Cô giáo Hà Nội nhập viện sau khi trở về từ Ý âm tính với SARS-CoV-2
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Phòng chống bệnh tật (CDC) Hà Nội, kết quả xét nghiệm cho thấy, cô giáo đi Ý về có biểu hiện ho, sốt, tức ngực phải nhập viện âm tính với SARS-CoV-2.
Dịch Covid-19 lan rộng tại các nước có nhiều giao lưu với Việt Nam khiến cả người dân và chính quyền quan ngại Ảnh TN
Cụ thể, Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết, kết quả xét nghiệm với cô giáo của Học viện Báo chí – Tuyên truyền vừa mới có xong. Rất may, cô giáo âm tính với SARS-CoV-2.
Trả lời câu hỏi “kết quả này đã đủ yên tâm chưa, liệu có phải xét nghiệm tiếp lần 2, lần 3?”, ông Cảm cho biết: “Chỉ với những người đã dương tính, sau điều trị có kết quả âm tính mới phải xét nghiệm 3 lần. Còn trường hợp cô giáo này âm tính có nghĩa là âm tính”.
“Do cô giáo đã âm tính với virus nên những người đi cùng đoàn cũng không phải lo lắng. Tuy nhiên, chúng tôi khuyến cáo mọi người để ý đến sức khoẻ, theo dõi các biểu hiện và đến cơ sở y tế khám bệnh khi thấy dấu hiệu ho, sốt. Khuyến cáo này không chỉ dành cho thành viên của đoàn công tác đến Ý, mà dành cho tất cả mọi người”, ông Cảm nhấn mạnh.
Trước đó, khi nghe báo cáo về trường hợp này tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố Hà Nội vừa kết thúc lúc 19 giờ hôm nay, 4.3, ông Ngô Văn Quý, Phó chủ tịch UBND thành phố, đã yêu cầu cách ly tập trung với tất cả các công dân trở về từ Ý, Iran; sau đó mới phân loại xem có trở về từ vùng có dịch hay không để cách ly tại nhà.
Chiểu theo ý kiến này, toàn bộ đoàn công tác sẽ phải cách ly tập trung.
Video đang HOT
Tuy nhiên, theo ông Cảm, đoàn công tác đã trở về trước thời điểm Chính phủ có chỉ đạo cách ly tập trung với công dân về từ Ý, Iran, nên sẽ không phải cách ly tập trung. Dù vậy, một lần nữa ông Cảm khuyến cáo mọi người theo dõi sức khoẻ và chú ý thực hiện các biện pháp phòng dịch.
Trước đó, như Thanh Niên đã đưa tin, tại cuộc giao ban của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội chiều nay, lãnh đạo quận Bắc Từ Liêm thông tin về 1 trường hợp sốt, ho, tức ngực phải nhập viện, có tiền sử đi từ Ý về.
Đó là một cô giáo 39 tuổi, cư trú tại một tòa chung cư, có tham gia hội thảo tại Ý cùng với đoàn của Bộ GD-ĐT từ 22 – 26.2. Sau khi trở về, cô giáo này có biểu hiện sốt, ho, tức ngực, đã được đưa vào Bệnh viện Đống Đa vào hôm nay, 4.3.
Theo cô giáo này, đoàn dự hội thảo cùng cô có 30 thành viên. Nghe báo cáo về tình huống này, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý, người chủ trì buổi giao ban, đã đề nghị: theo nguyên lý, cô giáo này sẽ phải cách ly 14 ngày, dù đã có kết quả dương tính hay không.
Theo Bộ GD-ĐT, Bộ này không phải là đơn vị tổ chức đoàn 30 người dự hội thảo ở Ý, mà chỉ cử người tham gia (2 người) với vai trò là một trong số các đơn vị tham gia.
Sau khi từ Ý trở về (ngày 26.2), 2 cán bộ của Bộ GD-ĐT tham gia chuyến đi đã tự cách ly ở nhà, chưa đến cơ quan làm việc.
Cũng theo Bộ GD-ĐT, đoàn 30 người dự hội thảo ở Ý từ ngày 22 – 26.2 là một hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án Hỗ trợ sinh viên tìm kiếm việc làm do EU tài trợ.
Dự án có sự tham gia của 11 đơn vị, gồm: Bộ GD-ĐT, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa và 9 trường đại học, học viện. Đơn vị tổ chức hội thảo (một trường đại học ở Ý) gửi giấy mời cụ thể cho từng cá nhân tham gia. Căn cứ vào đó, từng đơn vị quản lý nhân sự liên quan ra quyết định cử người đi dự hội thảo. Vì thế, Bộ GD-ĐT chỉ ra quyết định cử 2 cán bộ của mình thực hiện chuyến đi sang Ý.
Được biết, theo kế hoạch thì hội thảo diễn ra từ 22 – 29.2. Vì thế, khi đoàn bắt đầu sang Ý thì ở nước này chưa có người nhiễm Covid-19.
Sau khi sang Ý được vài ngày, đoàn nhận thông tin có người Ý đầu tiên nhiễm Covid-19 ở cách nơi dự hội thảo khoảng 200 km. Vì thế, đoàn đã thay đổi lịch trình, về nước vào ngày 26.2, thay vì 29.2.
Quý Hiên
Theo thanhnien.vn
Trẻ quay lại trường, bố mẹ phải làm gì?
Những ngày này, dư luận đặc biệt quan tâm tới lịch quay trở lại trường của học sinh, đặc biệt là trẻ học mẫu giáo, cấp 1, cấp 2.
Ảnh minh họa
Nhiều người cho rằng, đưa trẻ đến trường thì trách nhiệm đảm bảo an toàn là của nhà trường và cô giáo. Nhưng quan điểm này có đúng?
Thực chất, để hạn chế được nguồn lây, cần sự phối hợp chặt chẽ của hệ thống giám sát bao gồm cả nhà trường, gia đình, y tế. Trong đó, có thành tố vô cùng quan trọng là gia đình.
Nhiều bạn đọc đã gửi thư, bình luận về hộp thư bạn đọc của Báo Giao thông bày tỏ ý kiến về việc này.
Bạn đọc Hoài Anh (Hà Nội) viết: "Tôi là một giáo viên, đọc nhiều bình luận và ý kiến trên mạng, trên báo chí nói phải đảm bảo an toàn cho trẻ đi học mùa dịch. Thực sự tôi rất lo. Nếu không có nguyên tắc hay quy định cụ thể thì giáo viên sẽ phải chịu trách nhiệm vì những việc ngoài khả năng. Ví dụ, trong lớp có học sinh sốt bất ngờ thì giáo viên sẽ không thể chịu trách nhiệm được việc em này có lây sang các bạn xung quanh hay không. Tôi chỉ mong tất cả chúng ta cùng vượt qua dịch, có thể đưa trẻ đi học lại nhưng đừng đổ hết trách nhiệm lên giáo viên. Riêng việc dậy học với chúng tôi cũng đã rất vất vả rồi".
Bạn đọc Tuyết Loan (Hải Phòng) lại cho rằng, bố mẹ phải có trách nhiệm cặp nhiệt độ, phát hiện các dấu hiệu bất thường của con. Không đưa trẻ mệt mỏi, sốt tới trường. Ở nhà, đi trên đường phải giữ ấm cho trẻ, dạy con rửa tay đúng cách, không cho tay vào miệng, giụi mắt, mũi. Thậm chí cần súc họng sát khuẩn tránh viêm họng. "Đừng đưa trẻ tới trường rồi phó mặc cho nhà trường và xã hội, lo chống dịch phải lo từ ở nhà", bạn Loan chia sẻ.
Bạn đọc Bình Đoàn (TP HCM) nêu ý kiến: "Người lớn đi lại nhiều, tiếp xúc nhiều mới là nguồn lây chính. Vì vậy, hãy cố gắng hạn chế tụ tập, giao tiếp không thật sự cần thiết để tránh lây nhiễm Covid-19. Bố mẹ không mang virus về lây cho con thì con sẽ không lây nhiễm và mang virus đến trường lây sang các bạn học".
Bạn đọc Hồng Loan (Đà Nẵng) lại cho rằng, nếu trẻ đến trường thì người cần đeo khẩu trang chính là các bác lao công, giáo viên, người phục vụ đồ ăn cho trường bán trú. Các trường phải bố trí nơi rửa tay, cho học sinh dùng cốc và bát đũa riêng, mở cửa cho thoáng khí, nên có máy giám sát thân nhiệt ở cổng trường. "Với học sinh cấp 3 và sinh viên, cần khuyến cáo yêu cầu các em không tụ tập đông người, hạn chế ăn hàng quán, để trẻ đến trường an toàn cần tất cả chung tay và phải chấp nhận rủi ro ở mức độ nào đó, không thể đòi hỏi tuyệt đối được", bạn đọc Hồng Loan nêu ý kiến.
Theo baogiaothong
Sơn La kiểm soát 2.000 người, không có ca nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2 Theo thống kê của ngành y tế tỉnh Sơn La, đến thời điểm hiện tại, tỉnh này đã kiểm soát được 2.107 người và không có trường hợp nghi ngờ bệnh. Trước đây, toàn tỉnh có 16 trường hợp bệnh nghi ngờ được theo dõi, giám sát. Tuy nhiên, cả 16 trường hợp này đã ổn định sức khỏe, kết quả xét nghiệm...