Cô giáo có duyên với học trò khiếm thị
Cô giáo trẻ Lê Thị Hồng Nhung tâm nguyện rằng phải sống thật ý nghĩa và phải làm được điều gì đó để hỗ trợ cho cộng đồng học sinh khiếm thị.
Về thăm trường chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong một dịp công tác, tôi tình cờ biết đến câu chuyện của cô giáo trẻ Lê Thị Hồng Nhung – Cô giáo có cái duyên đặc biệt với học sinh khiếm thị.
Tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh chuyên ngành Hóa học, cô Lê Thị Hồng Nhung đạt học bổng toàn phần, theo học ngành Master of teaching (Thạc sĩ phương pháp giảng dạy) chuyên ngành Science (Khoa học tự nhiên) của trường Đại học Newcastle, Úc.
Hoàn thành chương trình Thạc sĩ, cô về công tác tại trường Chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Cô Nhung tâm sự: “Cách đây 10 năm, em tham gia dạy học tình nguyện cho các bạn khiếm thị ở mái ấm Bừng Sáng. Tại đây em có duyên được tham dự chương trình ca nhạc gây quĩ đặc biệt do chính các bạn khiếm thị trong mái ấm tổ chức.
Khi chương trình sắp bắt đầu, điện nguyên tòa nhà đột ngột tắt, người tham gia nhốn nháo lo lắng cho chương trình, vì không biết sự cố gì đang xảy ra. Khoảng 1 phút sau, một ánh đèn nhỏ xuất hiện trên sân khấu, chị MC theo sau đó bước ra.
Chị nói một câu khắc vào tâm em đến ngày hôm nay: “Các bạn ơi, các bạn chỉ mới mất ánh sáng có 1 phút thôi, còn chúng tôi những người khiếm thị cả một đời chưa một lần nhìn thấy ánh sáng, chúng tôi sẽ sống thế nào?
Chúng tôi vẫn sống tốt các bạn ạ, vẫn yêu đời và nhìn đời theo màu trong sáng nhất”.
Chị MC sinh ra bẩm sinh không có mí mắt nhưng với nỗ lực mạnh mẽ, khi đứng trên sân khấu này chị đã cầm trên tay tấm bằng Cử nhân từ Đại học khoa học xã hội nhân văn.
Từ đó đến nay, em luôn tâm nguyện rằng phải sống thật ý nghĩa và phải làm được điều gì đó để hỗ trợ cho cộng đồng học sinh khiếm thị.
Qua tiếp xúc và tìm hiểu, em nhận thấy học sinh khiếm thị gặp nhiều trở ngại khi học các môn tự nhiên đặc biệt là môn Hóa học do phải tư duy trừu tượng, trong khi các giáo cụ học tập trực quan cho học sinh khiếm thị còn nhiều hạn chế.
Trong một lần tâm sự với học trò, các em đề xuất “Mình làm cho các bạn khiếm thị bảng tuần hoàn biết nói đi cô”.Em luôn đau đáu một điều, làm sao để hỗ trợ cho việc học Hóa của các bạn học sinh khiếm thị đây?
Video đang HOT
Bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học tương tác tích hợp Audios ra đời ra đời như vậy đó thầy. Cả cô và trò cùng làm, biết bao lần thất bại vẫn không nản chí.
Với sự hỗ trợ từ Ban giám hiệu trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, Irish Aid và nhóm nghiên cứu SL-STEM trường Đại học Khoa học tự nhiên thành phố Hồ Chí Minh, 95 học sinh của 3 lớp 10 Toán 1, 10 Anh văn 1 và 10 Tin trường Lê Quý Đôn, đã hoàn thành dự án với một số sản phẩm vượt xa mong đợi.
Kết thúc dự án, học sinh được tham gia chuyến trải nghiệm thực tế một ngày cùng học sinh khiếm thị và tận tay trao sản phẩm đến các bạn tại trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu.
Sau chuyến đi, học sinh chiêm nghiệm được nhiều điều để hiểu và biết trân quý cuộc sống hiện tại, biết nỗ lực sống vì một xã hội tốt đẹp hơn”.
Cô Nhung cảm thấy vô cùng hạnh phúc bởi sau tất cả, tinh thần vì cộng đồng đã được lan tỏa đến thế hệ trẻ – Những học trò nhỏ đầy yêu thương của cô.
Cô Lê Thị Hồng Nhung (áo dài xanh hàng đầu, bìa trái) cùng học sinh trong buổi trao tặng sản phẩm dự án tại trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh CTV
Bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học tương tác tích hợp Audios, theo lời dí dỏm của cô Hà Thanh Vân – Hiệu trưởng trường Nguyễn Đình Chiểu: “Bảng tuần hoàn biết nói đầu tiên cho học sinh khiếm thị; bảng tuần hoàn nhân ái”.
Bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học tương tác tích hợp Audios dành cho người khiếm thị đã gây tiếng vang trên cộng đồng khiếm thị khu vực và thế giới.
Tháng 12 năm 2018, Bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học tương tác tích hợp Audios được báo cáo tại hội thảo Quốc tế “1st International Symposium on Community Based Learning and Stem Education” do Lãnh sự quán Ireland kết hợp cùng Irish Aid và trường Đại học Khoa học tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức với bài báo cáo: “Designing Interactive Periodic Table for Visually Impaired Students at Nguyen Dinh Chieu High School for the Blind”.
Tháng 7 năm 2019, cô Lê Thị Hồng Nhung được Federation of Asian Chemical Societies (Liên đoàn các hiệp hội Hóa học Châu Á) tài trợ học bổng tham dự hội thảo Quốc tế “The 8th International Conference on Network for Inter-Asian Chemistry Educators” tại trường Đại học Sư phạm Quốc gia Đài Bắc với bài tham luận: “CBL-STEAM learning project through design thinking for visually impaired students: High school students’ exploration of Periodic Table”.
Cô Lê Thị Hồng Nhung tại hội thảo Quốc tế “The 8th International Conference on Network for Inter-Asian Chemistry Educators”, Đài Bắc (Ảnh: NVCC)
Mong ước của cô Nhung, sản phẩm Bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học tương tác tích hợp Audios được nhân rộng, để mỗi em học sinh khiếm thị trên cả nước sẽ được trang bị một bảng tuần hoàn tương tác riêng.
Cô không đặt giới hạn cho dự án mà vẫn tiếp tục hoàn thiện sản phẩm ở những phiên bản tối ưu hơn, đồng thời tiếp tục nghiên cứu và phát triển các sản phẩm khác hỗ trợ cho cộng đồng khiếm thị.
Trong dạy học, cô thực hiện theo định hướng STEM; học tập phục vụ cộng đồng; ngoài định hình khả năng tự nghiên cứu cho học trò, cô giáo Hồng Nhung còn mang lại cho học trò của mình những giá trị sống, khơi gợi ở các em những cảm xúc – biết sống nhân ái, biết cảm thông và sẻ chia, biết đứng dậy sau thất bại, cho các em cơ hội được trưởng thành để thành người tốt, có ích cho xã hội.
Nơi lạnh nhất không phải ở Nam cực, nơi lạnh nhất chính là nơi không có yêu thương. Mỗi giáo viên phải là tấm gương về sự sẻ chia và lan tỏa lòng nhân ái đến học trò; đặc biệt là những học trò khuyết tật.
Sơn Quang Huyến
Theo giaoduc.net
Nể phục nghị lực đến trường của cậu bé khiếm thị, mồ côi
Đó là câu chuyện về em Nguyễn Văn Hiếu theo đuổi ước mơ thành nhà phiên dịch dù đã bị hỏng một bên mắt trái còn mắt phải thì nhìn không rõ.
Khi Nguyễn Văn Hiếu (sinh năm 2000), quê ở Bảo Đài, Lục Nam, tỉnh Bắc Giang mới học lớp 6 thì bố qua đời bởi căn bệnh suy thận để lại bao lo toan, gánh nặng đè lên đôi vai của mẹ.
Để nuôi Hiếu và em gái ăn học, cả gia đình sống nhờ vào mấy sào ruộng nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn, vất vả.
Hiểu được điều đó, cộng với ước mơ trở thành nhà phiên dịch giỏi, Hiếu đã luôn cố gắng học tập và trở thành tân sinh viên ngành ngôn ngữ Anh, trường Đại học Khoa học Thái Nguyên.
Em Nguyễn Văn Hiếu theo đuổi ước mơ thành nhà phiên dịch dù đã bị hỏng một bên mắt trái còn mắt phải thì nhìn không rõ. (Ảnh: Thùy Linh)
Cậu tân sinh viên cho hay, sẽ cố gắng học thật tốt để không phụ lòng mẹ đồng thời để cuộc sống sau này đỡ vất vả.
Là con trai lớn trong gia đình, nhiều công việc Hiếu muốn đỡ đần mẹ ấy thế mà tình hình thị giác của em rất yếu nên chỉ giúp mẹ được một số việc nhỏ như nấu cơm, quét dọn nhà cửa, hái rau, chăn gà chăn lợn còn mọi công việc nặng nhọc trong nhà đều do mẹ gánh vác.
Chia sẻ rõ hơn về tình hình sức khỏe của mình, Hiếu kể với tôi: "Em cận bẩm sinh, sau đó bị chứng bong võng mạc nhưng do không có tiền để chữa trị kịp thời, giờ đã bị hỏng một bên bắt trái.
Còn mắt phải hiện nhìn không rõ dù đã trải qua 4 ca phẫu thuật. Quá trình học tập, sinh hoạt hàng ngày của em rất khó khăn".
Không chỉ khó khăn vì quãng đường đến trường mà khi tới lớp rồi Hiếu lại đối mặt với việc chỉ có thể nghe cô giảng bài, vì mắt không thể nhìn xa lên bảng được. Để khắc phục em phải sử dụng điện thoại để phóng to chụp những nội dung thầy cô đã ghi. Đôi mắt không còn nhìn rõ đã khiến việc đến trường của Hiếu gặp rất nhiều khó khăn. Việc phải tự đạp xe đạp đến trường cách nhà 5km có những lúc tưởng như không thể tiếp tục. Trời nắng hay trời mưa cũng làm cho đôi mắt của em càng thêm nhòa.
Việc học chữ đối với Hiếu gian nan như vậy nhưng cậu bé khiếm thị này vẫn đạt 3 năm liền là học sinh tiên tiến ở mái trường trung học phổ thông.
Bước vào giảng đường đại học để theo đuổi ước mơ trở thành một phiên dịch viên dù con đường đó với Hiếu còn bộn bề khó khăn,thử thách.
Nhưng qua trò chuyện với em, tôi thấy toát lên một niềm tin mãnh liệt về tương lai. Việc Hiếu đặt ra kế hoạch cho bản thân rằng kết thúc năm thứ nhất sẽ thi được chứng chỉ B1 và đến khi ra trường sẽ đạt C1.
Thùy Linh
Theo giaoduc.net
Hướng dẫn kỹ năng sống cho người khuyết tật Cùng với cả nước, tại Quảng Ninh, việc thực hiện Luật Người khuyết tật và công tác chăm sóc, trợ giúp người khuyết tật là hoạt động thường xuyên được quan tâm. Thời gian qua, các cơ sở có người khuyết tật trên địa bàn tỉnh đã tổ chức các hoạt động trợ giúp cho người khuyết tật nghe, nhìn rất hiệu quả....