Cô giáo 9X xinh đẹp và cậu học trò nhỏ côi cút
Tới một trong những xã khó khăn nhất của huyện Bạch Thông, Bắc Kạn, cô giáo 9X có cái tên đẹp Hoàng Thiện Mỹ đã khiến chúng tôi không ít tò mò về câu chuyện của em với cậu học trò nhỏ có một hoàn cảnh vô cùng đặc biệt.
Thiện Mỹ với bé Hải Anh tại nhà của bé. (Ảnh: Gia Tưởng)
Tin nhắn giữa đêm khuya
Giữa đêm khuya, Mỹ nhắn cho chúng tôi 1 cái tin rất dài. Câu chuyện em kể không có gì mới, về hoàn cảnh của một cậu bé 7 tuổi là học sinh trong lớp em chủ nhiệm. Cậu bé tên là Hải Anh. Bố mẹ cậu bé đều đang ở trong tù và có lẽ còn rất lâu nữa mới ra. Em đang sống với bà và bà em lại mắc căn bệnh ung thư quái ác. Với công việc của mình, hàng tuần chúng tôi phải tiếp xúc với nhiều cảnh đời khó khăn và bi đát hơn thế.
Để có thức ăn, Hải Anh tự đi câu ở cái vũng mà em gọi là “ao” ở gần nhà
Nhưng tiếp đó, câu chuyện khiến chúng tôi lưu tâm hơn khi Thiện Mỹ gửi cho chúng tôi 1 bức ảnh về cậu bé 7 tuổi mặc một bộ quần áo nỉ giữa mùa hè. Lý do rất đơn giản: Quần áo mùa hè năm trước của em đã ngắn và năm nay bà không có tiền để mua quần áo mới cho em.
Thiện Mỹ kể cho chúng tôi nghe tỉ mỉ về hoàn cảnh của cậu học trò, từ việc cậu bị đau bụng làm cô giáo tá hỏa nhờ thăm khám mà lý do cuối cùng chỉ vì… đói đến việc cả tuần cậu phải ăn mì tôm vì bà đi viện điều trị, ở nhà cậu không có tiền để mua thức ăn…
“Khi biết hoàn cảnh của Hải Anh, thỉnh thoảng đi chợ em vẫn mua ít đồ ăn vào cho em ý, nhưng cứ thế này thì tội lắm chị ạ. Vì bà sẽ còn phải điều trị rất dài mà Hải Anh cũng không còn ai có thể đỡ đần được nữa. Lo nhất là càng ngày Hải Anh càng tự ti, lúc nào cũng sợ sệt, nhút nhát, bạn bè thấy vậy cũng ít người chơi với em. Vậy nên, em đánh liều gửi tin cho anh chị, mong có chút cơ hội nào để giúp em ấy”.
Cái cách mà Thiện Mỹ nói về Hải Anh khiến chúng tôi nhớ về những thầy cô thời thơ bé của mình. Sẵn sàng nấu cơm, đưa học trò về trông khi bố mẹ bận làm chưa đến đón. Sẵn sàng lau mũi, dãi, rửa vết tróc, lở và những vết lem không bao giờ hết của tuổi thơ cho những đứa học trò luôn nghịch ngợm…
Video đang HOT
Cô giáo trẻ trung, xinh đẹp và giàu lòng nhân ái Hoàng Thiện Mỹ. (Ảnh: FBNV)
Và chúng tôi đã quyết định sẽ lên thăm cậu học trò tội nghiệp của Thiện Mỹ.
Cậu học trò đáng thương
Thiện Mỹ đón chúng tôi ở cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn. Em muốn đưa chúng tôi và thăm bà của Hải Anh đang nằm điều trị tại đây trước khi về nhà thăm Hải Anh. Phải thú thực, chúng tôi hết sức ngỡ ngàng khi thấy một cô gái trẻ trung, xinh đẹp năng động, và cũng rất giàu lòng nhân ái. Thiện Mỹ sinh năm 1996 đang là giáo viên hợp đồng của trường Tiểu học Vi Hương, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn.
Bà Ngô Thị Toán (59 tuổi) – bà nội của Hải Anh nằm trên giường bệnh trong một góc phòng điều trị của Khoa Ung bướu. Trên bàn không hoa quả, sữa nước và không người chăm sóc. Nhắc đến Hải Anh, nước mắt bà lại lăn dài.
Cùng giai đoạn đó, bà Toán phát hiện bị ung thư. Đồ đạc, của nả trong nhà đội nón ra đi sau những cơn đau thắt ngực. Sức khỏe của bà cũng sa sút trầm trọng…Bố mẹ Hải Anh đến với nhau không được sự đồng ý của gia đình, khi cả hai đều đã từng tan vỡ trong hôn nhân. Hải Anh được 3 tuổi thì mẹ phải thụ án vì buôn bán ma túy, em và bố chuyển về ở cùng bà nội. Sau đó không lâu bố Hải Anh cũng bị kết án tù chung thân.
Bà Toán kể: Bà bị ung thư vú ở giai đoạn di căn vào phổi, phải xuống Bệnh viện K điều trị nhưng không có tiền nên bà đã xin bác sĩ cho nằm viện theo chế độ bảo hiểm ở đây. Thỉnh thoảng bà chỉ xuống Bệnh viện K khám và lấy thuốc.
“Bố Hải Anh đang trong tù, cô con gái nuôi thì cũng vất vả lo đủ bề nên tôi ở đây 1 mình. Đến bữa mà không đau thì xuống mua suất cơm 15 nghìn, nếu đau quá thì nhờ bác cùng phòng mua giúp. Thương là thương thằng bé ở nhà…”, bà Toán khóc nghẹn giọng.
Bà kể tiếp, những ngày không có bà ở nhà, Hải Anh thường nấu mì tôm ăn là chính. Chị gái cùng cha khác mẹ với Hải Anh ở nhà cũng thỉnh thoảng có nấu cho bữa cơm nhưng tính nóng nảy nên hay đánh mắng thằng bé. Lâu dần Hải Anh càng thêm lầm lì, ít nói…
Hải Anh khôi ngô, trắng trẻo nhưng đúng như lời miêu tả của Thiện Mỹ, từ ánh mắt đến hành động đều toát lên một vẻ sợ sệt, rụt rè. Thậm chí, chỉ cần ai hơi giơ tay cao, là lập tức cậu bé co người lại.
“Các con ở lớp em dạy đều tuổi hổ nên nổi tiếng nghịch từ mẫu giáo. Nhưng vào lớp em quan sát, thì thấy Hải Anh có vẻ thu mình, thụ động nhút nhát, nhưng lại thường xuyên có những cơn cáu giận, đánh nhau với bạn bè, đi học thì không tập trung. Từ đó em đã tìm hiểu hoàn cảnh của Hải Anh. Có lần về nhà, thấy Hải Anh ở nhà một mình cả tuần và ăn mì tôm sống qua bữa. Hôm rồi, thấy Hải Anh mặc quần áo nỉ đến lớp giữa mùa hè, em thương quá…”, Thiện Mỹ nhớ lại.
Từ đó, thỉnh thoảng, tiện đi chợ, Thiện Mỹ lại mua chút thịt rang sẵn mang xuống cho Hải Anh.
Cô giáo Thiện Mỹ mua quần áo mới mang vào cho Hải Anh. (Ảnh: Gia Tưởng)
“Em hiện là giáo viên hợp đồng, lương không cao nên chỉ có thể thỉnh thoảng giúp cho Hải Anh thôi. Em chỉ mong có một đơn vị nào đó hỗ trợ mỗi tháng khoảng 500 nghìn đồng để có thể mua thức ăn cho con. Vì thực tế, bà giờ tiền đi khám bệnh còn phải vay mượn nên không có nguồn chi phí nào cho Hải Anh”, Thiện Mỹ hy vọng.
Khi chúng tôi đến nhà, Hải Anh vừa ăn trưa với người anh họ. Cậu kể: Do bà đi viện nên anh họ học lớp 8 đến ở cùng. Hai anh em hái rau ngoài vườn, cá thì câu từ ao để nấu cơm trưa. Chúng tôi đi theo Hải Anh ra xem cái ao. Nó nhỏ như 1 cái vũng nước…
Thiện Mỹ hiện đang là giáo viên Trường Tiểu học Vi Hương. Ảnh FBNV
Trò chuyện với chúng tôi, chị Ngô Thị Thêu – bác họ của Hải Anh nhìn xa xăm: “Giờ hai bà cháu sống lần hồi bữa qua ngày thôi chứ không có nguồn thu nhập nào. Chưa biết những ngày sau sẽ thế nào… May mà vẫn còn có cô giáo thường xuyên qua lại, đỡ đần và động viên cho cháu…”.
Đến nay, đã 3 tháng trôi qua, Thiện Mỹ đã kêu gọi được nguồn hỗ trợ hàng tháng cho Hải Anh như em mong muốn. Đều đặn mỗi tuần, cô giáo trẻ 9X vẫn mua từng cân thịt, gói mì, cái bánh… cho cậu học trò côi cút của mình. Và những tin nhắn của Thiện Mỹ vẫn đều đặn đến với chúng tôi: “Anh chị ơi, Hải Anh dạo này vui lắm. Con bớt lầm lì hơn rồi”; “Chị ơi, hôm nay Hải Anh diện áo mới đi học tiếng Anh rồi đó…”…
Tôi nghĩ, cái Thiện Mỹ mang đến cho Hải Anh không chỉ là những lời kêu gọi vận động các nhà hảo tâm để học trò mình có thêm cân thịt hay gói mì tôm… mà cái quan trọng hơn là em muốn giúp cho cậu học trò nhỏ của mình có thêm niềm tin vào sự tử tế trong xã hội, tình yêu thương, sự sẻ chia giữa con người với con người để cậu bé có thêm sự tự tin và thương yêu mọi người quanh mình.
Và đó mới thực sự là điều giá trị nhất mà Thiện Mỹ đã làm được cho cậu học trò nhỏ côi cút!
Theo Danviet
Thu gần 1 tỷ đồng từ vườn cam đặc sản
Những năm qua, từ nguồn vốn vay ưu đãi Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), nhiều hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách ở huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) đã phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, trong đó không ít hộ trồng cam đặc sản, có hộ như gia đình ông Thụ thu gần 1 tỷ đồng mỗi năm từ vườn cam
Có đất mà vẫn nghèo
Ông Lưu Chân Thụ ở thôn Nà Thoi, xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông - một trong những hộ nghèo của gần 20 năm trước, nay đã thoát cảnh nghèo khó, đi lên từ vốn vay ưu đãi. Dẫn chúng tôi ra khu vườn đồi trồng bạt ngàn cam long vàng, ông Thụ cho biết: Có được cơ ngơi như ngày hôm nay là thành quả của bao công sức, thời gian, vốn liếng nhà tôi đã bỏ ra. Tuy nhà có đất trồng cam, nhưng ban đầu không có vốn để đầu chăm sóc nên cây cam bị cằn cỗi, cho năng suất thấp. Về sau được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH nên nhà tôi mới đầu tư cải tạo vườn, mở rộng thêm diên tích trồng cam được gần 7ha như hôm nay.....
Ông Lưu Chấn Thụ ở thôn Nà Thoi, xã Quang Thuận vay vốn ưu đãi đầu tư chăm sóc vườn cam.
Theo ông Thụ, vào năm 2004, thông qua đoàn thể địa phương, ông được Ngân hàng CSXH giải ngân nguồn vốn cho vay hộ nghèo. Có vốn, ông đầu tư ngay vào việc mua phân bón, xây bể tích nước để tưới, chủ động phòng trừ sâu bệnh cho vườn cam nên chỉ sau 1 thời gian ngắn cây cam phát triển tốt, quả to, bán được giá.
Sau 1 năm kể từ khi tiếp cận được vốn đầu tư, hiệu quả kinh tế từ vườn cam của gia đình ông Thụ đã tăng lên gấp 3-4 lần. Nếu như những năm đầu trồng, cả vườn cam của gia đình ông Thụ chỉ thu về chưa đến 50 triệu đồng thì đến nay nguồn thu từ bán cam đã lên đến hàng trăm triệu đồng. Không chỉ hoàn trả được vốn vay cho ngân hàng mà gia đình ông Thụ còn có vốn tích lũy để mở rộng thêm diện tích trồng cam, tập trung đầu tư chăm bón, phòng trừ sâu bệnh đúng cách. Năm nay theo tính toán, gia đình ông Thụ dự kiến thu về từ vườn cam ngót nghét khoảng 1 tỷ đồng...
Có vốn ưu đãi, bà con yên tâm làm ăn
Vào thôn Nà Cọong, xã Dương Phong, huyện Bạch Thông chúng tôi bị cuốn hút bởi màu xanh ngút mắt của những vườn cam sai trĩu quả. Thăm gia đình anh Hoàng Văn Nơi, một trong nhiều hộ vay vốn chính sách ngay từ những ngày đầu Ngân hàng CSXH hoạt động, chúng tôi vui mừng khi chứng kiến hơn 2ha cam của gia đình đang ra hoa, đậu sai quả. Trước đây, tôi đi làm thuê, làm mướn cũng chỉ lo đủ bữa cơm nhưng từ khi biết đến Ngân hàng CSXH, vay được vốn và Hội ND giúp đỡ về tập huấn khoa học kỹ thuật, gia đình đã đầu tư trồng cam cho quả tốt, đạt chất lượng cao và được thương lái thu mua tận gốc, cuộc sống đã ổn định hẳn lên...- anh Nơi chia sẻ.
Anh Nơi kể thêm, ngoài giống cam lòng vàng, năm nay gia đình anh mạnh dạn trồng thêm cam Canh. Do thời tiết chưa thuận nên còn gặp khó khăn, nhưng nhờ sự chia sẻ kinh nghiệm của các tổ chức Hội, đoàn thể và những buổi tập huấn khoa học kỹ thuật định kỳ mà anh Nơi dần vượt qua khó khăn đó.
Vay vốn ưu đãi với thủ tục thuận tiện, phù hợp với người nghèo chúng tôi. Tuy nhiên, nếu tính chi phí đầu tư đầy đủ cho 1ha trồng cam phải mất 150 triệu đồng. Chu kỳ sinh trưởng của cây cam phải sau 4 - 5 năm mới bắt đầu cho thu hoạch, vì thế, số vốn đầu tư ban đầu khá lớn, do vậy chúng tôi đề nghị Ngân hàng CSXH tăng thêm nguồn vốn và mức cho vay để bà con yên tâm làm ăn- anh Nơi đề xuất.
Về các chương trình tín dụng ủy thác với Ngân hàng CSXH, Phó Chủ tịch Hội ND xã Quang Thuận Lưu Kiệt Phong cho biết, để nguồn vốn ưu đãi phát huy hiệu quả cao nhất, các Hội đoàn thể đã tập trung chỉ đạo các Tổ tiết kiệm và vay vốn rà soát đối tượng có nhu cầy vay vốn và tổ chức bình xét công khai, dân chủ ngay tại thôn, bản để chọn đúng đối tượng. Bên cạnh phối hợp giải ngân tới tận tay bà con, các Hội đoàn thể còn tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn cách sử dụng đồng vốn, giám sát quá trình sử dụng vốn, đôn đốc bà con trả lãi, trả gốc đúng hạn...
Theo Danviet
CSGT dùng xe tuần tra đưa sản phụ giữa đêm đẻ rớt trên đường đến viện Trong quá trình làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát ban đêm, hai CSGT phát hiện một sản phụ đẻ rớt bên đường. Ngay lập tức, hai cán bộ đã dùng xe đưa mẹ con sản phụ đến bệnh viện cấp cứu an toàn. Ngày 10.8, lãnh đạo Đội CSGT - Công an huyện Krông Nô cho biết sẽ đề xuất khen thưởng...