nhà trường, tập thể giáo viên, phụ huynh và học sinh ủng hộ, nhiệt tình hưởng ứng nên bước đầu đã thành công.
Ông Nguyễn Huỳnh Ngọc Hạnh - Hiệu trưởng trường Tiểu học Lý Đạo Thành, đánh giá cô Thúy Oanh là một trong những người tham gia tích cực trong phong trào nghiên cứu áp dụng giải pháp nâng cao chất lượng học tập cho học sinh và đạt kết quả cao.
Sinh ra trong một gia đình có nhiều người công tác trong ngành Giáo dục, từ nhỏ cô Nguyễn Thị Trúc Linh (34 tuổi, giáo viên, Chủ tịch Công đoàn trường) đã ao ước được trở thành cô giáo mầm non. Năm 2006, sau khi tốt nghiệp Trung cấp Sư phạm Mầm non, cô Linh về công tác tại trường Mầm non Tuân Tức (huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng).
Cô Trúc Linh và các cháu mầm non trong giờ học.
Cô Trúc Linh cho biết, Tuân Tức là xã vùng sâu khó khăn, tỷ lệ đồng bào Khmer cao. Những năm trước, phần lớn trẻ đều không biết và hiểu tiếng Việt nên công tác giảng dạy của cô cũng như của giáo viên ở trường khá vất vả. Để hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy, cô tự học hỏi tiếng Khmer để giao tiếp với các em học sinh và phụ huynh.
Đối với bản thân mình, cô cũng tranh thủ thời gian để tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, tham gia phong trào nghiên cứu khoa học kỹ thuật, viết sáng kiến kinh nghiệm được ngành giáo dục huyện công nhận. Với những thành tích đó, cô Trúc Linh được Ban giám hiệu nhà trường và đồng nghiệp tín nhiệm giao phụ trách chuyên môn khối lớp Lá.
Với cương vị Chủ tịch Công đoàn trường, cô Trúc Linh luôn quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của trường, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người yên tâm công tác.
Cô Lâm Thanh Diệu - Hiệu trưởng trường Mầm non Tuân Tức, nhận xét cô Linh là một giáo viên có kiến thức vững vàng, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy, là tấm gương tiêu biểu luôn đi đầu trong phong trào giáo viên dạy giỏi.
Không chỉ vậy, cô Linh luôn đảm bảo quyền lợi của giáo viên. Điều đó thể hiện rất rõ ở tỷ lệ 95,23% giáo viên của trường đạt trình độ trên chuẩn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.
Cao Xuân Lương
Theo dantri
Cao Bằng: Cô hiệu trưởng người Tày tận tâm với sự nghiệp "trồng người" Cô giáo Ngô Tố Uyên (dân tộc Tày), Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hòa Chung (Thành phố Cao Bằng) là cán bộ quản lý năng động, sáng tạo, tâm huyết. Nhiều năm qua, cô là tấm gương tiêu biểu của ngành giáo dục Thành phố, được nhiều cấp, ngành khen thưởng vì những đóng góp trong sự nghiệp "trồng...