“Cô gái thành bà lão” ở Hội An trở lại với khuôn mặt bà già
Sau gần 2 năm, sức khỏe và cuộc sống của “cô gái thành bà già” Nguyễn Thị Ngọc Mai bây giờ ra sao? Chúng tôi đến nhà của gia đình chị Mai thăm và tìm hiểu để tìm câu trả lời.
Tháng 10/2011, Dân trí đã phản ánh về trường hợp của chị Nguyễn Thị Ngọc Mai (SN 1984, trú khối phố Thanh Nam, phường Cẩm Châu, Hội An, Quảng Nam) bị nhiều bênh nan y và quá già so với tuổi của chị.
Hình chị Mai vào tháng 10/2011
Sau đó, chị Mai được nhiều cá nhân và tổ chức giúp đỡ về vật chất và tinh thần để đi chữa bệnh. Chị đã được Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng thăm khám và phát hiện ra căn bệnh của mình. Một tổ chức từ thiện đã đưa chị Mai sang Đài Loan chữa bệnh.
Tháng 5/2012, sau khoảng 2 tháng điều trị, chị Mai trở về nhà với khuôn mặt trẻ hơn, sức khỏe chị cũng tốt hơn và trông chị cũng lanh lẹ hơn xưa. Chia sẻ với chúng tôi, chị Mai cho biết, thời gian đầu sau khi sang Đài Loan để được “làm trẻ” lại, chị trở về quê với một khuôn mặt dễ nhìn hơn, trắng trẻo và mập hơn. Chị bắt đầu hòa nhập với cuộc sống mà không còn tự ti, mặc cảm như trước.
Chị Mai khi vừa từ Đài Loan về
Tuy nhiên, chỉ được một thời gian ngắn, lớp da mặt bắt đầu nhăn nheo co rúm lại, gương mặt “ bà lão” trước đây lại hiện diện khiến chị xót xa, ngại ngần mỗi khi ra đường. Chị cũng không muốn câu chuyện của mình khiến mọi người bận lòng thêm nữa sau khi đã nhận được sự giúp đỡ của rất nhiều người. Chị cũng sợ rằng nếu mọi người nhìn thấy hình ảnh và bệnh tật của mình hiện nay sẽ khiến tất cả những người đã từng giúp đỡ mình cảm thấy buồn vì công dã tràng.
Sáng 26/6, khi chúng tôi đến nhà thì chị đang nằm trong nhà. Mẹ chị bà Nguyễn Thị Mức gọi chị ra tiếp chúng tôi. Chị Mai cho biết, hơn một tháng trở lại đây, chị luôn cảm thấy trong người khó chịu, thường xuyên lên cơn đau đầu dữ dội, ho hen, khó thở. Đó là những triệu chứng mà chị mắc phải trong thời gian trước đây và nay lại tái phát.
Chị cũng cho biết, chị cứ ăn vào là bị nôn ra hết bất kể đó là món gì nên cơ thể của mình ngày cang teo tóp lại như thời gian trước đây. Chân tay gầy gò, gương mặt hốc hác, thiếu sức sống, da dẻ trên khuôn mặt nhăn nheo như trước. “Khi đi Đài Loan chữa bệnh về em được 36 kg, còn bây giờ em chỉ còn 30 kg, bằng trọng lượng với trước khi điều trị ở Đài Loan. Trong người mệt lắm, không làm được việc gì”, chị vừa nói vừa rớm nước mắt.
Và chị Mai hiện nay
Video đang HOT
Chị cũng tâm sự, bây giờ chỉ muốn khỏe để đi làm kiếm tiền nuôi hai con nhỏ ăn học. Đứa con gái lớn của chị hiện đang học lớp 1, con trai nhỏ thì vào mẫu giáo, mỗi tháng chi phí cho hai đứa con cũng hết gần 2 triệu đồng. Nhưng sức khỏe hiện giờ không cho phép chị làm việc nên tất cả đều nhờ vào quán hàng nhỏ bé của mẹ ruột.
“Tháng trước em còn khỏe thì đi làm nhưng gần tháng nay nghỉ ở nhà nên cũng không có thu nhập. Mà có đi làm cũng kiếm được mỗi tháng trên dưới 1 triệu đồng nên không đủ trang trải cuộc sống”, chị tâm sự.
Anh Trần Thân Thương, chồng của chị Mai, bây giờ mỗi ngày bươn chải với nghề xe ôm cũng không đủ nuôi thân, vì thế mọi gánh nặng con cái đều đè nặng lên đôi vai bà Mứt và chị Mai.
Bà Mứt cùng chị Mai
Chị Mai kể, cách đây không lâu, có một vị bác sĩ ở TPHCM ngỏ lời muốn được chữa trị cho chị ở phòng khám tư nhân của ông nhưng chi phí chữa trị lên đến vài trăm triệu đồng. Theo lời chị Mai, ông bác sĩ này chữa trị cũng cốt để tăng cường sức khỏe, chống chọi với bệnh tật chứ không thể làm cho gương mặt trẻ lại, mà số tiền đó quá lớn đối với gia đình nên đành chấp nhận tiếp tục mang bệnh trong người.
Chia tay chị Mai, mẹ chị – bà Mứt – nói như van xin chúng tôi có cách nào giúp con mình thêm một lần nữa được chữa bệnh để khỏe lại và đi làm nuôi hai con nhỏ chứ không mong gì khuôn mặt trẻ lại đúng như cái tuổi của con mình. Bà cũng mong muốn các nhà hảo tâm quan tâm giúp đỡ để con mình được tiếp tục chữa bệnh.
Theo Dantri
Cha già 73 tuổi mong một ngày con có thể tự xúc cơm ăn
Tuổi già, người làm cha làm mẹ đáng lẽ được hưởng phước từ con cái thì người cha 73 tuôi ấy vẫn không ngừng "nuôi" ước mơ cho cậu con trai 36 tuổi: Ước một ngày con có thể tự xúc ăn, tự lo vệ sinh cá nhân...
Năm nay đã bước qua tuổi 73, sức khỏe và thời gian của đời người không cho phép ông có thể nắm mãi tay con.
36 năm bước trên... tay cha
Nhiều năm nay, hình ảnh ông Huỳnh Văn Ẩn với mái tóc bạc trắng, sáng nào cũng tập đi cho cậu con trai Huỳnh Lê Võ tại khuôn viên Nhà thiếu nhi quân Gò Vấp, TPHCM trở nên quen thuộc với nhiều người. Chỉ sau 5 - 10 phút, hai cha con đã đẫm mồ hôi, nhất là người cha phải dùng hết sức đỡ đứa con tật nguyền nặng nhọc mỗi bước đi.
Vậy nhưng buổi tập nào của hai hai con cũng kéo dài từ 6h30 đến 8 giờ sáng. Khi nghỉ, ông lại lấy nước rót nhẹ vào miệng con, cầm khăn lau mồ hôi cho con trong khi mặt mũi, chiếc áo trên người mình đã ướt nhẹm.
Anh Huỳnh Lê Võ chào đời năm 1977, khi nằm trong bụng mẹ chưa được 8 tháng. Người mẹ mang bầu nhưng mỗi ngày từ sáng đến đêm vẫn trằn mình bên chiếc xe đẩy bán bò bía ở khu vực hồ Con Rùa (Q.1). Ngày bà đau bụng sinh, lẽ ra phải mổ nhưng do để muộn nên thai bị ngạt, đứa trẻ bị sang chấn não và rối loạn chức năng vận động.
Ngày ra đời đứa bé tím tái, không có lấy một tiếng khóc, lập tức được chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 2 nuôi trong lồng kính gần tháng trời. Người cha hàng ngày đã đứng ngoài cửa kính nhìn đứa con của mình với những lo lắng ngổn ngang...
Từ nhỏ, tay và đầu đứa bé đã co rút nghiêng hẳn về phía sau, mọi bộ phận gần như không hoạt động như đôi chân co quắp, không cười, không nói và chỉ có thể di chuyển bằng cách... lăn. Sau đó là những ngày tháng miệt mài vợ chồng ông đưa con đi chữa trị, tập vật lý trị liệu. Mỗi lần đưa con vào viện, ông Ẩn lại cần mẫn học từ bác sĩ cách luyện tập phù hợp để về tập cho con.
Lúc đó, ông làm việc ở tận Bình Dương, mỗi ngày đi hàng chục cây số nhưng sáng nào ông cũng dành thời gian tập đi cho con.
Nhờ gần gũi với con, người cha nhận ra mắt con có thể nhìn, tai có thể nghe và đầu óc vẫn hiểu chuyện. Ông quyết định dạy học cho con bắt đầu từ những chữ cái, những phép tính. Không ít người ngạc nhiên hỏi cháu bị như vậy, không đi lại được, cử động cũng rất khó, không thể tự chăm sóc bản thân thì học để làm gì.
36 năm nay, ông Huỳnh Văn Ẩn bước theo từng bước đi của con.
Chỉ với tấm lòng người cha như ông mới biết mình đang làm gì: "Không như những đứa trẻ khác, con tôi không thể đến trường, việc có thể ra khỏi nhà, tiếp xúc với bên ngoài cũng rất khó. Nên cháu cần được mở mang kiến thức qua sách vở, qua vô tuyến để thấy cuộc sống bên ngoài như thế nào và có thêm động lực để sống cho mình", ông Ẩn lý giải.
Bệnh tình như vậy nhưng điều kỳ diệu chỉ sau một thời gian được cha dạy, anh Võ có thể đọc chữ, đọc sách, làm toán... Cho dù lời anh nói rất nặng nhọc, chỉ có bố mẹ mới nghe được, hiểu được anh muốn nói gì.
Nuôi ước mơ cho con để an lòng nhắm mắt
Một đứa con bệnh tật là quá sức với một gia đình kinh tê hạn hẹp như nhà ông Ân. Vợ chồng ông cùng lúc phải gánh nhiều lo toan. Bà ngoại ông Ân bị tai biến nằm một chỗ nhiều năm trời. Bà mất không lâu thì đến lượt mẹ ông Ân nằm một chỗ cũng vì căn bệnh này.
Vợ chồng ông hàng ngày thay phiên nhau ở nhà để chăm sóc người bệnh. Chồng đi làm về, có người "thế chân" người vợ mới tranh thủ đi bán bò bía. Hai vợ chồng chưa từng có lấy giây phút nghỉ ngơi vẫn không thể cáng đáng nổi tiền ăn uống, thuốc thang trong nhà.
Kinh tế gia đình kiệt quệ, nợ nần chồng chất. Đến năm 2004, ông nói với vợ: "Bán nhà thôi bà nó à!". Căn nhà ở Tân Định, nơi ông sinh ra và gắn bó hơn 60 năm, bán đi chuyển về Gò Vấp sinh sống chẳng khác nào cắt đi một khúc ruột.
Mọi sinh hoạt cá nhân, anh Võ đều nhờ vào đôi tay của người cha già.
Cơ cực là vậy nhưng vợ chồng ông Ân không xem việc chăm sóc bà, mẹ, hay đứa con tàn tật là gánh nặng. Ngược lại, đó là một phần cuộc sống để họ yêu thương nên ngay cả những lúc bế tắc nhất vợ chồng vẫn không buông xuôi, không lời oán trách mà còn như có thêm sức mạnh để sống.
Từng ngày sát cánh bên con, chỉ cần một tiến bộ rất nhỏ của con cũng đủ làm cho ông Ẩn thấy hạnh phúc. Trước đây tay và đầu của anh Võ nghiêng hẳn về sau, sau nhiều năm luyện tập anh đã có thể nhìn thẳng đầu và thả lỏng hai tay phía trước nên việc tập đi đỡ phức tạp hơn, anh đã có thể tự đi một đoạn đường ngắn. Tuy vậy, ông Ẩn vẫn phải luôn dang tay đứng cạnh đề phòng con ngã.
Với người cha, đó là một kỳ tích. Cho dù đến nay đã hơn 36 năm vợ chồng thay nhau đút cho từng muỗng cơm, chăm lo mọi vệ sinh cá nhân và họ vẫn đang tiếp tục công việc này.
Sống đến tuổi này, người cha vẫn chỉ có một ước mơ duy nhất: "Con có thể cầm muỗng xúc đồ ăn, có thể chăm sóc vệ sinh cá nhân trước khi tui nhắm mắt".
Nuôi con chừng này tuổi ai cũng mong con thành ông này bà nọ, giàu có, báo hiếu cha mẹ thì với ông, ở tuổi gần đất xa trời vẫn chỉ nuôi một mong ước duy nhất thay con: "Một ngày thằng Võ có thể cầm muỗng tự ăn, biết làm vệ sinh cá nhân... trước khi tui về thế giới bên kia".
Có lẽ vì vậy càng lớn tuổi ông lại càng hăng say tập cho con đi. Chỉ ngày chủ nhật hay hôm nào trời mưa, cha con họ mới vắng mặt tại Nhà thiếu nhi. Kể cả hôm mệt trong người, ông vẫn ráng đưa con ra sân tập bởi hơn ai hết ông hiểu, không tập ngày nào là cơ hội của con ít đi ngày đó... Thời gian và sức khỏe không cho phép ông chờ đợi.
Cuộc sống gia đình đến nay của vợ chồng ông còn nhiều khó khăn nhất là khi tuổi già đã đến, ốm đau bệnh tật và cảnh nằm một chỗ đang chờ đợi sẽ trông hết vào cậu con trai cả năm nay 43 tuổi vẫn chưa dám nghĩ đến việc lấy vợ. Ông vẫn lạc quan nói rằng, con mình sinh ra không được may mắn, cha mẹ nghèo khó nhưng gia đình mình trọn vẹn khi đủ hạnh phúc và tình yêu thương.
Theo Dantri
Thảm kịch cuối đời của người phụ nữ "chồng nọ, con kia" Bất luận vì nguyên nhân động cơ gì, mọi hành vi bất hiếu với cha mẹ đều là tội ác không thể biện minh. Tuy nhiên, sau vụ án bà lão bị con trai "ám sát" này, người địa phương vẫn xót xa "đời mẹ ăn mặn, đời con khát nước", như một cách răn dạy mọi người sống nhân văn, đúng đạo...