Cô gái trẻ đứng tim giây phút thoát khỏi ‘ổ mại dâm’ vùng biên
Có ngoại hình xinh xắn, Vũ Thị Anh mong muốn tìm được một công việc tốt thông qua sự giới thiệu của người quen. Tuy nhiên cô gái trẻ không ngờ rằng mình phải vội vã xách hành lý quay trở về.
Cái bẫy “việc nhẹ lương cao”
Cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn được coi là “vùng đất hứa” khi có nhiều người hoàn cảnh khó khăn đổ về đây để mong kiếm tiền một cách nhanh chóng.
Trong quá trình tìm hiểu cuộc sống của cửu vạn ở khu vực này, chúng tôi gặp những trường hợp mang khoản nợ lớn từ việc xây nhà, chữa bệnh thậm chí do thua lô đề, cờ bạc…
Trong cảnh túng quẫn, họ đành chấp nhận cuộc sống thiếu thốn, làm công việc nặng nhọc để kiếm tiền mong trả nợ.
Tâm lý kiếm tiền bằng mọi giá khiến không ít người dính vào bẫy của những kẻ lừa đảo. Đó là những cô gái trẻ mong ước đổi đời theo những lời hứa hẹn từ vùng biên. Họ không ngờ, một cái bẫy đã được giăng ra để đợi họ ở phía trước.
Cửa khẩu Tân Thanh
Có mặt tại vùng biên từ cách đây 10 năm, chị Minh (SN 1980, Hải Phòng) chứng kiến nhiều chuyện chua xót ở đây.
Chị kể, đầu năm 2018, khi đang bán nước tại khu vực sát cổng cửa khẩu Tân Thanh, có một cô gái trẻ vào nghỉ chân tại quán của chị. Cô gái có vẻ ngoài xinh đẹp tên là Vũ Thị Anh, quê ở Thái Nguyên. Cô vừa tốt nghiệp THPT, muốn lên xin việc làm.
Bố mẹ cô có quen với một người phụ nữ kinh doanh buôn bán ở địa bàn này. Khi nghe gia đình Anh muốn tìm việc cho con, người này khuyên họ gửi con lên đây. Bà sẽ tìm cho cô công việc bán hàng với lời hứa hẹn “việc nhẹ lương cao”.
Tin tưởng người quen, bố mẹ Anh mua vé xe cho cô từ Thái Nguyên đến Lạng Sơn. Nghe chuyện của cô gái, chị Minh biết Anh có khả năng bị lừa.
Chị Minh nói với cô gái về việc người đàn bà bố mẹ cô quen không có cửa hàng bán đồ nào. Thực chất bà ta là chủ một quán karaoke “tay vịn” có tiếng ở đây.
Video đang HOT
Tại quán này, ngoài việc xuất hiện và hát cùng khách, các cô gái có thể đi “tăng hai, tăng ba” nếu khách có nhu cầu ở những nhà nghỉ gần đó.
Thấy Anh có ngoại hình xinh đẹp, có thể bà muốn cô vào làm trong quán của mình.
Nghe chị Minh nói, cô gái trẻ giật mình. Cô vội vã gọi điện cho mẹ. Người mẹ này gặp chị Minh qua điện thoại. Biết chuyện, bà vội cảm ơn chị Minh sau đó hối thúc con gái quay về.
Cô gái trẻ đưa cho chị Minh 500 nghìn đồng và bày tỏ cảm ơn bởi nếu không có sự giúp đỡ của chị, cô có thể bị bán nhưng chị Minh từ chối số. Chưa uống xong cốc nước, cô gái gấp rút xách hành lý gọi xe ôm chở ra bến xe để quay trở về quê.
Cũng theo lời chị Minh, chỉ một lát sau, có 2 người đàn ông đi xe máy đến quán của chị.
“Họ miêu tả ngoại hình một cô gái và hỏi xem cô ta có ở quán tôi không. Nghe lời họ kể, tôi nhận ra là cô gái lúc nãy. Mặc dù lo lắng nhưng tôi nói dối là không biết cô gái nào như vậy. Nghe thấy thế, họ tiếp tục phóng xe đi tìm cô gái”, chủ quán nước này cho biết thêm.
Theo lời chị Minh, cuối cùng cô gái trẻ cũng may mắn lên được một chiếc xe khách trở về nhà trước khi 2 đối tượng kia tìm đến nơi.
Tan vỡ
Mang giấc mộng đổi đời khi lên vùng biên nhưng nhiều gia đình lại lâm vào cảnh mất vợ, mất chồng, tan vỡ gia đình.
Nhà chị Hồng (1986, Hải Dương) là một trường hợp như vậy. Cuộc sống hai vợ chồng chị khó khăn khi chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng ở quê.
Nghe lời rủ của người bạn, anh Hải, chồng chị, lên vùng biên làm cửu vạn. Công việc vất vả, cuộc sống xa vợ con khiến anh thường xuyên cảm thấy cô đơn.
Một xóm trọ vùng biên.
Trong một lần đi ăn cơm, anh làm quen và trao đổi số điện thoại với chủ một quán cơm phở bình dân ở đây. Người phụ nữ này đã có 2 con nhưng ly hôn từ lâu. Họ nhanh chóng trở thành tình nhân.
Việc này diễn ra trong một thời gian dài. Anh Hải vẫn đều đặn gửi tiền về cho vợ con tuy nhiên những cuộc điện thoại thưa thớt dần. Các ngày lễ, Tết anh cũng không còn về quê thường xuyên.
Một lần nhớ chồng, chị Hồng bắt xe lên đây tìm. Không gọi được cho chồng, chị gọi cho người bạn làm cùng chồng. Lúc này, chị mới biết chồng mình chung sống với người đàn bà khác từ lâu.
Tuy nhiên khi bị phát hiện, anh Hải không còn muốn quay lại với gia đình. Anh nói, nếu chị muốn chồng chu cấp tiền để nuôi hai con thì chị phải chấp nhận cảnh chung chồng.
Nghe chồng tuyên bố, vợ anh bật khóc: “Cứ tưởng chồng đi làm cải thiện kinh tế gia đình, ai ngờ tôi mất chồng, còn con tôi mất bố…”.
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi
Theo P.V (VietNamNet)
Li kì chuyện cõng từng gùi sầu riêng vượt biên sang Trung Quốc
Thời gian gần đây, trên một số tờ báo xuất hiện thông tin Trung Quốc không nhập khẩu sầu riêng Việt Nam dẫn tới tình trạng ùn tắc kéo dài tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) và là nguyên nhân khiến giá sầu riêng nghịch vụ ở một số tỉnh ĐBSCL rớt mạnh. PV Dân Việt đã có chuyến thâm nhập thực tế tại cửa khẩu Tân Thanh để tìm hiểu thực hư.
Trước đó, nhiều nhà vườn trồng sầu riêng tại cù lao Thanh Bình, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long vô cùng lo lắng vì sầu riêng nghịch vụ loại 1 bán cho thương lái chỉ còn 40.000 đồng/kg, giảm gần một nửa so với thời điểm chính vụ. Tại nhiều vườn sầu riêng, trái chín rụng khắp nơi, người dân thu gom chất đống trong nhà nhưng có rất ít thương lái đến hỏi mua.
Tình trạng này trái ngược hẳn so với mọi năm, khi thương lái chủ động tìm đến đặt cọc mua sầu riêng cả tháng trước khi thu hoạch, đợi đến ngày giờ là họ cho người đến phân loại và chở, xuất bán sang Trung Quốc.
Để tìm hiểu rõ thực hư thông tin, sáng 5.12 phóng viên đã có mặt tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Theo ghi nhận của phóng viên, tại đây không có tình trạng xe container tắc đường kéo dài. Xe cộ vẫn qua lại cửa khẩu bình thường và lực lượng Hải quan, Biên phòng tại đây tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa thông quan nhanh chóng.
Thông quan hàng hóa tại cửa khẩu diễn ra bình thường, không có tình trạng xe tắc hàng dài.
Phóng viên đã trao đổi với ông Nguyễn Bảo Ngọc, Chi Cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh (Cục Hải quan Lạng Sơn), ông Ngọc cho biết: "Hiện nay phía Trung Quốc tiến hành truy xuất nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm nông sản nhập khẩu, trong đó sầu riêng Việt Nam không nằm trong danh mục nhập khẩu của Trung Quốc đã ký với Việt Nam. Nhiều mặt hàng khác như xoài, chanh leo... và từ ngày 15.12 tới đây, tinh bột sắn dây của Việt Nam cũng không nằm trong danh mục nêu trên nên phía họ sẽ không cho xuất sang".
Theo quy định phía Trung Quốc, sầu riêng Việt Nam là 1 trong nhiều mặt hàng nông sản không thuộc danh mục nhập khẩu thì nhẽ ra tại các cửa khẩu, trong đó có Tân Thanh sẽ phải "sạch bóng sầu riêng". Tuy nhiên thực tế theo ghi nhận của PV tại đây, vẫn thấy sự có mặt của những xe container chở đầy sầu riêng. Đặc biệt là mùi trái sầu riêng chín thơm nức mũi nên không khó để phát hiện sự có mặt của những trái sầu riêng ở nơi này.
Tiếp tục tìm hiểu sâu hơn, PV phát hiện mỗi ngày vẫn có khoảng vài trăm tấn sầu riêng vượt đường mòn sang biên giới Trung Quốc. Do quen biết với một người phụ nữ thường xuyên đi vác hàng tại cửa khẩu nên tôi đã nài nỉ chị cho đi theo. "Cách đoạn lại có "chim lợn", nguy hiểm lắm", chị nói. Thuyết phục mãi cuối cùng người phụ nữ này cũng cho tôi "bám càng" theo.
Người phụ nữ này cho biết, bình thường "bọn phụ nữ đi hàng sầu" chỉ vác được 2 thùng/chuyến, mỗi thùng 35kg và được trả công 70.000 đồng/chuyến. Nhưng riêng đàn ông, thanh niên khỏe có thể vác 3-4 thùng/chuyến là chuyện thường.
"Hàng sầu có 2 loại, 1 loại là dạng giỏ nhựa khoảng 9kg mỗi giỏ, được trả công vận chuyển 18.000 đồng; còn 1 loại nữa là dạng đóng thùng giấy khoảng 16-17kg, mỗi thùng được trả công 35.000 đồng" - chị này cho biết.
Những thùng sầu riêng đóng hộp màu vàng, bên ngoài có những lỗ thông hơi được các nam, nữ cửu vạn "cõng" theo đường mòn qua Trung Quốc.
Theo chân người phụ nữ này, khoảng 17h40 lúc đã chập choạng tối, chúng tôi có mặt tại "cánh phải" của ngôi chùa Tân Thanh nổi tiếng Xứ Lạng. Tại đây có con đường mòn dẫn về phía biên giới và hàng trăm người đi lại, xe cộ ra vào tấp nập. Đúng 6h tối, một chiếc container chở sầu riêng lùi vào hướng con đường này. Hàng chục phu vạn ào ra để đón hàng. Những thùng sầu riêng thơm nức mũi được các phu vạn cả nam, cả nữ nhanh chóng "thiết kế cho vào gùi" để đeo lên vai như đeo ba lô.
Theo người phụ nữ này, tại đây có 3 con đường mòn quen thuộc được dân phu vạn đặt cho 3 cái tên mà ai dân cửu vạn cũng biết đó là đường hồi, đường keo và đường công trình. Và hàng sầu riêng chủ yếu đi đường hồi, đi từ sáng sớm đến tầm 8h tối.
Con đường leo dốc đồi khoảng 800m này sẽ dẫn các phu vạn tới một điểm đón hàng quen thuộc phía nước bạn Trung Quốc, sau đó sẽ được khuân lên xe vào nội địa. Theo như lời người phụ nữ này nói, hàng ngày chỉ riêng tại đây có đến hàng chục tấn sầu riêng "xuất khẩu" qua đường mòn sang Trung Quốc.
Không chỉ hoa quả mà ngay cả hàng đông lạnh cũng được đóng vào thùng xốp trắng để vận chuyển theo đường mòn qua nước bạn.
Lý giải vì sao nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam, trong đó có sầu riêng chưa thể xuất khẩu chính ngạch, đàng hoàng sang thị trường nước bạn, ông Nguyễn Bảo Ngọc, Chi Cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh cho biết: "Các sản phẩm nông sản phải đạt các tiêu chuẩn phía bên họ đưa ra như xưởng sản xuất, cơ sở sản xuất, bao bì rõ ràng, phải đăng ký với nhà sản xuất... Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cũng đã tổ chức nhiều đoàn làm việc, đàm phán với phía nước bạn Trung Quốc liên quan đến vấn đề xuất khẩu nông sản Việt Nam qua thị trường Trung Quốc, hi vọng thời gian tới chúng ta sẽ đạt được nhiều thỏa thuận nhằm đưa nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này".
Theo Danviet
Trung Quốc ngừng mua sầu riêng, nhà vườn phải mang ra đường bán rẻ Khoảng 1 tuần trở lại đây, sầu riêng nghịch vụ ở một số tỉnh ĐBSCL vào mùa thu hoạch rộ nhưng không bán được sang Trung Quốc nên giá rớt thê thảm. Những ngày qua, các nhà vườn trồng sầu riêng tại cù lao Thanh Bình, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long vô cùng lo lắng vì sầu riêng loại 1 bán cho...