Cô giáo Hà Nội gợi ý những mẫu hoa cắm Tết siêu xinh, chắc chắn nhà nào cũng có
Vào dịp Tết, thời tiết thường lạnh nên hoa sẽ bền hơn những thời điểm khác trong năm. Tuy vậy để có lọ hoa đẹp, chơi suốt mấy ngày Tết thì các bạn cần lưu ý chọn hoa tươi.
Đó là những gợi ý thiết thực của cô giáo dạy Văn ở Hà Nội – Đặng Ngọc Phương khi chia sẻ về bí quyết chơi hoa trong những dịp Tết cận kề.
Chị Đặng Ngọc Phương bên nhánh đào đón Xuân.
Chọn hoa
Theo lời chị Ngọc Phương, hoa mới cắt từ vườn thường có lá xanh mướt, cánh hoa không mềm mà chạm vào có cảm giác cứng cáp, nụ còn chúm chím hoặc hoa còn nguyên cánh sương bên ngoài. Nhiều người chọn mua hoa đã nở, tuy trông có cảm giác đầy đặn thích mắt nhưng về cắm sẽ mau tàn. Hoa đã bóc cánh sương bên ngoài là hoa cũ. Khi mua cả bó cũng cần chọn kĩ, tránh lấy bó hoa có những bông cũ, lá dập, héo được trộn lẫn vào hoa mới.
Dưỡng hoa
Cô giáo Hà Nội chia sẻ, hoa từ lúc cắt tại vườn đến khi tới tay người mua đã trải qua một quá trình vận chuyển lâu gây mất nước. Khi mua hoa về, việc đầu tiên là bạn dốc ngược bó hoa, xả nước lên toàn bộ thân hoa. Sau đó, bạn cắm hoa vào xô đầy nước để hoa hút no nước, hồi lại vẻ tươi mới. Thời gian cắm xô nên từ 1-2 tiếng. Sau đó bạn tỉa bớt lá, cắt vát chân hoa trong nước bằng dao sắc (việc cắt hoa trong nước là để tránh nhựa bít thân hoa, cản trở quá trình hút nước), rồi cắm vào bình và tạo dáng.
- Để hạn chế vi khuẩn làm hoa chóng tàn, nước cắm hoa phải sạch. Bạn nên cọ rửa bình cắm và không để lá ngập trong nước gây thối rữa.
- Để hoa bền và ít phải thay nước, bạn có thể pha vào nước cắm một gói dưỡng hoa bán sẵn hoặc vài giọt nước rửa bát, giọt giấm nhằm khử khuẩn. Muốn hoa nở nhanh hơn, bạn cắm nước ấm và cho thêm viên B1 nghiền nhỏ. Muốn hoa nở chậm lại thì có thể thả vài viên đá lạnh vào nước cắm.
- Nếu cắm hoa với gói dưỡng, bạn chỉ cần thêm nước hàng ngày và thay nước sau 3-4 ngày. Nếu không dùng gói dưỡng, nên thay nước 1-2 ngày/lần và rửa gốc hoa, cắt ngắn bớt để hoa hút nước tốt hơn.
- Bình hoa luôn cần được đặt ở chỗ thoáng, tránh gió và điều hòa nóng/lạnh thổi thẳng vào.
- Nếu trong quá trình cắm thấy có bông tàn, lá úa, nên tỉa bỏ ngay để không ảnh hưởng đến những bông hoa khác.
- Những ngày cuối, hoa sẽ yếu hơn và dễ rụng cánh nếu chạm vào. Để hoa giữ được nguyên vẹn vẻ đẹp và bày được lâu hơn, thời gian này bạn không nên đổi bình, đổi dáng hoa và cũng hạn chế thay nước mà chỉ cần thêm nước vào bình.
Video đang HOT
Cắm hoa
Ngày Tết, hoa rất phong phú. Bạn có thể tham khảo một số loại hoa với cách cắm gợi ý như sau:
- Hoa thược dược là loài hoa truyền thống rất được yêu thích vào ngày Tết với độ bền 7-10 ngày, ngoài các màu vàng, hồng còn có màu đỏ điểm đốm trắng trên cánh (gọi là thược dược biến hay thược dược miến) rất duyên dáng và sang trọng. Thược dược cành chùm, thân thẳng, nên cắm tròn, thấp hoặc tận dụng độ ngả của các cành phụ để cắm cao thấp đan xen cho sinh động. Có thể cắm cùng violet như kiểu cắm truyền thống của Tết xưa. Nếu có bình cổ rộng hoặc đĩa cắm, bạn có thể tạo dáng con công bằng cách cắm theo cung tròn, tạo thành 3-4 vòng cung song song nhau và thấp dần cho đến khi che được xốp trong đĩa.
- Hoa thiên điểu có vẻ rực rỡ tươi sáng như để dành cho ngày Tết. Hoa có độ bền lý tưởng, từ 7-10 ngày, cành cứng cáp, khỏe khoắn, không cần chăm sóc nhiều. Bạn cắm hoa trong bình cổ rộng để tạo độ xòe hoặc cắm trên đĩa với xốp để tạo hình con công. Nên điểm thêm mấy lá trầu bà sẽ khiến bình hoa đẹp hài hòa và nổi bật hơn.
- Hoa hướng dương như mặt trời tỏa nắng sẽ làm rạng rỡ nhà bạn vào ngày Tết. Hoa có độ bền từ 7-10 ngày. Vì hướng dương bông to, thân cứng nên nếu cắm cao, bạn phối cùng cúc thạch thảo trắng sẽ đem lại vẻ nhẹ nhàng mềm mại. Nếu không, cắm thấp, tròn hoặc cắm vào đĩa có xốp là một lựa chọn phù hợp.
- Hoa ly có hương thơm nồng và màu sắc rực rỡ rất hợp với ngày Tết, độ bền 1- 2 tuần. Bạn nên cắm cao, có độ xòe và điểm thêm lá phụ như lá tùng nho.
- Hoa cát tường (lan tường) có cái tên gợi sự may mắn như một lời chúc phúc đầu năm. Hoa bền từ 1 đến 2 tuần. Loài hoa này có độ xoáy xinh đẹp như hoa hồng nhưng nhẹ nhàng thanh thoát hơn, nên cắm xòe và điểm hoa phụ như baby sẽ rất duyên dáng.
- Lay ơn với vẻ đẹp thanh tao sẽ khiến ngôi nhà bạn thêm sang trọng trong những ngày tết, Hoa có độ bền 5-7 ngày. Có thể cắm truyền thống với bình cao, thon hoặc cắm xốp hình quạt.
- Hoa tulip mang vẻ đẹp kiêu sa, quý phái, có độ bền 5-7 ngày. Tulip cành dễ ngả theo hướng có ánh sáng, có thể cắm đứng hoặc xòe. Cần chọn bình cao để hoa giữ được độ thẳng, tránh thân bị ngả quá mức làm mất dáng. Tulip cắm riêng hoặc điểm thêm vài cành lá phụ mảnh dẻ đều rất xinh. Nên cắm ít nước và thả vài viên đá để hoa tươi lâu.
- Hoa mao lương xinh đẹp có thể bền đến 10 ngày, nhưng cũng là loài hoa khó chăm sóc vì thân rỗng, mềm, dễ gục. Bạn cần cắm ít nước (5-7 cm) trong bình cao và kèm lá phụ, giúp hoa có điểm tựa. Nhưng hoa sẽ bền nhất nếu bạn cắm ngắn.
- Hoa hồng luôn đem lại cho ngôi nhà ngày Tết vẻ nồng ấm và sang trọng. Hoa có độ bền 5-7 ngày. Hoa hồng Đà Lạt cành cứng, nên cắm ngắn, tròn với bình thấp, kèm hoa nhí hoặc lá phụ cho sinh động. Hoa hồng giống ngoại cành mềm, các bạn chọn bình miệng hơi hẹp, khi cắm, cành hoa sẽ có độ rủ lả lướt.
- Hoa cúc tượng trưng cho sự phồn thịnh, viên mãn. Hoa có độ bền cao, từ 7-10 ngày. Với loài hoa thân thẳng này, nên cắm ngắn, dáng tròn hoặc ô van, bông cách nhau đều đặn, tạo cảm giác xum xuê, viên mãn. Đặc biệt là cúc dễ thối gốc, thối lá nên bạn cần chăm thay nước và rửa sạch gốc hoa mỗi ngày trước khi cắm lại vào nước mới.
- Hoa phi yến thân thảo mảnh mai, cần cắm ít nước và rửa gốc hoa hàng ngày sẽ giữ được độ bền 7-10 ngày. Nên cắm bình cao, xòe tròn, có thể cắm kèm cỏ đồng tiền cho thêm phần mềm mại sinh động.
- Hoa thủy tiên (ly peru) có nhiều màu như trắng, vàng, đỏ, hồng,… rất tươi tắn rực rỡ. Độ bền của hoa có thể lên tới 10-12 ngày nếu bạn chăm sóc cẩn thận. Hoa cần được cắm ít nước (dưới 10 cm nước). Với thủy tiên, nên cắm chụm, tạo dáng tròn sẽ tạo thành bình hoa đầy đặn, rạng rỡ.
- Hoa cánh bướm: Tuy độ bền chỉ 3-5 ngày nhưng hoa cánh bướm lại được lòng người bởi vẻ rực rỡ và mềm mại. Những cành hoa sặc sỡ rung rinh lả lướt như trò chuyện sẽ khiến ngôi nhà ngày Tết trở nên đầm ấm, tươi sáng. Bạn nên tỉa kĩ lá ở thân hoa để tránh hỏng nước, cắm hoa với nhiều nước và rửa gốc hoa đều đặn hàng ngày để tăng độ bền cho hoa. Nên chọn bình cao, thon hoặc dáng chum, cắm xòe tự nhiên để hoa tỏa về các phía thật mềm mại thì sẽ tôn được vẻ bay bổng của loài hoa này.
Tự làm hoa cúc siêu dễ bằng lá cây và vỏ ngô, hội chị em có bình hoa trang trí nhà khiến ai cũng khen nức nở
Thay vì bỏ tiền ra mua hoa tươi thì cách tự làm hoa đơn giản này cũng là một gợi ý cho những chị em khéo tay hay làm.
Cuối năm là dịp để các chị em chuẩn bị dọn dẹp và trang trí lại nhà cửa của mình. Để trang trí nhà thì chắc chắn không thể thiếu đi những bình hoa xinh xắn. Bên cạnh hoa tươi thì hoa khô cũng là một lựa chọn được nhiều người yêu thích bởi độ bền của nó.
Nếu chưa biết chọn mua loại hoa khô nào mà lại là người thích làm đồ handmade thì các chị em có thể tự tay làm các bình hoa cho nhà mình một cách dễ dàng.
Các chị em cùng học cách làm hoa cúc đơn giản chỉ bằng lá dừa và vỏ ngô dưới đây nhé!
Làm hoa cúc bằng lá vạn tuế
Hoa cúc tượng trưng cho sức sống, sự trường thọ và cả phúc lộc, niềm vui. Vì thế đây là loại hoa rất phù hợp để trang trí vào dịp Tết, cách làm hoa cúc cũng không hề khó.
Nguyên liệu : Lá vạn tuế, dây thép, keo nến, máy ép tóc, giấy màu.
Cách làm :
Ngắt lá vạn tuế ra và dùng máy ép tóc để uốn cong phần đầu lá. Chọn những lá ngắn và giữ máy ép tóc lâu hơn một chút để lá ngả vàng và cong hơn. Uốn dây thép thành một vòng tròn nhỏ ở đầu đoạn dây và bọc giấy màu xanh.
Dùng keo nến gắn từng chiếc lá vào dây thép và nhớ là bắt đầu bằng những lá dài và màu xanh ở bên ngoài sau đó mới gắn dần đến các lá ngắn và màu ngả vàng hơn. Các chị em nhớ chọn các lá đều nhau ở từng lớp và sắp xếp sao cho các cánh hoa có sự chuyển màu hợp lý. Xong xuôi thì đem cắm hoa và bình là xong.
Làm hoa cúc bằng vỏ bắp ngô
Nguyên liệu : Vỏ ngô khô, kéo nến, dây kẽm, dây buộc, giấy màu.
Cách làm :
Tách vỏ ngô theo chiều dọc thành những đoạn dài, vặn xoắn rồi gập đôi lại từng đoạn vỏ ngô là ta có một cánh hoa. Lưu ý là chúng ta sẽ làm những cánh hoa có kích thước từ to đến bé. Sau đó xếp dần các cánh hoa có kích thước bé vào với nhau, dùng dây để buộc cố định các cánh hoa. Tiếp đó xếp dần những cánh hoa có kích thước to dần và dùng dây buộc lại cho chắc chắn. Để chắc hơn các chị em cũng có thể sử dụng thêm keo nến.
Sau khi xếp hết các cánh hoa thì chúng ta cắt đi phần vỏ ngô thừa phía dưới. Dùng dây thép cắm vào làm thân bông hoa. Chọn loại giấy nhăn có màu xanh làm đài hoa và cắt giấy theo hình răng cưa to. Dùng keo gắn đài hoa vào với bông hoa. Với phần thân hoa thì dùng một lớp giấy màu trắng để bọc lại.
Cuối cùng dùng một lớp giấy màu nâu bọc lại thân hoa là xong. Các chị em đừng quên chỉnh lại các cánh hoa cho đều nhau trước khi cắm vào lọ nhé!
Chúc các chị em làm những bình hoa của riêng mình thật đẹp nhé!
Hướng dẫn cách cắm hoa ngày Tết đẹp để rước tài lộc, may mắn Những bình hoa đẹp với đầy đủ sắc màu là một phần không thể thiếu mỗi dịp Tết đến, xuân về. Nếu như bạn chưa biết nên cắm loại hoa cho ngày Tết nào, hãy cùng tìm hiểu hướng dẫn trong bài viết ngay sau đây. Cắm hoa ngày Tết bạn nên chọn hoa gì? Mùa Xuân đến là mùa của muôn hoa...