Có gì trong khu chợ nổi Cái Răng nức tiếng miền Tây?
Chợ nổi Cái Răng nằm trên một nhánh của sông Hậu (Cần Thơ). Không chỉ mang đậm hơi thở sông nước miền Tây, nơi này còn đem đến cho du khách trải nghiệm ẩm thực tuyệt vời.
Muốn hiểu biết đời sống của người địa phương, bạn hãy ghé thăm nơi họ mua bán hàng ngày. Đến miền Tây mà chưa thử đi chợ nổi, khám phá cuộc sống tấp nập trên sông nước của người dân nơi đây thì quả là thiếu sót. Trong số rất nhiều điểm đến, Cái Răng (Cần Thơ) là một trong những khu chợ nổi có tiếng, được nhiều du khách yêu thích. Nơi đây mang đến cho bạn những trải nghiệm thú vị trong hành trình khám vùng đất Tây đô. Ảnh: Foodholicvn, huepostcard, malaysianflavours, tranquangdai.
Từ tờ mờ sáng, khi những chiếc thuyền chở đầy trái cây, rau củ và nhiều món ngon hấp dẫn bắt đầu nhóm họp thì cũng là lúc du khách rời bến Ninh Kiều hướng về chợ nổi. Đến nơi đây, bạn không chỉ cảm nhận không khí tấp nập còn có thể thưởng thức món ngon buổi sớm. Dù ở trên thuyền, nồi nước dùng luôn được giữ nóng là lý do du khách lựa chọn thưởng thức bún, hủ tiếu, bánh canh sóng sánh, lúc nào cũng bốc khói nghi ngút khi đến chợ. Ảnh: Lea.feuillass, tally__23.
Video đang HOT
Bún, hủ tiếu, bánh canhtrên thuyền đầy đủ không kém đất liền với rau sống, giá non, thịt cắt miếng mỏng, gan heo, thịt băm. Ngồi chòng chành trên ghe, húp xì xụp tô bún ấm nóng trong cái se lạnh của sáng sớm là trải nghiệm khó quên đối với du khách. Mỗi món ăn ở đây có giá dao động từ 30.000-35.000 đồng. Ảnh: Alexovifisio, gane_d.
Nhiều người đã ghé đến chợ khuyên rằng du khách không nên bỏ qua bát cháo lòng thơm phức, đậm đà. Trên thuyền, người bán hàng phải làm mọi thứ thật khéo léo và cẩn thận. Họ như nghệ sĩ giữ thăng bằng, thoăn thoắt múc cháo ra tô, thêm thịt, huyết và rắc hành lá trên cùng rồi nhanh chóng chuyền đến tay thực khách. Ảnh: Rachellaisal, tally__23.
Chỉ cần gọi hướng về chiếc ghe có món mình thích, cô bán hàng sẽ chèo đến sát thuyền khách, mắc dây vào thành và nhanh chóng bày biện món ăn. B ánh mì ấm nóng lấy xuống từ lò than thêm nhân thịt, dưa leo, trứng mang hương vị khó cưỡng. Món ăn này ngay lập tức chinh phục cả những thực khách khó tính nhất. Ảnh: Nguyễn Hoàn Hảo, thetalkingbreads.
Chợ nổi Cái Răng cũng là chợ đầu mối chuyên mua bán sỉ các loại trái cây, nông sản của vùng. Dạo quanh chợ, bạn sẽ thấy nhiều ghe chất đầy trái cây hấp dẫn như xoài, sầu riêng, dưa hấu, dứa, măng cụt… xuôi ngược trên dòng sông. Đừng quên mua một ít trái cây đặc trưng vùng sông nước về làm quà, bạn nhé. Ảnh: Laura.canal_lois, nguyenquanghuy82.
Mỗi thuyền ở nơi đây sẽ chuyên bán một món nhất định. Có nơi bán hủ tiếu, bánh canh, bún cua… cũng có thuyền bán đồ giải khát, cà phê, dừa tươi. Có hẳn một chiếc thuyền phục vụ thực khách món thơm ngọt lịm, mọng nước. Du khách nước ngoài rất thích thú với loại trái cây nhiệt đới hấp dẫn này. Ảnh: Limonrojo, reinertfi.
Trên khu chợ mang đặc trưng sông nước, bạn cũng có thể tìm thấy nhiều quầy cà phê “lưu động” phục vụ thực đơn đa dạng từ sữa đậu nành, cà phê đen, cà phê sữa, nước dừa… Những món ăn mang hương vị đậm đà, dân dã lưu giữ trong nhịp sống dung dị của người dân trên sông nước luôn hấp dẫn du khách đến khám phá. Ảnh: giuliazanella_, la_faim_du_jour, ani_nguyenn, ndjshwhwbs.
Theo Zing
Mắm sống miền Tây: 'Ăn là ghiền đó!'
Mẹ ở quê gửi lên một ký mắm vừa ủ xong. Tôi cho mấy đứa bạn cùng phòng xem. Ai cũng nhăn mặt khi nhìn thấy những con mắm cá linh sống nằm trong hũ thủy tinh trong suốt.
Ảnh: Nguyễn Hoàng Duy
"Mắm sống sao ăn được?", bạn tôi hỏi. "Nhìn vậy chứ nó là một phần ẩm thực dân dã không thể thiếu của miền Tây Nam bộ. Ăn là ghiền đó!", tôi nói mà không giấu được nỗi phấn khích.
Xoay xoay hũ mắm sống trong tay, tôi chợt nhớ quê làm sao, nhớ dáng hình của từng thành viên gia đình, nhớ con đê, dòng sông, đồng ruộng, những bụi cây không tên mọc dại sau hè... Cha tôi lam lũ suốt ngày ngoài đồng. Nghề nông mà, không khi nào hết việc, vừa gặt lúa xong thì lại cày bừa cho đất tơi xốp để làm tiếp vụ mới.
Bao giờ đi đồng về, cha cũng xách trên tay một xô cá đồng nặng trịch. Nấu canh, kho tiêu, nướng hay chiên mãi cũng ngán, nên mẹ thường dành ra một ít để ủ mắm. Bất cứ loại cá đồng nào cũng có thể làm mắm được. Ngoại trừ những loại cá nhiều mỡ (như cá dứa) thì không thể vì nó hôi dầu. Những chú cá nhiều xương thì mẹ ủ làm nước mắm tự nhiên, còn cá ít xương nhiều thịt thì mẹ ủ mắm để ăn sống.
Ủ mắm thật là kỳ công và tỉ mẩn. Trước tiên đem cá đồng (phải là cá đồng tự nhiên thì thịt mới dẻo ngon) làm sạch vảy, ruột, mang cá. Rắc muối vào cá rồi chà mạnh tay cho sạch nhớt. Xả lại nước lọc (hoặc nước mưa), rồi dùng khăn sạch thấm cho cá khô nước. Đặt cá vào thố lớn, phủ một lớp muối ăn mỏng vào bụng và đều lên thân cá. Dùng cây hoặc vật nặng ép cho cá được chặt.
Ủ khoảng một tuần thì lấy cá ra, vuốt lên lớp muối cũ, đổ nước ngâm, rửa sạch hũ (để ráo). Tỏi lột vỏ lụa, đập giập; gạo rang vàng, giã mịn thành thính. Trộn đều tỏi, thính cùng một ít muối ăn. Đưa cá trở lại hũ, phủ đều thính lên cá, đậy kín nắp, ép chặt, mang đi ủ thêm khoảng một tháng nữa để cá chín. Công đoạn còn lại là cho đường vào nồi cùng một ít nước, nấu đường tan ra màu, đặc sệt. Phết hỗn hợp nước đường vào bụng mắm, lưng mắm cho đều. Chao xong cho vào mái dầm hoặc hũ, ép chặt, đậy kín nắp, thi thoảng trở mắm cho đều. Khoảng 30 ngày sau khi mắm chuyển qua màu đỏ sẫm, thơm mùi đường và hơi chua là có thể lấy ra dùng được.
Do được học những kỹ năng chế biến thức ăn từ lúc còn để tóc ba vá miểng dừa nên việc trộn mắm sống đối với tôi không có gì là khó. Đơn giản thôi, dùng kéo cắt đầu và vây mắm cá linh bỏ đi, sau đó cắt thành từng khúc nhỏ. Cho mắm vào tô, cùng với đường, sả, ớt, tỏi, gừng băm nhuyễn. Chanh là vị không thể thiếu trong mắm sống, vì nó sẽ làm mất mùi tanh cũng như giảm độ mặn. Trộn đều lên, để hỗn hợp này chừng 30 phút cho thấm đều là dùng được. Trông thì không được bắt mắt cho lắm, nhưng mùi thơm của thính, quyện cùng mùi của các gia vị tương tác sẽ làm thính giác và vị giác không cưỡng lại được.
Những người bạn tôi, lúc đầu ăn thử theo kiểu ái ngại, "tra tấn" nhưng dùng một miếng rồi thì thấy ngon, sau đó ăn "khí thế". Món này dùng với cơm trắng kèm chuối chát, bần chua và cà tím non thì ngon không thể tả. Thỉnh thoảng trong những bữa trưa khó nhọc vội vã ngoài đồng, người nông dân quê tôi hay dùng với khoai lang, khoai mì luộc. Mắm sống không những ăn thô mà còn dùng chưng, kho, hấp, làm nguyên liệu kết hợp để cho ra một món ăn khác.
Theo Thanhnien
Người miền Tây có món bánh canh ngon "rụng rời", với công thức này ai cũng có thể làm được! Học ngay cách nấu bánh canh ngon đúng chuẩn miền Tây với những bí kíp dưới đây bạn nhé! Là món ăn quen thuộc của người dân sông nước miền Tây Nam Bộ, đậm hương vị tình cảm quê nhà, tô bánh canh đậm đà, béo ngậy, thơm lừng nước cốt dừa làm ai ăn rồi cũng nhớ mãi không thôi! Để nấu...