Có giám sát, phản biện, vấn nạn thực phẩm bẩn đã chuyển biến
Tình trạng mất vệ sinh, an toàn thực phẩm được nhận định có nơi, có lúc đã đến mức báo động. Quốc hội quyết định tiến hành giám sát tối cao, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam cũng vào cuộc… Tình hình đã có những chuyển biến tích cực…
Đó là một ví dụ được đưa ra để thuyết phục các đại biểu tham dự phiên họp tại UB Thường vụ Quốc hội hôm nay, 21/4, nhất trí thông qua dự thảo Nghị quyết liên tịch về thực hiện cơ chế giám sát, phản biện xã hội giữa 3 cơ quan UB Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Trình bày dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết Điều 27, Điều 34 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về hình thức giám sát và phản biện xã hội, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký UB Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, Mặt trận đã “cập nhật” một số điểm mới sau phiên thảo luận vừa qua tại UB Pháp luật của Quốc hội.
Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu trước UB Thường vụ Quốc hội
Cụ thể, dự thảo Nghị quyết liên tịch có quy định, quý IV hàng năm, MTTQ các cấp chủ trì hiệp thương với các tổ chức chính trị xã hội cùng cấp xây dựng kế hoạch giám sát phản biện xã hội năm sau. Quy định này là để đảm bảo tránh chồng chéo, trùng lắp với các hoạt động hiện đang thực hiện.
Ở Trung ương, kế hoạch giám sát phản biện xã hội có sự trao đổi, thống nhất với Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ. Ở cấp tỉnh, kế hoạch giám sát phản biện xã hội có sự trao đổi, thống nhất với Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND cùng cấp. Ở cấp huyện, cấp xã, kế hoạch giám sát phản biện xã hội có sự trao đổi thống nhất với HĐND, UBND cùng cấp về nội dung, lĩnh vực, địa bàn và thời gian giám sát.
Nhất trí với hướng báo cáo, chỉnh lý này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phân tích, theo kế hoạch giám sát hàng năm, Quốc hội cũng có 2 chuyên đề được triển khai; các UB chuyên môn của Quốc hội có 2-3 chuyên đề nữa. Như vậy, tính riêng khối cơ quan của Quốc hội, đối tượng giám sát ở địa phương đã khá lớn.
Theo ông Phúc, cần tính toán sao để tránh thời điểm đoàn giám sát của Quốc hội, UB hường vụ Quốc hội, các UB của Quốc hội và MTTQ cùng hoạt động mà không có sự chồng chéo, gây áp lực với địa phương khi có chuyện nhiều đoàn công tác đến làm việc cùng thời điểm.
Video đang HOT
Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, mỗi kỳ họp đầu năm của Quốc hội thường có 200 nội dung đề xuất thực hiện giám sát, trên cơ sở đó, có 4 nội dung được chọn ra trình Quốc hội xem xét, quyết định 2 nội dung. Nội dung phong phú vậy cho nên sau khi Quốc hội họp xong, các bên cũng nên họp và thống nhất các nhóm vấn đề khác để chất vấn, tránh khả năng trùng lắp với giám sát của Quốc hội, UB Thường vụ Quốc, và để cho các cơ quan chịu sự giám sát bố trí, chuẩn bị để đón các đoàn giám sát khác nhau.
Góp ý kiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu quan điểm, cần thiết xác định mốc thời điểm cụ thể để lập kế hoạch và căn cứ vào thực tế, nên vào quý III hàng năm. Tuy nhiên, nếu phát sinh những vấn đề cần thiết phải giảm sát, phản biện xã hội, các bên liên quan sẽ đề xuất bổ sung vào kế hoạch giám sát, phản biện xã hội đã lập.
Tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận xét, lúc đầu nghe qua về các hoạt động giám sát như vậy, nhiều người ở các cơ quan cảm thấy có áp lực nhưng điều đó là cần thiết. Lấy ví dụ từ cuộc giám sát tối cao về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm mà Thường vụ Quốc hội vừa cho ý kiến hôm qua, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, khi MTTQ Việt Nam vào cuộc hay Đoàn giám sát của Quốc hội triển khai hoạt động, tình hình có chuyển biến ngay.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, cuộc giám sát vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đã mang lại chuyển biến tích cực.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Nghị quyết liên tịch này có sự tham gia của “3 bên”, cần có hình thức ký kết cho đúng tầm, nên thực hiện vào thời điểm Quốc hội họp để thông điệp đưa ra có hiệu quả nhất.
Chốt lại, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thống nhất giao UB Pháp luật chủ trì thẩm tra, phối hợ với UB Trung ương MTTQ, Văn phòng Chính phủ hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết để 3 cơ quan thực hiện việc ký kết vào kỳ họp giữa năm nay của Quốc hội với nghi thức trang trọng.
P.Thảo
Theo Dantri
Mặt trận Tổ quốc muốn tăng giám sát xã hội, Chính phủ lo áp lực
Ngày 14/4, tiếp tục phiên họp toàn thể lần thứ 5, UB Pháp luật của Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết liên tịch quy chế chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam. Phía Chính phủ vẫn chưa có ý kiến chính thức về việc tham gia ký nghị quyết...
Dự phiên họp, Phó Chủ tịch UB TƯMTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực phát biểu, theo quy định của Luật MTTQ Việt Nam thì hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam được thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm phát huy dân chủ, sự tham gia của nhân dân, thành viên của MTTQ Việt Nam xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân thực hiện công khai minh bạch không chồng chéo, không làm cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát.
Trên tinh thần đó, theo Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực, Nghị quyết liên tịch đã quy định: Quý IV hàng năm, UBMTTQ và các tổ chức chính trị xã hội các cấp chủ động xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội của năm sau. Kế hoạch giám sát có sự trao đổi, thống nhất với UB Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, HĐND, UBND cùng cấp về nội dung, lĩnh vực, địa bàn và thời gian giám sát.
Trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết - Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, thường trực UB nhất trí với tờ trình của Đoàn Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam về việc cần có sự phối hợp để thống nhất về kế hoạch giám sát hàng năm giữa Mặt trận, các tổ chức chính trị xã hội ở Trung ương với kế hoạch giám sát của Quốc hội, UB Thường vụ Quốc hội...
Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra về dự thảo nghị quyết.
Nguyên tắc đề ra là không được để xảy ra chồng chéo, không làm cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát, không để một vụ việc lĩnh vực nội dung có đồng thời nhiều cơ quan, tổ chức cùng giám sát ở một thời gian, địa bàn nhất định.
Về cơ bản, thường trực Ủy ban Pháp luật nhất trí với cơ chế phối hợp giám sát được quy định tại khoản 3 điều 3 của dự thảo Nghị quyết. Theo đó Quý IV hàng năm, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội các cấp chủ động xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội của năm sau. Kế hoạch giám sát có sự trao đổi, thống nhất với UB Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, HĐND, UBND cùng cấp về nội dung, lĩnh vực, địa bàn và thời gian giám sát.
Tuy nhiên Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật cho biết, đến thời điểm này Chính phủ vẫn chưa có ý kiến chính thức chuyển sang.
Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, đích thân ông đã gọi điện mời lãnh đạo Văn phòng Chính phủ sang họp. Tại phiên họp hôm nay, giải thích lý do đến nay Chính phủ vẫn chưa có ý kiến chính thức về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Tùng cho biết: Ngày 31/3 Bộ Tư pháp đã có văn bản thẩm định gửi Chính phủ. Ngày 4/4 Bộ đã có văn bản gửi Đoàn Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam. Ngày 10/4 Văn phòng Chính phủ đã nhận được văn bản của Mặt trận gửi sang. Hiện Chính phủ đang được lấy ý kiến thành viên Chính phủ. Dự kiến thứ 2 tới các thành viên Chính phủ mới có ý kiến, sau đó Văn phòng Chính phủ mới tổng hợp ý kiến để gửi Quốc hội.
Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng, đây là Nghị quyết 3 bên, cả 3 bên phải có ý kiến.
"Mặt trận đã có ý kiến, UB Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến rồi, nhưng giờ Chính phủ chưa có ý kiến, phản hồi gì trong khi chương trình đưa vào từ tháng trước. Tháng trước tại phiên họp của UB Thường vụ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nói sẽ có văn bản nhưng đến nay chưa có hồi âm. Giờ Chính phủ ký hay không ký thì cần sớm có văn bản gửi sang" - ông Định nói.
Chủ nhiệm UB Pháp luật cho biết sẽ báo cáo UB Thường vụ Quốc hội 2 phương án. Phương án 1: Nghị quyết sẽ được ký 3 bên (UB Thường vụ Quốc hội - UB Trung ương MTTQ - Chính phủ). Phương án 2: trường hợp 2 bên ký Nghị quyết là UB Thường vụ và Mặt trận ký thì Chính phủ là cơ quan chấp hành.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh góp ý thêm, dự thảo Nghị quyết cần xác định phân cấp rõ hơn nữa đối tượng giám sát. Ông Thanh phân tích, hiện tại, các cơ chế thanh tra kiểm toán nhiều giao cho quá nhiều cơ quan.
"Hôm qua Chủ tịch nước làm việc với Kiểm toán nhà nước, kiểm toán cho biết, các đối tượng đều than bị phiền hà. Ngay bản thân chúng tôi cũng thấy như vậy. Vậy nên, giám sát của Mặt trận nên nhằm vào cơ quan thanh tra kiểm toán ở cấp Trung ương sẽ hiệu quả hơn, đỡ gây phiền hà cho đối tượng ở cấp dưới chứ thanh tra kiểm tra tầng tầng lớp lớp sẽ gây lãng phí" - ông Thanh phân tích.
P.Thảo
Theo Dantri
"Không ai gần dân như thành viên của MTTQ Việt Nam" Chủ tịch nước Trần Đại Quang yêu cầu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải dựa vào dân, tin dân và ngược lại, cũng để cho dân tin. Chiều 14/2, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang dự lễ tổng kết Quy chế phối hợp công tác giữa Chủ tịch nước và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt...