Cô giáo dùng cải lương dạy Truyện Kiều được tặng bằng khen
Cô Huỳnh Sơn Ca được tặng bằng khen vì có thành tích trong việc sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Ngày 9/6, Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh này vừa có quyết định tặng Bằng khen cho cô Huỳnh Sơn Ca, giáo viên Trường THPT Võ Thị Hồng (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau).
Cô Huỳnh Sơn Ca được tặng Bằng khen vì có thành tích trong việc sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy và học.
Trước đó, trên mạng xã hội lan truyền clip một cô giáo dạy Ngữ Văn đã dùng cải lương để truyền đạt kiến thức cho học sinh. Nhiều ý kiến đã khen ngợi phương pháp sáng tạo của người giáo viên trẻ. Người hát bài cổ này chính là cô Huỳnh Sơn Ca. Cụ thể, cô đã hát bài cổ “Hoạn Thư bắt Thúy Kiều” (tác giả Trần Ngọc Thạch) để truyền đạt kiến thức mở rộng về Truyện Kiều cho học sinh lớp 10.
Được biết, trong hoạt động giảng dạy cô Huỳnh Sơn Ca đã từng áp dụng nhiều phương pháp khác như vẽ tranh, ca nhạc, kể chuyện… để kích thích học sinh học tập. Tuy nhiên, hát cải lương trong hoạt động giảng dạy là lần đầu tiên cô thực hiện và đã đạt được những kết quả tích cực./.
Video cô giáo Huỳnh Sơn Ca dạy Truyện Kiều bằng cải lương:
CLIP: Cô giáo trẻ ở Cà Mau tiết lộ lý do hát cải lương khi dạy truyện Kiều
Học sinh và cộng đồng mạng tỏ thích thú với clip cô giáo trẻ ở Cà Mau dạy truyện Kiều bằng cải lương với giọng hát ngọt như "mía lùi".
Clip cô giáo Sơn Ca hát cải lương rất ngọt khi dạy truyện Kiều
Gần đây, mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại hình ảnh để giúp học trò nắm vững kiến thức, một nữ giáo viên trẻ đã mạnh dạn lồng ghép hát cải lương vào trong giảng dạy khiến học sinh thích thú, cộng đồng mạng xôn xao. Theo đó, học sinh khi tiếp cận với cách dạy trên đã tạo nên sự hứng thú, tò mò và phát huy khả năng tư duy của mình.
Với chất giọng cải lương ngọt ngào, cô giáo Sơn Ca khiến học sinh rất thích thú học truyện Kiều
Giáo viên với giọng hát ngọt như "mía lùi" trong clip trên là cô Huỳnh Sơn Ca, dạy môn Ngữ Văn tại Trường THPT Võ Thị Hồng (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) được gần 8 năm.
Tiếp xúc với chúng tôi, cô Sơn Ca cho biết sau nhiều năm giảng dạy, cô cảm thấy học sinh khi học Ngữ Văn thường có cảm giác nhàm chán.
Cô Sơn Ca chia sẻ
"Trước đó, tôi đã áp dụng nhiều phương pháp khác trong giảng dạy như: thuyết trình, thảo luận nhóm, khuyến khích các em vẽ tranh về nhân vật trong tác phẩm để tăng khả năng tư duy và nắm vững kiến thức. Tuy nhiên, lần này tôi quyết định trực tiếp thể hiện tác phẩm bằng cách hát cải lương lồng ghép vào buổi dạy. Tôi không ngờ cách làm đó lại được các em tiếp nhận và hưởng ứng nhiệt tình như vậy", cô Sơn Ca tâm sự.
Học sinh tỏ ra thích thú và chú ý lắng nghe cô Sơn Ca truyền đạt bài học bằng cải lương
Trong quá trình đứng lớp, nữ giáo viên này luôn sắp xếp theo kế hoạch giảng dạy và trình bày nội dung bằng nhiều phương pháp khác nhau nhằm đảm bảo nội dung bài giảng theo quy định. Song, ở phần mở rộng cô sẽ lồng ghép hát truyện Kiều bằng cải lương khoảng 5 phút để tạo sự hứng thú cho học sinh và giúp các em nhớ bài lâu hơn vì nội dung bài đã được cô đọng qua lời hát.
Cô Sơn Ca cùng các em học sinh chụp hình tại trường
Cô Sơn Ca cho hay cô cũng như các giáo viên khác trước khi vận dụng phương pháp mới nào vào trong quá trình giảng dạy đều phải cân nhắc, suy nghĩ, lên kế hoạch cụ thể như: việc vận dụng vào thời điểm nào, mục đích của việc vận dụng là gì... để khi áp dụng được linh động và đảm bảo thời lượng tiết học cũng nội dung bài giảng. "Không phải mình có khả năng ca hát là cứ tiết nào, lớp nào cũng lồng ghép việc hát cải lương trong buổi dạy. Cụ thể, đối với những học sinh chậm tiếp thu hoặc không hứng thú với phương pháp dạy này mà mình chỉ hát, không tập trung vào giảng dạy thì sẽ phản tác dụng. Vậy nên, việc vận dụng phương pháp lồng hát cải lương vào tiết học phải linh hoạt, phù hợp với đối tượng và tình huống cụ thể", cô Sơn Ca trải lòng.
Cách giảng dạy theo phương pháp mới của cô Sơn Ca đã nhận được đồng thuận và đón nhận nhiệt tình của các em học sinh Trường THPT Võ Thị Hồng. "Cách dạy văn kết hợp với hát cải lương của cô Sơn Ca giúp em và các bạn cảm thấy hứng thú khi tiếp cận kiến thức. Cải lương là một loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, nếu phương pháp mới này được áp dụng rộng rãi sẽ góp phần bảo tồn loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc ta", em Nguyễn Thị Tuyết Lan, học sinh lớp 10A2, Trường THPT Võ Thị Hồng, chia sẻ.
Thầy Phan Hoàng Lil, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Võ Thị Hồng, cho biết thực hiện chủ trương đổi mới giáo dục và đào tạo của ngành, thời gian qua, nhà trường đã phát động và khuyến khích giáo viên đổi mới phương pháp dạy để giúp các em có thể tiếp nhận kiến thức cách tốt nhất, tạo tâm lý thoải mái, hứng thú và đặc biệt không để các em bị áp lực khi đến lớp.
"Ngoài kết hợp hát cải lương vào giảng dạy đối với môn Ngữ Văn, nhà trường cũng khuyến khích các giáo viên bộ môn còn lại cần mạnh dạn áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy để kiến thức truyền tải đến các em một cách linh động và đa chiều. Tuy nhiên, việc đổi mới phương pháp giảng dạy phải phù hợp với quy định và đảm bảo nội dung bài giảng", thầy Lil chia sẻ về định hướng của nhà trường.
Cô giáo Cà Mau dạy Văn bằng cải lương khiến học sinh 'rần rần' thích thú Với mong muốn giúp học sinh cảm thấy hứng thú và yêu thích môn Văn hơn, cô giáo trẻ đã trổ tài dạy tác phẩm Truyện Kiều bằng cải lương và được hưởng ứng nhiệt tình. Vốn là môn học khiến nhiều học sinh 'sợ ra mặt' nhưng bằng những phương pháp giảng dạy mà nhiều thầy cô đảm nhiệm dạy môn Ngữ...