Cô gái TPHCM phượt xuyên 4 nước trong 65 ngày, chỉ tốn 35 triệu đồng
Nữ phượt thủ một mình đi xe máy xuyên 4 quốc gia với hành trình hơn 15.000km. Chuyến đi kéo dài 65 ngày chỉ tiêu tốn khoảng 35 triệu đồng.
Phượt 4 nước trong 65 ngày
Vừa trở về sau hành trình du lịch xuyên biên giới Việt Nam – Lào – Thái Lan, nữ phượt thủ Nguyễn Thị Tuyết Minh (SN 1994, TPHCM) lại bồi hồi nhớ chuyến đi xuyên biên giới 4 nước vào năm 2023.
Tính đến thời điểm hiện tại, đó là chuyến phượt độc hành dài nhất, gặp nhiều khó khăn nhất của Tuyết Minh. Năm ấy, ban đầu Tuyết Minh cùng nhóm bạn từ TPHCM ra miền Bắc. Cả nhóm khám phá nhiều tỉnh thành ở phía Bắc và đến Hà Khẩu – Mông Tự – Kiến Thủy – Di Lặc (Trung Quốc).
Tuy nhiên, sau hơn 25 ngày rong chơi ở Việt Nam, Trung Quốc cùng nhóm bạn, Tuyết Minh tách đoàn. Cô quyết định một mình đi xuyên biên giới qua 4 quốc gia theo lịch trình Việt Nam – Lào – Campuchia – Thái Lan bằng chiếc xe máy 150 phân khối.
Tuyết Minh quyết định một mình phượt xuyên 4 quốc gia bằng xe máy vì thấy mình “còn trẻ, còn sức khỏe”. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cô gái bắt đầu chuyến đi từ cửa khẩu Tây Trang (Điện Biên) vào ngày 25/7/2023 để đến Lào. Ngay ngày đầu đặt chân đến nước bạn, Tuyết Minh đã gặp không ít khó khăn.
Không chỉ hứng chịu thời tiết khắc nghiệt, nữ phượt thủ liên tục gặp sự cố ngoài ý muốn. Điện thoại của Tuyết Minh bị treo, không thể đăng nhập. Cô buộc phải cài đặt lại máy, chấp nhận mất hết dữ liệu.
Tuyết Minh kể: “Tôi rời Luang Prabang lúc 17h30 để đến Vang Vieng, Lào. Vì không rõ đường sá nên tôi phải đi qua nhiều đèo dốc, đường tối vắng, không có sóng điện thoại…
Ở đây lâu lâu mới có một chiếc xe tải chạy ngang qua. Lúc đó trời rất lạnh lại mưa phùn nên tôi buộc phải dừng xe giữa đường, hai bên là những cánh rừng thăm thẳm. Để đỡ sợ, ổn định tâm lý, tôi đeo tai nghe rồi lấy áo mưa, bình thản đi tiếp”.
Nữ phượt thủ trong lần đến Lào. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Sau đó là sự cố rơi kính cận giữa lúc trời mưa bão và đối mặt những đoạn đường sạt lở. Có lúc, quần áo Minh ướt sũng nước mưa suốt quãng đường dài 670km từ Viêng Chăn đến Pakxe gập ghềnh ổ voi, ổ gà.
Để vượt qua, cô gái gần như chạy xe liên tục suốt 15 tiếng. Sáng hôm sau, Minh thức giấc cùng cơ thể đau ê ẩm, những ngón tay rã rời đến không muốn cầm tay lái.
Các chặng đường sau đó, nữ phượt thủ đến từ TPHCM bị lạc vào những thửa ruộng khô cằn, lội qua đoạn đường lún ngập bánh xe hoặc di chuyển trên tuyến đường bụi đất mù trời…
Dẫu vậy, sau mỗi khó khăn, Tuyết Minh lại được khám phá, trải nghiệm những cảnh đẹp, văn hóa độc đáo ở nước bạn. Đó là những cung đường đẹp đến nao lòng, những ngôi đền hùng vĩ, cổ kính hay chuyến khám phá đảo Koh Ta Kiev (Campuchia), nơi cô ví như thiên đường ngủ quên,…
Tuyết Minh chụp ảnh kỷ niệm tại ngôi đền cổ ở Campuchia. Ảnh: Nhân vật cung cấp
“Koh Ta Kiev là nơi để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc nhất. Nơi đây được bao phủ bởi làn nước trong xanh quanh năm. Hệ sinh thái Koh Ta Kiev cũng rất đa dạng với rừng nguyên sinh có nhiều cây cổ thụ và những con suối trong mát…
Tôi được người bản địa cho biết tại đây có một loài sinh vật phù du phát sáng dưới nước. Tuy nhiên, hôm tôi đến trời mưa lớn, đường đi khá tối. Vì chỉ có một mình nên tôi không dám mạo hiểm và đành hẹn dịp khác”, nữ phượt thủ cho biết thêm.
Video đang HOT
Trải nghiệm ấn tượng
Suốt hành trình độc hành từ cửa khẩu Tây Trang (Điện Biên) sang Lào – Campuchia – Thái Lan rồi trở lại Việt Nam bằng xe 2 bánh, Tuyết Minh thường lưu lại từ 10-15 ngày tại mỗi quốc gia để khám phá, trải nghiệm.
Ngoài tham quan thắng cảnh, điểm du lịch nổi tiếng của nước bạn, Tuyết Minh cũng có dịp thưởng thức văn hóa ẩm thực độc đáo ở những nơi mình đi qua. Đến Lào, cô trải nghiệm món salad đu đủ ba khía; phở Lào ăn cùng thịt lợn quay thái sợi.
Sang Campuchia, Tuyết Minh thử món châu chấu, dế cháy tỏi; hến muối ớt phơi một nắng,… Cô cũng thưởng thức nghệ thuật ẩm thực Thái Lan qua những món ăn truyền thống của họ ở Bangkok.
Sau 65 ngày khám phá 4 quốc gia với hơn 15.000km, Tuyết Minh kết thúc hành trình. Cô trở về TPHCM từ Campuchia qua khẩu quốc tế Hà Tiên (Kiên Giang) vào ngày 5/8/2023. Tổng kết chuyến đi, Tuyết Minh cho biết bản thân chỉ tiêu tốn khoảng 35 triệu đồng.
Dọc đường đi, cô luôn ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cô chia sẻ: “Chuyến du lịch dài ngày của tôi có chi phí khá thấp bởi nhiều nguyên nhân. Một trong số này là tôi chọn di chuyển bằng phương tiện xe hai bánh.
Chiếc xe tôi sử dụng tiêu hao khoảng 45 km/lít nhiên liệu. Di chuyển khoảng 2.000km, tôi lại thay nhớt cho xe một lần.
Ngoài ra, tôi chỉ chọn những dạng lưu trú có giá cả phải chăng như nhà nghỉ, phòng tập thể (loại phòng ngủ chung, thường có nhiều giường tầng hoặc giường đơn-PV). Có hôm, tôi còn được ở miễn phí theo chính sách ưu đãi của ứng dụng đặt phòng.
Tôi cũng không ăn uống quá nhiều. Có khi, một ngày tôi chỉ ăn một bữa. Suốt dọc đường tôi chủ yếu chạy xe, uống nước và ngắm cảnh”.
Cô trải nghiệm các món ăn độc đáo ở những nơi mình đi qua. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Tuy nhiên, để có chuyến đi trọn vẹn, tiết kiệm, Tuyết Minh đã lên kế hoạch và chuẩn bị một cách chu đáo ngay từ lúc chưa bắt đầu. Cô chọn loại xe không quá tốn nhiên liệu, ít hỏng vặt và bảo dưỡng xe thật tốt.
Nữ phượt thủ cũng học cách sửa xe cơ bản và mang theo đồ nghề sửa xe đơn giản như: Bộ vá xe cơ bản, bộ lục giác, mỏ lết đa dụng,… Vì vậy, cô có thể tự xử lý khi gặp sự cố trên đường.
Trước khi đặt chân đến nước bạn, Tuyết Minh không thông báo chuyến đi cho gia đình. Cô lo lắng người nhà không yên tâm, sẽ tìm cách ngăn cản.
Dù vậy, khi di chuyển cô gái vẫn luôn bật vị trí theo dõi cho người thân cận. Tuyết Minh cũng gửi vị trí, địa điểm nơi mình ở, báo điểm mình sẽ đến để đề phòng rủi ro.
Để tiết kiệm chi phí, Tuyết Minh chọn dạng lưu trú có giá cả phải chăng. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Sau chuyến đi, nữ phượt thủ tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong việc du lịch bụi bằng xe máy. Cô tiết lộ: “Nếu di chuyển ở những vùng đồi núi quanh co, mọi người nên sử dụng xe số hoặc xe côn.
Khi đi du lịch bằng xe hai bánh dài ngày, phượt thủ cần mang theo giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, hộ chiếu, căn cước, thẻ tín dụng, điện thoại 2 sim và chuyển vùng quốc tế.
Mọi người nên mang theo máy sấy để sấy quần áo và giữ ấm, mang túi ngủ để ngủ ngon và vệ sinh hơn. Chúng ta cũng nên chọn mang theo quần áo mỏng và dễ khô.
Cuối cùng, chúng ta cần phải mang theo một số loại thuốc cơ bản như cảm sốt, dị ứng, tiêu chảy, giảm đau cùng với băng gạc vô trùng, thuốc đỏ, băng keo cá nhân,…
Chuyến phượt một mình qua 4 quốc gia cho tôi nhiều giá trị. Chuyến đi giúp tôi dũng cảm hơn để vượt qua những nỗi sợ.
Tôi được mở rộng tư duy cũng như phạm vi ngôn ngữ, được biết thêm nhiều về các nền văn hóa. Tôi cũng học được tính độc lập, kiên nhẫn để có những trải nghiệm, kinh nghiệm thực tế hơn về sau này”.
Tôi ngồi xe lăn, phượt khắp 45 tỉnh thành Việt Nam
Cách đây 6 năm, tôi lấy hết dũng khí, dùng đôi tay làm đôi chân, ngồi xe lăn đến những nơi mình muốn.
Không ai có thể tưởng tượng rằng tôi đã phượt qua 45 tỉnh thành của Việt Nam.
45 tỉnh thành, trăm câu chuyện và hàng triệu tình cảm là những gì tôi có được sau 6 năm rong ruổi từ Nam ra Bắc. Tôi không đi bằng xe máy, đồng hành cùng tôi là "chiến mã" đặc biệt - xe lăn tự chế.
13 năm trước, đất trời như sụp đổ khi bác sĩ thông báo tôi mắc bệnh dị dạng mạch máu tủy sống, đúng vào khoảng thời gian đẹp đẽ nhất cuộc đời. Từ một đôi chân cuồng đi, tôi bị "trói buộc" trên chiếc xe không mong muốn. Mọi ước mơ tan biến, tôi chán chường, sợ sệt ánh nhìn của mọi người. Thậm chí, không biết bao nhiêu lần tôi ước mình được rời khỏi thế gian.
Năm 2018, khao khát về những chuyến du lịch kéo tôi thoát khỏi sự u uất. Tôi bắt đầu hành trình đi phượt, hay nói đúng hơn là tìm lại định nghĩa của tự do. Đến hiện tại, tôi đi được 45 tỉnh thành, con số khổng lồ với một người như tôi.
Tôi là Phan Vũ Minh (33 tuổi), hiện kinh doanh hoa và cây cảnh tại tỉnh Vĩnh Long.
Phượt thủ đặc biệt
Nhờ người anh học cơ khí, tôi chế tạo thành công xe lăn 3 bánh. Tôi tách rời phần đầu và thân của xe tay ga, đầu xe lắp thêm khung sắt đủ diện tích chứa xe lăn, còn thân xe đặt bên cạnh để giữ thăng bằng. Khi đến nơi, tôi tháo xe lăn bằng cách hạ tấm chắn phía sau làm dốc trượt.
"Chiến mã" đồng hành qua hàng chục tỉnh thành cũng khác biệt như tôi.
Tôi đánh dấu chuyến đi xa đầu tiên tại Bạc Liêu - quê hương của một người bạn từng điều trị chung. Tôi giữ đúng lời hứa về thăm bạn, khi tình trạng sức khỏe ổn định.
Sau chuyến đi này, tôi dần cởi mở và bắt đầu lên kế hoạch cho những chuyến xa hơn. Trong vòng một năm, tôi đi hết 17 tỉnh thành của miền Nam.
Nhớ như in lần đầu ra thăm Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), gia đình nơm nớp lo sợ vì tôi đi một mình. Hòn đảo này không thể chạy xe, tôi phải nhờ du khách cùng chuyến nhấc bổng xe lăn lên tàu cao tốc. Cứ thế tôi lăn bánh xe đến từng điểm tham quan ở Côn Đảo, đáp lại ánh mắt tò mò của mọi người bằng nụ cười.
Sau lần đi Côn Đảo, tôi cân nhắc kĩ hơn về địa hình đồi dốc, biển đảo.
Năm 2019, "chiến mã" cùng tôi bon bon qua các tỉnh thành của miền Trung và khu vực Tây Nguyên. Con đèo đầu tiên tôi chinh phục là Bảo Lộc (Lâm Đồng), sau đó lần lượt vượt đèo Hải Vân (Đà Nẵng), đèo Cả (Hà Tĩnh) và đèo Khánh Vĩnh (Khánh Hòa).
Những ngày ở Đà Lạt (Lâm Đồng), xe tôi thủng bánh giữa đường. Vì cấu trúc lạ, không nơi nào nhận sửa, tôi đành bơm hơi cầm chừng. Đổ dốc trong đêm, tôi thót tim với những chiếc xe container ôm cua, bánh ma sát xuống mặt đường kêu ken két. May mắn là xử lý kịp thời, nếu không hành trình của tôi có thể kết thúc tại thành phố ngàn hoa.
Tôi không từ chối điểm đến nào, nhưng với cơ thể khác biệt, tôi khó lòng tiếp cận hết. Lần đến Đại nội Huế, tôi phải nhờ người nhấc xe lăn qua bậc thang, nhìn bàn tay gồng cứng và mồ hôi nhễ nhại của họ, tôi rất ái ngại. Tôi yêu Huế, mến nếp sống trầm mặc của người dân, nhưng chỉ có thể ngồi ngắm chùa Thiên Mụ hay lăng Khải Định.
Cảnh quan, con người và những tường rào đá ở Hà Giang để lại cho tôi ấn tượng khó phai.
Năm 2023, tôi tiếp tục hành trình lái xe 300 km/ngày tại các tỉnh thành của miền Bắc. Vị trí địa lý xa và địa hình đồi núi cheo leo là thử thách không hề nhỏ.
Hết rùng mình với những con dốc dựng đứng ở Hà Giang, tôi lại toát mồ hôi lạnh với chiếc xe cháy phanh. Vì sự an toàn, tôi chỉ dám vặn ga từng chút một. Đến thị trấn Đồng Văn, một người dân đã giúp tôi gắn thêm thùng nước để làm mát động cơ.
Ấn tượng mạnh nhất trong tôi vẫn là Hà Giang. Mảnh đất được mẹ thiên nhiên ban tặng cảnh sắc rực rỡ, mỗi đoạn đường đi qua đều mở ra một khung cảnh mới. Dù người dân vùng cao thiếu thốn đủ thứ, họ chưa bao giờ ngừng vui vẻ và lạc quan. Năng lượng tích cực toát lên từ những ánh mắt, nụ cười hay cái nắm tay siết chặt.
Bước ngoặt
Từ người di chuyển 100 m là mơ ước, giờ tôi đi được vài nghìn cây số, mọi nỗ lực đều được đền đáp. Sau chuyến đi, tôi biết cách thích nghi, cảm hóa sự mềm yếu của bản thân, không còn xem đôi chân như một khiếm khuyết.
Đôi chân có nhiệm vụ phải đi và đứng, đó là do chúng ta quy định. Nếu không thể làm đúng nhiệm vụ, nó vẫn đồng hành cùng tôi, nhưng ở một hình thức khác.
Những chuyến rong ruổi dạy tôi nhiều bài học về cuộc sống.
Đi phượt không dễ dàng, với tôi còn khó gấp trăm lần. Vì không thể đứng dậy, tôi phải lót thảm yoga, nằm trên xe để tránh lở loét cơ thể. Có những ngày sức lực vắt kiệt, bàn tay đau buốt như sắp rách toạc, thời tiết thay đổi khiến tôi lên cơn sốt cao. Đáng sợ nhất là rơi vào "giấc ngủ trắng", khi giật mình mới thoát hồn tỉnh lại.
Tôi từng có ý định bỏ cuộc, nhưng suy nghĩ này nhanh chóng dập tắt trước khi ra quyết định. Không tập vượt qua, tôi tập chiến thắng. Nếu phục theo suy nghĩ, tôi sẽ thua nội tâm của mình.
Mỗi tỉnh thành đi qua đều để lại một câu chuyện khiến tôi hiểu sâu hơn về cuộc sống. Tôi học được cách cho đi và nhận lại. Đến đâu, người dân cũng tiếp đón nồng hậu, sẵn sàng mời tôi ăn miễn phí hoặc cùng đi chơi khi tôi kể về hoàn cảnh. Tôi vui vẻ đón nhận bữa ăn, họ cũng vui không kém khi tôi ăn ngon.
Tôi thành công trong việc truyền cảm hứng du lịch đến nhiều người.
Để miêu tả chính xác về hành trình đi phượt, tôi dùng từ liều lĩnh. Không ai có thể tin rằng tôi phượt khắp Việt Nam với chiếc xe lăn bất ly thân. Tôi muốn biến suy nghĩ trong đầu thành hiện thực, thất bại hay thành công đều là bài học để cải thiện, dù cái giá có thể đắt.
"Làm điều mình thích, sống cho bản thân mình" - đó là định nghĩa tự do mà tôi đúc kết được. Tháng 8/2023, tôi kết thúc chuyến phượt và trở về nhà. Mục tiêu năm 2025, tôi tiếp tục chinh phục các tỉnh miền Bắc còn sót lại.
Những cung đường xuyên mây ở Tây Bắc khiến phượt thủ mê mẩn Tây Bắc luôn là vùng đất mà trong hành trình phượt bụi của mỗi người đều không thể bỏ qua với những cung đường núi hiểm trở, ngoằn ngoèo. Những vùng núi phía Tây của miền Bắc gồm 6 tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái với những con đường mòn giữa khung cảnh thiên nhiên tuyệt...