Cô giáo không bằng lái, lùi xe cán chết học sinh sẽ bị xử lý thế nào?
Theo luật sư, nữ giáo viên có thể có dấu hiệu phạm tội Vô ý làm chết người hoặc Vi phạm phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ.
Giờ ra chơi sáng 19/4, chiếc Chevrolet Spark khi đang lùi trong khuôn viên trường Tiểu học Vân Hồ (tỉnh Sơn La) đã ép hai học sinh vào tường. Một em tử vong tại bệnh viện, một em khác bị thương.
Cô giáo Nguyễn Thị Hương (39 tuổi) sau đó nhận là người cầm lái ôtô gây tai nạn. Cô chưa có bằng lái. Chủ xe là một thầy giáo trong trường. Khi tai nạn xảy ra, anh ngồi ở ghế phụ.
Phân tích ở góc độ pháp lý, luật sư Phạm Thanh Bình cho rằng, tuỳ vào kết quả điều tra, dấu vết hiện trường, cơ quan điều tra có thể đưa ra những biện pháp tố tụng thích hợp. Tuy nhiên nếu bị xử lý hình sự, nữ giáo viên có thể bị cho rằng có dấu hiệu phạm vào Điều 260, Bộ luật hình sự 2015 về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Khung hình phạt cho tội danh này từ cải tạo không giam giữ 3 tháng tới phạt tù 1-5 năm.
Chủ xe cũng có thể có dấu hiệu vi phạm điều 264 – tội Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ. Theo điều luật này, nếu lái xe làm chết một người, người vi phạm có thể bị phạt phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Video đang HOT
Cũng theo luật sư Bình, vụ tai nạn dù xảy ra ở trong khuôn viên sân trường nhưng vẫn nằm trong phạm vi điều chỉnh của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 vì luật này có phạm vi điều chỉnh là giao thông đường bộ để phân biệt sự khác nhau với đường không và đường thuỷ.
Đồng tình với quan điểm phải xử lý nghiêm với hành vi gây tai nạn chết người, tuy nhiên luật sư Nguyễn Anh Thơm lại cho rằng hành vi lái xe đâm chết người trong khuôn viên của nhà trường, do không phải là tham giao giao thông đường bộ. Vì thế, cô giáo nếu bị xử lý thì có dấu hiệu phạm tội Vô ý làm chết người – theo Điều 128 Bộ luật Hình sự năm 2015. Khung hình phạt cải tạo của tội này từ cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến 5 năm.
Cũng theo luật sư Thơm, việc nữ giáo viên có bằng lái hay không có bằng lái thì cũng không thể xử lý theo nhóm tội Vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ. Việc chủ xe giao phương tiện cho người không có bằng lái cũng không thể xử lý hình sự do không cấu thành tội Điều động người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện, theo điều 263 Bộ luật hình sự năm 2015.
Luật sư cho rằng chủ phương tiện cũng phải liên đới, bồi thường trách nhiệm dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 về nguồn nguy hiểm cao độ.
Phương Sơn
Theo VNE
Giáo viên lùi xe khiến học sinh tử vong có thể bị truy cứu tội gì?
Từ nội dung ban đầu về vụ việc, đối chiếu với các quy định của pháp luật, luật sư cho rằng, giáo viên điều khiển xe trong sân trường khiến 2 học sinh thương vong có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh "Vô ý làm chết người".
Như tin đã đưa, sáng 19/4, tại trường Tiểu học Vân Hồ (bản Pó Nhàng 1, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, Sơn La), một giáo viên lùi ô tô bất cẩn và chèn lên 2 học sinh, khiến một em tử vong, một em bị gãy chân. Bước đầu, cơ quan công an xác định, người lái xe gây tai nạn là cô giáo Nguyễn Thị Hương (SN 1979, trú tại Tiểu khu cơ quan, thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, Sơn La).
Hiện trường vụ việc.
Khi cô Hương lùi xe, do không làm chủ được tốc độ và tay lái nên phần đuôi xe đã đâm vào hai học sinh. Thời điểm khi xảy ra vụ việc, ngồi bên ghế phụ của xe là anh Vì Văn Dương (SN 1976, trú tại thị trấn Nông trường Mộc Châu), giáo viên Trường tiểu học Vân Hồ.
Chiếc xe ô tô trên là của anh Dương. Ban đầu, anh Dương nhận mình là người lái, nhưng sau đó, cơ quan điều tra đã xác định được người lái là cô Hương. Cô Hương đã thừa nhận mình lái xe gây ra tai nạn, đồng thời cô cũng chưa có giấy phép lái xe.
Liên quan đến vụ việc, PV Dân trí có cuộc trao đổi với luật sư Tạ Anh Tuấn - Trưởng văn phòng Luật sư Bách Gia Luật và Liên danh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội). Để làm rõ, xác định đúng hành vi vi phạm của những người liên quan, luật sư Tuấn dẫn Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 28/8/2013 hướng dẫn áp dụng Điều 202 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009) đối với tội "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ", nay là Điều 260 BLHS năm 2015, tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ".
Điều 3 của Thông tư liên tịch số 09 nêu rõ: "Trường hợp phương tiện giao thông đường bộ di chuyển, hoạt động nhưng không tham gia giao thông đường bộ (như di chuyển, hoạt động trong trường học, công trường đang thi công hoặc đang khai thác) mà gây tai nạn thì người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ" quy đinh tai Điều 202 BLHS mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng khác nếu thỏa mãn dấu hiệu của tội phạm đó như tội "Vô ý làm chết người" quy định tại Điều 98 BLHS, tội "Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính" quy định tại Điều 99 BLHS hoặc tội "Vi phạm quy định về an toàn lao động, về an toàn ở những nơi đông người" quy định tại Điều 227 BLHS.".
Luật sư Tuấn phân tích, mặc dù Thông tư liên tịch số 09 hướng dẫn một số điều của BLHS năm 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009), tuy nhiên, kể từ ngày Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành đến ngày 1/1/2018 khi BLHS năm 2015 có hiệu lực, chưa có văn bản nào thay thế hoặc hủy bỏ Thông tư liên tịch này.
Từ đó, Trưởng VPLS Bách Gia Luật và Liên danh nhận định, đối chiếu với các quy định, hành vi điều khiển xe ô tô của giáo viên khi lùi xe trong sân trường do thiếu quan sát, bất cẩn dẫn đến hậu quả một em học sinh của trường tử vong và một em bị thương là hành vi vô ý, thỏa mãn dấu hiệu của tội "Vô ý làm chết người" theo Điều 128 BLHS năm 2015.
Đối với hành vi của thầy giáo Dương giao xe ô tô cho cô giáo Hương trong khi cô giáo này không có bằng lái, luật sư Tuấn cho rằng, theo Thông tư liên tịch số 09, cô giáo Hương di chuyển ô tô nhưng không tham gia giao thông nên khó có thể truy cứu hành vi của thầy giáo Dương theo Điều 264 BLHS năm 2015 về tội "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ". Cơ quan chức năng có thể sẽ xử lý hành chính thầy giáo Dương về hành vi này.
Về trách nhiệm dân sự, vụ tai nạn do cô giáo gây ra đã gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của hai em học sinh, theo quy định Điều 601 Bộ luật Dân sự năm 2015, chủ sở hữu phương tiện phải bồi thường toàn bộ thiệt hại xảy ra cho nạn nhân kể cả khi không có lỗi. Người trực tiếp gây tai nạn sẽ có trách nhiệm bồi thường cho chủ sở hữu phương tiện, nếu hai bên không thỏa thuận được.
Tiến Nguyên
Theo Dantri
Khởi tố tài xế say rượu gây tai nạn, kéo lê xác nạn nhân gần 600m Liên quan đến vụ tài xế xe 7 chỗ gây tai nạn, kéo lê xác nạn nhân gần 600m, ngày 9.10, Công an TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang cho biết, cơ quan này vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Đông Phú (28 tuổi, ngụ phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM)....